“Gieo mầm thiện” ở Trại giam Đắk Plao

Thứ Năm, 15/03/2018, 16:01
Được thành lập hơn 4 năm, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Trại giam Đắk Plao đóng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ trên các mặt công tác quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân…


Vượt khó khăn để làm tốt giáo dục, cải tạo phạm nhân

Có tiếp xúc với Đại tá Nguyễn Xuân Trường, Giám thị Trại giam Đắk Plao (Tổng cục VIII, đóng tại thôn 1, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông), mới hiểu ở ông sự nhiệt tình, tận tâm với công việc của một Giám thị Trại giam nơi núi rừng trùng điệp Đắk Nông. 

Đại tá Nguyễn Xuân Trường vào ngành Công an từ năm 1978, tính đến nay tròn 40 năm gắn bó với công tác giáo dục và cải tạo phạm nhân. Về nhận nhiệm vụ Giám thị Trại giam Đắk Plao từ ngày 12-9-2014, Đại tá Nguyễn Xuân Trường đã cùng với tập thể Ban giám thị và cán bộ chiến sĩ (CBCS) của Trại khắc phục mọi khó khăn, thử thách buổi đầu thành lập, cố gắng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Mới đây nhất, Trại đã được Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc, đó là sự ghi nhận cho mọi nỗ lực của CBCS đơn vị non trẻ nhất nước này…

Đại tá Nguyễn Xuân Trường cho biết, trại đóng quân trên địa bàn hai xã Đắk Som và Đắk Plao, huyện Đắk Glong là xã nghèo, huyện nghèo, một điểm “nóng” phức tạp về dân tộc, tôn giáo; tình hình an ninh trật tự luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định, tình hình tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội ở địa phương chưa giảm, số lượng phạm nhân đưa đến trại chấp hành án liên tục tăng, thành phần, tính chất phạm tội nguy hiểm, phức tạp tác động trực tiếp đến việc đảm bảo an ninh, an toàn trại giam.  

Vì vậy, công tác quan trọng nhất là phải xây dựng được đội ngũ CBCS có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, nhân dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; có đạo đức lối sống trong sạch, lành mạnh; vững về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ… 

Theo đó, Ban Giám thị Trại đã luôn quan tâm đến đời sống tinh thần, vật chất, tạo mọi điều kiện tốt nhất để CBCS sinh hoạt, yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị. 

Qua đó, đã động viên, khích lệ CBCS trong toàn đơn vị đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, thi đua hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng đơn vị an toàn, ngày càng vững mạnh.

Hàng năm, trại thăm hỏi, tặng quà cho các hộ gia đình chính sách, học sinh nghèo vượt khó… trên địa bàn.

Có thể nói, việc cải tạo, giáo dục con người vốn luôn là một việc không dễ dàng, và việc giáo dục, cải tạo những người từng lầm lỡ, phạm tội còn khó khăn gấp bội. Vì thế, CBCS Trại giam Đắk Plao đã tập trung vào công tác giáo dục chung, giáo dục riêng, các biện pháp giáo dục hỗ trợ, để đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân.

Thông qua công tác giáo dục riêng làm cho phạm nhân nhận thấy trách nhiệm của bản thân khi chấp hành bản án, tích cực thi đua học tập, cải tạo, thực hiện tốt 15 điều nội quy trại giam, nếp sống văn hóa mới trong trại giam, tin tưởng vào sự giáo dục của cán bộ, thực hiện tốt các phong trào thi đua do trại phát động...

Điểm nổi bật trong công tác quản lý, cải tạo và giáo dục phạm nhân của Trại là đã áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình, dự báo diễn biến tư tưởng phạm nhân để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, đảm bảo giữ vững an ninh, an toàn trại giam trong mọi tình huống. 

Đồng thời, đã cảm hóa được nhiều phạm nhân từ yếu kém lên khá, tốt và được xét đặc xá, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù được hàng nghìn phạm nhân, góp phần vào công tác giam giữ bảo vệ trại giam tuyệt đối an toàn, không để xảy ra bạo loạn, trốn trại.

