Bạo hành trẻ em Tận cùng của tội ác

Thứ Sáu, 23/12/2016, 14:38
Những ngày vừa qua dư luận hết sức phẫn nộ về một vụ án bạo hành trẻ em xảy ra ở biên giới Việt Nam - Campuchia. Bắt đầu từ một clip được phát tán trên mạng xã hội, ghi lại hình ảnh một gã đàn ông trẻ tuổi nói tiếng Việt, hành hạ dã man một bé trai người Campuchia. Những hành vi của hắn là vô cùng tàn độc, cầm thú, khiến cho những ai đã xem clip không khỏi xót xa, đau đớn.


Cảnh sát Hoàng gia Campuchia đã yêu cầu Bộ Công an Việt Nam vào cuộc, truy tìm kẻ bạo hành trẻ em dã man trong clip. Nghi can được xác định là Nguyễn Thành Dũng, quê quán An Giang. Sau 2 ngày truy tìm, với sự phối hợp của Công an tỉnh An Giang và Cục C45 Bộ Công an, chiều 7-12 Nguyễn Thành Dũng đã bị bắt trong khi đang lẩn trốn tại TP Hồ Chí Minh. 

Sau khi bị bắt; tên này sẽ được dẫn độ sang Campuchia để chịu hình phạt theo luật pháp nước sở tại, vì vụ án xảy ra trên đất Campuchia. Mức án cao nhất mà tên này có thể đối mặt là chung thân không đặc xá, theo luật pháp Campuchia.

Hành vi của Nguyễn Thành Dũng được xem là cực kỳ tàn độc. Hắn đã dùng trẻ em như một trò chơi bạo lực để thỏa mãn con người biến thái của mình. Em bé bị hắn dùng roi điện chích vào cơ thể, kềm kẹp vào mặt, vào chân. Hắn đánh đập, xối nước vào đầu em bé, dùng cây nhét vào miệng, vào hậu môn em bé. Tội ác của hắn khiến cho cộng đồng mạng vô cũng phẫn nộ. Theo điều tra ban đầu, Dũng còn có dấu hiệu xâm phạm tình dục đối với nhiều em nhỏ.

Nguyễn Thành Dũng bị bắt vào ngày 7-12.
Cùng với Dũng, chủ đồn điền cao su là một doanh nhân người Hà Lan cùng 2 người Campuchia khác có liên quan cũng đã bị Cảnh sát Campuchia bắt giữ để phục vụ việc điều tra xét hỏi. Cảnh sát Campuchia cũng đã giải cứu nhiều trẻ em Việt Nam và Campuchia đang sinh sống tại đồn điền cao su này. 10 trẻ em Việt Nam được xác định quê quán và có 6 em đã liên lạc được với gia đình.
Một trong những cháu bé người Campuchia là nạn nhân của Dũng và đồng bọn.

Đây không phải trường hợp đầu tiên dư luận phẫn nộ về những hành vi tội ác khó có thể dung thứ của những kẻ bạo hành trẻ em. Vấn đề bạo hành trẻ em từ lâu đã trở nên nhức nhối trong đời sống xã hội. Con số từ Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ - TB & XH cho hay, hàng năm cả nước có từ 3.000 đến 4.000 vụ ngược đãi, bạo hành trẻ em. Số vụ xâm hại tình dục trẻ em là 800 vụ, và số nạn nhân hàng năm bị xâm hại tình dục là khoảng 1.000 em. Trong đó đau lòng nhất là có những em bé tuổi đời mới chỉ từ 5-8 tuổi đã bị xâm hại tình dục.

Con số trẻ em bị ngược đãi, bị bóc lột sức lao động cũng không hề nhỏ. Hàng chục ngàn trẻ em dưới tuổi lao động vẫn đang phải làm việc trong  những điều kiện vô cùng khổ cực, độc hại, nguy hiểm tính mạng. 

Ngay trong vụ án vừa xảy ra và được lực lượng Công an khám phá, cho thấy, trong đồn điền cao su của doanh nhân người Hà Lan nằm ở biên giới Campuchia giáp với tỉnh Đắk Nông, có hàng chục em nhỏ đang phải sống trong bóc lột, bạo hành, ngược đãi. Đó là một thực tế hết sức đau lòng.

Xã hội ngày một văn minh, đầy đủ hơn, bên cạnh việc trẻ em được chăm lo tốt hơn, lại nảy sinh vấn đề nhức nhối trẻ em bị bạo hành nhiều hơn, đó dường như là một nghịch lý cần được lý giải. 

Không kể đến những vụ việc bắt cóc trẻ em, hành hạ lạm dụng trẻ em xuất phát từ những kẻ buôn bán người, thì việc trẻ em bị ngược đãi, bạo hành ngay chính trong gia đình của mình, trong trường học cũng không hiếm. Cuộc sống bận rộn, nhiều lo toan đã biến các bậc phụ huynh trở thành những người bạo hành con em mình từ lúc nào họ cũng không hay.

Nhìn lại những năm qua, không hiếm vụ cha mẹ ruột bạo hành con cái. Nguyên nhân phần nhiều là do họ bị ức chế vì những căng thẳng của đời sống, không đủ kiên nhẫn trong nuôi dạy con, không có nhiều thời gian dành cho con cái, sẵn sàng trút mọi giận dữ lên những đứa trẻ yếu đuối. Sự đổ vỡ trong hôn nhân diễn ra ngày càng nhiều hơn và  hậu quả của nó cũng lại trút vào những đứa trẻ. Chúng trở thành gánh nặng, thành lý do để những cặp vợ chồng trút uất giận lên nhau. 

