Giúp phạm nhân đoạn tuyệt quá khứ lỗi lầm

Thứ Bảy, 27/02/2016, 08:00
Trại giam Xuyên Mộc (thuộc Tổng cục VIII, đóng tại địa bàn xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tiền thân là Trại cải tạo Tân Hiệp được thành lập ngày 22-11-1977 theo Quyết định số 32/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Trải qua 38 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, đơn vị đã có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc tổ chức quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân…


Đoạn tuyệt quá khứ lỗi lầm

Theo Đại tá Nguyễn Trọng Tuấn, Giám thị Trại giam Xuyên Mộc, trong những năm qua, Trại giam Xuyên Mộc đã quản lý, giam giữ và giáo dục cải tạo gần 27.000 lượt phạm nhân, tha hết án cho gần 23.000 lượt phạm nhân. Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục VIII và sự cố gắng vươn lên của chính mình, đơn vị đã có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc tổ chức quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân. 

Đến nay, đơn vị đã có cơ sở vật chất đảm bảo với các tiện nghi tương đối đầy đủ, có hệ thống nước sạch, các công trình phục vụ sinh hoạt, học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ… cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và phạm nhân. Phúc lợi xã hội được quan tâm, đời sống vật chất, tinh thần của CBCS và phạm nhân đơn vị ngày càng được nâng lên, cảnh quan, môi trường cải tạo của phạm nhân ngày càng được đảm bảo, chế độ, chính sách của phạm nhân được công khai, minh bạch, từ đó phạm nhân yên tâm, cố gắng cải tạo, thi đua cải tạo trở thành người có ích cho xã hội.

Ngoài việc cho phạm nhân học tập những nội dung cơ bản chính sách của Nhà nước, Luật Thi hành án hình sự và các Nghị định, Thông tư đối với người phạm tội…, trại đã tổ chức cho phạm nhân học tập, giáo dục cho họ về các giá trị, đạo đức, pháp luật, lối sống. 

Từ đó dần hình thành và phát triển ở phạm nhân những tình cảm, niềm tin, những thói quen phù hợp với giá trị đã học; giúp phạm nhân có sự thống nhất giữa hành động và ý thức. Qua đó, phạm nhân tự định hướng cho bản thân, biết nhìn lại những lỗi lầm của mình trong quá khứ để vượt qua mặc cảm, tự ti, sửa chữa những sai lầm.

Đại tá Nguyễn Trọng Tuấn trao giải thưởng cho các phạm nhân viết thư "Gửi lời xin lỗi" đạt chất lượng và để lại nhiều cảm xúc.

Để phục vụ nhu cầu đọc sách, nghe nhìn của phạm nhân, mỗi buồng giam đều được trang bị tivi màu 21 inch trở lên; hằng ngày được phát một tờ báo Nhân dân. Trại có ba thư viện, hiện có trên 5.000 cuốn sách các loại. Để tìm nguồn cung cấp sách cho phạm nhân, trại đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân, như Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt - First New tặng 1.000 cuốn sách "Hạt giống tâm hồn"; 1.000 cuốn sách "Gian truân chỉ là thử thách"; 100 cuốn sách "Vượt lên cái chết" do Cục C86 tặng… Phối hợp với Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hằng tháng tổ chức chuyển đổi gần 2.000 đầu sách để phục vụ nhu cầu đọc sách, học tập của phạm nhân…

Bên cạnh đó, đơn vị còn chủ động phối hợp với Hội Luật gia, Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Công an, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho phạm nhân. Đây là hình thức, phương pháp giáo dục mới, thể hiện sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng xã hội đối với công tác giáo dục cải tạo phạm nhân. Ngoài ra, đơn vị liên tục phối hợp với Phòng Giáo dục - đào tạo, Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện Xuyên Mộc mở các lớp xóa mù chữ cho phạm nhân. 

Nhiều phạm nhân đã không kìm được sự xúc động khi tâm sự với cán bộ rằng họ đã vui sướng thế nào khi viết những dòng chữ đầu tiên gửi về cho thân nhân. Những dòng chữ đó dẫu còn nguệch ngoạc, nét chữ run run, nhưng chứa đựng biết bao tình cảm thiêng liêng, sâu kín trong lòng họ đối với người thân và cũng thể hiện tính kiên trì, nhẫn nại mà họ mới được rèn luyện, với sự chỉ bảo tận tình của cán bộ trong môi trường cải tạo - điều đó trước đây họ không có được bởi mỗi khi trình bày nguyện vọng, gửi gắm tâm tư… họ đều phải mượn lời văn, nét chữ của người khác.

Các phương pháp giáo dục, cải tạo mang ý nghĩa nhân văn

Một trong những công tác vô cùng quan trọng trong quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân là việc dạy nghề và truyền nghề cho phạm nhân. Mới đây Trại giam Xuyên Mộc đã phối hợp với một số đối tác đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trị giá hơn 30 tỷ đồng; chủ động phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở các lớp dạy nghề ngắn hạn như nghề may công nghiệp, nghề sửa chữa xe máy, nghề cơ khí, sửa chữa điện tử và tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ nghề cho phạm nhân. 

