Giáo viên mầm non bạo hành trẻ nhỏ: Nhức nhối lương tâm xã hội

Thứ Năm, 23/02/2017, 15:53
Những ngày vừa qua, truyền thông liên tiếp lên tiếng về những vụ bạo hành trẻ em của các cô giáo mầm non, ở Hà Nội và ở Thanh Hóa. Những hình ảnh đau lòng được lan truyền trên mạng xã hội, cho thấy một thực tế là rất nhiều giáo viên mầm non bộc lộ sự bất lực của mình khi không có phương pháp sư phạm, không có tình yêu với con trẻ, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp.


Những vết thương của con trẻ bị bạo hành là nỗi đau của các bậc làm cha làm mẹ, của những nhà sư phạm có lương tâm và của toàn xã hội. Nếu không có một cách thức ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em ở các cơ sở mầm non, thì hiện trạng đau lòng này sẽ tiếp tục tái diễn. Và bắt đầu không gì khác, phải từ khâu đào tạo, tuyển dụng.

Nếu đặt mình vào vị trí của phụ huynh các em bé ở Cơ sở mầm non Sen Vàng (Hà Nội) khi xem lại clip con mình bị cô giáo cầm dép đánh vào đầu liên tiếp, hay cô giáo dùng đầu gối huých vào mặt trẻ nhỏ, hoặc trường hợp cô giáo ở Thanh Hóa dùng đũa đánh trẻ thâm tím cơ thể trẻ, mỗi chúng ta sẽ hình dung được cảm giác đau bóp nghẹt trong tim mình. 

Trẻ nhỏ như những mầm cây. Chúng quá yếu ớt, không thể tự bảo vệ mình. Chúng được cha mẹ gửi đến trường là để nhờ vào phương pháp sư phạm, cũng như tình yêu thương của các cô giáo - những người giống như người mẹ thứ hai chăm sóc từ bữa ăn giấc ngủ, vệ sinh cá nhân cho chúng suốt một ngày dài. Ở những gia đình bận rộn, trẻ nhỏ ở nhà rõ ràng ít hơn ở trường. Chúng gắn bó với cô giáo, gần gũi với cô giáo nhiều hơn cả với cha mẹ. Giao con cho những giáo viên mầm non lạnh lẽo trong tình cảm, cư xử bạo hành như vậy, khác nào gửi trứng cho ác. 

Ảnh minh họa.

Mỗi một trường hợp giáo viên mầm non đánh trẻ được phát hiện lại gieo thêm những lo âu, hoài nghi, căng thẳng trong lòng các bậc phụ huynh. Họ gửi con đến trường mỗi sáng và đến công sở trong phập phồng lo ngại. Đó quả là một nỗi buồn không đáng có, một sự u ám trong giáo dục.

Nhìn lại toàn bộ nền giáo dục hiện nay, có thể thấy, xã hội ta chưa coi trọng bậc học mầm non. Khâu đào tạo quá xem nhẹ, quá yếu. Các trường sư phạm mầm non cấp cao đẳng, đại học còn rất ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội. Ngay cả những trường ít ỏi đó thì việc đào tạo cũng rất sơ sài. Các kỹ năng dạy dỗ, nuôi dưỡng trẻ nhỏ dưới 5 tuổi gọi là qua loa cho có, chưa sâu sắc, chưa cụ thể. 

Các sinh viên khi ra trường, vào công tác tại các trường mầm non còn nhiều bối rối, lúng túng khi giải quyết các tình huống cụ thể. Ngành giáo dục chưa thực sự nhận thức rằng, việc thiếu kỹ năng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ của giáo viên mầm non có thể gây ra những nguy hại khôn lường, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.

Nhưng kỹ năng yếu kém dường như vẫn còn dễ chấp nhận hơn sự thiếu đạo đức nghề nghiệp. Ngay cả các trường đào tạo sư phạm chuyên môn cũng còn rất mù mờ về câu chuyện thế nào là một người phù hợp với ngành sư phạm. Giáo dục là liên quan đến con người. Một giáo viên mầm non không có tình yêu thương con trẻ, không gắn tình thương cùng trách nhiệm thì cầm chắc rằng khi họ ở trong môi trường nuôi dạy trẻ, họ không lan tỏa được điều gì. Và bạo hành trẻ nhỏ là câu chuyện xảy ra không sớm thì muộn.

Ở các nước phát triển, việc đào tạo giáo viên mầm non quan trọng như đào tạo một bác sĩ. Những chương trình học thường rất khắt khe, với những giáo trình bài bản. Người giáo viên tương lai phải được kiểm tra qua trắc nghiệm và những tình huống thực tế, để có thể đánh giá mức độ yêu thương trẻ nhỏ của họ. Giáo dục nhận thức rằng, nếu những năm khởi đầu của trẻ mà bị bạo hành, bị đối xử không tốt, thì những tổn thương với các em sẽ là vĩnh viễn. Trẻ bị bạo hành thường xuyên ở trường có thể mắc chứng bệnh tự kỷ, thần kinh, hay sợ người lạ. Vì vậy, người bảo mẫu ở trường mầm non trước hết phải là người giàu trắc ẩn yêu thương, coi những đứa trẻ ở trường như chính con đẻ của mình.

Ở nước ta hiện nay, vấn nạn thiếu trường mầm non đang nhức nhối. Tính riêng Hà Nội Hà Nội hiện có 1.012 trường mầm non công lập, hơn 1.700 nhóm lớp tư thục, tổng số hơn 528.000 trẻ, trong đó 22% số trẻ học tại các cơ sở ngoài công lập, bao gồm các trường tư thục, dân lập và các nhóm lớp. Đấy là thủ đô, còn các địa phương và các vùng sâu vùng xa thì còn khó khăn hơn. 

