Hầu đồng mùa đại dịch Covid-19

Thứ Ba, 18/02/2020, 10:53
Do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp, do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc tại các thủ phủ của giới hầu đồng như đều vắng hẳn những buổi hầu đồng.


Giờ, đã qua đi hơn nửa tháng kể từ ngày 31-1-2020 cả ba cơ quan trong cùng một ngày: Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch, Hội đồng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam đều phát đi công văn yêu cầu dừng tất cả các lễ hội, và tránh tụ tập những nơi đông người do đại dịch viêm đường hô hấp cấp, do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc. 

Lễ hội Yên Tử, lễ hội đền Bà Chúa Kho, hội Lim, hội đền Gióng cùng với hàng trăm lễ hội làng, xã tạm dừng và giới hầu đồng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Tại các thủ phủ của giới hầu đồng như Công đồng Bắc Lệ, đền Chầu Bé Bắc Lệ (Lạng Sơn), Phủ Dầy (Nam Định), Mẫu Đông Cuông Tuần Quán  (Yên Bái), ông Bẩy (Lào Cai) ông Hoàng Mười (Nghệ An), đền Rừng (Long Biên, Hà Nội), đều vắng hẳn những buổi hầu đồng.

Thanh đồng né hầu vì Covid-19

Hằng năm, mỗi dịp đầu năm mới là các thanh đồng lại chộn rộn theo tiếng nhạc, cung đàn để hầu Thánh. Tại các thủ phủ nức tiếng của giới hầu đồng lúc nào cũng đông nghịt người, chật kín ở các cung, từ Tam toà Thánh Mẫu, cung Chúa Sơn Trang, cung Công Đồng, cung cô Chín, cô Bơ, cung Chúa Bà vậy mà hơn chục năm qua chưa có năm nào thanh đồng lại yên ắng như năm nay.

Cảnh vắng vẻ của một giá hầu mùa đại dịch.

Mùa đại dịch mọi người cũng hạn chế đi lại khiến cho đường phố vào những ngày sau Tết vắng vẻ hẳn. Thanh đồng Ngọc Bảo ra trình đồng đã gần chục năm. Năm nào cũng vậy cứ đến rằm tháng Giêng là cậu lại hầu ở đền Sòng (Thanh Hoá). Nhưng, năm nay đúng vào mùa đại dịch, cậu ái ngại nói: “Mình gọi điện mời những người quen nhưng người thì nói đang ở quê, người lại nói bị ốm. Chắc mọi người ngại đến chỗ đông người vì đang mùa đại dịch. 

Ngọc Bảo vẫn hầu vào ngày rằm tháng Giêng, nhưng lần này khách dự hầu vắng hơn hẳn những lần trước. Người dự hầu đa phần là người nhà. Mà cũng chưa thấy cái cảnh nào lại lạ lùng như thế che khẩu trang. Chị gái của Ngọc Bảo phải đưa thằng bé 6 tuổi đi để dự cậu hầu vì ở nhà không có ai trông. Nó nói với mẹ: “Trông mọi người cứ như là ninza í mẹ nhỉ”.

Cung văn thất thu mùa đại dịch Covid-19.

Đức Long (Long “tây”) là một thanh đồng có tiếng ở khu phố cổ Hà Nội, anh bảo, mùa đại dịch tất cả các hoạt động giải trí, lễ hội, văn hoá tâm linh tín ngưỡng đều bị đình trệ, giới hầu đồng cũng bị ảnh hưởng lớn. Như mọi năm tháng giêng là tháng các thanh đồng làm lễ dâng Thánh, Mẫu cầu cho năm đấy vận hạn hanh thông, dung mạo xinh đẹp, tài lộc dồi dào, công danh thành đạt, nhà cửa an khang, vợ chồng đầm ấm, con cái hiếu thuận. 

Nhưng năm nay vào mùa đại dịch, người ta ngại đi lại, tại các thủ phủ của giới hầu đồng như Công Đồng Bắc Lệ (Lạng Sơn), đền thờ cô Chín Giếng, đền Sòng Sơn (Thanh Hoá), ông Hoảng Bẩy (Bảo Hà), ông Hoàng Mười (Nghệ An), Đông Cuông Tuần Quán (Yên Bái), đền thờ cô Chí Mìu (Bắc Giang)  không còn có cảnh chen chúc, lấn át nhạc loa của các thanh đồng tại các ban thờ trong không gian tâm linh tín ngưỡng. 

Không còn cảnh hầu thâu đêm suốt sáng. Số lượng người đến hầu và dự hầu vắng hẳn. Khách đến dự hầu còn mang theo dầu gió đổ khắp chiếu để phòng dịch cúm, mùi dầu gió và mùi hương quện lại khiến cho thanh đồng hai mắt cay xè, chảy nước, đỏ hoe. Bản thân anh, hai vợ chồng không thống nhất được, vợ muốn chồng dừng hầu tạm thời trước dịch cúm vì sợ đến nơi đông người rồi về đổ bệnh cho con nhỏ. 

