Giải bài toán “vàng tặc” ở mỏ vàng Bồng Miêu
- Nóng chuyện "vàng tặc" và ô nhiễm môi trường
- Tấc đất tấc vàng, tấc tàn tấc tệ
- “Quét” vàng tặc tại A Lưới
Gặp những phu vàng đã “giải nghệ”…
Gần 25 năm cõng quặng, đào đất, rồi làm công tác quản lý công nhân tại mỏ vàng Bồng Miêu, mỗi ngày ông Nguyễn Quốc Duyên (trú thôn Trà Sung, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) dường như phải sống trong lo âu, sợ hãi về những tai nạn không may có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Người đàn ông ngoài 40 tuổi, khuôn mặt rám nắng, đầy vẻ đăm chiêu, nhớ lại rằng, khi mới bước vào tuổi 17 “bẻ gãy sừng trâu”, dù đang là tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, lại đông anh em nên ông đành chấp nhận chọn cho mình công việc phu vàng.
“Đầu quân cho một chủ hầm vàng ở xã Tam Lãnh, tui được phân công công việc cõng quặng. Mỗi ngày tui được nhận lại tiền công khoảng 100 - 200 nghìn đồng. Tui quăng quật làm việc trải qua bao vất vả, khổ cực mới dành dụm được một số tiền kha khá. Có tiền, tui quyết định đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị và thuê nhân công khai thác vàng. Làm công nhân phải gian nan cực khổ mới có tiền, còn làm chủ hầm thì tiền bạc rủng rỉnh hơn…”, ông Duyên cười hiền, phân trần.
Lực lượng chức năng truy quét “vàng tặc” ở Bồng Miêu. |
Đưa mắt nhìn ra “cánh đồng vàng” Bồng Miêu phơi mình trong cái nắng gay gắt của tháng 10, ông Duyên lại tiếp tục câu chuyện: Làm thuê cho các chủ hầm vàng, công việc vác đá quặng nặng nhọc, có khi bị đá đè trúng chân, sưng to, bầm tím không đi lại được, nhưng mà có đồng ra đồng vào. Còn làm chủ hầm, ông phải đối diện biết bao nỗi lo.
Mỗi ngày, ông lo có tìm được vàng hay không? Có đủ tiền trả cho công nhân không? Đối diện với các nguy cơ tai nạn ra làm sao? Rồi còn bị các cơ quan chức năng truy quét… Cứ như thế, mỗi ngày trôi qua, ông luôn sống trong âu lo, sợ hãi.
“Do đó, tui quyết định nghỉ làm chủ hầm vàng và đầu quân cho Công ty vàng Bồng Miêu”, ông Duyên trải lòng. Nhưng, ông Duyên cũng không ngờ, khi ông “đầu quân” cho Công ty vàng Bồng Miêu, dù mỗi ngày hết cõng đá quặng, xay vàng; ngược lại ông phải rúc sâu trong các hầm đào vàng. Đó là nhiệm vụ của ông được Công ty vàng Bồng Miêu phân công.
Có khi ông phải “ăn dầm, nằm dề” trong hầm suốt gần một tháng trời, hít đủ các loại khí độc, chịu đựng biết bao sự cố…Và hậu quả, từ một thanh niên trai tráng, sức khỏe tốt, ông đã mắc các bệnh về phổi như bụi phổi và các triệu chứng do nhiễm chất độc cyanua. Đã vậy, lúc Công ty vàng Bồng Miêu ngừng hoạt động, ông trở thành người… thất nghiệp.
Những người làm vàng trái phép tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. |
Không chỉ riêng ông Duyên mà có rất nhiều phu vàng khác ở mỏ vàng Bồng Miêu đều rơi vào thất nghiệp sau khi Công ty vàng Bồng Miêu đóng cửa. Có người quay về với con cháu khi ở quá nửa cuộc đời. Có người đã chấp nhận quay lại làm “vàng tặc”. Và khi chấp nhận như thế, cũng đồng nghĩa họ đang đánh cược mạng sống với vàng.
Đầu tháng 4-2017, tại mỏ vàng Bồng Miêu đã xảy ra một vụ tai nạn sập hầm vàng, nạn nhân có gia cảnh thật đáng thương. Đến nay, vụ tai nạn vẫn còn là nỗi ám ảnh của nhiều người dân địa phương.
Vì kinh tế quá khó khăn, nên vợ chồng ông Nguyễn Đức Trọng (60 tuổi) và bà Phạm Thị Dưỡng (59 tuổi, trú huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) dắt nhau vào mỏ vàng Bồng Miêu làm “vàng tặc”. Trong lúc khai thác vàng trái phép tại một hầm ở khu vực Đồi Sim (xã Tam Lãnh) thì bất ngờ hầm vàng đổ sập.
Bà Dưỡng may mắn thoát chết, còn ông Trọng bị mắc kẹt trong hầm. Dù cơ quan chức năng đã tổ chức lực lượng ứng cứu, đưa ông Trọng đến cơ sở y tế nhưng do bị thương quá nặng, ông Trọng đã tử vong.
Trở lại với câu chuyện của những người “quên giấc mơ vàng”, ông Duyên tâm sự, sau khi Công ty vàng Bồng Miêu đóng cửa, ông về nhà. Công việc không có, tuổi đã cao, không có ruộng đất nhiều, trong khi các con lại đang trong tuổi ăn tuổi học, rất cần tiền để lo các khoản chi tiêu.
