Góc khuất đời công nhân

Thứ Năm, 17/10/2019, 08:54
Công việc đã chiếm gần hết thời gian cả ngày, cả tuần của công nhân. Ngủ là ưu tiên hàng đầu khi có chút thời gian rảnh. Thú vui của công nhân là nằm dài ở nhà trọ xem tivi. Với nam công nhân, nhậu nhẹt đã trở thành một loại hình giải trí, với nhiều hệ lụy. Đây là bức tranh có phần tối màu của một bộ phận công nhân tại TP HCM hiện nay.


Áp lực công việc nặng nề

Chị Đỗ Thị Thanh Huyền (quê ở Trà Vinh), làm công nhân tại Khu công nghiệp (KCN) Tân Bình, TP HCM, có hoàn cảnh rất khó khăn. Đáng nói là nhiều khi chị vừa nhận lương đã phải trả nợ.

Theo chị Huyền, chồng mất đã lâu, để lại một con nhỏ, năm nay đang học lớp 5. Chị mới đi "bước nữa" cách đây chưa lâu. Hai vợ chồng và con riêng của chị chung sống trong một phòng trọ chỉ rộng chừng 9m². Hiện vợ chồng chị Huyền đều làm công nhân, thu nhập của cả hai vợ chồng từ 8-9 triệu đồng (mỗi người chỉ được 4-4,5 triệu đồng/tháng). 

Riêng tiền thuê phòng trọ mỗi tháng, điện, nước đã hết khoảng 2 triệu đồng, nên dù đã chi tiêu dè sẻn hết mức có thể, nhưng gia đình chị luôn trong tình cảnh "thiếu trước hụt sau". Việc phải đi vay tiền đối với chị vẫn diễn ra thường xuyên. Nên nhiều khi đến tháng nhận lương là chị phải lo đi trả nợ.

Cũng tương tự, vợ chồng chị H.T.A (33 tuổi), đang làm công nhân may của một công ty ở khu chế xuất (KCX) Tân Thuận, TP HCM, có hai con nhỏ nhưng phải gửi con về nhà nội nuôi giúp. Chị A. cho biết quê ở Lạng Sơn vào TP HCM lúc 17 tuổi. Thời gian đầu mới vào thành phố, chị làm thợ may cho một nhà may tư nhân được 6 năm. Sau đó, chị xin vào làm ở công ty (tính đến nay được 10 năm). 

Lấy chồng năm 26 tuổi, chồng chị làm thợ xây dựng. Hai vợ chồng có hai đứa con trai, đứa lớn 4 tuổi, đứa nhỏ 15 tháng. Cả hai con hiện đang được gửi về quê cho bà nội ở Cần Thơ nuôi. Hiện hai vợ chồng chị sống chung với một người em ở quận Tân Phú, thuê căn phòng nhỏ khoảng 12m2, có gác lửng, không có sổ tạm trú. 

Hiện thu nhập của công nhân hầu như không đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày…

"Thu nhập trung bình hằng tháng lương cơ bản 4,3 triệu đồng, phụ cấp nhà trọ 200 ngàn đồng, tiền chuyên cần 200 ngàn đồng, tổng cộng 4,7 triệu đồng. Nếu tháng nào tăng ca nhiều thì em được 5,6 triệu đồng. Chồng em làm công nhân xây dựng, mỗi tháng thu nhập trung bình khoảng 6 triệu đồng, nhưng chồng em không phải tăng ca như em.

Thường một tuần chị A. tăng ca khoảng 4 ngày và làm tới 20h mới được về. Theo chị A. không thể không tăng ca dù có lúc vô cùng mệt mỏi. Lý do là vì công ty có nhiều hợp đồng phải hoàn tất, nhưng nhiều khi công nhân làm không đủ sản phẩm quy định trong ngày, công ty bắt phải làm thêm giờ để hoàn thành định mức. Nếu mệt quá bỏ về không xin phép thì bị lập biên bản; nếu xin nghỉ làm thêm giờ có phép một ngày thì bị trừ tiền chuyên cần 200 ngàn đồng/tháng.

Với mức thu nhập như vậy, ngoài tiền nhà trọ, ăn uống, chi tiêu, vợ chồng chị A. còn phải dành ra phần lớn để gửi về cho bà nội nuôi dưỡng hai con giúp mình… Do đó, hầu như vợ chồng chị cứ tháng nào "xào" tháng đó, may mắn lắm mới không phải vay mượn thêm. 

