Để tín dụng đen không còn đất sống

Thứ Ba, 20/10/2020, 10:50
Không chỉ ở thành phố, nông thôn, mà ngày cả những nơi khó khăn ở miền núi có nhiều bà con dân tộc sinh sống, tín dụng đen cũng đã len lỏi đến và gây nhiều hệ lụy đáng tiếc về cả tài sản, tính mạng người dân, gây mất ANTT trên địa bàn.

Để xóa tín dụng đen, cùng với sự vào cuộc của lực lượng Công an, còn cần có sự phối hợp của ngành ngân hàng và chính quyền các cấp...

Cần vay vốn làm ăn hãy đến ngân hàng

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết trong thời gian qua, dù đã có nhiều chương trình, phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an để tuyên truyền nhưng tình trạng tín dụng đen vẫn tồn tại, và đã xảy ra nhiều vụ việc đau lòng. “Qua thực tế, bà con có những nhu cầu vay tiền bức thiết như ốm đau, cho con cái đi học… do chưa tiếp cận được tín dụng chính thức nên đã phải vay nhiều nguồn khác nhau. Tháng 3-2018, ngành ngân hàng đã tổ chức hội nghị ngăn chặn tín dụng đen tại Gia Lai; Bộ Công an cũng đã vào cuộc đồng bộ trên toàn quốc với nhiều biện pháp ngăn chặn, trấn áp quyết liệt; ngân hàng cũng đã triển khai nhiều mô hình tín dụng, các gói sản phẩm để đưa vốn đến với người dân vùng sâu vùng xa, giúp bà con vay được vốn nhanh nhất và khi có ý đinh vay vốn, mong người dân hãy đến ngân hàng hỏi thủ tục, cách thức, lãi suất… Nhu cầu vay chính đáng phục vụ cuộc sống là rất cần thiết, Đảng, Chính phủ và ngân hàng cũng xác định sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu chính đáng này.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, phát biểu tại buổi làm việc với Công an huyện Kim Bôi về công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Điển hình tại huyện Kim Bôi (Hòa Bình), đời sống người dân được nâng lên rất nhiều, một phần đến từ nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Gia đình chị Quách Thị Nhung (Xóm Thao Cả, xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) là một ví dụ điển hình. Năm 2011 gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã thuộc vùng 135, gia đình lúc đó rất khó khăn, phải lo bữa ăn từng ngày, con cái học hành rất vất vả. “Lúc đó 2 vợ chồng tôi rất muốn có được đồng vốn để phát triển kinh tế gia đình, thay đổi cuộc sống khó khăn hiện tại nhưng lại không biết vay ở đâu. May mắn lúc đó tôi được trưởng xóm, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn cùng với Hội phụ nữ của xã giúp đỡ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Gia đình tôi tham gia và được bà con trong xóm bình xét cho gia đình tôi vay 20 triệu đồng vốn hộ nghèo với thời gian là 3 năm. Với số tiền này gia đình tôi mua được 2 con bò sinh sản. Sau một thời gian chăm sóc 2 con bò đó đã đẻ được cho gia đình tôi thêm 3 con, cùng với sự cố gắng lao động và tiết kiệm chi tiêu của gia đình, khi đến hạn tôi đã bán 1 con bò và đủ tiền để trả nợ cho NHCSXH”, chị Nhung kể.

Đến năm 2014, chị bàn với chồng tiếp tục xin vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư trồng cây ăn quả, thầu ao nuôi cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm…, tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong gia đình. Năm 2015, chị tiếp tục xin vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với số tiền 12 triệu đồng để về xây bể nước và làm nhà vệ sinh, cải thiện cuộc sống gia đình. Từ ngày có bể nước sạch và nhà vệ sinh mới đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, cuộc sống của gia đình chị được cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Với số tiền vay được để đầu tư phát triển kinh tế, đến nay gia đình chị đã có được 7 con bò lớn bé, thầu 1 đập nước thả trên 30.000 con giống và trồng được hơn 1ha bưởi….

