Đừng tận diệt một loài chim thân thiện
Dính bẫy, những con chim sẻ cố giãy giụa để thoát thân, nhưng chúng đã lầm. Càng cố hết sức để thoát ra ngoài, chúng càng dính chặt vào những thanh nhựa hủy diệt, quái ác. Trong cơn tuyệt vọng, ánh mắt tròn xoe của những cặp chim "vợ chồng" hoảng loạn tột cùng nhìn người bẫy chim!…
Người bẫy chim lạnh lùng thẳng tay giật phăng từng con chim sẻ đang dính chặt ra khỏi thanh nhựa. Đứt cánh, gãy chân, từng con chim nhỏ mình mẩy ứa máu, run rẩy trong đau đớn. Tôi đã quặn lòng khi chứng kiến khoảnh khắc tội nghiệp ấy của loài chim sẻ!..
Loài chim "thủy chung" với con người
Chưa bao giờ thấy loài chim nào gần gũi với con người như chim sẻ. Ở hầu hết các loài chim, nơi cư ngụ là những cánh rừng hoang vu, tách biệt với bóng dáng con người. Chỉ có loài chim sẻ, từ khi chúng xuất hiện tới nay, chưa bao giờ "phản bội" con người.
Từ thành thị tới nông thôn, ở đâu có bóng dáng con người, có nhà cửa, có nhịp sống sinh hoạt, chim sẻ tức khắc xuất hiện, cộng sinh ăn đời ở kiếp với con người. Thời còn khó khăn, việc mua sắm đồng hồ, tivi, điện thoại, để xem giờ giấc không phải ai cũng có.
Người ta đoán giờ để buổi sáng thức giấc qua tiếng ríu rít gọi bầy của loài chim ấy. Rồi những khi cuộc sống thật căng thẳng, ngồi trong nhà nhìn bầy chim tung tăng nhảy nhót ngoài sân, ríu rít gọi nhau trên từng mái ngói, vắt vẻo đu mình trên dậy điện… mà thấy bao toan lo bộn bề của cuộc sống tan biến, đời nhẹ tênh.
Chim sẻ chưa bao giờ phá phách, quấy nhiễu hay làm phiền đến con người. Thức ăn của chúng là "cơm thừa, canh cặn" hằng ngày ta vẫn đổ bỏ. Chúng sống bằng sự cần mẫn nhặt nhạnh từng hạt cơm rơi vãi trên mặt đất trong lúc chúng ta rửa chén bát, xoong nồi. Chúng ăn những thứ con người không cần tới.
Bao đời nay rồi, loài chim nhỏ này "thủy chung" sinh sống với con người, nhưng hiếm khi thấy con người đối xử tử tế, đàng hoàng với chúng. Rồi chim sẻ có trong danh sách thực đơn của quán nhậu. Người ta biến chim sẻ thành món rôti, hấp với đường phèn, cháo, chiên giòn sả ớt…
Máu của loài chim nhỏ này được hòa với rượu để uống theo sự đồn thổi "bổ thận, tráng dương"... Với giá bán trên thị trường được nhập cho các quán nhậu tại Đà Lạt từ 7.000 - 10.000 đồng/con, chim sẻ trở thành đối tượng kiếm tiền của con người.
Vì kinh tế, người ta sẵn sàng đối xử tệ bạc, tàn nhẫn với loài chim vốn chưa bao giờ có ý định sống xa loài người. Món hời từ chim sẻ khiến con người trở thành nhẫn tâm. Chính con người đã "phản bội" lại sự chung thủy của loài chim nhỏ này.
Bẫy chim sẻ theo kiểu tận diệt. |
Bây giờ trời vào cuối tháng 7, vẫn đang là cao điểm mùa sinh sản của các loài chim, trong đó không loại trừ chim sẻ. Ấy vậy mà những nhóm người ở các xã Xuân Trường, Trạm Hành, Tà Nung hay thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng vẫn thường kéo về Đà Lạt đặt nhựa bẫy chim theo kiểu tận diệt.
Đà Lạt mùa chim sẻ kết đôi, sinh sản mà vắng bặt tiếng ríu rít hân hoan, tung bay gọi bầy, thay vào đó là tiếng kêu "chích, chích" đơn lẻ, lạc lõng giữa không trung. Chúng vụt bay nháo nhác khi nhìn thấy bóng dáng con người.
