Hàng chục tỷ USD được đưa ra để giúp đối phó với COVID-19

Chủ Nhật, 08/03/2020, 15:06
Ngày 3/3, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố gói hỗ trợ tài chính trị giá 12 tỷ USD để giúp các nước đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch WB David Malpass cho biết, mục tiêu của gói hỗ trợ này là nhằm cung cấp hành động nhanh chóng, hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của các quốc gia, đặc biệt là các nước nghèo đang phải "oằn mình" chống chọi với sự lây lan của dịch Covid-19.

Kinh tế thế giới thiệt hại 1.000 tỷ USD vì COVID-19

Một tháng sau khi dịch COVID-19 buộc các nhà máy ở Trung Quốc phải đóng cửa,  các nhà kinh tế cảnh báo rằng việc Trung Quốc ngừng sản xuất kéo dài có thể làm tê liệt bộ máy sản xuất toàn cầu và khiến thế giới thiệt hại tới 1.000 tỷ USD.

WB hỗ trợ tài chính 12 tỷ USD giúp các nước đối phó với dịch COVID-19.

Theo ước tính của Viện Toàn cầu McKinsey, Trung Quốc hiện chiếm gần một phần ba tăng trưởng GDP thế giới, vượt xa mức 3% vào năm 2000. Các nền kinh tế châu Á phụ thuộc đặc biệt đáng kể vào Trung Quốc. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2000, Trung Quốc chỉ chiếm 1,2% thương mại toàn cầu. Đến năm 2018, thị phần của Trung Quốc vọt lên 30%. Ở châu Á, thị phần của Trung Quốc tăng từ 16% lên 41% trong quãng thời gian này.

Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu thể hiện rõ khắp mọi nơi. Tại châu Âu, các công ty dịch vụ tàu container cảnh báo lợi nhuận sẽ sụt giảm khi hàng chục chuyến vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc bị hủy bỏ. Australia, một trong những nền kinh tế lớn của châu Á cũng đang lao đao. Hai thập kỷ trước, Trung Quốc chỉ là đối tác thương mại nhỏ của Australia.

Nhưng khi tập trung đầu tư vào công nghiệp, Trung Quốc ồ ạt mua quặng sắt và than lớn từ Australia. Năm 2019, thị trường Trung Quốc chiếm gần 40% xuất khẩu của Australia.

Sự suy thoái cũng đã tràn sang các ngành công nghiệp phụ trợ. WiseTech Global, công ty cung cấp phần mềm đám mây để theo dõi các sản phẩm, hạ dự báo doanh thu năm 2020. WiseTech cho biết những biện pháp chống dịch tại Trung Quốc buộc hãng hoãn ra mắt các tính năng sản phẩm mới. CEO Richard White mô tả: "Đây là sự kiện hàng chục năm mới xảy ra một lần".

Gói hỗ trợ 12 tỷ USD của WB với nguồn lực tổng hợp từ Hiệp hội Phát triển thế giới (IDA), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) và Công ty Tài chính quốc tế (IFC). Cụ thể: 2,7 tỷ USD nguồn tài chính mới từ IBRD, 1,3 tỷ USD tài trợ mới từ IDA và 2 tỷ USD tái cơ cấu danh mục đầu tư hiện có, cộng thêm 6 tỷ USD từ IFC. Gói hỗ trợ sẽ được triển khai trên phạm vi toàn cầu nhằm hỗ trợ các chương trình thích ứng phù hợp với bối cảnh của từng quốc gia.

Gói tài chính này bao gồm viện trợ không hoàn lại và vay lãi suất thấp từ IDA cho các quốc gia có thu nhập thấp và các khoản vay từ IBRD cho các quốc gia có thu nhập trung bình, áp dụng cho tất cả các công cụ tài chính của Ngân hàng thông qua quy trình rút gọn.

Ngoài ra, IFC sẽ hỗ trợ các khách hàng duy trì hoạt động kinh doanh và đảm bảo việc làm; phối hợp với các ngân hàng thương mại mở rộng hoạt động tài chính thương mại và dòng vốn lưu động. IFC cũng sẽ trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực trọng yếu như thiết bị y tế và dược phẩm, nhằm duy trì chuỗi cung ứng và hạn chế rủi ro.

Những giải pháp này sẽ dựa trên bài học rút ra từ các dịch bệnh trước đây với mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19 tới kinh tế - xã hội trên toàn cầu.

Nhiều quốc gia chi hàng tỷ USD để chống dịch

Hiện một số nước cũng đã đưa ra các gói tài chính để đối phó với COVID-19. Chính phủ Hàn Quốc ngày 4-3 đã công bố gói ngân sách bổ sung 11.700 tỷ Won (tương đương 9,8 tỷ USD) nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ nền kinh tế. Đây là gói ngân sách bổ sung ứng phó dịch bệnh lớn nhất từ trước đến nay của Hàn Quốc. Gói ngân sách bổ sung trên cần được Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn trước khi được giải ngân.

Theo Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki, 2.300 tỷ Won trong gói ngân sách này sẽ được phân bổ cho các cơ sở y tế đầu tư cho thiết bị y tế, giường bệnh và các phương tiện chữa trị cho người bệnh.

Trước đó, Chính phủ Singapore quyết định chi 4,02 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat cho biết, chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giữ công nhân, quản lý chi phí lương thưởng. Nhà chức trách sẽ có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ 5 ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch, hàng không, bán lẻ, thực phẩm và dịch vụ vận tải.

Trong khi đó, ngày 5-3 (giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump xác nhận trên Facebook rằng Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản ngân sách khoảng 8 tỷ USD để chống dịch COVID-19.

Dự thảo ngân sách được thông qua với tỷ lệ 415 phiếu thuận và 2 phiếu chống này sẽ cung cấp 7,8 tỷ USD cho cuộc chiến chống dịch COVID-19 và thông qua nguồn ngân sách bắt buộc là 500 triệu USD trong 10 năm cho chương trình chăm sóc y tế từ xa. Văn bản đã được gửi tới Thượng viện và các lãnh đạo Thượng viện dự kiến sẽ thông qua chậm nhất vào cuối tuần.

Ngọc Trang (Tổng hợp)
.
.
.