Du lịch mạo hiểm: Đừng coi tiền hơn tính mạng du khách

Thứ Năm, 02/03/2017, 13:03
Tất cả các khách du lịch của cả hai vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại Đà Lạt đều tham gia tour mạo hiểm do các đơn vị kinh doanh du lịch không đủ điều kiện tự tổ chức "chui"...


Cuối tháng 2-2016, tại Khu du lịch thác Datanla Đà Lạt đã xảy ra vụ tai nạn khiến 3 du khách người Anh tử vong khi tham gia tour du lịch mạo hiểm vượt thác. Tròn một năm sau, cuối tháng 2-2017, tại khu du lịch thác Hang Cọp, xã Xuân Trường (Đà Lạt) lại xảy ra một vụ tai nạn tương tự khiến 2 người chết, trong đó có một du khách người Ba Lan. 

Tất cả các nạn nhân của cả hai vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên đều tham gia tour mạo hiểm do các đơn vị kinh doanh du lịch không đủ điều kiện tự tổ chức "chui"...

Tour "chui", đưa khách tới cửa tử

Tour du lịch mạo hiểm "chui" xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng vào ngày 26-2-2016 khiến 3 du khách người Anh tử vong là chị Squire Isobel Mackensie (19 tuổi), chị Aderson Beth Gisele (25 tuổi) và anh Chiristian Sloan (25 tuổi) ở thác Tử Thần, thuộc Khu du lịch Datanla Đà Lạt, tưởng chừng đã là bài học đắt giá cảnh tỉnh các đơn vị kinh doanh du lịch và làm lộ diện những bất cập để cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Lâm Đồng kịp thời chấn chỉnh. 

Thế nhưng, bất chấp các quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ du lịch, nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này tại Đà Lạt vì mục tiêu lợi nhuận vẫn lén lút vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng.

Theo bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du Lịch tỉnh Lâm Đồng, vẫn còn không ít công ty chỉ đủ điều kiện tiếp nhận và hướng dẫn cho du khách nội địa, không được tổ chức các tour du lịch mạo hiểm, không được tiếp nhận, hướng dẫn du khách quốc tế nhưng vì ham lợi mà vẫn lén lút tổ chức các tour du lịch mạo hiểm cho du khách nước ngoài.

Đến nay, tất cả các dòng thác, con suối, khu vực nguy hiểm tại Đà Lạt và những vùng lân cận như huyện Lạc Dương, Đức Trọng và Lâm Hà vẫn đang được nhiều đơn vị sử dụng để khai thác tour mặc dù đã không ít lần cơ quan chức năng ra quân chấn chỉnh, nhắc nhở, thậm chí đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính.

Việc bất chấp các quy định pháp luật và phớt lờ sự chỉ đạo của cơ quan chức năng, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành tại Đà Lạt có ngày phải trả giá đắt. 

Vụ việc điển hình gần đây nhất, sáng ngày 23-2 vừa qua, mặc dù chỉ được cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cấp phép cho tổ chức các tour du lịch nội địa thông thường nhưng Công ty TNHH Giấc Mơ Vàng, đường Trương Công Định, TP Đà Lạt do anh Đỗ Tuấn (27 tuổi), tạm trú tại phường 2, TP Đà Lạt làm Giám đốc vẫn tiếp nhận, hướng dẫn và tổ chức tour du lịch mạo hiểm cho đoàn khách nước ngoài, trong đó có 2 người Ba Lan, 2 người Anh và 4 du khách Hà Lan.

Địa điểm mà doanh nghiệp này tổ chức tour du lịch mạo hiểm đu dây vượt thác cho nhóm du khách trên là thác Hang Cọp, một khu vực nguy hiểm và đã bị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng yêu cầu đơn vị chủ quản đóng cửa để đảm bảo an toàn. Tại nhà điều hành của khu vực này đã treo bảng có nội dung: "Cấm du khách nước ngoài chơi trò chơi mạo hiểm tại thác Hang Cọp", bằng song ngữ Việt-Anh.

Lực lượng chức năng đưa thi thể nạn nhân Cwiakala Rafal ra khỏi khu vực gặp nạn.

Hướng dẫn tour du lịch mạo hiểm này cho đoàn khách trên là anh Tô Quốc Khánh (24 tuổi) ngụ xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) và anh Cao Minh Quang (25 tuổi), ngụ đường Vạn Thành, phường 5, TP. Đà Lạt, được anh Đỗ Tuấn hợp đồng theo vụ việc. 

Tô Quốc Khánh được trả 310.000 đồng/ngày, Cao Minh Quang là 260.000 đồng/ngày. Cả hai vừa tốt nghiệp đại học, chưa được cơ quan chức năng cấp thẻ hướng dẫn viên, chưa đủ điều kiện để hành nghề hướng dẫn viên du lịch (kể cả tour cho du khách nội địa).

Khoảng 10 giờ ngày 23-2, trong lúc anh Nguyễn Quốc Khánh và du khách Cwiakala Rafal (33 tuổi), quốc tịch Ba Lan, tạm trú tại khách sạn Phương Hạnh, số 53 - 55 đường Ba Tháng Hai, TP Đà Lạt, đang đu dây vượt một thác nước cao khoảng 20m thì xảy ra trượt tay khiến cả hai người bị rơi xuống dưới, cơ thể bị va đập mạnh vào đá dẫn đến tử vong.

Theo lời khai của anh Cao Minh Quang, vào thời điểm này, anh đang đứng ở chân thác, 4 người khách trong đoàn đã đu dây lên được đỉnh thác, đến lượt anh Tô Quốc Khánh và du khách Cwiakala Rafal đang đu dây lên thì nước từ thượng nguồn bất ngờ đổ về khá lớn, đánh dạt anh Quang vào bờ đá.