Nguyên, một tay chuyên bẫy chim sẻ bán cho các quán nhậu, ngụ tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng đồng ý cho tôi đi theo nhóm trong một buổi bẫy chim giữa đô thị Đà Lạt.
Với chiếc xe máy cùng bộ "đồ nghề" bẫy chim khá đơn giản, gồm 3 đoạn ống nhựa dài 2,5m có thể đấu nối, rút ngắn hay kéo dài tùy ý. Trên xe máy của Nguyên còn có bịch nhựa dính, lồng đựng chim và một chiếc máy có gắn thẻ nhớ dùng để phát ra tiếng kêu dụ chim bầy chim nhỏ tội nghiệp bay tới.
"Nhựa này tôi mua 1,5 triệu đồng/kg tận ngoài Bắc, đắt hơn các loại nhựa thông thường nhưng bén ra phết đấy. Nhựa không bị nóng chảy dưới trời nắng, chim đậu vào là không thể thoát, đặc biệt là có thể tái sử dụng cả trăm lần!..", Nguyên khoe với tôi trên đường đến địa điểm đặt bẫy chim.
Xin đừng tận diệt những "người bạn" gần gũi của con người. |
Tận diệt chim sẻ
Tới khu vực trước Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, cả nhóm xác định đây là địa điểm đặt nhựa, bẫy bắt chim. Nguyên đưa bịch nhựa màu xám vào thau nước nhỏ, từ từ kéo dài và quấn vào ống nhựa.
Thanh bẫy chết chóc này được Nguyên treo lên cột điện cách mặt đất 3m. Người bạn đồng hành tên Hùng lập tức bật máy phát tiếng chim mồi để dụ bầy chim bay về. Xong xuôi, cả nhóm kiếm một chỗ kín đáo cách nơi đặt bẫy 15m ngồi đợi.
Nghe tiếng kêu ríu rít, đầy vẻ hân hoan, kích động của "chim mồi" phát ra từ chiếc máy, từng nhóm chim sẻ phấn khích đua nhau bay tới đậu trên thanh nhựa. Vừa đáp xuống, ngay lập tức chúng bị dính nhựa và lộn ngược, càng giẫy giụa càng bị nhựa dính chặt vào bộ lông. Những con chim sẻ tội nghiệp vẫn không thể nhận ra cái bẫy chết chóc, chúng cứ thế sà xuống đậu quanh.
Chiếc máy vẫn phát ra tiếng kêu đầy vẻ hân hoan, bầy chim sẻ từ đâu bay về tiếp tục lao đến đậu trên thanh nhựa như "con thiêu thân" mà chẳng hay biết số phận đến đây đã kết thúc.
Dính bẫy, những con chim sẻ cố giãy giụa để thoát thân, nhưng chúng đã lầm. Càng cố hết sức mình để thoát ra ngoài, chúng càng dính chặt vào những thanh nhựa hủy diệt, quái ác. Trong cơn tuyệt vọng, ánh mắt tròn xoe của những cặp chim vợ chồng hoảng loạn tột cùng nhìn người bẫy chim!…
Chừng 15 phút trôi qua, quan sát thấy số chim kiếm được đã "đủ dùng" Nguyên và Hùng vội vã chạy ra hạ ống nhựa xuống. Người bẫy chim lạnh lùng thẳng tay giật phăng từng con chim sẻ đang dính chặt ra khỏi thanh nhựa.
Đứt cánh, gãy chân, từng con chim nhỏ mình mẩy ứa máu, run rẩy trong đau đớn. Tôi nhói lòng khi chợt nghĩ tới những con chim sẻ non nớt đang nằm trong tổ chờ bố mẹ đem mồi về trong cơn đói khát. Chúng sẽ đói lả và phải chết!..