Bản thân Long rất muốn hầu nhưng cũng ngại vợ, từ hồi cưới nhau đến giờ đã 5 năm nay anh vẫn nổi tiếng là một người yêu chiều vợ. Ngày lễ tình yêu 14-2, Valentin, Long hỏi vợ thích quà gì? Vợ anh thủ thỉ với chồng, bảo không muốn anh làm lễ hầu đồng trong mùa đại dịch. Bên vợ, bên hầu khiến cho anh phân vân mãi.

Bà Đặng Thị Nhiễu, thủ nhang đền Rừng (Long Biên, Hà Nội).

Chuyện của ngôi đền thủ phủ giới hầu đồng Hà Nội

Đền Rừng, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên nằm không quá xa trung tâm thành phố Hà Nội. Đền Rừng có mặt chính của ban Công Đồng nhìn ra sông Hồng sóng nước mênh mang. Trước mặt là khoảng sân rộng với những chậu cây cảnh đâm chồi non, lộc biếc. Đây là ngôi đền cổ của làng Gia Thượng, là Di tích lịch sử đã được xếp hạng. 

Tính đến thời điểm này, Hội Di sản văn hoá Việt Nam chọn đền Rừng làm địa điểm tổ chức diễn xưởng hầu đồng 4 lần. Ngày 14-2 (21 tháng 1 âm lịch) chúng tôi đến ngôi đền nức tiếng, thủ phủ của giới hầu đồng tâm linh thờ Tam - Tứ Phủ của người Việt.

Chỉ có cô đồng và một vài người dự hầu đồng trong mùa đại dịch.

Mới bước qua cánh cổng tam quan đã nghe thấy tiếng đàn ca, sáo nhị réo rắt, tiếng hát trầm bổng véo von, văn cô Đôi Thượng Ngàn. Đang có người hầu ở cung Tam toà Thánh Mẫu. Trước đó, ở ban Công đồng cũng có một nhóm người đang hầu vào giá chầu quan Đệ Tam.  

Ở bên cung Quan Tam có một nhóm khác đang hầu. Nhưng trái với cảnh thường thấy khi sang đền Rừng khách ngồi hai bên chật cứng, kín cả đằng sau, lần này khách ở các cung dự hầu vắng ngắt. Thậm chí ở hai cung Tam toà Thánh Mẫu, cung Quan Tam chỉ có cô đồng với ba cung văn, cùng dăm bẩy người dự hầu. 

Các thanh đồng đang say trong cung đàn tiếng hát. Người yểu điệu thục nữ khi vào giá Cô. Người nhí nhảnh khi vào giá Cậu. Người lại oai phong lẫm liệt khi vào giá Quan. Tuy đến ba cung đều có thanh đồng hầu thánh nhưng người đến dự không đông nên quang cảnh ngoài sân đền vẫn có phần vắng lặng.  

Quang cảnh hầu đồng mùa đại dịch Covid-19.

Cụ Đặng Thị Nhiễu 84 tuổi, thủ nhang đồng đền cho biết: “Năm nay, các thanh đồng làm ăn khó khăn lại vào mùa đại dịch nên người hầu ít hẳn, số lượng chỉ bằng 1/4 các năm trước. Cả ngôi đền có 4 cung để hầu, cung Tam Toà Thánh Mẫu, cung Công Đồng, cung Mẫu Thượng Ngàn, cung Quan Tam nhưng hôm nay mới có đến 3 người hầu, chứ mấy hôm trước vắng lắm”. 

Cụ Nhiễu kể: “Hằng năm, tháng Giêng là tháng các thanh đồng hầu nhiều nhất. Có những năm đông người hầu đồng, có khi đám hầu đồng này chưa kịp xong thì đám khác đã đợi sẵn. Người ra, kẻ vào cứ nườm nượp. Thậm chí ai muốn làm lễ hầu Thánh phải đặt lịch từ trước cả tháng mới có chỗ trống để vào hầu. 

Nhiều khi, gặp ngày đẹp vào tháng Giêng chẳng còn chỗ trống, có thanh đồng còn xin với nhà đền được hầu ban đêm đến tờ mờ sáng mới xong. Năm nay mùa đại dịch, người ta chỉ cúng lễ và viết sớ dâng sao giải hạn rồi xin khất hầu, thỉnh thoảng mới có người hầu. Mà ngay cả hầu đồng cũng không đông vui, nhộn nhịp như những năm trước. Có khi người đến dự hầu có mặt một lúc rồi về chứ không ngồi dự từ đầu đến cuối buổi (khoảng 4 - 5 tiếng đồng hồ).”

Cụ Nhiễu cũng cho biết thêm, nhà đền có mấy nhóm cung văn, mọi năm vào tháng giêng là mùa làm ăn của họ, lịch đi đàn hát tấp nập, làm không hết việc. Năm nay vì vào mùa đại dịch, người hầu đồng ít hẳn, họ cũng bớt cả khoản thu nhập. Dịch Covid-19 ảnh hưởng cả thu nhập của những người làm nghề như cánh cung văn cũng thất thu hẳn. Người trang trí hoa dâng Mẫu, dâng Thánh, những tay Quỳnh, tay Quế (làm nghề sửa soạn khăn áo cho thanh đồng) cũng ít việc, kéo theo sự khó khăn, chật vật về kinh tế.

Mỹ Trân
.
.
.