Nhưng việc thiếu thốn, mệt mỏi vì công việc chưa phải điều chị A. lo lắng nhất, bởi việc phải gửi hai con cho bà nội nuôi từ khi còn rất nhỏ đã khiến hai đứa trẻ dần coi chị như người lạ. Những lần về thăm con vội vàng và chỉ gần gũi con được một hai ngày cũng không giải quyết được gì.

 "Nhiều lúc nhìn con thấy tủi lắm, em về ôm chúng thì chúng không cho ôm, xô em ra. Có mấy lần bà nội đưa chúng lên thành phố chơi, lúc về chúng cũng không đòi ở lại. Chúng ở với bà nội quen rồi. Nhiều khi nhớ con đến phát khóc, nhưng nhiều lúc gọi điện thoại về nói chuyện với chúng mà chúng không chịu nói…", chị A. buồn tủi chia sẻ.

Đó là những công nhân đã có gia đình, nhưng với những công nhân độc thân cũng chẳng khá hơn. Chị Duyên (quê Hậu Giang, công nhân may của một công ty ở khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, quận 12) ngại ngần cho biết có những thời điểm hàng nhiều, phải tăng ca liên tục nên chị luôn cảm thấy mệt mỏi.

"Nhiều khi đi làm về là em tắm rửa, ăn cơm xong là lên giường ngủ thôi. Không có thời gian làm gì cả. Ngủ thế nhưng sáng hôm sau đi làm vẫn mệt, vẫn ngáp ngắn ngáp dài. Chắc chắn là không chỉ riêng em, chuyện làm việc quá sức, tăng ca liên tục có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của công nhân nói chung, như mệt mỏi, đau lưng, đau đầu do ngồi nhiều ít vận động, đau lưng, đau vai, đau tay, mờ mắt. Những lúc như vậy, tụi em chỉ biết ra tiệm thuốc tây mua keo dán. Chưa kể, do áp lực công việc, hàng nhiều, hàng hư nhiều nên công nhân thường căng thẳng, không chịu đi ăn cơm ngồi làm ráng dẫn đến đau bao tử; rồi hàng nhiều không dám đi vệ sinh, ít uống nước dẫn đến có người bị sỏi thận và một số bệnh khác", chị Duyên giãi bày.

Ảnh hưởng về sức khoẻ và cuộc sống sinh hoạt

Tại Hội thảo "Chất lượng cuộc sống của công nhân TP HCM hiện nay" do Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM tổ chức ngày 10-10-2019, ThS Nguyễn Thị Minh Châu, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ cho rằng, với thực trạng công nhân phải làm tăng ca nhiều, làm thêm giờ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cuộc sống của bản thân và gia đình người lao động trong mối quan hệ tương quan, mắt xích lẫn nhau. 

Đó là sự mệt mỏi về thể chất, sự căng thẳng về tinh thần do năng suất lao động thấp vào những giờ làm thêm, do áp lực từ người quản lý; thời gian dành cho gia đình như chăm sóc, dạy dỗ con cái, gần gũi với chồng, con bị co hẹp lại. Cùng với đó là đời sống tinh thần của công nhân nghèo nàn bởi phần lớn thời gian trong ngày dành cho việc làm.

Còn với đa phần công nhân hiện đang làm việc tại các KCN, KCX ở TP HCM là những người trẻ tuổi, chưa lập gia đình cũng có cuộc sống rất đơn giản là sáng 7h vào công ty, có tăng ca thì tối về đến nhà cũng đã 20-21h, ăn cơm tối, vệ sinh cá nhân xong rồi nghỉ ngơi và chuẩn bị cho ngày mai làm việc. Chỉ có ngày Chủ nhật là được nghỉ ngơi (nếu không tăng ca)…

Có thể nói, công việc đã chiếm gần hết thời gian cả ngày, cả tuần của công nhân. Họ không còn thời gian lẫn tiền bạc cho các hoạt động văn hóa tinh thần. Ngủ là ưu tiên hàng đầu khi có chút thời gian rảnh. Thú vui của công nhân là năm dài ở nhà trọ xem tivi. Riêng với nam công nhân, nhậu nhẹt đã trở thành một loại hình giải trí, với nhiều hệ lụy.

