Đường sắt liên Triều Khai thông kinh tế
- Liên Triều "bắt tay" hiện đại hóa đường sắt xuyên biến giới
- Liên Triều ấn định thời gian đoàn tụ các gia đình ly tán
- "Sốt đất" ở biên giới liên Triều
Tuyến đường sắt xuyên quốc gia đã được Nhật Bản thiết kế và xây dựng từ những năm 1900, từ rất lâu trước khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ và hàng thập kỷ chia cách giữa hai miền. Tuyến đường sắt này kéo dài từ Seoul tới Bình Nhưỡng và đi qua thành phố Sinuiju, gần biên giới với Trung Quốc.
Việc kết nối hai hệ thống và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đã xuống cấp của phía Triều Tiên sẽ tạo điều kiện cho Hàn Quốc mở rộng tuyến đường giao thương trên đất liền với các thị trường Trung Quốc, Nga và xa hơn nữa là châu Âu.
Bên cạnh đó, đường sắt này sẽ thể hiện sự thay đổi mang tính căn bản trên bán đảo bởi từ sau Hiệp ước đình chiến năm 1953, các đường dây liên lạc dân sự trực tiếp đã bị cắt đứt hoàn toàn.
Những tòa nhà chọc trời ở Bình Nhưỡng. |
Mặc cho tình hình bán đảo đang có dấu hiệu ấm lên, đặc biệt cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un với cả Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lẫn Tổng thống Mỹ Donald Trump đều diễn ra thành công, Bình Nhưỡng vẫn chịu cấm vận nặng nề vì các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Trưởng đại diện Hàn Quốc Kim Jeong-ryeol thừa nhận tình hình chỉ có thể khả quan hơn khi các lệnh trừng phạt được nới lỏng. "Tuy vậy, chúng ta có thể nghiên cứu và đề ra hàng loạt dự án thiết thực sau khi cấm vận được dỡ bỏ", ông nói.
Trước đó, ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in đã đồng ý "tiến hành những bước đi thiết thực để nối lại tuyến đường sắt" trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 4 vừa qua. Ông Moon cũng bày tỏ ý định nối tuyến đường sắt xuyên bán đảo với tuyến đường qua Siberia, tạo cầu nối tới châu Âu.
Theo Tổng thống Hàn Quốc, việc này sẽ đem lại "nguồn lợi kinh tế khổng lồ" cho cả Seoul, Bình Nhưỡng và Moskva. Tuy vậy, việc người dân có thể đi lại tự do giữa các quốc gia cũng có thể tạo ra mối đe dọa an ninh cho cả hai miền bán đảo.
Song song với tương lai về một tuyến đường sắt liên Triều giúp khai thông các hoạt động trao đổi giữa 2 miền, một nguồn thạo tin cho biết giá bất động sản tại Triều Tiên có xu hướng tăng mạnh sau một loạt động thái ngoại giao tốt đẹp với Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Theo Chosun Ilbo, giá các căn hộ cũ tại đường Puksae và An Sang-taek ở quận Morangbong, trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng, đã tăng gấp 3 lần lên 70.000 USD. Khu vực này của Triều Tiên có nhiều tòa nhà cao tầng được xây dựng từ năm 1987 và đặt theo tên của một nhà tư bản Nhật Bản gốc Triều Tiên, người đã tặng một khoản tiền lớn cho Bình Nhưỡng. Trung tâm thủ đô cũng là nơi có nhiều người Nhật gốc Triều Tiên giàu có sinh sống.
Nguồn tin trên cho hay, trước đây nguồn cung nhà ở tại thủ đô Bình Nhưỡng thường vượt xa so với nhu cầu của người dân, nhưng mọi thứ đã thay đổi sau khi Chủ tịch Kim Jong-un “bật đèn xanh” cho mở cửa kinh tế sau các hội nghị thượng đỉnh.
Một người Triều Tiên đào tẩu nói: “Mặc dù chất lượng của các căn hộ tại Puksae được cho là tốt hơn so với những khu vực khác tại Bình Nhưỡng, số lượng dân cư ở đây vẫn thấp do không đủ nguồn điện để đảm bảo sinh hoạt. Mức giá 70.000 USD ở thời điểm hiện tại cho thấy giá trị của các căn hộ này đã tăng lên rất nhiều”.
Người này cho biết “chỉ có người Triều Tiên làm việc cho các công ty thương mại nước ngoài, thương nhân giàu có mới đủ khả năng mua căn hộ ở đó”.
Giá bất động sản cũng tăng đáng kể ở các khu vực khác của Bình Nhưỡng. Thậm chí những căn hộ được xây dựng cách đây hơn 50 năm cũng có giá từ 3.000-30.000 USD. Trong khi đó, những căn hộ mới có mức giá thấp nhất là 100.000 USD.
Một nguồn tin khác nhận định: “Sau các hội nghị thượng đỉnh của ông Kim Jong-un, người dân Bình Nhưỡng mong đợi kỷ nguyên mới sẽ mở ra. Có tin đồn cho rằng việc xây dựng và tái phát triển sẽ diễn ra ở Bình Nhưỡng do đầu tư nước ngoài”.
Các căn hộ cho các quan chức cao cấp và quân đội không được bán. “Căn hộ nằm trong diện quà tặng, sở hữu của con cháu anh hùng cách mạng hay quan chức cấp cao không được phép mua đi bán lại”, nguồn tin bổ sung.