Dự án tiền ảo Libra của Facebook: Viễn cảnh tươi hồng và nguy cơ ẩn giấu

Thứ Tư, 20/11/2019, 19:54
Cho dù đã được thông báo từ khá sớm, dự án Libra của Facebook mới chính thức ra mắt công chúng vào ngày 18-6-2019. Có thể nói đây là một cơn địa chấn trong lĩnh vực tài chính, làm thay đổi vai trò và các hoạt động của các ngân hàng.

Tương lai nào cho những đồng tiền trong một thế giới đang vận hành chủ yếu trên nền tảng các kỹ thuật số như thế giới của chúng ta hôm nay? Tại hội thảo gần đây tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson nhân dịp cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), câu trả lời được tất cả những người tham dự hội thảo cùng nhất trí là: "Nó rất phức tạp", "Nó thực sự quan trọng”, đặc biệt là đối với những vấn đề đã và sẽ nẩy sinh từ dự án tiền tệ Libra của Facebook.

Mối bận tâm về loại tiền mới

Dự án Libra của Faceboook đã buộc các nhà hoạch định chính sách phải để mắt đến và suy nghĩ một cách sâu sắc và đó là điều tốt. 

“Vai trò của tiền là quá quan trọng để có thể giao phó hoàn toàn cho khu vực tư nhân một mình cai quản. Giống như hệ thống luật pháp, nó là nền tảng của những lợi ích công. Nhà nước luôn giữ quyền kiểm soát tiền, và việc này phải được tiếp tục”, Lael Brainard - Chủ tịch Ủy ban An toàn tài chính và hoạt động ngân hàng - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đã đưa ra những khẳng định kiên quyết như trên tại cuộc hội thảo. 

Nhưng Fed không phải là cơ quan quản lý duy nhất đang bận tâm về những “cầu thủ mới” trong sân chơi của hệ thống tài chính - tiền tệ.

Phải tiến hành như thế nào? Trong cuộc hội thảo này, Hyun Song Shin đến từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đã nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa "kiến trúc" của hệ thống tiền tệ và "công nghệ" có thể bảo đảm cho hệ thống này hoạt động trơn chu, bà cho biết: “Lấy ví dụ của chính hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay: Hầu hết số tiền ngân hàng sử dụng có nguồn gốc từ các khoản vay từ các tổ chức tư nhân, Do đó, tiền của chúng tôi bao gồm chủ yếu là các khoản nợ có thể chuyển từ ngân hàng sang chủ tài khoản. Một thế kỷ trước, các tài khoản này là những dòng chữ ghi trên giấy. Ngày nay, đây là những dòng trong tệp dữ liệu đã được số hóa và lưu trữ điện tử. Nhưng kiến trúc thì vẫn không thay đổi”

Tiền điện tử Libra của Facebook sẽ được triển khai trong năm 2020. Ảnh: Getty Images.

Vậy giờ đây chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi trong cấu trúc, hay chỉ trong công nghệ? Để trả lời câu hỏi này, thật hữu ích khi nhớ lại ba chức năng sau của tiền tệ: đơn vị đo lường để  thực hành những hạch toán kinh tế hoặc kế toán, một giá trị tài sản được cất giữ và một phương tiện để thanh toán. 

Ngày nay, chức năng “đơn vị đo lường” được xác lập bởi nhà nước, nhưng chức năng “tài sản được cất giữ” và “phương tiện để thanh toán” hầu hết được cung cấp bởi các ngân hàng. Trong bối cảnh này, chúng ta hãy nghĩ về những hình thức tiền ảo: tiền điện tử; các nền tảng - hạ tầng để thực hiện việc thanh toán, chẳng hạn như Alipay từ Alibaba và Libra của Facebook.

Tiền điện tử cung cấp các dạng tài khoản mới, các tài sản lưu giữ có giá trị và phương tiện thanh toán mới và như thế chúng đã đem đến  những hiểu biết mới trong việc tạo ra tiền và sử dụng tiền. Nhưng nó là một cấu trúc nguy hiểm. 

Như bà Brainard đã nói trong bài phát biểu của mình: "Những xáo động mạnh mẽ về giá trị của tiền điện tử trong thời gian qua đã cho thấy một hiện tượng biến động cực đoan, có rất ít hoặc hầu như không có sự quản trị rủi ro và tính minh bạch trong các hoạt động này là rất hạn chế". Theo bà đây thực sự là những cơn ác mộng vô chính phủ.

Hệ thống thanh toán mới là có thật và chúng đóng những vai trò quan trọng. Theo Brainard: "Tại Trung Quốc, người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng hai ứng dụng thanh toán điện tử là Alipay và WeChat Pay, theo một số nguồn tin đáng tin cậy, chúng đã đạt tới con số hơn 37 nghìn tỷ đô la vào năm ngoái". Ít nhất, các hệ thống này cũng đã tạo ra được các phương thức thanh toán cá nhân mới cho người tham gia. 

Trong một bài báo nghiên cứu quan trọng được Markus Brunnermeier và Harold James (ĐH Princeton) và Jean-Pierre Landau (Trường Khoa học chính trị Paris) công bố mới đây, các nhà nghiên cứu này cho rằng hệ thống thanh toán trực tuyến cũng có thể tạo ra các hệ sinh thái cạnh tranh, với các khoản thanh toán được liên kết vào mạng dữ liệu. Công việc quản lý tài sản và các hoạt động của ngân hàng đã bị đẩy lùi xuống hàng thứ yếu.