Ngoài ra, trại còn tổ chức dạy một số nghề phổ thông cho phạm nhân như đan lát hàng thủ công mỹ nghệ, cạo mủ cây cao su, xây dựng, cơ khí, mộc… giúp phạm nhân rèn luyện sự kiên trì, khéo léo trong lao động, học cho mình một nghề phổ thông để kiếm sống khi ra trại…

"Trong những năm qua, nhiều phạm nhân hết án trở về tái hòa nhập cộng đồng, mang theo một hành trang mới là ý thức hoàn lương, xây dựng cuộc sống, tương lai mới, cùng với sự giúp đỡ của gia đình và người thân, chính quyền địa phương, với sự cố gắng chịu khó phấn đấu của bản thân, đã sửa chữa lỗi lầm, hoàn lương, hướng thiện, làm ăn chân chính bằng mồ hôi, sức lao động của mình. Nhiều người trong số đó đã viết thư gửi đến cảm ơn Ban Giám thị, CBCS đơn vị. Đó là nguồn động viên thiết thực nhất đối với CBCS đơn vị trong sự nghiệp tái trồng người", Đại tá Nguyễn Trọng Tuấn chia sẻ.

Để thân nhân phạm nhân cùng phối hợp với cán bộ trại động viên, giúp đỡ phạm nhân yên tâm lao động, học tập, rèn luyện, cải tạo tiến bộ, công tác tổ chức cho thân nhân thăm gặp, liên lạc với thân nhân, nhận quà, tiền, quản lý tiền lưu ký của phạm nhân được thực hiện nghiêm túc, công khai, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để phạm nhân chấp hành án. 

Đặc biệt, Ban Giám thị luôn quan tâm, tạo điều kiện cho phạm nhân chấp hành tốt nội quy trại giam, tích cực học tập, lao động bằng hình thức cho thăm thêm giờ, thêm lượt, gặp thêm lần trong tháng, liên lạc điện thoại với người thân, gặp vợ ở phòng hạnh phúc trong nhà thăm gặp 24 giờ...

Một phạm nhân cải tạo tốt được tạo điều kiện ăn bữa cơm thân mật cùng với người thân trong gia đình.

Đặc biệt, nhằm đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục, cải tạo phạm nhân, lãnh đạo Tổng cục VIII và Ban Giám thị trại đã tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua như tổ chức cuộc thi tìm hiểu về ma túy, phòng chống HIV; tổ chức cho phạm nhân "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; kể chuyện về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ; tổ chức cho phạm nhân tìm hiểu và học tập Hiến pháp sửa đổi; thi tìm hiểu Luật Thi hành án hình sự và các nghị định, thông tư; tổ chức học tập và thi đội hình đội ngũ, lễ tiết tác phong; tổ chức tọa đàm văn hóa giao tiếp, ứng xử, hội thi tay nghề giỏi trong phạm nhân; tổ chức Hội thao và thi viết với chủ đề "Nét bút tri ân" chào mừng kỷ niệm 65 năm thành lập lực lượng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (7/11/1950 - 7/11/2015) để phạm nhân tri ân những người thầy đặc biệt của mình; tổ chức cho phạm nhân tham gia viết thư với chủ đề "Gửi lời xin lỗi". Đây là các phương pháp giáo dục mang ý nghĩa nhân văn, từ đó đã tác động, giáo dục và làm thay đổi nhận thức rất rõ rệt của phạm nhân.

Trong đó, qua ba năm tổ chức viết thư "Gửi lời xin lỗi", Ban tổ chức đã nhận được hơn 3.700 bức thư của phạm nhân, trong đó ngoài việc viết cho thân nhân, các phạm nhân còn viết thư gửi người bị hại, người thân bị hại cũng như gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân, thầy cô, bạn bè. 

Với kết quả này cho thấy đây là một hình thức giáo dục phạm nhân mới; là một bước đột phá trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, mang ý nghĩa thiết thực và nhân văn, cần được nhân rộng và thực hiện thường xuyên; định kỳ để góp phần vào công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân trở thành người có ích cho xã hội.

Để giúp đỡ, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần cho những phạm nhân ốm đau, bệnh nặng, không có thân nhân thăm gặp, có hoàn cảnh kém may mắn khắc phục một phần khó khăn trong đời sống, sinh hoạt để họ an tâm chấp hành án, Ban Giám thị trại đã phát động, tổ chức đóng góp, ủng hộ xây dựng Quỹ "Tấm lòng vàng". Quỹ do CBCS của trại, thân nhân gia đình phạm nhân và những phạm nhân đang chấp hành án có điều kiện hơn với lòng hảo tâm của mình tự nguyện đóng góp, ủng hộ, xây dựng quỹ. 

Trong hai năm Ban Giám thị phát động xây dựng, quyên góp, ủng hộ Quỹ Tấm lòng vàng, đơn vị đã nhận được những tấm lòng hảo tâm của rất nhiều thân nhân phạm nhân với số tiền gần 300 triệu đồng để hỗ trợ, động viên phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật, phần nào đã làm vơi đi những thiệt thòi, vất vả của những phạm nhân này.

Ánh Xuân - Hoài Thương
.
.
.