Gần một thập kỷ "oằn mình" chống cát tặc

Thứ Tư, 05/07/2017, 22:18
Tự góp tiền để mua thuyền máy, lập chốt, cử người thay nhau canh gác chống cát tặc là những gì mà người dân thôn Tân Thắng, xã Thái Tân, huyện Nam Sách (Hải Dương) đã và đang làm.

Tình trạng cát tặc lộng hành khiến người dân nơi đây mất ăn mất ngủ. Cuộc chiến khốc liệt này không phải mới bắt đầu mà nó kéo dài tới gần chục năm nay. Rất nhiều diện tích đất hoa màu đã bị “nuốt trôi”.

Nhiều người dân khi chống cát tặc đã bị đe dọa tính mạng. Nhưng “để giữ đất cho con cháu, giữ cho con đê của thôn không bị “nuốt” nốt thì dù nguy hiểm thế nào chúng tôi cũng phải chiến đấu thôi” – một người dân Tân Thắng chia sẻ.

Tàu hút cát liên tục quần thảo khúc sông thuộc xã Thái Tân.

Đất canh tác "không cánh mà bay"

Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi tìm về bãi ven sông Thái Bình thuộc thôn Tân Thắng. Dọc bờ sông là những chòi canh chống cát tặc của người dân lập lên. Phía trước mặt là hệ thống cột điện được dựng tạm để thắp sáng vào ban đêm, giúp người dân tiện việc phát hiện và xua đuổi các tàu hút trộm cát.

Một thanh niên mở điện thoại rồi cho chúng tôi xem hình ảnh về những chiếc cột điện dựng ở bãi bồi cạnh bờ sông, vì hút cát làm lở đất nên những chiếc cột điện ấy cũng đổ gục xuống sông. Chỉ vào những hàng cột điện mới này, người thanh niên bảo: “Đây là lần thứ 3 người dân ở đây phải dựng lại cột điện. Cứ tình hình cát tặc lộng hành thế này thì chẳng mấy chốc nó lại đổ tiếp thôi”.

Vào một chòi canh gác, chúng tôi gặp ông Phạm Văn Hiển – Trưởng thôn Tân Thắng. Ông Hiển bức xúc cho biết: “Người dân chúng tôi đã quá khổ với cát tặc rồi. Việc hút trộm cát diễn ra từ nhiều năm nay khiến địa phương bị mất quá nhiều diện tích đất do bờ sông sạt lở. Đến tháng 6 này thì tình trạng hút trộm cát lại diễn ra nóng bỏng hơn bao giờ hết khiến người dân chúng tôi đứng ngồi không yên”.

Cũng theo lời ông Hiển thì vào ngày 4-6 vừa qua, đối diện khu bãi sông thôn Tân Thắng là huyện Lương Tài, Bắc Ninh có 6 tàu hút cát đang buông neo nằm chờ.

Khoảng 22h cùng ngày, người dân phát hiện một chiếc tàu tiến sát bãi bồi của thôn. Lúc này bà con phát tín hiệu báo động. Ngay lập tức gần 20 người trong đội chống cát tặc của thôn tập hợp. Một nhóm đi thuyền máy chạy áp sát tàu hút cát rồi sau đó nhảy sang thuyền của cát tặc.

Khi thấy người của thôn Tân Thắng ập vào, hai người trên tàu hút trộm cát đã nhảy xuống sông hòng trốn thoát. Khi chiếc tàu được người dân đưa về phía gần chòi thì một người phụ nữ lạ mặt xuất hiện. Người phụ nữ này tự xưng là chủ tàu hút cát. Bà ta chửi bới um xùm và đòi người dân phải trả lại tàu cho mình.

Chốt canh cát tặc 24/24h của người dân.

Bốn ngày sau khi dân làng bắt tàu hút cát, một nhóm thanh niên xăm trổ đầy người đi taxi đến nhà ông Phạm Ngọc Trước, Bí thư chi bộ thôn Tân Thắng đe dọa.

Ông Trước cho biết: “Chuyện bắt được tàu hút cát rồi sau đó bị người của bọn họ đến đe dọa đã trở thành quen thuộc với người dân thôn Tân Thắng. Lần này cũng vậy, sau khi bắt được tàu trộm cát chúng tôi cũng đoán trước được là kiểu gì bọn chúng cũng cho người đến hăm dọa. Thế nên ngay khi có đầu gấu đến nhà tôi, dân làng đã kéo đến rất đông uy hiếp nên chúng sợ phải bỏ đi. Nhưng đến đêm 19-6, bọn chúng đã bí mật đến nhà con trai tôi rồi dùng xăng đốt cửa nhà. Sự việc này gia đình tôi đã trình báo lên Công an rồi”.

Không chỉ “nuốt” rất nhiều đất canh tác của địa phương mà đêm đêm, khi những chiếc tàu hút trộm cát hoạt động những người dân nơi đâu hầu như không thể ngủ. Một phần vì lo lắng chống cát tặc, phần khác do tiếng động cơ của chiếc tàu phát ra khiến hầu hết người già và trẻ nhỏ không sao ngủ nổi.

Anh Nguyễn Thanh Bình, một người dân của thôn cho biết: “Nhà tôi có cháu mới sinh, buổi tối nó cứ giật mình thon thót rồi lại khóc thét lên cũng bởi vì tiếng động cơ tàu hút cát. Con không ngủ thì bố mẹ cũng đâu thể nào nhắm mắt mà ngủ được. Cả nhà ai nấy mắt thâm quầng, khổ lắm. Chiến đấu thì cũng chiến đấu cả gần chục năm rồi. Chả biết nó là cái thế lực gì mà ghê gớm vậy. Không lẽ chính quyền bất lực? Không lẽ không có cách nào để ngăn chặn được bọn chúng à? Thế thì biết đến khi nào người dân chúng tôi mới được một giấc ngủ trọn vẹn đây? ”.

