Gần 1 triệu người châu Âu chết sớm vì ô nhiễm không khí

Chủ Nhật, 04/11/2018, 10:49
Không khí bẩn đã dẫn đến cái chết sớm của gần 1 triệu người đang sinh sống tại các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Thông tin gây sốc này vừa được Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) công bố hôm 30-10, nhân Hội nghị quốc tế về ô nhiễm không khí do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lần đầu được tổ chức tại Geneva, Thuỵ Sĩ.


Theo đó, vào năm 2014, ở 41 nước châu Âu, 534.471 người chết sớm vì nguyên nhân ô nhiễm không khí. Đến nay, trong số 28 quốc gia thuộc EU, con số này là gần 1 triệu người. Đáng chú ý là những quốc gia phát triển hàng đầu châu Âu lại là những nước có số ca tử vong cao nhất. 

Chẳng hạn vào năm 2016, Anh là quốc gia có số tử vong cao nhất và đến năm 2017, vị trí này đã thuộc về Đức với gần 81.000 người. Tiếp đó là Pháp, Tây Ban Nha… "Chúng ta đã bỏ ra rất nhiều tiền để đảm bảo sự trong sạch của môi trường. 

Vì vậy, chúng ta không thể chấp nhận sự lãng phí tiền bạc một cách vô lý như vậy. Ô nhiễm không khí vẫn gia tăng cho thấy các biện pháp chúng ta đang thực thi hiệu quả chưa cao. Chúng ta cần có sự thay đổi", Giám đốc điều hành EEA Hans Bruyninckx cho biết trong một tuyên bố. "Mặc dù bất ngờ trước thống kê về những cái chết này nhưng chúng tôi cũng thừa nhận rằng, hai năm trở lại đây, chất lượng không khí ở châu Âu đã dần được cải thiện.

Giao thông vận tải, nông nghiệp, nhà máy điện, công nghiệp và hộ gia đình là những nơi phát thải lớn nhất ở châu Âu. ảnh: Getty

Thống kê mà các chuyên gia EEA thực hiện dựa trên các số đo về các hạt bụi mịn (PM 2.5), nitơ điôxit (NO2) và sương mù (O3). Và chỉ có một số nguyên tử hạt mịn chiếm gần 430.000 ca tử vong sớm ở châu Âu. Vấn đề nguyên tử hạt mịn phần lớn được tạo ra bởi giao thông xe cộ, nhưng cũng xuất phát từ nông nghiệp, sản xuất năng lượng, công nghiệp và máy sưởi ấm trong các gia đình. 

NO2 là chất gây ô nhiễm có thể bắt nguồn từ quá trình đốt cháy nhiên liệu diesel. Các thành phố châu Âu như Stuttgart (Đức) đã phải vật lộn với khí thải NO2 nhiều lần vượt quá giới hạn cho phép. Sương mù hoặc ozon ở mặt đất (O3) được tạo ra khi ánh sáng mặt trời phản ứng với các oxit nitơ và một hợp chất hữu cơ dễ bay hơi trong khí quyển.

Nitơ oxit (NOx) đến từ khí thải xe hơi, nhà máy điện than và khí thải nhà máy. NOx, cũng bao gồm nitơ dioxit, là các chất gây ô nhiễm tại trung tâm của vụ bê bối Dieselgate, nơi nhiều nhà sản xuất ôtô đã chứng minh có các cảm biến để chỉ ra lượng khí thải trong thử nghiệm thấp hơn so với xe thực tế trên đường", Hans Bruyninckx nói thêm.

Tờ The Guardian trích dẫn báo cáo cho biết, giao thông vận tải, nông nghiệp nhà máy điện, công nghiệp và hộ gia đình là những nơi phát thải lớn nhất ở châu Âu. "Đầu tư vào vận tải sạch hơn, năng lượng và nông nghiệp có thể giúp giải quyết vấn đề này. Ủy ban châu Âu cam kết giải quyết vấn đề này và giúp các quốc gia thành viên đảm bảo rằng chất lượng không khí của công dân họ đạt tiêu chuẩn cao nhất", Karmenu Vella, Ủy viên môi trường EU cho biết.

Jürgen Resch, người đứng đầu tổ chức Hành động Môi trường Đức (Deutsche Umwelthilfe) thì nhấn mạnh: "Tỷ lệ tử vong sớm đáng sợ qua phát thải diesel độc là kết quả của việc sản xuất xe chạy bằng dầu diesel của các nhà sản xuất ôtô. Hành động môi trường Đức nhắc lại lời kêu gọi cấm xe sử dụng xe chạy bằng dầu diesel". 

Cũng theo tin từ tờ The Guardian thì ngoài báo cáo của EEA, một báo cáo khác của WHO cũng cảnh báo, ô nhiễm không khí là "một loại thuốc lá mới" nhưng tác hại nghiêm trọng hơn thuốc lá rất, rất nhiều lần. "90% người dân trên thế giới sống trong bầu không khí ô nhiễm. 

Có 7 triệu người tử vong vì ô nhiễm không khí mỗi năm và hàng tỷ người bị ảnh hưởng. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất", báo cáo có đoạn viết. WHO khẳng định ô nhiễm không khí sẽ âm thầm gây nên khủng hoảng sức khỏe cộng đồng và 1,8 tỷ, tương đương 93% trẻ em dưới 15 tuổi trên toàn thế giới đang phải hít thở không khí bị ô nhiễm. 

Sức khỏe và khả năng phát triển của các em, vì thế, đứng trước những rủi ro rất lớn. Năm 2016, ước tính 600.000 trẻ em đã bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp và tử vong do ô nhiễm không khí. Vì vậy, hội nghị quốc tế lần thứ nhất của WHO về vấn đề này (diễn ra trong 2 ngày 30 và 31 tháng 10) sẽ ưu tiên lựa chọn những cam kết tự nguyện cắt giảm ô nhiễm không khí từ các quốc gia và thành phố trên thế giới. 

Trước mắt, Liên Hợp Quốc đã công bố 25 biện pháp đối phó với ô nhiễm không khí ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương với chi phí ước tính từ 300-600 triệu USD/năm còn Quỹ khí hậu phê duyệt 1 tỷ USD cho 19 dự án mới để giúp các nước đang phát triển giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Khánh Chi (Theo The Guardian)
.
.
.