Người viết bài còn nhớ mãi một câu chuyện xảy ra đã lâu ở Nghệ An. Người chồng vì muốn dùng sức ép bắt người vợ đi làm ăn xa quay về mà liên tục hành hạ, đánh đập dã man đứa con gái 13 tuổi. Em gần như phải sống trong đòn roi mỗi ngày, cho đến khi chính quyền can thiệp. Người chồng bị bắt giam và phải đối mặt với án tù 3 năm. Bé gái được bệnh viện giám định mất 26% sức khỏe vì đòn roi của bố. Câu chuyện như một vết dao cắt vào lòng những người đã từng làm cha làm mẹ.

Một vấn đề lo ngại khác là các mối nguy hiểm từ bên ngoài xã hội đối với trẻ em. Tình trạng bắt cóc, buôn bán trẻ em ngày càng gia tăng. Mỗi năm có hàng ngàn trẻ em bị mất tích. Hàng trăm trẻ em được giải cứu từ những vụ án buôn bán người. 

Biên giới Việt Nam-Campuchia nơi vừa xảy ra câu chuyện gây phẫn nộ về bạo hành trẻ em do tên Phạm Thành Dũng cầm đầu cũng là vùng đất nóng về tội phạm buôn bán trẻ em. Đây cũng là điểm trung chuyển để đưa trẻ em ra nước ngoài do các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia thực hiện.

Như vậy, vấn đề bạo hành trẻ em không còn là vấn đề nhỏ nữa. Nó đang được xã hội quan tâm nhưng sẽ cần phải được xã hội quan tâm mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Cần phải có nhiều hơn những chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho mỗi người dân về nạn bạo hành con trẻ.

Các bậc làm cha mẹ phải hiểu sâu sắc hơn về ranh giới giữa bạo hành và không bạo hành con cái mình như thế nào. Trong đó, bạo hành về mặt thể xác phải được hiểu song song với bạo hành tinh thần. Những lời nói thái quá, sự mắng nhiếc sỉ nhục thái quá cũng là một dạng bạo hành tinh thần mà cha mẹ cần phải tránh gây ra thương tổn cho con cái. Nhà trường cần phối hợp tốt hơn với gia đình và cơ quan chức năng để bảo vệ trẻ em. 

Năm 2016 là năm có quá nhiều vụ án bạo hành, xâm phạm tình dục trẻ em liên quan đến trường học. Vụ bảo vệ trường ở Lào Cai xâm hại tình dục nhiều em học sinh nữ khiến dư luận bất bình. Rồi nhiều vụ trẻ em mất tích khó hiểu. Rồi trẻ em bị bắt cóc, bị hãm hiếp, bị giết hại... đã gióng một hồi chuông lớn gõ vào trái tim những người có lương tri. Hãy hành động nhiều hơn để bảo vệ con em chúng ta, bảo vệ tương lai của đất nước.

Một vấn đề nữa là vấn đề chăm sóc trẻ em sau nạn bạo hành. Việc giải thoát các em khỏi bạo hành, hay chấm dứt bạo hành đối với trẻ em đã là một tín hiệu vui. Nhưng những đứa trẻ đã từng bị bạo hành vẫn còn phải sống trong nỗi đau, trong ám ảnh rất lâu. Những vết thương cơ thể và những vết thương tâm hồn cần phải được chữa trị, bằng thuốc men và bằng rất nhiều yêu thương của người lớn, của cộng đồng xã hội. Mỗi ngày đường dây tư vấn dịch vụ truyền thông của Bộ LĐ - TB & XH nhận được hàng trăm cuộc điện thoại từ các em nhỏ. Trong đó phần nhiều là những chia sẻ việc các em bị hành hạ về thể xác lẫn tinh thần từ người trong gia đình, hay là nạn nhân của những vụ bạo hành khác ngoài xã hội. Cá biệt có những em vừa thoát khỏi những vụ xâm hại nói rằng, cha mẹ các em chỉ lo việc kiện cáo, bồi thường, truy tìm thủ phạm mà quên mất việc chia sẻ an ủi, chữa trị vết thương tâm lý cho các con. Đau lòng hơn có những trường hợp, các em thoát khỏi bạo hành nhưng không trở lại cuộc sống bình thường được vì bị ám ảnh trong tâm lý dai dẳng và muốn tìm đến cái chết.

Bởi vậy, bạo hành, xâm phạm trẻ em luôn là một loại tội ác ghê tởm nhất trên thế giới, mà mỗi xã hội đều mong muốn có thể loại bỏ. Chúng ta đừng thờ ơ với tội ác này. Hãy lên án, hãy bằng mọi cách để những kẻ thủ ác phải được đưa ra ánh sáng. Như câu chuyện đau lòng vừa xảy ra ở biên giới Việt Nam-Campuchia là một ví dụ. Chính tiếng nói của cộng đồng mạng đã khiến các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin nhanh hơn, vào cuộc nhanh hơn và giải cứu được các em nhỏ đang phải sống một cuộc sống địa ngục.

Vương Hà
.
.
.