Hàng ngàn binh sĩ Mỹ muốn rời bỏ quân ngũ vì sợ… COVID-19

Thứ Ba, 16/06/2020, 09:01
Số lượng binh sĩ Mỹ nhiễm COVID-19 đã vượt quá con số 10.000 người vào tuần đầu tiên của tháng 6. Hôm 9-6, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng xác nhận rằng Lực lượng Vệ binh quốc gia đã ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc virus SARS-CoV-2 do không đeo khẩu trang khi được triển khai để đảm bảo an ninh ở thủ đô Washington D.C. 

Cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19 đang khiến Bộ Quốc phòng Mỹ lúng túng nhất là khi ngày càng có nhiều binh sĩ muốn rời quân ngũ.

Tăng 31% người nhiễm COVID-19 trong vòng 1 tuần

Báo cáo từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, các trường hợp nhiễm COVID-19 trong quân đội nước này đã vượt con số 10.000 người và chỉ riêng trong tuần đầu tiên của tháng 6 là tăng tới 31%. Niềm an ủi duy nhất là đến nay, số ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong quân đội Mỹ đã dừng lại ở con số 36 người, tỷ lệ là 0,3%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tỷ vong trên toàn nước Mỹ là 5,8%. Theo tờ Military, hiện Hải quân vẫn là quân chủng bị có số binh sĩ nhiễm COVID-19 đông nhất với 3.000 người, tiếp đến là Thuỷ quân lục chiến và Không quân.

Kiểm tra nhiệt độ đối với các binh sĩ trong một khoá đào tạo ở căn cứ quân sự hồi tháng 3. ảnh: AP

“Khi đại dịch lan rộng khắp nước Mỹ, việc xử lý trong quân đội ban đầu chỉ dừng lại ở các nhân viên dịch vụ các thành viên gia đình các binh sĩ. Khi đó, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu quyết định tiếp tục tập luyện và làm việc trong văn phòng có phải là cách tiếp cận khôn ngoan nhất để ngăn chặn căn bệnh này.

Nhưng đến ngày 15-3, Lầu Năm Góc đã ban hành lệnh ngừng di chuyển cho quân đội; nâng cao mức bảo vệ sức khỏe, hạn chế nhiều người vào căn cứ quân sự và bắt buộc phải đeo khẩu trang trên tàu. Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cho biết, quân đội đã "chiến đấu tốt" chống lại virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại”, tờ Military viết.

Nỗi lo ấy một lần nữa lại được đưa lên ở mức báo động khi có thông tin về việc nhiều binh sĩ dẹp loạn trên đường phố Mỹ cũng bị nhiễm COVID-19. Trả lời phỏng vấn báo giới hôm 9-6, Người phát ngôn của Lực lượng Vệ binh quốc gia tại thủ đô Washington (DCNG) Brooke Davis thừa nhận, một số binh sĩ thuộc lực lượng này đã được xét nghiệm và dương tính với virus SARS-CoV-2.

Ngày 10-6, theo lệnh của Tổng thống Donald Trump, các binh sĩ của Lực lượng Vệ binh quốc gia của các tỉnh được huy động đến hỗ trợ Washington đối phó với biểu tình bạo loạn sẽ rời thủ đô, nhưng binh sĩ nào có kết quả dương tính với COVID-19 sẽ bị giữ lại cho đến khi khỏi bệnh...

Nhiều binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia tham gia dẹp loạn trên đường phố Mỹ cũng bị nhiễm COVID-19. ảnh: AP

Mối nguy từ cuộc sống "lượn siêu tốc"

Theo nhiều tờ báo Mỹ, trong những tháng vừa qua, nhiều binh sĩ Mỹ đã tỏ ra mệt mỏi với cuộc sống trong quân đội. Cái họ lo ngại không phải là sự vất vả, khó nhọc mà những mối nguy lớn đối với gia đình trong mùa dịch COVID-19. Chồng một nữ quân nhân Mỹ tên là Alice nói: “COVID-19 đã cho chúng tôi thấy những gì tốt nhất và tồi tệ nhất trong cấu trúc quân sự của Mỹ.

Gia đình chúng tôi đã đi khắp nơi và chúng tôi mệt mỏi. Tôi chỉ muốn vợ về nhà”. Người chồng này cũng kể rằng nhiều thành viên trong cộng đồng gia đình quân đội Mỹ đều mong muốn điều này bởi họ không còn xa lạ gì với cuộc sống “lượn siêu tốc” (tức di chuyển nhiều, nhanh và tức thì). Nhưng những khó khăn của thời điểm hiện tại đã tạo ra một căng thẳng chưa từng có trong cuộc sống của họ.

“Chỉ vài tuần sau khi trở về từ một cuộc triển khai mệt mỏi ở Trung Đông, vợ tôi lại được gọi lại và được phái đi một lần nữa - lần này là một phần của phản ứng COVID-19. Lệnh triệu tập cô ấy không xác định thời gian cụ thể và cô ấy đã ở trong tình trạng bấp bênh tại Texas trong 7 tuần, cách xa nhà hàng trăm dặm và chờ đợi lãnh đạo ra quyết định mới xem các binh sĩ sẽ làm gì.

