Hàng loạt sai phạm ở nhà thuốc Minh Châu
- 38kg tân dược hết date "trà trộn’ trong nhà thuốc
- Phát hiện nhà thuốc bán hàng trăm mặt hàng đông dược không nguồn gốc
- Nhà thuốc đạt chuẩn vẫn sai phạm
Kiểm tra 4 nhà thuốc, phát hiện nhiều sai phạm
Chiều 2-6, thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết, UBND TP Hồ Chí Minh vừa ra quyết định xử phạt một loạt nhà thuốc thuộc hệ thống nhà thuốc Minh Châu (đường Hai Bà Trưng, quận 1) do mắc phải nhiều lỗi vi phạm, nhất là buôn bán tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng lậu…
Trước đó, sau nhiều tháng theo dõi, lực lượng Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã cùng lúc ập vào hệ thống nhà thuốc Minh Châu trên đường Hai Bà Trưng ở quận 1, quận 3 và đã phát hiện hàng chục ngàn đơn vị thuốc chữa bệnh - trong đó có nhiều loại thuốc đặc trị, thuốc kháng sinh, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm kinh doanh ở đây đều không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc thuốc, nói cách khác đây là hàng nhập lậu.
Theo ghi nhận từ cơ quan Quản lý thị trường, hệ thống nhà thuốc Minh Châu cùng lúc có tới 4 nhà thuốc hiệu Minh Châu nằm gần nhau kinh doanh với số lượng thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm khá lớn. Qua hoạt động nắm bắt địa bàn, Đội Quản lý thị trường 5A đã đặt nghi vấn hệ thống nhà thuốc Minh Châu buôn bán tân dược lậu nên giữa tháng 5-2016 đã quyết định đồng loạt kiểm tra, từ đó phát hiện hàng loạt sai phạm khá nghiêm trọng.
Các nhà thuốc Minh Châu bán hàng ngàn đơn vị thuốc được cho là hàng nhập lậu. |
Một điểm đáng chú ý, theo đại diện nhà thuốc Minh Châu tại số 380 Hai Bà Trưng, dù có cùng tên giống nhau nhưng thực ra các nhà thuốc Minh Châu này không cùng hệ thống và không cùng chủ. Trong quyết định xử phạt của UBND TP Hồ Chí Minh, đứng tên pháp nhân bị xử phạt của các nhà thuốc này cũng là bốn cái tên khác nhau.
Theo ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, bên cạnh việc xử phạt nhà thuốc Minh Châu số 431 Hai Bà Trưng do bà Trần Thị Phương Trà đứng tên với tổng số tiền phạt 94 triệu đồng do không thực hiện mở sổ theo dõi hoạt động mua bán thuốc, phát hiện hơn 22.000 sản phẩm tân dược nhập lậu, sáng 2-6, ba nhà thuốc tiếp theo thuộc hệ thống này cũng đã nhận được quyết định xử phạt.
Hồ sơ của cơ quan chức năng cho thấy tại nhà thuốc Minh Châu (số 402A Hai Bà Trưng, quận 1) do bà Đoàn Nguyễn Nhật Thảo đứng tên kinh doanh rất nhiều mặt hàng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, trong đó có rất nhiều sản phẩm nguồn gốc không rõ ràng, chứng từ chưa đầy đủ. Cơ quan chức năng đã tịch thu tại nhà thuốc này 11.182 đơn vị sản phẩm gồm tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm.
Còn nhà thuốc Minh Châu cũng trên đường Hai Bà Trưng do ông Lâm Đạo Hoàng Nam đứng tên cũng bị tịch thu 2.646 đơn vị sản phẩm gồm tân dược, thực phẩm chức năng cùng với các lý do tương tự.
Điều đáng nói, mặc dù đã từng bị cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện các sai phạm, nhưng nhà thuốc Minh Châu (số 380 Hai Bà Trưng, quận 1) do bà Trương Uyên Phương đứng tên vẫn tái phạm. Tại nhà thuốc này, cơ quan Quản lý thị trường phát hiện nhiều hành vi vi phạm như không thực hiện mở sổ theo dõi hoạt động mua bán thuốc, giấy tờ, chứng từ thuốc không đầy đủ.
Đặc biệt, trước đó nhà thuốc này đã bị tước chứng chỉ hành nghề, quyền sử dụng giấy chứng nhận kinh doanh thuốc, nhưng trong lần kiểm tra vào tháng 5 mới đây nhà thuốc vẫn tiếp tục vi phạm. Nhà thuốc này cũng đã bị tịch thu 774 đơn vị sản phẩm gồm chai, lọ, tuýp thực phẩm chức năng, tân dược, mỹ phẩm…
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND TP Hồ Chí Minh. |
Tổng số tiền UBND TP Hồ Chí Minh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính các nhà thuốc kể trên là gần 400 triệu đồng; trong đó riêng nhà thuốc Minh Châu số 380 Hai Bà Trưng, quận 1 bị xử phạt với tổng số tiền phạt 110 triệu đồng…
Vụ việc này được đánh giá là vụ phát hiện tân dược lậu đầu tiên với số lượng lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Coi thường sinh mạng người dân
Ngày 2-6, trao đổi với báo chí, ông Phan Hoàn Kiếm cho biết, ngay sau khi thanh tra, kiểm tra hệ thống nhà thuốc Minh Châu, các nơi này chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, nguồn gốc các loại thuốc, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, như vậy có thể kết luận rõ ràng đây là hàng lậu (dù trên các bao bì, hộp thuốc đều có đề tên đơn vị nhập khẩu, đơn vị phân phối, lô hàng, hạn sử dụng... - PV).
