Đừng mất tiền mua hàng giá đắt vì hoang tin
Chính vì sự hoang mang quá đà ấy nên ngay trong đêm 6/3 và ngày 7/3 rất nhiều người dân, đặc biệt là người dân ở nội thành Hà Nội đã đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm để dự trữ.
Đổ xô đi mua hàng sau tin bệnh nhân thứ 17 ở địa bàn Hà Nội
Đêm ngày 6 và sáng ngày 7/3, tại các siêu thị, chợ dân sinh ở nội, ngoại thành Hà Nội đông nghịt người mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa tích trữ. Tại khu đô thị Times city, nơi có một người tiếp xúc với bệnh nhân thứ 17, người dân đã dậy từ rất sớm để xếp hàng. Siêu thị Vinmart+, siêu thị mini, chuỗi cửa hàng thực phẩm trong khu đô thị đều mở cửa từ 6 giờ sáng, nhưng đến 7 giờ nhiều mặt hàng đã không còn trên kệ, trong khi dòng người xếp hàng vẫn tiếp tục.
Gian hàng mỳ ăn liền tại Melinh Plaza Hà Đông cũng nhanh chóng hết hàng khi chỉ mới 9h sáng. |
Chị Lê Thanh, một cư dân ở đây chia sẻ: "Từ khi nghe thông tin có bệnh nhân thứ 17, tôi lên mạng xem các trang mạng xã hội thì thấy hoang mang quá. Cả đêm không thể chợp mắt được, hàng xóm người thì rục rịch cho trẻ con sơ tán, người thì xuống siêu thị mua thực phẩm tích trữ. Sáng nay tôi xuống siêu thị thì không thấy còn một mớ rau nào, trứng, mỳ tôm cũng hết sạch".
Tại siêu thị Vinmart nằm dưới trung tâm thương mại lúc hơn 8 giờ sáng, quầy thực phẩm tươi sống thịt lợn, thịt bò trống trơn. Người dân tranh nhau từng khay thịt. Mặt hàng được mua tích trữ nhiều nhất ngoài thịt, cá, còn có gạo, mì tôm, trứng, dầu ăn, giấy vệ sinh… Ở khu vực thanh toán, dòng người rồng rắn kéo dài vòng quanh siêu thị.
Cùng tâm trạng hoang mang, anh Lê Văn Thắng, cư dân tòa T9 cho hay: "Gia đình tôi cử 2 người xếp hàng để mua đồ. Còn tôi xếp hàng từ 6h sáng mà đến 9h vẫn cách quầy thanh toán gần 100m. Tôi cũng chỉ định mua đồ về dùng, nhưng thấy cảnh xếp hàng vất vả như thế này nên tranh thủ mua thêm vài thứ".
Sáng ngày 8/3, chúng tôi có mặt tại siêu thị Melinh Plaza Hà Đông, không khí mua sắm thực phẩm, đồ tiêu dùng cũng khá nhộn nhịp. Tại quầy bán đồ khô, các kệ hàng hầu hết không còn. Khu vực bán mỳ tôm cũng sạch trơn, chỉ còn vài ba gói mỳ cay Hàn Quốc.
Một cửa hàng gạo khu vực phố Bình Đà (Thanh Oai, Hà Nội) chật cứng người mua. |
Một nhân viên bán hàng tại đây cho biết: "Do người dân đi mua nhiều quá nên hết hàng, tuy nhiên đây chỉ là tình trạng tạm thời thôi. Do hàng về chưa kịp nên xảy ra việc này. Nói chung mấy ngày nay vì hoang mang nên người dân đi mua sắm nhiều hơn mọi ngày".
Không riêng gì khu vực các siêu thị trong nội thành, các huyện ngoại thành cũng xảy ra hiện tượng khan hàng, đặc biệt là mỳ tôm, giấy vệ sinh. Khu vực phố Bình Đà (Thanh Oai, Hà Nội) sáng ngày 7/3 cũng chứng kiến cảnh người dân xếp hàng đi mua gạo và mỳ tôm tích trữ.