Lúc này Quang trông thấy du khách Cwiakala Rafal bị nước cuốn trôi, anh chạy theo nhưng do nước quá lớn nên không thể cứu được du khách này. Thi thể của cả hai nạn nhân sau đó bị cuốn trôi về phía hạ lưu.

Nhận được tin báo, Đại tá Nguyễn Trọng Tình, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực 1 Lâm Đồng đã điều động lực lượng và trực tiếp tới hiện trường để chỉ đạo công tác tìm kiếm thi thể các nạn nhân.

Đồng thời, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và Đại tá Vũ Nhân Khánh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, cũng đã tới hiện trường chỉ đạo các đơn vị chức năng lập tức vào cuộc điều tra nhằm sớm làm sáng tỏ vụ việc.

Do lượng nước từ thượng nguồn đổ về thác Hang Cọp rất lớn, vị trí các nạn nhân gặp nạn nằm sâu trong eo núi nên việc di chuyển và tìm kiếm thi thể các nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn.

Trước tình trạng trên, lực lượng chức năng đã phải yêu cầu đơn vị chủ quản đóng cửa xả đập ở thượng nguồn để giảm lưu lượng nước đổ về. Đến 12h30' cùng ngày, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện thi thể anh Tô Quốc Khánh và du khách Cwiakala Rafal nằm cách vị trí gặp nạn khoảng 500m về hướng hạ lưu.

Tại hiện trường vẫn còn một sợi dây dù buộc vào một đầu nối từ đỉnh thác được cho là của các nạn nhân dùng để đu dây, vượt thác trước lúc gặp nạn. Chiều cùng ngày, các phòng chức năng Công an tỉnh Lâm Đồng đã triệu tập một số người có liên quan, trong đó có anh Đỗ Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Giấc Mơ Vàng, tới làm việc để phục vụ công tác điều tra.

Tối 23-2, thi thể anh Cwiakala Rafal đã được chuyển về Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh để bảo quản, chờ các cơ quan chức năng phối hợp với Lãnh sự quán Ba Lan tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục giải quyết vụ việc. Thi thể anh Tô Quốc Khánh cũng đã được bàn giao cho gia đình đưa về nhà để lo hậu sự.

Khu du lịch treo bảng cấm.

Sớm đưa vụ việc ra xử lý

Chiều 24-2, Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Công an tỉnh triệu tập cuộc họp khẩn cấp với gần 40 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch tại TP Đà Lạt. 

Ngoài việc đôn đốc, chấn chỉnh các đơn vị nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật, các đơn vị chức năng tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các doanh nghiệp ký bản cam kết không vi phạm pháp luật.

Theo bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, lần này sở sẽ kiên quyết tước giấy phép hoạt động với bất kỳ doanh nghiệp nào nếu phát hiện có sai phạm. Trước mắt, ngành chức năng sẽ tước giấy phép hoạt động của Công ty TNHH Giấc Mơ Vàng, đồng thời phạt hành chính ít nhất 100 triệu đồng.

Trong khi đó, Thượng tá Bùi Thanh Xuân, Phó trưởng Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, cơ quan Công an đã khẩn trương vào cuộc.

Bước đầu, cơ quan Công an đã xác định được một số sai phạm của Công ty TNHH Giấc Mơ Vàng. Anh Đỗ Tuấn, Giám đốc công ty này đã thừa nhận mặc dù không được phép tổ chức tour lữ hành quốc tế và chơi trò chơi mạo hiểm nhưng công ty vẫn đưa cho các khách sạn cẩm nang chương trình du lịch in sẵn để giới thiệu đến du khách các loại hình du lịch mạo hiểm.

Vị giám đốc này cho biết, cả Quang và Khánh đều là hướng dẫn viên cộng tác, công ty không ký hợp đồng chính thức, không trả lương tháng. Tour băng rừng, vượt thác Hang Cọp gặp nạn ngày 23-2 công ty này lấy khoảng 20USD/khách.

Anh Tuấn lý giải, đây là giá mà công ty sẽ thu, còn việc bán vé là do các khách sạn, nếu bán giá cao hơn khách sạn sẽ hưởng chênh lệch. Hiện công tác điều tra vẫn đang được tiến hành khẩn trương. Thượng tá Bùi Thanh Xuân khẳng định sẽ nhanh chóng có kết quả để sớm đưa sự việc ra pháp luật.

Riêng Khu du lịch thác Hang Cọp, nơi xảy ra tai nạn, hiện do Công ty Cổ phần Én Việt Lâm Đồng làm chủ đầu tư. Bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết, trước đó Khu du lịch này đã ba lần bị Thanh tra Sở lập biên bản sai phạm.

Gần đây nhất, Thanh tra Sở đã yêu cầu chủ đầu tư khu du lịch đóng cửa, ngừng đón khách tham quan và dán thông báo bằng tiếng Việt và tiếng Anh trước cổng nhưng vẫn xảy ra tình trạng để khách vào khu vực đơn vị quản lý.

Theo lời khai của anh Đỗ Tuấn, trước đó anh đã đến thác gặp hai ông bà già sống tại đây mà khi đó anh Tuấn nghĩ họ là người quản lý khu du lịch thác Hang Cọp. Hai bên thỏa thuận miệng, công ty sẽ đưa khách vào thác tham quan và hai ông bà sẽ thu 10.000 đồng/khách.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 24-2, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc đề nghị xử lý vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên.

Văn bản này nhận định qua vụ tai nạn cho thấy công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch tại Lâm Đồng còn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại. Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, điều tra, làm rõ bản chất vụ tai nạn xảy ra tại khu du lịch thác Hang Cọp, có kết luận chính thức về các vi phạm và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm theo pháp luật.

Kim Ngân
.
.
.