Facebook tiếp tục bị điều tra
- Facebook xin lỗi vụ bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc
- Bộ Ngoại giao lên tiếng vụ Facebook đăng bản đồ vi phạm chủ quyền Việt Nam
Về phần mình, mặc dù thừa nhận đang phải đối mặt với một loạt cuộc điều tra của giới chức Mỹ và Anh liên quan đến vụ rò rỉ thông tin người sử dụng cho hãng Cambridge Analytica của Anh, nhưng trong thông báo hôm 3-7, Facebook không cung cấp thông tin chi tiết về việc này.
"Chúng tôi đang hợp tác với các quan chức Mỹ, Anh và công khai mọi việc - từ những câu hỏi được trả lời và cam kết tiếp tục sự hợp tác nếu cuộc điều tra tiếp tục", người phát ngôn Facebook trả lời khi được hỏi về cuộc điều tra mở rộng đối với việc Facebook và các đối tác sử dụng sai thông tin cá nhân của người sử dụng.
Trước đó, tờ Washington Post dẫn thông tin từ Ủy ban Giao dịch Chứng khoán (SEC), Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, các cơ quan kể trên đang điều tra về vụ vi phạm thông tin cá nhân người sử dụng, cũng như cách thức Facebook giải quyết vụ việc này.
Facebook đang âm thầm tinh vi ghi âm hoạt động của người dùng. |
Cơ quan chức năng Anh cũng có động thái tương tự và Giám đốc điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg đang phải đương đầu với những cáo buộc và điều tra mới. Trước đó, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull muốn ông Mark Zuckerberg trả lời chất vấn tại Quốc hội Australia, sau khi hãng này tiết lộ đã chia sẻ dữ liệu người dùng với 4 công ty Trung Quốc.
Cuộc điều tra kể trên diễn ra trong bối cảnh Facebook vừa thừa nhận có tới 52 công ty được tiếp cận dữ liệu người dùng. Và đó là tiết lộ mới nhất của Facebook về mức độ chia sẻ thông tin cá nhân của người dùng với các công ty và ứng dụng của bên thứ ba.
Bên cạnh đó, Facebook còn bị cáo buộc đang âm thầm ghi âm hoạt động của người dùng một cách tinh vi. Theo đó, Facebook dường như đã áp dụng việc ghi âm âm thanh xung quanh khi nghe thấy các thông điệp bí mật ẩn trong quảng cáo truyền hình. Theo Mashable, Facebook có thể “nhúng” tín hiệu âm thanh cao độ trong nội dung phát sóng (như các quảng cáo truyền hình) - trong khi con người không nghe thấy - có thể được giải mã bằng điện thoại thông minh.
Và các tín hiệu này sẽ kích hoạt điện thoại ghi lại các "âm thanh xung quanh" và gửi lại cho Facebook. Mấy ngày trước, Giám đốc Chính sách và quan hệ công chúng Elliot Schrage vừa buộc phải thôi việc. Việc này diễn ra trong bối cảnh Facebook đang vướng vào hàng loạt bê bối liên quan tới quyền riêng tư và cáo buộc chi phối các cuộc bầu cử.
Đây là lãnh đạo cao cấp thứ 3 phải rời ban quản trị Facebook trong năm nay vì liên quan tới các vụ bê bối. Được biết, Facebook sẽ ứng dụng machine learning (một bộ phận của trí tuệ nhân tạo) để lọc và hạn chế phát những thông báo tin nhắn mới không cần thiết trong ứng dụng Messenger. Động thái này diễn ra sau khi trang BuzzFeed khuyến cáo về các cảnh báo giả mạo như thông báo của Facebook Messenger khiến người dùng khó chịu.
Hôm 2-7, Facebook gửi thông báo tới hơn 800.000 người dùng về lỗi phần mềm có khả năng "bỏ chặn" (unblock) ngẫu nhiên một số người vốn bị liệt vào danh sách "chặn" (block) trước đó. Giám đốc Bộ phận bảo mật của Facebook Erin Egan cho biết, sự cố kỹ thuật này đã xảy ra từ 29-5 đến 5-6 trên nền tảng Facebook và Messenger.
Và theo bà Erin Egan, lỗi phần mềm kể trên đã được khắc phục và mọi việc hoạt động bình thường trở lại. Đây là lỗi phần mềm thứ hai mà Facebook phải thông báo đến người dùng trong chưa đầy 1 tháng qua. Bởi hồi tháng 6, Facebook tiết lộ về lỗi phần mềm đã xảy ra khiến một số người dùng tự động đăng bài viết công khai. Và sự cố kỹ thuật này đã ảnh hưởng tới 14 triệu người sử dụng trong mấy ngày.
Facebook thông báo người dùng lỗi phần mềm tự động bỏ chặn |
Trong khi đó, TechCrunch - nhà phát triển các trò đố vui trên Facebook dưới thương hiệu NameTests vừa bị phát hiện để rò rỉ thông tin cá nhân của 120 triệu người dùng Facebook. Gần 10 ngày trước (27-6), Hội đồng Tiêu dùng Na Uy công bố kết quả nghiên cứu cho thấy, bất chấp luật bảo vệ dữ liệu mới được Liên minh châu Âu (EU) ban hành nhằm cho phép người dùng mạng Internet có nhiều lựa chọn và quyền kiểm soát hơn, Facebook và Google đang đưa ra những tùy chọn mặc định khiến người dùng chia sẻ thông tin cá nhân.
Hội đồng Tiêu dùng Na Uy khẳng định, chính sách bảo mật của Facebook và Google đang đi ngược lại Quy định Bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU có hiệu lực từ ngày 25-5. Đứng trước vấn nạn kể trên nhiều người đã bỏ Facebook chuyển sang WhatsApp để đọc tin tức.
Đây là kết quả nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (dữ liệu của nghiên cứu này đến từ các cuộc điều tra do YouGov thực hiện), dựa trên các nhóm người dùng ở nhiều quốc gia. Theo đó, việc sử dụng mạng xã hội để đọc tin tức đã giảm 6% tại Mỹ, mà phần lớn xuất phát từ sự suy giảm của Facebook.