Trường mầm non công lập không đủ chỗ cho trẻ nhỏ, nên gửi con đến trường tư thục, các cơ sở giữ trẻ tư nhân theo kiểu tự phát là lựa chọn bắt buộc của nhiều bậc cha mẹ. Gửi con vào các cơ sở mầm non tư nhân thì tiền học phí chi trả hàng tháng cho trẻ chắc chắn phải lớn hơn trường công lập. Ngoài những trường thực sự chất lượng tốt dành cho các trẻ có bố mẹ khá giả, còn lại nhiều trường công lập hiện đang được thả nổi về chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ giáo viên. 

Bản thân cha mẹ khi gửi con vào một cơ sở mầm non tư thục cũng không thể biết giáo viên dạy con mình học hành bằng cấp ra sao, được đào tạo kỹ năng như thế nào. Phải sau rất nhiều vụ việc đau lòng như vụ việc ở Trường mầm non Sen Vàng (Hà Nội) vừa rồi, cơ quan chức năng vào cuộc mới tá hỏa ra, giáo viên mầm non có thể được tuyển dụng từ những người được đào tạo ở ngành nghề khác, thậm chí chưa qua đào tạo bao giờ.

Ảnh minh họa.

Tiêu chuẩn của một giáo viên dạy mầm non ở ta đang áp dụng, và phần lớn các trường tư thục tuyển dụng theo tiêu chuẩn này, là người tuyển dụng tốt nghiệp THPT và trải qua khóa đào tạo 3 đến 6 tháng về nuôi dạy trẻ. 

Tìm hiểu về khóa đào tạo này qua lời kể của không ít giáo viên mầm non thì chương trình rất sơ sài, gọi là học cho có, học để lấy chứng chỉ là chính. Thi cử rất dễ dàng, gần như ai học cũng được cấp chứng chỉ. Thử hỏi trong vòng 3 đến 6 tháng đó, giáo viên mầm non lĩnh hội được những kiến thức, kỹ năng gì để nuôi dạy trẻ. Và câu chuyện đạo đức nghề nghiệp, những bài học về tình yêu thương với trẻ được chú trọng ở mức độ nào?

Thực tế rất nhiều giáo viên mầm non đi làm với mục đích chính là kiếm đồng lương. Hoặc họ học một ngành nghề gì đó nhưng không xin được việc thì chuyển qua làm giáo viên mầm non. Một số xác định đó là giai đoạn tạm thời, trong lúc chờ đợi tìm kiếm cơ hội việc làm khác. Như vậy làm sao có thể toàn tâm toàn ý, dốc lòng yêu thương trẻ nhỏ. 

Nhiều cô giáo đến lớp chăm chú vào điện thoại, chơi game hay tán gẫu trên mạng xã hội là chính. Quản lý tại các cơ sở tư thục này thường là không thể kiểm soát hết các giáo viên, hoặc là biết nhưng làm ngơ, vì thiếu giáo viên, vì lương trả thấp không dễ kiếm người khác thay thế.

Cá biệt hơn, ở những khu lao động dành cho công nhân và người nghèo, các cơ sở nuôi giữ trẻ là tự phát. Kiểu như một vài người cao tuổi, về hưu, hoặc nội trợ rỗi rãi, nhận trông giữ trẻ tại nhà với mức tiền thấp phù hợp với thu nhập của các phụ huynh nghèo. Một người có thể nhận 4-5 đứa trẻ để trông coi. Ăn ngủ, vệ sinh cá nhân, xử lý các tình huống có tính chất phức tạp, nguy hiểm như khi trẻ té ngã hay ăn uống bị sặc, bị nghẹn đường thở... đều do bản năng của người bảo mẫu, không cần kỹ năng, không cần khoa học. 

Không ít ví dụ đau lòng trẻ tử vong tại nhà bảo mẫu vì bảo mẫu không biết sơ cứu trẻ. Đấy là chưa nói đến những bảo mẫu tính cách nóng nảy, ưa bạo lực hành hạ trẻ như vụ bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa ở Đồng Nai đánh trẻ dã man ở Đồng Nai gây xôn xao dư luận mấy năm về trước.

Vấn đề là sau mỗi câu chuyện đau lòng, toàn xã hội và ngành giáo dục có tiếp tục “bình chân như vại” hay quyết liệt hành động. Bên cạnh việc tăng chế tài xử lý các giáo viên có hành vi bạo hành trẻ nhỏ, cần rốt ráo trong việc kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề trông trẻ tư thục, loại bỏ các giáo viên không đủ điều kiện. Và cái gốc là nâng cao vị trí, vai trò của giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục. Chương trình đào tạo cần khắt khe hơn, chuẩn mực hơn. Mở thêm các trường mầm non công lập, tăng biên chế, tăng lương cho giáo viên mầm non để họ có thể yên tâm với nghề, không nhấp nhổm nay làm việc này, mai làm việc khác.

Và cuối cùng, tất cả mọi người hãy giám sát các cơ sở nuôi dạy trẻ nhiều hơn. Không có một hành vi bạo hành trẻ em nào được bỏ qua, tha thứ. Mỗi vụ việc được phát hiện, hãy nhanh chóng đưa ra dư luận để cộng đồng lên án, cơ quan chức năng vào cuộc. Camera có thể gắn ở mỗi lớp học, nhưng điều đó là chưa đủ, các bậc phụ huynh và toàn xã hội cũng là những chiếc camera sát sao công việc của từng giáo viên mầm non. Chỉ có như vậy, những con sâu làm rầu nồi canh mới được loại bỏ hoàn toàn, và chúng ta mới có thể bảo vệ con em mình khỏi nạn bạo hành ở trường mầm non.

Hoa Thu
.
.
.