Độc đáo lễ cưới của người Chăm Hroi ở Suối Mây

Thứ Năm, 06/09/2018, 10:52
Cộng đồng dân tộc thiểu số Chăm Hroi ở làng Suối Mây (thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) tồn tại nhiều phong tục độc đáo.

Trong đó, nổi bật là phong tục cưới với những điều thú vị như: con gái được quyền “bắt chồng”, đến ngày thứ tư sau lễ cưới mới được “động phòng”, sau tân hôn đôi vợ chồng phải ra suối bắt cá…

Làng Suối Mây nằm giữa vùng thượng nguồn sông Hà Thanh và nhánh núi Trường Sơn hùng vĩ. Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi vượt qua con suối nằm ở giữa làng để đến nhà tìm gặp già làng Lơ O Tằm (67 tuổi, dân tộc Chăm Hroi, nguyên Phó ban Dân tộc tỉnh Bình Định). Trong ngôi nhà nhỏ bên con suối quanh năm nước chảy rì rầm, già Tằm hồ hởi kể cho chúng tôi nghe về phong tục cưới độc đáo của người dân ở làng mình.

Người Chăm Hroi là dân tộc thiểu số, tục “bắt chồng” theo chế độ mẫu hệ nên lễ Pơ Sốp (lễ cúng cưới) sẽ được tổ chức tại nhà gái. Trước lễ cúng cưới một ngày, em gái của cô dâu và đại diện nhà gái sẽ tới nhà trai để thay cô dâu thực hiện việc “bắt chồng”. 

Ngày hôm đó, đại diện nhà gái sẽ được nhà trai đón tiếp chu đáo, rượu thịt no say và ngủ lại tại đây. Sáng hôm sau, ông No (người mai mối) sẽ lấy chiếc khăn buộc vào tay chú rể, sau đó em cô dâu cầm chiếc khăn và dắt anh rể đi. 

Chú rể sẽ được dắt đi chạm vào nồi cơm của cha mẹ ruột ba lần, dắt đi vòng quanh nhà ba lượt xong mới bắt đầu đi về nhà gái. Đi sau chú rể là gia đình và họ hàng nhà trai, mang theo lễ vật gồm một ràng bánh tráng, một bao gạo, nước mắm, rượu cần, tiền…

Ngày hôm đó, bên nhà gái đã chuẩn bị sẵn cồng chiêng, trầu cau để đón nhà trai và tổ chức lễ cúng cưới. Khi đến nhà gái, nhờ “thần linh” mách nước chỉ đường, chú rể sẽ tìm được cô dâu giữa hàng trăm người có mặt trong lễ cưới. Sau đó, chú rể bế cô dâu lên nhà. Trước khi bước qua bậc thềm của nhà gái, chú rể được mẹ cô dâu dùng lửa than hồng và ngọn lửa sáp ong hơ chân cho ấm, thể hiện sự trân trọng, yêu quý con rể.

Sau đó, lễ cúng cưới chính thức được diễn ra trước sự chứng kiến của họ hàng hai bên và bản làng. Nghi thức này được những ông No hai bên đảm nhiệm. Một trong những hoạt động không thể thiếu là màn hát đối đáp giữa những ông No hai bên gia đình. Ông No nhà gái hát một câu, ông No nhà trai phải đáp cho đúng thì nghi thức này mới dừng lại, nếu không đúng thì cứ tiếp tục màn hát đối đáp.

Tiệc ăn uống trong đám cưới của người Chăm Hroi.

Trong lễ cúng cưới, chú rể rót rượu mời cha mẹ cô dâu và khi ly rượu cạn mới chính thức được gọi cha mẹ. Sau đó, cô dâu cũng làm điều tương tự với cha mẹ chú rể. Lúc này, đôi trẻ ngồi bên nhau, có một ông No ngồi giữa ngăn cách. Một ông No của nhà trai đến cầm tay đôi trẻ áp vào nhau, sau đó tròng vào tay cô dâu chiếc vòng sính lễ cầu hôn của chú rể. Ông No bên nhà gái mang vào tay chú rể chiếc vòng đáp lễ ưng thuận của cô dâu.