Cũng được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Agribank, anh Bùi Văn Lực sinh năm 1960 (xóm Khoang, Xuân Thủy, Kim Bôi, Hòa Bình) trước đây là hộ bần nông. Năm 2012 lần đầu tiên tiếp cận vốn NHCS xã hội qua kênh vay vốn hộ nghèo, mức vay 20 triệu đồng, gia đình thêm vốn tự có mua được 2 con trâu sinh sản. Sau 3 năm đàn trâu đã có 5 con, anh bán 2 con trâu để có tiền trang trải. Đến năm 2015, gia đình thoát khỏi hộ nghèo, trả 20 triệu đồng vốn cũ, anh Lực mạnh dạn đề nghị vay lên 40 triệu đồng vốn hộ cận nghèo trồng cây bưởi và nhãn quanh nhà. Đến nay, gia đình anh không những duy trì được thương hiệu nhãn Sơn Thủy ngon có tiếng, mà còn hướng dẫn các hộ dân xung quanh phát triển kinh tế, hợp thành hợp tác xã sản xuất của xã. Không những thế, mỗi năm vào vụ mùa, anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 15 thanh niên trong xóm, với mỗi ngày công trả tới 300 nghìn đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành; Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú thăm gia đình bà Bùi Thị Gái, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.

5 kỹ năng phòng ngừa “bẫy” tín dụng đen

Để dễ nhận biết thủ đoạn lừa người có nhu cầu vay vốn “sập bẫy” tín dụng đen, Cục Cảnh sát hình sự chỉ ra 7 chiêu trò mà các đối tượng thường lợi dụng.

 Thứ nhất, khi cho vay để phục vụ mua sắm phục vụ sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp có thể yêu cầu cầm cố nhà cửa, đất đai, hoặc chính các công cụ sản xuất, nông sản để trả nợ. Khi nhận tiền người nợ chỉ nhận được một phần tiền còn lại sau khi đã trừ tiền lãi và tiền phí, nhưng khi trả nợ thì phải trả toàn bộ số tiền đã vay. Đối với các cháu học sinh, công nhân, người lao động có thể cầm cố giấy tờ tùy thân, thẻ ATM trả lương... tuy nhiên, khi không đủ khả năng trả nợ thì các đối tượng siết nợ khiến người thân, gia đình phải trả nợ thay nếu không sẽ bị đe dọa, chửi bới, ném chất bẩn, chất thải như ở trên.

Thứ 2, khi cho vay thì lập các hợp đồng như: Hợp đồng bán xe máy sau đó bắt người vay phải thuê lại xe máy đó để sử dụng, nếu không trả đủ tiền lãi các đối tượng sẽ chiếm đoạt xe máy đó. Biến tướng việc cho vay bằng việc yêu cầu người nợ viết giấy biên nhận tiền để lo xin việc, chạy chức chạy quyền, nếu người nợ không trả đủ tiền thì sẽ bị các đối tượng tố cáo với Công an là lừa đảo. Hoặc là trong hợp đồng thì cho vay với lãi suất rất thấp nhưng thu thêm các khoản phí (phí hợp đồng, phí xác minh, phí liên lạc...) với mức rất cao, thực ra là tiền lãi suất biến tướng...

Thứ 3, cho vay dưới hình thức cho người nợ tham gia vào chơi họ, hụi (trong nam gọi là biểu, phường), trong đó người nợ sẽ phải trả lãi cho người vay và chỉ nhận được số tiền vay đã bị trừ tiền lãi ngay từ đầu.

Thứ 4, sử dụng ứng dụng điện thoại, mạng xã hội Zalo, Facebook, Website để mời chào cho vay với lãi suất thấp nhưng thực tế cũng bắt người nợ phải trả tiền phí rất cao như những trường hợp bên trên.

