Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về xóa đói, giảm nghèo

Thứ Bảy, 12/12/2020, 06:27
Sáng 11/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020. 

Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo các địa phương tại 63 điểm cầu trong cả nước.

Qua 10 năm thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước, các vùng miền. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam: 58,1%; năm 2015: 9,88%; năm 2019: 3,75%; năm 2020, dự kiến còn: 2,75%. Nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là 93.000 tỷ đồng. Việt Nam là một trong số 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Ngoài chỉ số về thu nhập, chuẩn nghèo còn có 10 chỉ số để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận đối với 5 dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

Người nghèo có khả năng lao động được hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với nhu cầu. Đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, nâng lên rõ rệt. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, có thể thấy, kết quả giảm nghèo chưa bền vững.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Giảm nghèo là một nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội quan trọng hàng đầu và "mang đậm tình người". Đây cũng là một định hướng xã hội chủ nghĩa quan trọng của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thủ tướng nhìn nhận, sau hơn 30 năm qua, Việt Nam là một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói giảm nghèo; là câu chuyện thành công truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với xã hội, môi trường, trong đó luôn chú trọng giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Mặc dù còn nhiều khó khăn, Quốc hội, Chính phủ dành nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước với 21% ngân sách nhà nước dành cho phúc lợi xã hội. Đây là mức cao nhất của các nước trong khối ASEAN. Việt Nam đã hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người từ sách Nhà nước chịu tác động bởi COVID-19.

Thủ tướng nêu rõ, tỷ lệ hộ nghèo còn dự kiến dưới 3% trong năm 2020, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo. Đến nay, 100% các xã có đường ôtô đến trung tâm; 99% trung tâm xã và 60% thôn có điện... Đó là cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng nhận thấy, nhiều địa phương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã vận động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo 4 cấp và các hoạt động an sinh xã hội với số tiền gần 20.000 tỷ đồng; đã xây khoảng 170.000 căn nhà cho hộ nghèo, nhất là trong cuộc chiến chống COVID-19, khắc phục hậu quả lũ lụt miền Trung, thắm lòng nhân ái, nghĩa đồng bào. Đây là một văn hóa truyền thống đáng quý của dân tộc, tăng thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước.

Thủ tướng phân tích, những thành quả giảm nghèo của Việt Nam có được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền Trung ương và địa phương; sự hưởng ứng nhiệt tình ủng hộ của nhân dân trong và ngoài nước. Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao những địa phương vươn lên thoát nghèo với tinh thần tự cường dân tộc.

Nhấn mạnh, giảm nghèo trong thời gian tới là công việc "cả trí tuệ và trái tim", Thủ tướng đề nghị, nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn định hướng đến 2030 và tầm nhìn đến 2045.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ người nghèo, chuẩn nghèo đa chiều, ưu tiên trẻ em, người cao tuổi và đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Xây dựng các chương trình, các mô hình giảm nghèo và an sinh xã hội trong bối cảnh mới, tác động cực đoan của dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Nhân rộng các chương trình, sáng kiến, mô hình hiệu quả, thành công. Ưu tiên nguồn lực Nhà nước lồng ghép các chương trình giảm nghèo cùng với huy động nguồn lực toàn xã hội, sự ủng hộ các tổ chức quốc tế trong công cuộc hỗ trợ người nghèo.

PV ( TTXVN)
.
.
.