Tuy nhiên, ngay cả khi các hệ thống này thay đổi cách thức ở nơi các thanh toán cá nhân đang diễn ra, các tác động và hệ quả của chúng đối với hệ thống tiền tệ cần phải được khảo sát kỹ lưỡng. Các cá nhân thường sử dụng tài khoản tiền gửi các ngân hàng hoặc ngân hàng trung ương làm nơi lưu giữ tài sản giá trị. Bảng cân đối thanh toán được xử lý bởi Alipay và WeChat  mới công bố cho thấy chúng chỉ chiếm xấp xỉ khoảng 2% của tổng số tiền gửi tại các ngân hàng ở Trung Quốc. 

Quan trọng nhất, khối lượng thanh toán cho các cá nhân chỉ là những khoản tiền rất nhỏ nhoi khi so sánh với những khoản thanh toán trong giao dịch bán buôn ở Trung Quốc (thanh toán liên ngân hàng, thanh toán liên quốc gia có giá trị lớn và khối lượng lớn trong thời gian thực). Với biến động mau lẹ trong ngày, các quy tắc bán buôn phụ thuộc vào tín dụng trong ngày của ngân hàng trung ương. Họ không thể hoạt động trên quy tắc "tạm ứng trước tiền mặt".

Nhưng Libra của Facebook lại hứa hẹn đem tới một hệ thống thanh toán toàn cầu mới, được hỗ trợ bởi "stablecoin", tức là một loại tiền tệ ổn định và không được hỗ trợ một cách minh bạch bằng các tài sản có mệnh giá bằng tiền tệ quốc gia. Điều này đặt ra nhiều nghi ngờ và lo ngại: tái chế tiền bẩn, tài trợ cho tội phạm và khủng bố, thiếu vắng các chính sách bảo vệ người tiêu dùng, những hậu quả đối với sự ổn định của hệ thống tiền tệ, những tác động đến hệ thống ngân hàng và mức độ hiệu quả của các quy tắc toàn cầu mà nó đã đưa ra. 

Phương châm ban đầu của Facebook: “Move fast and break things” (Di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ), sẽ có thể là điều tồi tệ nhất cho tài chính toàn cầu. Và  nói một cách điềm đạm và lịch sự nhất có thể, Facebook đã không thực sự là một đối tác đáng tin cậy trong lĩnh vực này.

Các thành viên trong Hội đồng Libra. Hội đồng này chịu trách nhiệm theo dõi điều hành mạng lưới Blockchain Libra và quản lý quỹ tài sản bảo chứng cho giá trị của Libra. Dự án này hoàn toàn vắng mặt các ngân hàng trung ương và các định chế tài chính truyền thống.

Quốc gia nào sẽ dùng tiền ảo?

Các chính phủ, ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý đang nghĩ như thế nào về những biến động sắp tới trong hệ thống tiền tệ thế giới? Phải rất thận trọng, tất nhiên là như vậy. Nhưng họ vẫn cần phải nhận ra rằng tiền ảo dạng như Libra mà Facebook sắp tung ra là những giải pháp thanh toán nhanh hơn và rẻ hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển khoản quốc tế và chúng cũng có khả năng uyển chuyển trong việc cung cấp tài chính đa dạng và nhanh chóng hơn nhiều cho các đối tượng không được các ngân hàng hỗ trợ. Tuy nhiên, cho đến nay, tiền điện tử bị mua bán quá mức và Libra là một điềm báo rất đáng lo ngại.

Tồn tại và đang hoạt động trong một thế giới kỹ thuật số, đã đến lúc các ngân hàng trung ương cũng nên tự hỏi liệu có nên tạo ra và làm thế nào để tạo ra một đồng tiền ảo của riêng họ. Nó sẽ không chỉ thay thế tiền giấy lỗi thời (công nghệ của một ngàn năm trước), mà còn tạo thành một hình thức cạnh tranh với tiền gửi trong các ngân hàng thương mại. 

Cuộc cách mạng tiền ảo này có thể cho phép các ngân hàng trung ương thay thế trách nhiệm của các ngân hàng tư nhân bằng chính ngân hàng của mình. Giống như Internet giờ đây đã giúp cho khả năng kiểm soát của chính phủ tăng lên chứ không phải là nguyên nhân làm suy yếu khả năng này hay là nơi tạo ra các không gian tự do lớn hơn, như những người theo chủ nghĩa tự do đã kỳ vọng trong khoảng thời gian hai mươi năm trước, đặc quyền của việc tạo ra tiền, chắc chắn sẽ giúp các ngân hàng trung ương củng cố thêm vị thế của mình.

Nhưng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed lại không hề có ý định dấn thân vào con đường này. "Đặc quyền tạo tiền, hiện được các ngân hàng tư nhân yêu thích, sẽ được trả lại cho người nộp thuế. Fed không có ý định dấn thân vào con đường này", bà Lael Brainard khẳng định.

Nhưng đất nước Thụy Điển thì đã nghĩ tới điều đó, như Thống đốc Riksbank Stefan Ingves đã tuyên bố trong hội thảo của Viện Peterson. Cũng sẽ có nhiều quốc gia khác đi theo con đường của Thụy Điển. Rất nhiều ý tưởng mới khi áp dụng vào thực tế sẽ cho thấy chúng có rất ít tính cách mạng, kém hiệu quả  so với những kỳ vọng mà người ta đã đặt vào nó. 

Một số ý tưởng khác có thể bị từ chối thẳng thừng. Nhưng cũng có những ý tưởng thú vị hơn nhiều, ý tưởng tạo ra tiền ảo của các ngân hàng trung ương là một dạng như vậy. Chắc chắn đó sẽ là một cuộc cách mạng làm thay đổi tận gốc rễ các hệ thống tiền tệ hiện tại, như vậy đó là một điều đáng mừng. Hãy thử nghiệm công nghệ kỹ thuật số trong lĩnh vực tiền  ảo với một thái độ thận trọng cần thiết.

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.
.