Sau đó, thanh niên nam nữ hai họ đánh trống, cồng chiêng, ca hát, nhảy múa. Người làng và họ hàng hai bên ngồi quây quần ăn tiệc, uống rượu, ca hát. Nhà gái mời rượu nhà trai cho đến khi nhà trai uống không được nữa mới thôi. Cô dâu và chú rể cũng phải thức thâu đêm để tiếp chuyện, hầu rượu mọi người. Tiệc cưới cứ thế kéo dài cho tới tận chiều hôm sau mới dừng.

Khi khách lần lượt ra về, cô dâu và chú rể vẫn phải thực hiện một số nghi thức khác. Lúc này, sẽ có một mâm cơm dọn lên để đôi vợ chồng trẻ dùng. Họ ngồi trò chuyện, ăn uống cùng nhau. Sau đó, những người thân trong gia đình sẽ tặng quà cho cô dâu, chú rể. 

Khi nhận quà, đôi vợ chồng trẻ sẽ rót rượu mừng cho những người thân trong nhà. Trong thời gian này, một ông No sẽ cài vào tóc cô dâu một lá bùa. Một ông No khác đem hai lá bùa vào phòng tân hôn, một lá đặt dưới gối, một lá dán lên tường. 

Sau khi nhận quà mừng và đợi mọi người về hết, đôi vợ chồng trẻ đi vào phòng tân hôn, họ nằm cạnh nhau để nói chuyện, làm quen chứ không được “động phòng”. Việc nằm cạnh nhau nhưng không được “động phòng” sẽ diễn ra trong những ngày tiếp theo.

“Đến ngày thứ tư, sau khi vượt qua hết các quy định, cô dâu và chú rể sẽ được ông No đến làm lễ “động phòng”. Lễ này cũng khá đặc biệt, mâm lễ gồm có bốn miếng trầu têm, bốn ly rượu. Sau khi khấn vái xong, ông No sẽ lấy ba lá bùa đã dán trước đó. Sau đó, ông No trải chiếu cho đúng chiều rồi mọi người vào phòng tân hôn uống ly rượu mừng cho đôi vợ chồng trẻ. 

Trước khi ra về, ông No sẽ dặn dò đôi vợ chồng mới những kiến thức trước khi “động phòng” và không quên dặn những cách khắc phục “sự cố” để đôi trẻ thêm phần trọn vẹn trong cuộc vui”, già làng Lơ O Tằm cho biết.

Theo những bậc cao niên Chăm Hroi nơi đây, sở dĩ có phong tục này là bởi ngày xưa cha mẹ là người quyết định hôn nhân. Nhiều cặp đôi thậm chí chưa từng nói chuyện, quen biết nhau nên còn e dè, ngại ngùng cho nên thời gian ấy để họ quen biết và thân mật với nhau hơn. 

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, phải nghỉ ngơi ba ngày để giữ gìn sức khỏe, bởi lẽ nhiều nghi thức khiến đôi vợ chồng trẻ mệt mỏi nên khoảng thời gian này giúp họ thư thái để sau đó tận hưởng đêm tân hôn.

Già làng Lơ O Tằm kể về phong tục cưới của người Chăm Hroi.

Sau ba đêm tân hôn, đôi vợ chồng trẻ cùng đại diện nhà gái sẽ mang theo lễ vật gồm một ràng bánh tráng, một bao gạo, nước mắm, rượu cần, tiền… đến nhà trai để nhà trai tiến hành nghi lễ báo cho ông bà, “thần linh” là gia đình có con dâu mới. 

Trong lễ này, trai gái nhà trai sẽ đánh cồng chiêng, múa hát đón mừng. Trong khi đó, đôi vợ chồng trẻ dắt nhau ra suối để thực hiện tục lệ Suoi Dap (đạp suối). Đi với họ là cô dâu và chú rể phụ cùng anh em thân thiết trong hai bên gia đình. Tục lệ quy định, cô dâu hoặc chú rể phải bắt được ít nhất một con cá để mang về nhà.