Khó có thể mô tả tình huống này gây khó chịu cho cô và gia đình như thế nào. Lần triệu tập trước của cô ấy đã kéo dài 10 tháng”, chồng Alice kể. Cuối cùng, vào tháng 4, do căng thẳng về sức khỏe tâm thần, Alice đã xin nghỉ phép và 12 ngày sau thì cô được chấp thuận rời quân ngũ.

“Vợ tôi là người tiêu biểu cho đạo đức quân sự. Cô gia nhập lực lượng vũ trang sau ngày 11-9-2001 vì muốn có tác động tích cực đến thế giới. Tuy nhiên, những tương thích rõ ràng có thể không còn đủ. Vợ tôi không bao giờ nói về việc rời khỏi quân đội, cho đến tận bây giờ”, chồng Alice kể.

Còn Alice thì tâm sự: “Các thành viên của gia đình binh sĩ rất kiên cường. Sau khi chiến đấu trong một cuộc chiến trong hai thập kỷ, chúng tôi đã quen với việc duy trì nhịp độ hoạt động không bền vững. Nhưng COVID-19 đã khiến ngay cả những người gan dạ nhất của chúng tôi phải đặt câu hỏi về tương lai của mình trong các lực lượng vũ trang”.

Nhiều binh sĩ nam muốn rời quân ngũ nhưng lại không chắc chắn về công việc nên xin gia hạn thời gian phục vụ. ảnh: Bloomberg.

Hãng VOA dẫn lời một quan chức quân đội Mỹ cho hay, trong thời điểm khủng hoảng COVID-19 diễn ra trên diện rộng ở nước này, số binh sĩ bày tỏ nguyện vọng muốn rời quân ngũ đã gia tăng, trong đó nữ giới chiếm tới 70%. Báo cáo từ Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ thì cho hay, tỷ lệ nữ giới trong lực lượng vũ trang Mỹ đã tăng từ 15,1% năm 2004 lên 16,5% năm 2018, trong đó Hải quân chứng kiến sự gia tăng lớn nhất trong 15 năm qua.

Không quân luôn có tỷ lệ phụ nữ phục vụ cao nhất (chiếm gần 1/5 toàn bộ). Vì nữ giới chỉ chiếm chưa đầy 1/3 nhóm tuyển dụng tiềm năng, kết hợp với dữ liệu cho thấy phụ nữ rời dịch vụ với tỷ lệ cao hơn nam giới khiến cho việc giải quyết khoảng cách giữa hai giới vẫn chưa khả quan.

Các nhà phân tích thì chỉ ra rằng khả năng phụ nữ tách khỏi lực lượng vũ trang cao hơn 30% so với nam giới và tỷ lệ thăng tiến của nữ giới trong lực lượng này bị tụt lại phía sau nam giới. Và phần lớn nữ giới rời quân ngũ bởi 6 lý do: lịch làm việc, văn hóa tổ chức, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc phụ thuộc, phương pháp triển khai và tấn công tình dục.

COVID-19 đã khiến nhiều nữ binh sĩ và gia đình mệt mỏi với cuộc sống “lượn siêu tốc” trong quân ngũ.

Trong khi đó, nam giới cũng có nhiều người muốn rời bỏ quân ngũ do không chịu nổi áp lực hoạt động của quân đội. Tuy nhiên, khó khăn tài chính đã buộc họ phải chấp nhận ở lại dù không thích. Như trường hợp Trung sĩ Antonio Gozikowski chẳng hạn. Anh này đã lên kế hoạch rời khỏi quân đội Mỹ vào tháng 7 để học đại học.

Antonio Gozikowski đã phục vụ sáu năm trong quân đội và mục tiêu của anh là thi vào Đại học Y để trở thành Nha sĩ và mở phòng khám riêng. Nhưng cuộc khủng hoảng sức khỏe mang tên COVID-19 đang buộc các trường đại học phải xem xét các lớp học trực tuyến hoặc giảm việc học trực tiếp tại trường.

Việc làm ngoài xã hội thì bị giảm, số người thất nghiệp gia tăng nên nếu không học, Antonio Gozikowski cũng lo mình khó có thể tìm được một việc mang lại thu nhập ổn định. Vì vậy, anh đã quyết định đăng ký thêm một một chương trình quân đội mới và gia hạn nghĩa vụ quân sự thêm 6 tháng nữa.

“Mối lo ngại về công việc trong tương lai hoặc các lớp học đại học đang khiến nhiều binh sĩ Mỹ hoãn hoặc tạm huỷ kế hoạch rời ngũ của mình. Thực tế thì các điều kiện kinh tế suy yếu làm cho công việc trong quân đội với tiền lương và những lời ích khác được đảm bảo trở nên hấp dẫn hơn nhiều”, tờ Los Angeles nhận xét.

Theo hãng AP, Antonio là một trong hàng trăm thành viên binh sĩ đã chấp nhận gia hạn ngắn hạn thời gian trong quân ngũ. Số lượng lớn các cá nhân chọn ở lại trong lực lượng vũ trang được kỳ vọng là bù đắp cho bất kỳ sự thiếu hụt nào về số lượng tân binh do đại dịch COVID-19 gây ra và giúp quân đội Mỹ đáp ứng tổng số quân đội cần thiết cho đến cuối năm nay.

Khánh Chi (tổng hợp)
.
.
.