Gian nan bắt tội phạm trốn nã ở vùng cao

Thứ Năm, 20/10/2016, 10:33
Chúng tôi đến Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Khánh Hòa vào buổi chiều một ngày cuối tháng 9-2016. Nha Trang vào mùa giông bão, trời vần vũ mây đen, gió lớn giật liên hồi và thỉnh thoảng lại trút những cơn mưa lớn...


Chúng tôi đến Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Khánh Hòa vào buổi chiều một ngày cuối tháng 9-2016. Nha Trang vào mùa giông bão, trời vần vũ mây đen, gió lớn giật liên hồi và thỉnh thoảng lại trút những cơn mưa lớn.

Mưa, gió là vậy, phía sau con đường Trần Phú (trụ sở Công an tỉnh Khánh Hòa), những cán bộ chiến sỹ Phòng PC52 vẫn đang hối hả chuẩn bị các loại vật dụng cá nhân, một mũi chuẩn bị lên đường đến vùng núi huyện Khánh Vĩnh (tiếp giáp với huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) để truy bắt một đối tượng tội phạm đặc biệt nguy hiểm theo quyết định truy nã của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an một tỉnh phía Bắc đề nghị phối hợp, mũi khác đến với vùng sông nước miền Tây Nam bộ truy bắt đối tượng vừa gây ra một số vụ trộm, cướp ở TP. Nha Trang.

Nhấc tách trà nóng đặt vào tay tôi, Thượng tá Nguyễn Đức Minh - Phó trưởng phòng nhẹ nhàng bảo: "Ướt mưa chắc lạnh lắm phải không? Uống ly trà nóng cho ấm lòng đi đồng đội…".

Vừa nói, anh vừa lấy cho tôi mượn bộ quân phục để thay cho bộ quần áo đã ướt sũng nước. Đợi đến khi hai hàm răng của tôi bớt đánh lập cập vào nhau, anh mới kể cho nghe những chuyện vui, buồn trong giai đoạn hơn chục năm làm Cảnh sát truy nã tội phạm.

Thượng tá Nguyễn Đức Minh - Phó trưởng Phòng PC52 Công an tỉnh Khánh Hòa.

Với anh, đối tượng trốn nã thường chọn những nơi hẻo lánh thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao có ít người qua lại để lẩn trốn, nên để truy bắt được bọn chúng về quy án, các trinh sát ngoài vững vàng nghiệp vụ, "độ lì" để sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy còn phải bảo đảm có sức khỏe tốt để thực hiện các cuộc lội suối, leo núi để truy tìm, thậm chí phải nằm rừng chịu cảnh muỗi đốt, vắt cắn hàng chục ngày trời là chuyện bình thường.

Cũng có trường hợp tội phạm trốn ở những đô thị sầm uất, ăn ở trong những khách sạn cao tầng thì trinh sát có sướng hơn một chút nhưng vẫn phải ngồi vạ vật suốt cả ngày đêm ngoài đường trước những khách sạn mà tội phạm tá túc để tránh mất dấu. Thời gian đầu, khi mới thành lập Phòng, đối tượng trốn nã nhiều, anh em trinh sát thường xuyên phải thực hiện những chuyến truy bắt kéo dài hàng tháng trời, mà theo yêu cầu công tác thì buộc phải tắt điện thoại di động thường dùng, chỉ sử dụng điện thoại do đơn vị cung cấp nên đã tạo sự hiểu lầm cho vợ con và những người thân trong gia đình.

Để đảm bảo yêu cầu công tác, ngoài việc làm công tác tư tưởng đối với cán bộ chiến sỹ, lãnh đạo đơn vị còn thường xuyên đến tận nhà gặp gỡ, thăm hỏi vợ con của cán bộ chiến sỹ để giải thích cho họ hiểu về công việc của người lính trinh sát truy nã tội phạm, đồng thời động viên họ tạo điều kiện để chồng, cha của họ yên tâm công tác.

Cho đến nay, cùng với sự ủng hộ của "hậu phương" mà trung bình mỗi năm cán bộ chiến sỹ Phòng PC52 Công an tỉnh Khánh Hòa đã truy bắt được khoảng 50 đối tượng tội phạm trốn nã các loại, trong đó có cả các đối tượng thuộc diện đặc biệt nguy hiểm.

