Giải pháp ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em
- Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em diễn biến ngày càng phức tạp
- Sốc với con số hơn 1.500 vụ xâm hại tình dục trẻ em tại Việt Nam1
Những con số đáng báo động
Phát biểu tại hội thảo "Tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em" (Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an phối hợp với Hội Phụ nữ Việt Nam tổ chức vào sáng 28-7), Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Phó Trưởng Ban chỉ đạo NQLT 01/TW cho biết tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục ở nước ta đang có xu hướng gia tăng, với tính chất ngày càng nghiêm trọng.
Đó không chỉ là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay mà còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ…
Điều đáng nói là nguy cơ bị xâm hại có thể xảy ra đối với trẻ em ở bất kỳ độ tuổi nào, không phân biệt giới tính, từ thành thị tới nông thôn và trẻ em có thể bị xâm hại ngay dưới mái trường, trong chính ngôi nhà của mình.
Theo báo cáo tổng quan về tình hình và kết quả công tác phối hợp trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em do Đại tá Nhữ Thị Minh Nguyệt, Cục trưởng Cục C43, Thường trực Ban chỉ đạo NQLT 01/TW trình bày thì trong 5 năm qua (2012 - 2016), trên địa bàn cả nước xảy ra trên 6.686 vụ xâm hại trẻ em, với hơn 8.900 đối tượng, xâm hại 8.146 em.
TAND tỉnh Thanh Hóa xét xử một bị cáo phạm tội hiếp dâm trẻ em. |
Tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em có nhiều diễn biến phức tạp và độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ; phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng đa dạng hơn.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, Tổng cục Cảnh sát, từ năm 2014 đến năm 2016, toàn quốc đã phát hiện 4.147 vụ xâm hại tình dục trẻ em, với 4.320 đối tượng gây án, xâm hại 4.140 em.
Riêng 6 tháng đầu năm 2017, toàn quốc đã phát hiện 696 vụ xâm hại tình dục trẻ em, với 716 đối tượng gây án. Xảy ra nhiều tại các địa phương như Hà Nội, Tây Ninh, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai…
Riêng địa bàn TP. Hồ Chí Minh, theo Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP. Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2017, thành phố đã phát hiện 30 vụ xâm hại trẻ em, đã điều tra khám phá 30 vụ, bắt và tạm giữ 30 đối tượng, 29 em bị xâm hại.
Trên diện rộng, theo thống kê hàng năm cho thấy, số vụ xâm hại tình dục trẻ em của các tỉnh, thành phía Nam chiếm gần 30% so với tổng số vụ xâm hại tình dục trẻ em của cả nước…
Vụ việc gần đây khiến dư luận phẫn nộ là vụ em N.N.B (15 tuổi, ngụ phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) bị cha dượng xâm hại tình dục nhiều lần từ tháng 9-2015 đến tháng 1-2017 mới bị phát hiện.
Cuối tháng 3-2017 vừa qua, căn cứ kết quả giám định pháp y và tài liệu chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra Công an quận Bình Tân đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Giao cấu với trẻ em" để điều tra.
Trước đó, theo đơn tố giác của bà L.T.H (ngụ phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân), con trai bà là N.H.S. (39 tuổi) lập gia đình với T.T.K.L. (40 tuổi) vào năm 2001 và có hai người con. Trong đó, N.N.B là con gái lớn. Đến năm 2012, do tình cảm rạn nứt nên vợ chồng S., L. ly hôn. Lúc này hai người con lớn của ông S. đều về sống chung với mẹ ở gia đình ông bà ngoại.
Đến tháng 8-2015, bà L. quen biết rồi dọn ra chung sống với người đàn ông tên N.V.T. (45 tuổi). Lúc này cả hai con của bà L. đều dọn ra ở chung cùng mẹ và ông T. Do công việc buôn bán ở chợ nên bà L. phải dậy từ sáng sớm để đi làm đến tối mới về nhà. Cậu con trai út thường xuyên được đưa sang gửi nhà ngoại nên hàng ngày chỉ có ông T. và em B. ở nhà thường xuyên.
Đến đầu năm 2017, em B. được bà nội đón về nhà ở phường Bình Hưng Hòa sinh sống. Trong thời gian này, bà H. phát hiện cháu nội mình có biểu hiện lạ giống như người trầm cảm. Ngày 24-1-2017, bà H. đưa B. đến bệnh viện khám thì phát hiện em bị tổn thương âm đạo.
Bà gặng hỏi thì được B. kể lại toàn bộ sự việc bị ông N.V.T xâm hại nhiều lần trong vòng gần một năm trời. Sau đó, bà H. đã đến cơ quan Công an tố giác hành vi đồi bại của N.V.T.
Cháu N.N.B đã bị chồng hờ của mẹ hiếp dâm nhiều lần, trong một thời gian dài. |
Một vụ việc đau lòng khác được người cha có con nhỏ bị hiếp dâm chia sẻ đầy nước mắt tại hội thảo kể trên. Và điều đáng nói là khi nói về trường hợp của con gái mình, anh Đ.K. (33 tuổi, quê Sóc Trăng) đã không giữ được bình tĩnh và bật khóc vì đau đớn.
Theo anh K., do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh đi làm cả ngày, để 4 đứa con ở nhà vợ anh chăm sóc. Nhưng do bận việc nhà và đông con nên vợ anh ít có thời gian trông chừng con mình.
Hơn 3 tháng trước, lợi dụng lúc anh vắng nhà, đối tượng Kim Lân (33 tuổi, quê Sóc Trăng) trong khi say xỉn đã tiếp cận hiếp dâm con gái 7 tuổi của anh.