Đại tá Nguyễn Xuân Trường kể, có lần ông được cán bộ trại thông báo có phạm nhân Nguyễn Văn Huấn (21 tuổi, ngụ Đắk Nông) vừa nhập trại với tội danh giết người. Điều đáng nói, hành vi phạm tội của phạm nhân này lại xảy ra với chính người mẹ ruột của anh ta. 

Vì tức giận mẹ, Huấn đã đi mua thuốc chuột về rồi bỏ vào bát cháo cho mẹ ăn. Nhưng may mắn là người mẹ ngửi thấy mùi hôi nên đã không ăn mà đổ cháo cho chó ăn và con vật đáng thương đã chết ngay sau đó. Thấy sự việc quá khủng khiếp nên mẹ Huấn đã báo Công an.

Sự việc được cơ quan Công an điều tra làm sáng tỏ sự việc chính Huấn là hung thủ bỏ thuốc chuột vào cháo với mục đích giết mẹ; sau đó Huấn đã bị kết án 9 năm tù.

“Phạm nhân này với hành vi phạm tội khá đặc biệt như vậy khiến Ban giám thị cũng như các CBCS đều chú ý. Ngày mới vào trại, Huấn tỏ ra lì lợm, bất cần… Nhưng sau những ngày nắm bắt được tâm lý và chia sẻ với phạm nhân này, tôi đã động viên Huấn viết thư xin lỗi mẹ. Sau đó, trại đã tổ chức cho Huấn với mẹ gặp nhau…”, Đại tá Nguyễn Xuân Trường kể lại.

Đảm bảo an toàn trại giam trong mọi tình huống

Cho đến giờ, cả trại vẫn không quên được giây phút mẹ con Huấn gặp nhau. Bởi cuộc gặp gỡ đó không những làm rơi nước mắt của mẹ con Huấn, mà còn làm cho bao người khóc theo trước sự ăn năn hối hận thực sự của Huấn.

Đại tá Nguyễn Xuân Trường chia sẻ: “Hôm đó khi Huấn vừa nhìn thấy mẹ đã quỳ xuống ôm chân mẹ xin lỗi, tôi nghĩ lúc đó Huấn thực sự xúc động và đã tỏ ra hối hận trước việc làm sai trái của mình. 

Và tôi cũng nghĩ rằng, với tấm lòng bao dung của người mẹ ấy, bà cũng đã tha thứ cho đứa con trai bồng bột, cạn nghĩ. Thành công của việc giáo dục, cảm hóa phạm nhân chính là ở những trường hợp cụ thể như thế này”.

Người mẹ của Huấn cũng tỏ ra vô cùng xúc động và có phần vui mừng vì đã thấy được sự giáo dục, động viên của cán bộ trại, Huấn đã thực tâm hối hận và nhận ra lỗi lầm của mình. Bởi trước đó, đứa con trai của bà vốn ngang bướng, hư hỏng, luôn cãi lời cha mẹ. 

“Hôm ấy tôi vẫn còn nhớ lời chia sẻ của người mẹ ấy là sau mấy tháng được gặp lại con trai, bà ấy đã thấy con mình như trở thành một người khác, biết xin lỗi trước việc làm sai trái của mình, tỏ ra ăn năn hối hận, biết nói những câu quan tâm đến cha mẹ… Những điều mà trước đó con trai bà ấy chưa từng có được…”, Đại tá Nguyễn Xuân Trường xúc động kể lại.

Đại tá Nguyễn Xuân Trường động viên các phạm nhân lúc đang lao động cải tạo.