Bờ sông bị xói lở vì nạn hút cát bừa bãi.

Góp tiền mua thuyền máy, lập chốt canh 24/24h mỗi ngày

Vẫn biết chống lại cát tặc là hết sức nguy hiểm nhưng người dân Tân Thắng không thể ngồi yên nhìn những mảnh đất màu mỡ của gia đình mình bị “nuốt trôi”. Trước kia khi chưa mua thuyền máy và lập chốt, người dân chỉ biết đứng trên bờ nhìn các tàu hút cát ngang nhiên lộng hành với cảm giác bất lực. Khi lực lượng chức năng xuất hiện thì chúng cho tàu chạy qua bên kia sông sang địa bàn khác.

Khoảng tháng 11-2016, tàu hút cát xuất hiện ngày càng nhiều và ngang nhiên lộng hành khiến đất cạnh bờ sông ngày một sạt lở. Trước tình trạng báo động đó, người dân thôn Tân Thắng đã họp bàn rất nhiều. Cuối cùng họ quyết định góp tiền mua thuyền máy với giá 20 triệu đồng và dựng chòi canh gác. Đồng thời, thôn cũng lập ra đội tự vệ thay phiên nhau xuống chốt trực.

Ông Hiển chia sẻ: "Chả ai muốn bỏ làm bỏ ăn mà đi làm cái việc này. Nhưng cát tặc lộng hành khủng khiếp quá khiến đất đai của chúng tôi sắp mất hết cả rồi. Nếu không cố chiến đấu mà giữ cho con cho cháu thì sau này chúng nó còn lấy đâu ra đất mà canh tác nữa”.

Cũng theo lời ông Hiển, mấy năm về trước tàu hút cát vào địa phận của địa phương hút cả ngày lẫn đêm. Cuối năm 2015, sang năm 2016 địa phương thấy mất quá nhiều đất, mất cả đất chính sách, cả đất của 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Vì quá xót xa trước tình trạng đất bị “nuốt” nên địa phương đã họp và quyết định thành lập đội tự quản.

Đất bãi thuộc thôn Tân Thắng bị sụt lở nghiêm trọng.

Bà Nguyễn Thị Hậu ngao ngán cho biết: “Sống trong thời bình mà lúc nào chúng tôi cũng thấp thỏm, lo lắng như thời chiến vậy. Đêm đến đang ngủ lại nghe thấy tiếng báo động của đội tự quản chống cát tặc. Thế là cả làng lại nháo nhác cùng nhau ra bờ sông chống cát tặc”.

Chiến đấu với cát tặc không hề đơn giản bởi chúng có nhiều thủ đoạn đối phó. Chúng thường bố trí người nằm trong ruộng ngô và đi cảnh giới bằng xe máy trên bờ. Nhiều khi nhìn thấy tàu hút cát rồi mà chính quyền địa phương phối hợp với người dân vẫn bắt hụt bởi chúng có “chim lợn” mật báo.

Sau khi đội chống cát tặc của thôn Tân Thắng bắt được tàu hút cát trộm, ít ngày sau, Công an xã Thái Tân và Công an huyện Nam Sách cũng bắt được 2 tàu cát tặc khác ở thôn Mặc Bình và thôn Thượng.

Trước tình trạng cát tặc ngày càng lộng hành, Công an địa phương và Công an huyện đã cử lực lượng xuống trực cùng tổ tự vệ thôn Tân Thắng.

Theo người dân địa phương cho biết, chỉ cần 30 phút hút trộm cát thì mỗi tàu trộm cát sẽ thu về được 300 m³. Trong khi một mét khối cát bán được 40.000 đồng, suy ra lợi nhuận là rất lớn. Chính vì vậy, những chủ tàu hút cát này sẵn sáng bất chấp nguy hiểm và dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích của mình. Hơn nữa, trên thực tế, ngay cả khi bắt được tàu hút trộm cát thì việc xử lý cũng mới chỉ ở mức phạt hành chính nên không đủ sức răn đe với các chủ tàu.

Theo Ban Công an xã Thái Tân, để trị dứt điểm nạn hút trộm cát, cần thay đổi luật để khởi tố hình sự hoặc thu giữ tàu thì cát tặc mới sợ. Ngoài ra, cần tổ chức một lực lượng truy quét có tính chất liên vùng, thật mạnh mẽ và dứt khoát thì mới cứu được đê, giữ được đất, được sông.

Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh đã nắm được sự việc người dân thôn Tân Thắng, xã Thái Tân chống cát tặc và đang cho kiểm tra. Còn ông Nguyễn Quang Phúc, Chủ tịch MTTQ tỉnh Hải Dương thì cho rằng chính quyền phải có trách nhiệm hơn nữa để cùng với người dân quyết tâm chống cát tặc. 

Ông Đinh Bá Hà, Trưởng Công an xã Thái Tân cho biết: “Việc chống cát tặc của địa phương chúng tôi rất khó khăn, vì các đối tượng này có tai mắt khắp nơi. Nếu thấy bị phát hiện, chúng chuyển địa điểm hút cát hay giở nhiều mánh khoé và chọn những đoạn sông nằm cạnh nhiều địa phương để dễ bề chạy trốn. Thậm chí, khi lực lượng chức năng đã lên được tàu, các đối tượng đóng chặt cửa buồng lái rồi cho tàu chạy qua địa phận khác, khiến việc xử lý không hề đơn giản”.
Phong Anh
.
.
.