Sự việc được phát giác khi người cô ruột nghe tiếng cháu kêu cứu và chạy đến nơi phát hiện rồi tri hô người dân đến bắt Lân bàn giao cho Công an xử lý. Đại diện Công an tỉnh Sóc Trăng, Thiếu tá Đoàn Minh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội điều tra thẩm định, Phòng PC44, xác nhận ngay sau khi bị bắt Lân đã thừa nhận hành vi phạm tội và đang bị tạm giữ để phục vụ điều tra.
Công tác điều tra, xử lý còn nhiều khó khăn
Dù tội phạm xâm hại tình dục trẻ em khó lường và ngày càng diễn biến phức tạp, nhưng theo Đại tá Nguyễn Hữu Sự, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45), hiện công tác phòng ngừa và điều tra khám phá loại tội phạm này còn hạn chế.
Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó công tác phát hiện, tố giác tội phạm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, gia đình nạn nhân và nạn nhân bị xâm hại thường không trực tiếp, kịp thời tố giác tội phạm, thậm chí có cả thái độ bất hợp tác; có nạn nhân chưa có hiểu biết về pháp luật cũng như các kỹ năng nhận biết tội phạm, dễ bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo, đe dọa để thực hiện hành vi phạm tội.
Anh Đ.K. gục xuống bàn xúc động khi nói về nỗi đau con gái bị hàng xóm hiếp dâm. |
Bên cạnh đó, một số gia đình nạn nhân lo sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự hoặc xấu hổ, sợ ảnh hưởng đến tương lai của con cái sau này, vì sẽ ảnh hưởng đến việc có bạn trai, việc lập gia đình… nên không đến cơ quan chức năng trình báo.
Đây cũng là những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc sau một thời gian dài mới bị phát hiện, tố giác gây khó khăn cho quá trình điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ để xử lý trước pháp luật.
Hầu hết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em không có nhân chứng trực tiếp, trẻ em bị xâm hại tình dục (nạn nhân) còn nhỏ tuổi, năng lực nhận biết còn hạn chế, tâm lý dễ bị kích động thường hoảng loạn về tinh thần nên khai báo thiếu chính xác.
Một số tội danh chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe tội phạm, nhiều khi không tương xứng với hành vi bạo lực cần xử lý cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng này. Mặt khác, hiện nay cũng chưa có những quy định về giám định khẩn cấp đối với những vụ tố giác xâm hại tình dục, để đảm bảo điều tra có chứng cứ.
Việc xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em hiện chưa có một quy trình hướng dẫn thống nhất đồng bộ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Một số quy định của pháp luật về tội danh xâm hại tình dục trẻ em còn chưa rõ ràng, chưa có khái niệm về hành vi xâm hại tình dục trẻ em (dâm ô với trẻ em), dẫn đến nhận thức và vận dụng còn chưa thống nhất và đồng bộ.
Trong khi đó, đối tượng xâm hại trẻ em phần lớn chưa có tiền án, tiền sự và đa số có quan hệ gần gũi với nạn nhân. Đáng báo động hơn là thời gian gần đây nổi lên tình trạng người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, du lịch đã có hành vi xâm hại tình dục trẻ em, kể cả đối với trẻ em nam.
Trong khi trẻ bị xâm hại thường phải chịu nhiều đau đớn, tổn hại về thể xác lẫn tinh thần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ thì công tác xử lý người xâm hại, bạo lực lại bộc lộ những khó khăn, hạn chế nhất định, đặc biệt là yếu tố nhạy cảm khi thủ tục tố cáo hành vi xâm hại tình dục phải có sự tham gia của nhiều ngành, đoàn thể địa phương; việc tổ chức lấy lời khai và giới thiệu giám định pháp y để xác định tỷ lệ thương tật của trẻ ở một số địa phương chưa đảm bảo tính bảo mật thông tin cá nhân trẻ.
Trước thực trạng này, theo Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Công an các đơn vị, địa phương cần phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và các cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu, tiếp tục triển khai một số vấn đề như cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng dân cư, trong đó cần phát huy vai trò của tổ chức hội phụ nữ các cấp, theo hướng tăng cường hoạt động tại cơ sở...
Đặc biệt, lực lượng Công an và hội phụ nữ ở cơ sở cần nghiên cứu, phối hợp với các trường học, đưa các nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh bằng các hoạt động sinh động, thiết thực, trong các giờ sinh hoạt tập thể, ngoại khóa của học sinh, lôi cuốn được phụ huynh và học sinh tham gia.
Riêng lực lượng Công an các cấp cần đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, nâng cao năng lực điều tra của đội ngũ điều tra viên các cấp, nâng cao tỷ lệ điều tra, phá án. Đặc biệt, đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cần xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Về vấn đề hoàn thiện pháp lý, do việc xác định tội danh đối với hành vi ấu dâm gặp nhiều khó khăn vì hậu quả để trên thân thể nạn nhân khó xác định, với chức năng được giao, Tổng cục Cảnh sát sẽ nghiên cứu để tham mưu cho lãnh đạo các cấp trong việc từng bước hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi Luật cho phù hợp với thực tiễn.
Có thể nói, xâm hại tình dục trẻ em đã và đang là một tội ác vô cùng nghiêm trọng, để lại nhiều hệ quả kinh hoàng với bản thân người bị hại và toàn xã hội. Do đó, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em không phải là việc của riêng mỗi cá nhân hay tổ chức nào mà là một cuộc chiến đòi hỏi cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội với một lộ trình rõ ràng và toàn diện.