“Cô dâu và chú rể ra suối bắt cá là để cho mát tay, mát chân. Khi hai vợ chồng về chung sống với nhau thì sẽ được mát lòng mát dạ như nước suối nguồn. Tục lệ Suoi Dap ý nghĩa chính là ở chỗ đó. Cá được cô dâu mang về trao cho mẹ chồng nướng trên bếp than hồng thơm phức và cúng lên “thần linh”. Sau đó, mẹ chồng sẽ tách đôi con cá để cho hai con cùng ăn với mục đích mong “thần linh” phù hộ cho đôi trẻ biết đồng cam cộng khổ, gắn bó suốt đời”, bà Đoàn Thị Thiếu (64 tuổi, một người Chăm Hroi ở làng Suối Mây coi trọng phong tục cưới truyền thống của đồng bào mình) cho biết.

Sau đó, cô dâu sẽ rót rượu mời cha mẹ, người thân họ hàng gia đình nhà chồng để chính thức ra mắt tất cả mọi người. Tiếp đến, nhà trai mở tiệc để họ hàng hai bên cùng chung vui. Xong tiệc, đôi vợ chồng trẻ theo nhà gái ra về. Khi về đến nhà, đôi vợ chồng được gia đình nhà gái tặng cho một chiếc gùi đẹp, một cặp chiếu hoa, một cặp chén đũa… gọi là của hồi môn. Đến đây, họ mới hoàn thành trọn vẹn phong tục cưới của người dân bản địa.

Theo già làng Lơ O Tằm, những năm gần đây, các nghi lễ trong phong tục cưới của người Chăm Hroi không còn nguyên vẹn như xưa. Trước đây, phong tục có khá nhiều hoạt động diễn ra trong nhiều ngày nhưng giờ được giảm bớt, rút ngắn thời gian. Tuy nhiên, phong tục này vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống cơ bản. 

“Bây giờ, trai đủ 20, gái đủ 18 tuổi mới được “bắt chồng”. Và chỉ sau khi trình giấy đăng ký kết hôn cho già làng thì gia đình mới được tổ chức đám cưới. Hôn nhân theo chế độ mẫu hệ đang giảm dần trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên gia đình, cốt sao thuận tiện cho công việc làm ăn của đôi trẻ, vì hạnh phúc của con cái”, già Lơ O Tằm cho biết.

Bà Đoàn Thị Thiếu với bộ trang phục truyền thống.

Bà Thiếu bảo, bây giờ nam nữ Chăm Hroi tự do tìm hiểu nhau, bình đẳng trong quan hệ nhiều hơn trước. Dù các nghi lễ trong phong tục cưới không còn nguyên vẹn như xưa, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Chẳng hạn như cô dâu, chú rể vẫn mặc trang phục truyền thống trong ngày cưới. Cái hay là nam nữ yêu nhau không bị chia cách bởi sự giàu nghèo, phù hợp với xã hội hiện đại.

“Chúng tôi quan niệm, nam nữ đã cưới nhau rồi thì sống với nhau đến khi cái tay không cầm được cái rựa; cái chân không trèo được ba ngọn núi, không lội được bảy khúc sông; con mắt không nhìn thấy chim bay trên trời; cái tai không nghe tiếng chiêng giục hội… vẫn không phụ bạc”, bà Thiếu chia sẻ.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Xuân Nhân (ở TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), trước đây, phong tục cưới của người dân tộc thiểu số Chăm Hroi có một vài nghi lễ cầu kỳ, quy định khắt khe. Tuy nhiên, qua thời gian đã được gạn đục khơi trong để phù hợp với đời sống hiện đại. Phong tục cưới ở đây vừa nghiêm trang, linh thiêng vừa nhân văn, thể hiện quyền tự do yêu đương, tự quyết hôn nhân của đôi lứa hòa hợp trong vai trò của cha mẹ, cộng đồng.

Phong tục cưới của người Chăm Hroi ở làng Suối Mây là một trong không nhiều nét văn hóa tồn tại mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng dân tộc thiểu số. Và, với những nghi lễ độc đáo, mang giá trị cộng đồng vượt ra ngoài phạm vi gia đình, không khí vui tươi mang bản sắc văn hóa, đám cưới của người thiểu số Chăm Hroi mang dáng dấp như một lễ hội “mini” - lễ hội của tình yêu, hạnh phúc. 
Phan Nhuận Phin
.
.
.