Anh Công Dũng, chủ một cửa hàng tạp hóa lớn nhất khu vực Bình Đà, cho biết: "Chắc người dân đọc mạng nhiều nên hoang mang. Nhà tôi còn mấy trăm thùng mỳ tôm nhưng chỉ 1 tiếng buổi sáng là bán hết sạch. Các mặt hàng như giấy vệ sinh, nước uống… cũng được rất nhiều người mua về tích trữ".
Nghe hoang tin sẽ mất tiền oan
Trước tình trạng người dân đổ xô đi mua thực phẩm, cơ quan chức năng liên tục có những cuộc họp để thông báo tới người dân không nên đổ xô đi mua hàng, sẽ khiến thị trường náo loạn và gây hoang mang dư luận. Đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của cơ quan y tế. Không những vậy, người dân rất dễ mất tiền oan vì các cửa hàng đẩy giá.
Siêu thị tại tòa nhà T18, Times city rất đông người mua hàng ngay trong đêm 6 - 3. |
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết: "Theo báo cáo của các doanh nghiệp, lượng hàng hóa dự tăng 30-40%. Từ đêm 6/3 và sáng sớm 7/3/2020 theo báo cáo của các doanh nghiệp, lượng hàng dự trữ tăng gấp 4-5 lần ngày bình thường: các doanh nghiệp như Vinmart hàng hóa tăng 40%, các nhà cung cấp đã lên kế hoạch phân bổ hàng hóa chuyển từ các tỉnh về cho hệ thống phân phối tại Hà Nội…
Hệ thống siêu thị Coopmart tăng lượng dự trữ ngay tại các kho của Hà Nội, Bắc Ninh, lượng hàng tăng 30%, huy động tăng các cán bộ đi phục vụ 100%. Hệ thống BigC lượng hàng tăng từ 30-40%, bố trí cán bộ liên tục phục vụ hàng trong siêu thị, vận chuyển hàng hóa từ các kho về hệ thống phân phối...".
Sở Công Thương Hà Nội cũng xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của thành phố trong đó tập trung vào cấp độ 3- 4; đảm bảo sẵn hàng hóa phục vụ nhân dân và phục vụ cho địa phương có khu vực cách ly.
Đại diện Sở Công Thương cam kết, trong bất kỳ tình huống nào các hệ thống phân phối của Hà Nội cũng đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân, kể cả hàng khi lượng mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng; phân bổ lượng hàng hóa đầy đủ trong hệ thống không để địa bàn bị trống hàng, thiếu hàng.
"Chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng không lo thiếu hàng nên bà con yên tâm mua hàng theo đúng nhu cầu sinh hoạt, không mua nhiều tránh tăng đột biến nguồn cung cục bộ trong 1, 2 ngày. Cam kết với người dân Hà Nội không để một ngày nào thiếu hàng" - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh.
Đại diện hệ thống chuỗi siêu thị VinMart và VinMart+ thông tin, đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp hàng hóa để đảm bảo tăng nguồn cung hàng hóa và ưu tiên các hàng hóa thiết yếu, phục vụ nhu cầu người dân.
"Khách hàng không cần phải lo lắng, mua đồ dự trữ với khối lượng lớn, chỉ nên mua lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình vì nguồn cung hàng hoá rất dồi dào và VinMart, VinMart+ cùng các nhà cung cấp sẽ bổ sung liên tục trong ngày. Đặc biệt tăng cường các hàng hoá thiết yếu trên toàn bộ các siêu thị trong hệ thống" - đại diện chuỗi siêu thị VinMart+ và Vimart cho biết.
Một vấn đề khiến rất nhiều người lo lắng, đó là việc người dân xếp hàng mua sắm tại các siêu thị sẽ là điều kiện thuận lợi để lây lan dịch bệnh. Chính vì thế các siêu thị cũng cần phải có những biện pháp phòng, chống dịch cho các nhân viên tránh tình trạng lây chéo.