Đà Lạt xuất hiện ngày càng nhiều nhóm người bẫy chim sẻ. |
Hùng đếm thử lượt bẫy trên được 19 con và cho biết không phải nơi nào chim sẻ nghe tiếng chim mồi là dính bẫy. "Hiện giờ ở Đà Lạt gần như nơi nào cũng có những nhóm bẫy chim. Chỗ nào đã đặt bẫy chim sẻ ít dần, những con còn lại rất khôn, khó sập bẫy lần thứ hai. Nhiều chỗ bật loa cả nửa giờ cũng không có con nào vào đậu!..", Hùng cho biết.
Theo thanh niên này, kiểu bẫy lưới sập vẫn còn được một số người dùng để bẫy chim sẻ tại bãi đất trống trên đồng hoặc khu dân cư, trường học, nhà máy xay xát… vì cách bẫy này chim còn lông cánh đầy đủ, bán được giá cao cho các chủ buôn.
Tuy nhiên, khoảng vài năm qua, "công nghệ" dùng tiếng chim mồi dụ chim cùng với nhựa dính được nhiều nhóm lựa chọn hơn. Kiểu bẫy này có thể mở rộng địa bàn hoạt động ở tất cả các nơi. Có thể bẫy trên cây, cột điện, mái nhà... thậm chí chỉ cần cột bẫy vào khung xe, để dựng đứng bên đường là đã có thể ngồi chờ... "nhặt" chim trời.
Gần 2 tiếng đồng hồ đặt bẫy tại nhiều khu phố trên địa bàn phường 9, 10 và 11, TP Đà Lạt, nhóm của Nguyên đã bắt được khoảng 90 con chim sẻ. Nguyên cho hay mỗi ngày bỏ ra chừng 5 giờ đồng hồ thì bắt được khoảng 100 - 130 con, đem bán cho các quán nhậu trên địa bàn với giá 7.000 - 10.000 đồng/con tùy thời điểm. Tiền công mỗi người được khoảng 500.000 đồng/ngày.
"Những ngày mưa chim sẻ xuống nhiều, mùa khô thì khó bẫy hơn. Trước đây bẫy chim ngày thu tiền triệu, giờ nhiều người bẫy nên chim cạn kiệt hết rồi!..", Nguyên cho biết.
Những lồng sắt đầy ắp chim sẻ cuối giờ chiều sẽ được Nguyên chuyển tới các quán nhậu và nhận "tiền tươi thóc thật". Trong thực đơn, chim sẻ được chế biến thành nhiều món, giá khoảng 200.000 đồng/đĩa 8 con. Vì đây là thực phẩm sạch, bổ dưỡng, một số quán, khách muốn ăn phải gọi điện trước đặt hàng vì chim sẻ không phải khi nào cũng có sẵn.
Bà Mai, một công dân "gốc" TP Đà Lạt cho biết, cách đây khoảng 10 năm, khi ấy công nghệ bẫy chim theo kiểu tận diệt chưa thịnh hành như bây giờ, hằng ngày bà vẫn bầu bạn với lũ chim sẻ đáng yêu.
Bà kể rằng, sáng sớm thức dậy, công việc đầu tiên của bà chưa phải là vệ sinh cá nhân mà là bốc một nắm gạo lớn vãi ra khắp sân cho đàn chim ăn sáng. Riết thành thói quen, chim từng bầy bay về đậu kín sân nhà, chúng ríu rít hân hoan, gần gũi, thân thiện và trở thành "người bạn" của bà.
Khoảng 5 năm trở lại đây, quanh nhà bà Mai thường xuyên xuất hiện những nhóm người dùng nhựa hoặc lưới giăng bẫy chim sẻ. Những "người bạn nhỏ" của bà Mai đến sân nhà vào mỗi buổi sáng thưa vắng dần.
Bây giờ chỉ còn khoảng hơn chục con chim sẻ vẫn thường xuyên lui tới sân nhà bà Mai nhưng cứ thấy bóng người là bay vụt lên mái ngói. Chúng không gần gũi, thân thiện với con người như trước đây mà luôn trong tâm thế đề phòng để cố giữ lấy mạng sống mong manh trước những chiếc bẫy chết chóc đang trực chờ giăng đặt khắp nơi.
Có khi nào loài chim gần gũi, thủy chung nhất với con người sẽ từ bỏ chúng ta?.. Xin đừng thật vô tâm, tàn nhẫn với động vật, chí ít là với loài chim sẻ!..