Không chấp nhận số phận, ông đã nhanh chóng chuyển sang làm thợ hồ, công việc mà trước đây ông cũng đã từng một thời gắn bó. Ông bắt đầu liên hệ lại với những người anh em và tham gia vào đội thợ hồ đi nhận các công trình khắp trong và ngoài xã. Mỗi ngày, với chiếc bay, cây thước… trên tay, ông cùng bạn hữu đi xây dựng các công trình cho bà con. Nét khắc khổ đã hằn lên khuôn mặt, thế nhưng nụ cười của ông vẫn hiện hữu trên môi.
“Bây giờ dù thu nhập thấp hơn nhưng được cái ổn định. Không còn phải nơm nướp lo sợ sập hầm hay ngạt khí nữa”, ông Duyên phân trần.
Một người bạn của ông Duyên là ông Trương Ngọc Minh, cũng từng là phu vàng “nghỉ hưu non”. Sau một thời gian dài bán sức lao động cho bãi vàng, nhận thấy sự tổn hại về sức khỏe của bản thân, cũng như người thân ở khu vực xung quanh bãi vàng, ông đã xin nghỉ việc và xin theo chân các thợ hồ cùng thôn làm phụ hồ để học hỏi kinh nghiệm, kiếm kế sinh nghiệp cho tương lai.
Được sự giới thiệu, giúp đỡ của chính quyền xã và sự động viên của mọi người, ông nhận các công trình và mời thêm một số người bạn để làm việc. Sau vài năm bôn ba với nghề, ông Minh cũng đã tiết kiệm được ít tiền đủ để trang trải cho cuộc sống.
Sau khi “giải nghệ” phu vàng, ông Duyên mưu sinh với nghề thợ nề. |
Cùng với ông Duyên, ông Minh còn có rất nhiều phu vàng khác trên địa bàn xã Tam Lãnh cũng đã chọn cho mình hướng đi mới để chấm dứt kiếp phu vàng. Có những người đã trở thành thợ hồ, thợ mộc; có người chọn nghề thợ may, làm nông… Tuy rằng cuộc sống còn vất vả nhưng đã dần ổn định hơn. Những lo âu đã không còn thường trực trên ánh mắt, khuôn mặt, thay vào đó là những nụ cười mãn nguyện về cuộc sống, về sự thay đổi của bản thân mình.
Trong suốt cuộc trò chuyện, những con người đã từng làm phu vàng đều thở dài buông câu nói nhẹ như gió thoảng, rằng cuộc đời phu vàng được mấy hôm, nay vinh mai tàn có được bao lâu. Được may mắn cũng chỉ vài hôm rồi cũng hết, nhưng lại vi phạm pháp luật Nhà nước, con đường tù tội chẳng bao xa… Do đó, họ quyết tâm từ giã “giấc mơ vàng”, để tìm nghề nghiệp ổn định, mở ra cuộc sống mới, làm lại cuộc đời…
Bài toán khó đã có lời giải…
Dù giấy phép đã hết hạn từ tháng 3-2016, nhưng Công ty vàng Bồng Miêu vẫn chưa đóng cửa mỏ, bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Lợi dụng vấn đề này, nhiều người đã lên khu vực mỏ vàng Bồng Miêu để mót quặng vàng, trồng cây, làm trang trại gây thất thoát tài nguyên, môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANTT địa phương.
Theo báo cáo của Huyện ủy Phú Ninh, từ năm 2005 đến nay đã xảy ra 13 vụ sụp hầm vàng, làm 23 người chết, 5 người bị thương. Các đối tượng làm vàng trái phép tranh giành địa bàn, chém giết lẫn nhau; cướp giật, vận chuyển, buôn bán trái phép cyanua, vật liệu nổ…
Cơ quan chức năng đã xử lý trên 150 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến người làm vàng trái phép. Trong đó, có 6 vụ gây rối đông người, tạo ra các điểm nóng về tình hình ANTT.
Riêng trong 9 tháng đầu năm 2017, Công an xã Tam Lãnh phối hợp với Đồn Công an Tam Lãnh, Công an huyện Phú Ninh, Công an tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều đợt truy quét, phát hiện và tiêu hủy rất nhiều phương tiện làm vàng như máy nổ, cối xay, máy bơm nước…; đồng thời, đẩy đuổi hơn 400 lượt đối tượng “vàng tặc” ra khỏi địa bàn.
Ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho rằng, việc truy quét, đẩy đuổi “vàng tặc” ra khỏi bãi vàng cũng đã giảm thiểu một phần nào đó tình trạng khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp mang tính chất tạm thời, bởi diện tích mỏ vàng Bồng Miêu rất rộng, lực lượng chức năng địa phương lại “mỏng”, mỗi lần thực hiện truy quét chỉ thực hiện được trong thời gian ngắn.
Trong khi truy quét, “vàng tặc” trốn vào rừng sâu, đợi cơ quan chức năng rút, chúng lại trở lại như cũ. Đó là chưa kể, kinh phí cho mỗi đợt truy quét lại rất lớn, UBND xã không đủ kinh phí để thực hiện trong thời gian dài và liên tục.
“Tôi thấy vấn đề quan trọng nhất bây giờ là tổ chức chốt chặn và giải quyết việc làm cho họ. Có như vậy thì mới hi vọng giải quyết dứt điểm tình trạng này. Hiện tại, UBND xã đã đề xuất và chuẩn bị lập tờ trình xin kinh phí hỗ trợ để thực hiện chốt chặn”, ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, bên cạnh công tác truy quét “vàng tặc”, UBND xã Tam Lãnh cũng đã chỉ đạo tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản cho người dân, tổ chức cho họ ký cam kết không vi phạm pháp luật trên lĩnh vực khoáng sản; phối hợp với các đơn vị tổ chức được 3 lớp đào tạo nghề, tạo việc làm cho hơn 100 lao động là những phu vàng trước đây để họ không quay lại làm “vàng tặc”...