Thứ 5, các đối tượng lừa đảo có thể sử dụng thủ đoạn đi vay với lãi suất rất cao so với lãi suất ngân hàng, hoặc kêu gọi đầu tư vốn cho các dự án bất động sản, kinh doanh đa cấp tài chính, kinh doanh tiền ảo, tham gia hui, họ... với mức sinh lời, lãi suất rất cao. Từ đó kéo theo nhiều người vì hám lợi đi vay người thân, bạn bè rồi đi cho vay lại. Các đối tượng có thể trả lãi 1-3 tháng để lấy lòng tin, nhưng sau đó có thể ôm tiền bổ trốn. Dẫn đến nhiều trường hợp bể hụi, họ, vỡ nợ quy mô lớn trong thời gian vừa qua.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành; Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú và Đoàn công tác thăm gia đình chị Quách Thị Nhung- mô hình phát triển kinh tế từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Thứ 6, khi người nợ không đủ tiền trả, các đối tượng lại tiếp tục gợi ý cho người nợ lại đi vay của các đối tượng khác, các ứng dụng cho vay khác nhằm đáo nợ. Tuy nhiên sau đấy các khoản vay, tiền lãi cộng dồn lại lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Thực chất, các đối tượng, ứng dụng cho vay này đều là một, do các đối tượng lập ra để giăng bẫy người nợ....

Thứ 7, nhiều người thân, gia đình, đồng nghiệp, bạn bè của người nợ, khi người nợ không trả lãi theo đúng hạn định, các đối tượng sẽ gửi hình ảnh ghép các thông tin bộ nhọ đến những người này, hoặc thậm chí nhắn tin, gọi điện chửi bới, đe dọa, giả làm Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để dọa truy tố trước pháp luật...

Để tránh bị rơi vào “bẫy”tín dụng đen tiền mất tật mang, Cục Cảnh sát Hình sự cũng khuyến nghị người dân nên tìm đến các tổ chức tín dụng chính thống. Trong trường hợp tiếp cận với các kênh cho vay khác, phải tìm hiểu rõ các quy định về trả lãi, phạt trả lãi chậm, trả nợ gốc chậm. Trong đó đặc biệt lưu ý nếu cộng cả tiền lãi và tiền phí khác chia trên số tiền gốc mà quá cao (20%) thì cần cẩn thận. Ngoài ra, khi vay không nên ký các hợp đồng không đúng bản chất như bán tài sản - thuê lại chính tài sản đó, giấy biên nhận tiền để xin việc, xin học..., hoặc hợp đồng phản ánh lãi suất không đúng với lãi suất thực tế phải trả... Người dùng cũng cần cẩn thận với các ứng dụng, website cho vay trên mạng, cần đọc kỹ các thông tin để tránh bị các đối tượng lừa. Không cho các ứng dụng, website này được quyền truy cập vào danh bạ, các tài khoản mạng xã hội cá nhân... Khi phát hiện các đối tượng cho vay lãi nặng, cần sớm nhất hoàn tất trả các khoản nợ. Nếu bị các đối tượng cho vay lãi quá 100% và thu lời bất chính trên 30 triệu thì đã có dấu hiệu tội phạm và báo ngay cho cơ quan Công an. Còn khi bị các đối tượng đe dọa, đập phá đồ đạc, gây tương tích, bắt cóc, bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ thì ngay lập tức báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết (có thể làm đơn tố cáo hoặc điện thoại để tố cáo).

Ngày 17-10, Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị "Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen và trao tặng an sinh xã hội” tại tỉnh Hoà Bình. Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng - Thứ trưởng Bộ Công an và Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đồng chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đồng chí Nguyễn Tiến Sinh - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình; Trung tướng Mai Văn Hà, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND; Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự và đoàn công tác Báo CAND do Đại tá Phạm Khải, Tổng Biên tập dẫn đầu. Tại hội nghị, rất nhiều thắc mắc của người dân đã được cán bộ của Ngân hàng Nhà nước giải đáp. Đặc biệt, các cán bộ Cục Cảnh sát hình sự đã tư vấn để người dân biết tránh những cạm bẫy tín dụng đen.

Minh Hiền – Hà An
.
.
.