Kỳ cuối: Cần bịt kẽ hở pháp lý tiếp tay “cát tặc”

Thứ Năm, 04/05/2017, 09:00
Cùng với quá trình đô thị hóa, nhu cầu sử dụng cát phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước ta hiện nay rất lớn. Đồng thời cát là loại khoáng sản dễ khai thác và không phải đầu tư nhiều nên hoạt động khai thác trái phép trên nhiều tuyến sông luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ với đời sống xã hội.

Để xảy ra tình trạng trên, trước hết là do công tác quản lý, kiểm tra xử lý của các cơ quan chức năng còn lơ là, thứ đến là hàng loạt kẽ hở pháp lý vô hình trung tiếp tay cho “cát tặc”.

Cần khống chế và công khai số lượng, số hiệu phương tiện khai thác

Thực tế cho thấy, tình trạng khai thác cát diễn ra khá tràn lan trên nhiều tuyến sông. Tại nhiều địa phương, công tác quản lý của cơ quan chức năng còn buông lỏng, khiến nguồn tài nguyên cát không ngừng bị “chảy máu”.

Có mặt trên con đê Bối dẫn qua địa bàn xã Đôn Nhân và xã Phương Khoan (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) vào những ngày này, chúng tôi thấy nhiều tàu khai thác cát đang hoạt động ở đây. Tuy nhiên, có một điều mà chúng tôi thấy lo ngại là trong số các tàu của những đơn vị được cấp phép khai thác cát ở đây, có chắc là không có sự xuất hiện của tàu lạ, số tàu khai thác của các đơn vị vượt quá con số đã đăng ký hoạt động trước đó?

Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng doanh nghiệp sử dụng “lá bùa” - giấy phép được cấp mỏ khai thác để khai thác cát không đúng quy định luôn tiềm ẩn phát sinh.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô cho biết, do chủ nhiều tàu không gắn biển số, số hiệu phương tiện, cũng như việc không có phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật giám sát, nên thời gian qua, chính quyền xã không kiểm soát được số lượng tàu được phép khai thác cát trên dòng sông Lô – đoạn đi qua địa bàn. Thêm vào đó, việc xác định tọa độ dưới sông là rất khó đối với chính quyền sở tại. Do vậy, rất khó điểm soát được tình trạng khai thác cát trên địa bàn.

Lực lượng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Hưng Yên tăng cường công tác kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển cát trên địa bàn.

Đề cập đến vấn đề trên, ông Hoàng Đức Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sông Lô cũng thừa nhận rằng, việc kiểm soát số lượng các tàu khai thác cát thời gian qua chưa được thực hiện một cách đồng bộ.

Tới đây, để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, UBND huyện sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng quán triệt và yêu cầu các đơn vị được cấp phép khai thác cát, sỏi trên tuyến sông Lô đi qua địa bàn phải niêm yết công khai: quyết định cấp phép khai thác mỏ kèm theo bản đồ cấp phép khai thác, phạm vi mỏ, công suất khai thác, thời gian hoạt động khai thác trong ngày.

Bên cạnh đó, kế hoạch và số lượng, số hiệu phương tiện khai thác cát cũng phải được gắn, niêm yết một cách công khai tại trụ sở UBND các xã – nơi có điểm mỏ khai thác để nhà nước quản lý và nhân dân giám sát. Ví như, doanh nghiệp A phải gắn biển hiệu của đơn vị mình trên thân tàu, đồng thời đăng ký số lượng tàu khai thác một cách cụ thể với chính quyền xã có điểm khai thác cát.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm rải hệ thống phao phân định ranh giới, vị trí mà đơn vị mình được phép khai thác (đảm bảo không ảnh hưởng đến luồng lạch đi lại của các phương tiện giao thông đường thủy). Qua đây, giúp người dân nhận diện kịp thời những tàu không có biển hiệu, tàu lạ vi phạm và báo cho cơ quan chức năng tiến hành xử lý.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cũng cho rằng, bên cạnh việc biển số, biển hiệu, giống như hoạt động vận tải xe khách, tới đây các cơ quan chức năng cũng cần có quy định cụ thể đối với các tàu có trang bị phương tiện kỹ thuật phục vụ cho hoạt động khai thác cát khi lưu thông trên sông phải có giấy tờ chứng minh luồng tuyến đi lại một cách cụ thể.

Qua đó, góp phần ngăn chặn tình trạng các tàu cuốc cứ đi dọc các tuyến sông và rồi lợi dụng thời điểm đêm tối, vắng người sẽ tiến hành khai thác cát trái phép. 

Chưa có quy định cụ thể về căn cứ để xử lý hình sự

Lợi nhuận khủng trong khi các vụ việc liên quan đến “cát tặc” bị truy cứu trách nhiệm hình sự thời gian qua còn hạn chế, nên nhiều đối tượng đã phớt lờ các quy định, ngang nhiên sử dụng tàu khai thác cát trái phép khiến tài nguyên thất thoát, tình hình an ninh trật tự bị ảnh hưởng.

Sau một thời gian tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi được đại diện các cơ quan chức năng một số tỉnh, thành có đường sông với trữ lượng lớn cát giá trị đi qua như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ,… cho biết, số vụ việc bị xử lý hình sự còn hạn chế nên tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra khá phức tạp mặc cho lực lượng chức năng thường xuyên ra quân xử lý.

Thượng tá Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, số vụ “cát tặc” bị khởi tố hình sự trong thời gian qua chỉ là con số vài vụ nên chưa tạo được sức răn đe tới “cát tặc”.

Lực lượng chức năng sau khi bắt quả tang hành vi khai thác cát trái phép đã và đang gặp phải những khó khăn nhất định trong quá trình thụ lý để củng cố chứng cứ khởi tố vụ án hình sự. Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên (Điều 172- Bộ Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định “gây hậu quả nghiêm trọng” là dấu hiệu bắt buộc của hành vi vi phạm, nhưng đến nay chưa có quy định cụ thể xác định thế nào là “nghiêm trọng, rất nghiêm trọng”, nên chỉ trong trường hợp xác định được khối lượng, giá trị tang vật (cát, sỏi) hoặc thiệt hại thực tế mới xử lý hình sự được, nhưng việc chứng minh hậu quả này rất khó khăn.

Qua tìm hiểu, chúng tôi cũng thấy rằng, theo Luật Doanh nghiệp, các doanh nghiệp có hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh, vận chuyển cát đã bị xử lý hành chính, dù có tái phạm vẫn không thuộc đối tượng bị rút giấy phép hoạt động. Thế nên, nhiều trường hợp vì siêu lợi nhuận từ hoạt động khai thác cát đã tỏ ra “nhờn” luật, tiếp tục tái diễn vi phạm.   

Trong cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ ra nguyên nhân chủ quan khiến “cát tặc” lộng hành là do các địa phương buông lỏng quản lý, nương tay, thậm chí là bao che, bảo kê. Thực tế là hoạt động hút cát nhiều khi vẫn diễn ra công khai, vào thời điểm ban ngày mà không bị xử lý. Đằng sau hoạt động của lực lượng này có bóng dáng của tội phạm có tổ chức, theo kiểu “xã hội đen”, có xu hướng tiêu cực từ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Để đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác cát, đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng văn bản quy định về quản lý cái, sỏi lòng sông bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong việc lập, phê duyệt quy hoạch, cấp phép khai thác theo hướng tập trung đầu mối xử lý tại các địa phương phù hợp với quy định của Luật Khoáng sản.

Nguyễn Hưng – Trần Huy
.
.
.