Giảm nghèo: “Cuộc chiến” còn nhiều thách thức

Thứ Hai, 21/12/2020, 08:03
Dạo quí II-2020, khi tính toán để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, TP Hồ Chí Minh đã có thống kê cụ thể, cho thấy chỉ riêng số người bán vé số dạo trên địa bàn (cả diện thường trú và tạm trú) đã lên đến 12.000 người. TP này cũng còn đến 22.000 hộ cận nghèo, 10.000 hộ nghèo.


Như vậy, chỉ tính riêng việc hỗ trợ cho mỗi người trong diện bán vé số dạo 750.000 đồng và 1 triệu đồng/hộ trong 3 tháng đối với hộ cận nghèo và hộ nghèo, rồi đối tượng đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội… thì TP Hồ Chí Minh phải chi ra con số hàng trăm tỉ đồng. Số tiền không hề nhỏ ngay với cả một địa phương có số thu ngân sách đứng đầu cả nước như TP Hồ Chí Minh. Nhưng với 1 triệu đồng/hộ/3 tháng hay 750.000 đồng/người thì  cũng chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ, động viên là chính.

Từ một việc cụ thể như thế, để thấy công cuộc giảm nghèo là không đơn giản, cái cụ thể nhất là cần nguồn lực và chính sách. Chính sách thì có thể tạo ra nhưng nguồn lực không có thì cũng… bất lực. Với từng địa phương cụ thể là thế, mà nói rộng ra tầm quốc gia thì cũng thế.

Các chuyên gia trong lĩnh vực chống nghèo đói mới đây đưa ra nhận định rằng cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới đang thụt lùi một thập niên. Tổ chức Oxfam (Liên minh quốc tế của 20 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công) ước tính riêng đại dịch Covid-19 sẽ khiến khoảng nửa tỷ người (hơn 8% dân số thế giới) lâm cảnh nghèo đói. Đây là thử thách lớn đối với cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu.

Nhà nước đã và đang triển khai hàng loạt chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Trong bối cảnh đó, đáng mừng là Việt Nam chúng ta vẫn có những tiền đề rất cơ bản để giảm nghèo.

Những tiền đề đó là gì? Đó là trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã đưa tỷ lệ nghèo từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 3,75% vào năm 2019 và dự kiến dưới 3% trong năm 2020, trở thành một quốc gia đầu tiên về đích trước Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về giảm nghèo. Đó là quyết tâm của Đảng và Nhà nước, nhìn cụ thể được qua việc Quốc hội, Chính phủ tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo trong giai đoạn 2016 - 2020, gấp 2 lần so với giai đoạn trước đó, dù ngân sách còn rất nhiều khó khăn. 21% ngân sách Nhà nước dành cho phúc lợi xã hội mà Việt Nam đang thực hiện là mức cao nhất trong các nước ASEAN.

Bỏ ra một tỉ lệ ngân sách cao như vậy và thu được gì? Nếu cần để trực diện thì có thể nhìn vào hiện trạng 100% các xã đã có đường ôtô đến trung tâm, 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện. 100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có bảo hiểm miễn phí… Đấy chỉ là một phần nhỏ trong những kết quả đã thu được, làm tiền đề cho việc giảm nghèo.

 Nhìn cụ thể vào thực tiễn, công cuộc giảm nghèo ở Việt Nam nay không chỉ là chuyện của Đảng, của nhà nước hay Chính phủ, mà đã thành phong trào toàn dân, tiêu biểu có thể thấy qua nhiều tấm gương điển hình về xóa đói, giảm nghèo và tự giác xin vượt ra khỏi ranh giới của diện nghèo. Có thể kể đến các cộng đồng dân cư hay cá nhân cụ thể, như trường hợp 44 hộ nghèo người Dao ở xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh; là cụ Đỗ Thị Mơ (84 tuổi) ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa; là 470 hộ nghèo ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An…

Đấy là những thuận lợi cơ bản để Việt Nam tự tin bước tiếp trong bối cảnh mới của công cuộc giảm nghèo. Nhưng công cuộc giảm nghèo ở Việt Nam ta không chỉ có thuận lợi mà còn đối diện với nhiều khó khăn.

Người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rõ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 (tổ chức sáng 11-12-2020) rằng: “Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, dễ tái nghèo, chênh lệch giàu nghèo giữa vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm còn cao. Chuẩn thu nhập trong chuẩn nghèo hiện chỉ bằng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa được điều chỉnh kịp thời. Một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa bàn nghèo, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiệu quả”.

Đấy là chưa kể trong thực tiễn, tình trạng trục lợi chính sách xóa đói giảm nghèo vẫn diễn ra ở một số nơi. Tỉnh Quảng Bình từng phải xử lý hàng loạt cán bộ ở xã Hoàn Trạch (huyện Bố Trạch) do hàng loạt người thân, bà con với cán bộ lãnh đạo xã "đi lạc" vào hộ nghèo để hưởng chế độ chính sách, hỗ trợ của Nhà nước

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa dạo cuối tháng 5-2020 cũng phải có văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát lại danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, trong đó yêu cầu đưa ra khỏi danh sách những hộ không thuộc đối tượng. Trước đó, trong quá trình chi trả tiền cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tại tỉnh Thanh Hóa đã lộ ra nhiều lãnh đạo xã có người thân nằm trong diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhiều gia đình có điều kiện đi ôtô, ở nhà lầu nhưng vẫn "lọt" vào danh sách hộ cận nghèo khiến dư luận bức xúc.

UBND huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) sau khi kiểm tra thông tin do báo chí phát hiện cuối tháng 4-2020 cũng đã xác định tại 2 xã Quý Hòa và Tân Lập có 12 cán bộ, đảng viên "lọt" danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để hưởng gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng…

Càng nhiều trường hợp trục lợi chính sách giảm nghèo thì càng ít cơ hội cho người nghèo thoát nghèo, dù có chính sách tốt.

Nói thế để thấy “cuộc chiến” giảm nghèo đang bước vào một giai đoạn vô cùng khó khăn trước nhiều thách thức, không chỉ đơn thuần chi phí càng lớn thì sẽ càng hiệu quả. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì để có tầm nhìn 2045 vì “một Việt Nam không có đói nghèo” thì “giảm nghèo không chỉ bằng trí tuệ mà cả trái tim”.

Lương Duy Cường
.
.
.