Khái quát xong về công việc của cán bộ chiến sỹ trong đơn vị, anh Minh cùng tôi qua phòng kế bên nơi Trung tá Lê Nhường, Phó đội trưởng Đội truy bắt để nghe anh kể thực tế những chuyến đi bắt phạm trốn nã.

Theo Trung tá Lê Nhường, mặc dù trong những năm làm trinh sát đã có hàng trăm đối tượng các loại bị anh tóm gọn, nhưng có lẽ vụ truy bắt Đào Xuân Chừng, SN 1957 tại tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương) khiến cho các anh phải tốn nhiều thời gian, công sức nhất, nhưng cũng là điển hình cho sự kiên trì của lực lượng truy nã tội phạm Công an tỉnh Khánh Hòa.

Do có chút học vấn, năm 1980, Chừng được điều động về làm kế toán rồi Trưởng bộ phận tài chính tại Hợp tác xã Thủy Cẩm Bình (nay là huyện Cẩm Giàng), đến đầu năm 1989 được cất nhắc lên vị trí Trưởng Ban kiểm soát kiêm Trưởng Ban tài chính.

Lấy lý do giúp cho các xã viên có giống lúa thuần chủng phục vụ sản xuất trên diện tích đất ruộng được giao khoán, trong thời gian này, Chừng đã bàn bạc với Ban chủ nhiệm Hợp tác xã làm văn bản kiến nghị Cục Dự trữ Quốc gia cho vay 100 tấn lúa giống trong thời hạn 3 năm sẽ hoàn trả lại (thời điểm ấy, 100 tấn lúa giống có giá trị rất lớn).

Gần đến thời hạn trả nợ, Cục Dự trữ Quốc gia đã làm văn bàn nhắc nhở, nhưng văn bản gửi đi mà không thấy hồi âm Cục này đã cử người trực tiếp xuống Hợp tác xã đòi nợ. Nhưng những người có trách nhiệm ở đây đã tìm cách né tránh nên Cục đã làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan Công an.  

Nhận đơn tố cáo, Công an huyện Cẩm Bình lập tức cử một tổ công tác xuống Hợp tác xã Thủy Cẩm Bình kiểm tra. Kết quả, phát hiện sau khi nhận 100 tấn lúa giống từ Cục Dự trữ Quốc gia, Hợp tác xã này không phân bổ cho các xã viên để đưa vào sản xuất mà đem cho một số hợp tác xã khác vay lại để hưởng chênh lệch (lãi).

Xác định đây là thủ đoạn lừa đảo để chiếm đoạt tài sản nên Công an huyện Cẩm Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một số đối tượng trong Ban chủ nhiệm Hợp tác xã, trong đó chủ mưu là Đào Xuân Chừng. Đến giữa năm 1989,  bị cáo Chừng đã bị Tòa án nhân dân huyện này xử 7 năm tù.

Một số đối tượng trốn nã bị trinh sát Phòng PC52 Công an tỉnh Khánh Hòa truy bắt trong tháng 9-2016.

Trong thời gian được tại ngoại chờ xét xử phúc thẩm, Chừng đã mang theo vợ và 3 con nhỏ bỏ trốn khỏi địa phương. Sau một thời gian truy xét mà không thấy dấu vết, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cẩm Bình (Cẩm Giàng) đã ra quyết định truy nã đối với Đào Xuân Chừng. Với quyết tâm phải bắt bằng được đối tượng về quy án, ngày 11-8-1999, Công an tỉnh Hải Dương tiếp tục ra quyết định truy nã trên phạm vi toàn quốc đối với Đào Xuân Chừng.

Tiếp nhận đề nghị phối hợp của Công an tỉnh Hải Dương, lãnh đạo Phòng PC52 Công an tỉnh Khánh Hòa đã triển khai một tổ công tác trực tiếp xuống các địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, kể cả các thôn bản nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để tiến hành công tác rà soát, sàng lọc đối tượng.