Mặt khác, theo nhà nghiên cứu Lê Thị Dung, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, đa số công nhân xuất thân từ những gia đình nông dân lao động nghèo, trình độ học vấn thấp, nên nhu cầu hưởng thụ văn hóa không cao, chưa theo kịp lối sống công nghiệp, tâm lý tự ti, kỷ luật lao động, ý thức tự giác lỏng lẻo... đã tác động không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn hóa ứng xử nơi công cộng… trong sinh hoạt của cộng đồng cư dân thành phố.

Hội thảo "Chất lượng cuộc sống của công nhân TP HCM hiện nay".

ThS Trần Công Khanh, Ban Quản lý các KCX, KCN TP HCM, cho biết tính đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 17 KCX, KCN hoạt động trong tổng số 19 KCX, KCN được thành lập với diện tích 3.811,71 ha (tổng diện tích quy hoạch 23 KCX, KCN là 5797,62 ha), có 1.371 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng số vốn gần 10 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu của các KCX, KCN chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp của thành phố; tạo ra việc làm cho gần 290.000 lao động (trong đó có 70% lao động là người từ các tỉnh), chiếm khoảng 26% lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp trên địa bàn thành phố. 

Về tình hình chung, thu nhập với chi tiêu của người lao động và gia đình, theo báo cáo của Công đoàn các KCX, KCN TP HCM năm 2018, khi khảo sát 11 doanh nghiệp FDI tại KCN Linh Trung I, nơi có đông công nhân thuộc các lĩnh vực giày da, chế biến thủy sản, đồ gỗ và cơ khí, với quy mô 37.600 lao động, mức lương cơ bản trung bình là 4,78 triệu đồng/người/tháng; thu nhập trung bình 6,2 triệu đồng/người/tháng. 

So sánh thu nhập và chi tiêu, các hộ độc thân có tiết kiệm trung bình 1,2 triệu đồng/tháng; các hộ gia đình sinh một con, thu nhập của hai vợ chồng đủ tạm trang trải cuộc sống, số tiền dành dụm được ít, chỉ mức 300.000 đồng/tháng, nhưng có tới 9,1% có không có tích lũy và 3,1% gặp khó khăn, thiếu thốn. Riêng các hộ gia đình hai con thì thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày…

Thực tế những khó khăn mà công nhân, người lao động thành phố nói chung và tại các KCX, KCN đang đối mặt như vấn đề điều kiện nhà ở, nơi gửi trẻ, hạn chế về điều kiện vui chơi, giải trí và các dịch vụ cơ bản khác.... cần phải được xem xét, giải quyết một cách căn cơ, nhằm giúp họ an tâm làm việc, cũng như giữ chân người lao động tay nghề cao cho doanh nghiệp và ổn định thị trường lao động của thành phố.

Riêng vấn đề chỗ ở cho công nhân, dù TP HCM đã có nhiều nỗ lực giải quyết, nhưng phần lớn công nhân vẫn chưa có được chỗ ở tươm tất, đồng bộ về nơi sinh hoạt, khu giữ trẻ. Hiện TP HCM chỉ có thể giải quyết được 15% nhu cầu về chỗ ở cho công nhân, lao động làm việc tại các KCX, KCN. 

Chỉ riêng Công ty Pou Yuen (quận Bình Tân) có khoảng 100 ngàn công nhân, trong đó hơn 80% đến từ các tỉnh và hầu hết phải thuê phòng trọ, nhà trọ. Tính chung, khoảng 70% công nhân, lao động trên địa bàn thành phố phải thuê ở tại các khu nhà trọ, phòng trọ do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư. Những nơi này hầu hết là tạm bợ, phần lớn không đủ tiện ích, không đảm bảo an toàn, an ninh…

Thực trạng đời sống người lao động:

- Lương bình quân người lao động cả nước 5,5 triệu/người/tháng; TP HCM: 6,2 triệu/người/tháng. Khoảng hơn 40% người lao động sống khó khăn, chật vật, thiếu thốn.

- 70% thuê nhà trọ.

- 70% lao động là người từ các tỉnh, thành.

- Thiếu dịch vụ giữ trẻ phù hợp cho công nhân từng KCN, KCX.

- Thiếu dịch vụ vui chơi và thời gian vui chơi.

- Làm nhiều, tăng ca nên sức khỏe kém/không bền sức.

(Nguồn: Hội thảo "Chất lượng cuộc sống của công nhân TP HCM hiện nay")

Phú Lữ
.
.
.