Còn rất nhiều những trường hợp phạm nhân cá biệt khác, có phạm nhân vào trại với “thành tích” hàng chục tiền án, tiền sự, với các tội danh vô cùng nguy hiểm như giết người, buôn bán ma túy… Họ vào trại với tâm trạng và thái độ bất cần, chán nản mọi thứ… 

Với những phạm nhân này, đòi hỏi Ban Giám thị, Hội đồng cán bộ cũng như các cán bộ quản giáo phải mất nhiều công sức để tìm hiểu, nắm bắt tâm lý và hoàn cảnh từng phạm nhân để có “đối sách” vừa có lý vừa có tình, kết hợp với sự động viên, an ủi của gia đình, người thân… Như vậy, công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân mới có hiệu quả.

Theo Đại tá Nguyễn Xuân Trường, cùng với công tác giáo dục chung, giáo dục riêng kể trên, các biện pháp giáo dục hỗ trợ cũng được trại triển khai, thực hiện đầy đủ và duy trì thường xuyên liên tục đã phát huy được những mặt tích cực. 

Theo đó, trại đã thường xuyên tổ chức cho phạm nhân tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao vào các ngày lễ, Tết trong năm… Phạm nhân được đọc sách báo, xem các chương trình của Đài Truyền hình quốc gia vào các giờ nghỉ, ngày nghỉ… 

Qua đó, phạm nhân hiểu thêm về chính sách pháp luật của Nhà nước, đạo đức lối sống, truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc, có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta.

Trại cũng đã tổ chức thành công Hội nghị gia đình phạm nhân, chương trình Thắp sáng ước mơ ngày trở về, Hội thi tay nghề cho phạm nhân… Đặc biệt, trại đã gây dựng được Quỹ Tấm lòng vàng để hỗ trợ thăm hỏi phạm nhân ốm đau, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, số phạm nhân không có gia đình thăm gặp…

Xuất phát từ thực tiễn tình hình Trại giam Đắk Plao đóng quân ở vùng sâu, vùng xa của Đắk Nông nên việc xây dựng mối quan hệ mật thiết với các cấp chính quyền và nhân dân địa phương nơi đơn vị đóng quân được trại xác định là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và bảo vệ tuyệt đối an toàn trại giam, góp phần giữ vững an ninh trật tự địa phương. 

Vì vậy, Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị đã tập trung chỉ đạo các Đội nghiệp vụ phải xây dựng kế hoạch và biện pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị để tổ chức thực hiện, phối hợp chặt chẽ với các xã lân cận đơn vị đóng quân trên địa bàn xã Đắk Som, Đắk Plao, Quảng Khê… và các tổ chức đoàn thể quần chúng để vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, tích cực tham gia công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân và phát huy phong trào “Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc” có hiệu quả.

Bên cạnh đó, hàng năm vào dịp lễ, Tết, trại đã tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà, cấp phát thuốc miễn phí cho các hộ gia đình chính sách, học sinh nghèo vượt khó, người có công với cách mạng trên địa bàn với nhiều phần quà có giá trị. 

Trại còn phối hợp với Tỉnh đoàn Đắk Nông, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Nông tổ chức các chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”, “Thắp sáng ước mơ ngày trở về” cho phạm nhân vị thành niên phạm tội, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng; với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng…

Đáng chú ý là Trại còn phối hợp với các đơn vị Công an, Quân đội, chính quyền địa phương các cấp đóng quân trên địa bàn huyện Đắk Glong tổ chức tuyên truyền các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khuyến khích nhân dân, nhất là người dân tộc thiểu số chăm lo làm ăn, không tin vào những luận điệu xấu, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bọn phản động. 

Đặc biệt, Trại đã ký kết Quy chế phối hợp với Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông. Qua đó, Trại đã nắm tình hình trên địa bàn, không để tình huống bất ngờ xảy ra, đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, an ninh quốc phòng và trật tự xã hội trên địa bàn.

Với những nỗ lực, cố gắng kể trên, trong hơn 4 năm qua, Trại giam Đắk Plao đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đó là giữ vững an ninh, an toàn của trại, không để phạm nhân trốn, chống phá, gây mất trật tự an toàn trại giam, không để xảy ra vụ việc đột xuất bất ngờ, không có trường hợp phạm nhân đưa điện thoại, ma túy vào …

Phú Lữ
.
.
.