Riêng về chất lượng của thuốc thật hay giả, có ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân hay không thì phải có sự phối hợp kiểm nghiệm của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. Nếu phát hiện thuốc giả, kém chất lượng thì sẽ có phương án xử lý tiếp hành vi buôn bán thuốc giả, kém chất lượng. Sau khi xử phạt, cơ quan Quản lý thị trường sẽ đề nghị tiêu hủy toàn bộ lô hàng này.
Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, sai phạm của bốn nhà thuốc Minh Châu đã được UBND thành phố kết luận theo báo cáo của ngành quản lý thị trường và đưa ra hình thức xử phạt cụ thể nên việc kiểm tra chất lượng của lô hàng là không cần thiết.
Tiến sĩ Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh lý giải: "Bởi vì tính pháp lý của thuốc đã không có rồi thì không cần phải đặt ra vấn đề phải kiểm tra thuốc có chất lượng hay không. Vấn đề đặt ra là người tiêu dùng mua thuốc của cơ sở đó, khi có yêu cầu kiểm tra từ người tiêu dùng thì cơ sở đó phải chịu trách nhiệm".
Một số loại thuốc của các nhà thuốc bị Chi cục Quản lý thị trường thu giữ. |
Trao đổi với báo chí về vụ việc này vào chiều 2-6, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, những sai phạm của hệ thống nhà thuốc Minh Châu là rất nghiêm trọng, tái phạm, coi thường sinh mạng của người dân. PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan cũng khẳng định, đang yêu cầu Thanh tra Sở Y tế báo cáo vụ việc và sớm có hướng xử lý.
Sau khi quản lý thị trường xử lý xong, với trách nhiệm quản lý hoạt động về dược, Sở Y tế sẽ xem xét vi phạm tới đâu thì xử lý tới đó, như về mặt chuyên môn có thể rút giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, rút chứng chỉ hành nghề dược người đứng tên nhà thuốc, rút chứng nhận thực hành tốt nhà thuốc (GPP). Đồng thời có thể đề nghị chuyển cơ quan Công an điều tra về hành vi buôn lậu.
"Qua vụ việc này, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị toàn bộ hệ thống y tế của thành phố phải xem lại.Số lượng thuốc nhập lậu lớn đến như thế, tồn tại trên địa bàn một quận trung tâm của thành phố mà Phòng Y tế quận 3 không biết gì là không thể chấp nhận.Lãnh đạo Sở Y tế cũng chất vấn Thanh tra Sở vì trong các đợt kiểm tra từ đầu năm vừa qua đến nay không phát hiện việc này", PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, Sở Y tế và Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã liên tục kiểm tra và phát hiện nhiều vụ thuốc làm giả nhãn hiệu, kém chất lượng ngang nhiên bày bán công khai. Và có thể nói việc thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc chữa bệnh là rất cần thiết sau những chỉ đạo về quản lý chặt chẽ mặt hàng thuốc chữa bệnh và thực phẩm của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh.Tuy nhiên, vấn đề quản lý thuốc bày bán tại các hiệu thuốc vẫn là điều đáng lo ngại.
Hiện, Sở Y tế thường đi kiểm tra các hiệu thuốc trên địa bàn thành phố theo chu kỳ 3 hoặc 4 tháng/lần. Còn Thanh tra Sở thì có thể đi kiểm tra bất cứ lúc nào, thời gian nào. Nhưng đơn vị thường đi kiểm tra khi người dân phát hiện ra thuốc có vấn đề và báo lên các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, điều này cũng rất khó khăn bởi việc phân biệt đâu là thuốc thật hay giả, rồi thuốc lậu hay không thì ngay cả người trong ngành cũng khó mà phân biệt ngay được.
Cụ thể, từ trước tới giờ người dân đã mua thuốc tại bốn nhà thuốc Minh Châu cũng không thể biết được thuốc mình đã sử dụng có an toàn hay không, bởi cho đến thời điểm này, chất lượng của lô thuốc nhập lậu đã bị tịch thu vẫn chưa có cơ quan nào kiểm nghiệm chính thức. Và như một lẽ thường, khi bệnh tật thì đương nhiên phải uống thuốc, và cứ thế người dân sẽ không tránh khỏi hoang mang và lo lắng trước sản phẩm thuốc uống vào người, liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của bản thân.