Sau nhiều năm trời liên tục truy xét nhưng không tìm thấy đối tượng nào có đặc điểm nhận dạng giống như trong ảnh mà Công an tỉnh Hải Dương cung cấp, hơn nữa cũng không có đối tượng nào tên Đào Xuân Chừng.

Vụ việc tưởng chừng chìm vào quên lãng thì vào đầu năm 2016, Đảng ủy xã Cam Phước Tây đề nghị đưa người con trai của Chừng (lúc này mang tên Đào Văn Dũng) vào diện đối tượng bồi dưỡng kết nạp Đảng nhưng hắn yêu cầu con trai mình nhất quyết từ chối với lý do dành thời gian ôn luyện bài vở để thi vào đại học.

Trước sự việc này, các trinh sát Phòng PC52 đã tìm cách tiếp cận nhưng đối tượng quả quyết từ ngày cha sinh mẹ đẻ cho đến nay mình mang tên Đào Văn Dũng chứ không biết cái tên Chừng là ai. Nhận thấy đối tượng có nhiều biểu hiện bất thường như nói tiếng lai miền Bắc, không chứng minh rõ ràng về quê hương bản quán, lại tỏ ra rất cảnh giác khi trả lời các câu hỏi nên các trinh sát quyết định âm thầm bám theo.

Ngày 1-3-2016, khi đã có đủ yếu tố chứng minh Đào Văn Dũng chính là Đào Xuân Chừng, các trinh sát quyết định thực hiện lệnh bắt đưa về trụ sở Công an huyện Cam Lâm tiếp tục đấu tranh làm rõ.

Biết không thể che giấu thân phận của mình được nữa, tại cơ quan Công an, Đào Xuân Chừng đã khai nhận hành vi phạm tội và quá trình lẩn trốn của mình:

Theo lời khai của Chừng, sau khi rời bỏ quê hương, y cùng vợ và các con đã tìm đến khu vực cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn tìm cách trốn sang Trung Quốc. Tuy nhiên sau nhiều lần thám thính, thấy khu vực này được Bộ đội Biên phòng kiểm soát hết sức chặt chẽ nên hắn đã thay đổi ý định rồi xin theo làm công cho một chủ xe tải chạy tuyến Bắc - Nam.

Ít ngày sau, lấy lí do có người thân trong miền Nam đang bị bệnh nặng, y xin với chủ xe cho vợ con đi cùng, nhưng khi xe dừng tại một quán cơm ven quốc lộ 1A thì y cùng vợ con đã bỏ trốn, sau đó bắt xe đò lên huyện Cam Ranh xin tá túc ở nhà một người quen.

Được một thời gian, người bạn của Chừng do bệnh nặng sắp qua đời nên đã gửi một người bạn khác dắt lên thôn Văn Thủy 2, xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm khai hoang đất rừng để trồng tỉa. Tại đây, để không bị cơ quan chức năng phát hiện, Chừng cho thay đổi toàn bộ tên của các con, riêng y đổi tên thành Đào Văn Dũng. Đặc biệt y yêu cầu vợ con phải sống khép kín, cố gắng hạn chế giao tiếp với những người xung quanh và chỉ tập trung vào việc sản xuất nông nghiệp.

Trải qua thời gian chịu khó lao động, sản xuất, lại có chút chữ nghĩa nên đến năm 2012, Chừng được bà con nhân dân thôn Văn Thủy 2 tín nhiệm bầu làm thôn phó, ngoài ra còn được bình bầu là nông dân sản xuất giỏi trong nhiều năm liền và được UBND tỉnh Khánh Hòa, huyện Cam Lâm và xã Cam Phước Tây tặng nhiều giấy khen các loại.

Đến năm 2014, Chừng tiếp tục được tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, đồng thời người con trai đầu cũng được đề nghị đưa vào làm dân quân xã. Đến đầu năm 2016, Đảng ủy xã Cam Phước Tây đưa con trai đầu của Chừng vào diện đối tượng bồi dưỡng để kết nạp Đảng, Chừng ra sức ngăn cản nhằm tránh bị lộ hành tung, nhưng cuối cùng vẫn không thể qua mắt được cơ quan Công an và buộc phải nhận tội.

Đức Cương
.
.
.