Quyết liệt đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen

Thứ Bảy, 17/10/2020, 13:29
Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng tín dụng đen và trao tặng an sinh xã hội, ngày 17/10, Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị "Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đầu tranh với hoạt động tín dụng đen và trao tặng an sinh xã hội” tại tỉnh Hoà Bình.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú đồng chủ trì Hội nghị. 

Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí: Nguyễn Tiến Sinh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình; Trung tướng Mai Văn Hà, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND; Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự; Đại tá Lê Xuân Minh, Giám đốc Công an tỉnh Hoà Bình và đoàn công tác Báo CAND do Đại tá Phạm Khải, Tổng Biên tập dẫn đầu cùng với Công an tỉnh Hòa Bình. 

Về phía ngành Ngân hàng, có lãnh đạo các đơn vị: Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Vụ Truyền thông, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Agribank, SHB, Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra còn có đại diện chính quyền địa phương, người dân huyện Kim Bôi và huyện Lạc Thủy (Hòa Bình).

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành phát biểu tại Hội nghị

Muôn kiểu biến tướng tín dụng đen

Là một trong những địa phương khó khăn của cả nước, với đặc thù là nhiều thành phần dân tộc sinh sống, tỉnh Hòa Bình từ lâu cũng đã nằm trong “bản đồ” mà các đối tượng tín dụng đen nhắm tới và mở rộng địa bàn hoạt động. Vì vậy, nơi đây được chọn tổ chức Hội nghị mở đầu cho chuỗi hoạt động tiếp theo về ngăn chặn tín dụng đen.

Tham luận tại Hội nghị, Trung tá Ngô Hồng Vương, Đội trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự đưa ra cách thức nhận diện về tín dụng đen; những quy định của pháp luật liên quan đến tín dụng đen, các thủ đoạn phổ biến, tình huống điển hình, kỹ năng phòng ngừa và giải đáp một số thắc mắc về vấn đề này. Theo đó có thể hiểu, “tín dụng đen” có 4 đặc điểm là hình thức cho vay hoặc đi vay dân sự, hoặc huy động vốn; lãi suất cho vay vượt quá lãi suất pháp luật quy định 20%; được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính; việc thu hồi nợ, lãi thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.

Đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

“Hiện nay lãi suất trong tín dụng đen thường rất cao, có khi lên đến 300 – 700%/năm. Đáng chú ý, hoạt động thu hồi nợ gắn với tín dụng đen thường có các hành vi như bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, gọi điện, nhắn tin đe dọa, chửi bới, đổ chất bẩn, chất thải, bom xăng, đổ bê tông trước cửa nhà, đặt vòng hoa tang, treo đầu động vật, phun sơn, máu tươi, kéo đông người đến nhà riêng, nơi làm việc để gây áp lực với người vay tiền và thân nhân của họ, các đối tượng còn sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo) để đăng các thông tin không có lợi cho người vay, nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, từ đó tạo áp lực để đòi nợ. Thủ đoạn sử dụng người tàn tật (thương binh giả) tham gia đòi nợ thuê vẫn diễn ra, gây dư luận phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự”, Trung tá Ngô Hồng Vương cho biết. 

Về các văn bản pháp luật liên quan đến chế tài xử lý tín dụng đen, dù đã có quy định trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự cũng như các Nghị định về xử phạt, song các đối tượng vẫn bất chấp quy định và sử dụng các thủ đoạn như phát, dán tờ rơi, lập các website, sử dụng mạng xã hội, các ứng dụng điện thoại di động... đăng tin quảng cáo vay không cần gặp mặt, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, cấp tiền ngay với số tiền vay từ 1 triệu đến vài chục triệu đồng. 

Trung tá Ngô Hồng Vương, Cục Cảnh sát Hình sự  tuyên truyền về những hậu quả của “tín dụng đen”, thủ đoạn, hình thức và giải pháp hạn chế  “tín dụng đen”

Bên cạnh đó, các đối tượng còn sử dụng công nghệ cao tổ chức hoạt động tín dụng đen qua mạng internet dưới dạng cho vay trực tuyến, vay ngang hàng với lãi suất rất cao; ngụy trang hành vi cho vay lãi nặng bằng các hợp đồng biến tướng để lách luật và trốn tránh sự điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan công an như: ghi lãi suất thấp hơn rất nhiều so với thực tế trong hợp đồng hoặc ghi lãi suất theo thỏa thuận trong một loại giấy tờ khác (như giấy vay tiền, giấy viết tay) để có thể tiêu hủy, thay đổi dễ dàng, yêu câu bị hại viết giấy bán tài sản sau đó thuê lại chính tài sản mình đã bán để sử dụng làm bằng chứng để tố cáo người vay chiếm đoạt tài sản nếu không trả nợ đúng hẹn với cơ quan Công an…

Cần vay vốn, hãy đến hỏi ngân hàng

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết trong thời gian qua, dù đã có nhiều chương trình, phối hợp chặt chẽ giữa NHNN và Bộ Công an để tuyên truyền nhưng tình trạng tín dụng đen vẫn tồn tại, và đã xảy ra nhiều vụ việc đau lòng. “Qua thực tế, bà còn có những nhu cầu vay tiền bức thiết như ốm đau, cho con cái đi học… do chưa tiếp cận được tín dụng chính thức nên đã phải vay nhiều nguồn khác nhau. 

Nhiều người dân ở huyện Lạc Thủy đặt câu hỏi liên quan đến “tín dụng đen”, vay vốn ngân hàng

Tháng 3/2018, ngành ngân hàng đã tổ chức hội nghị ngăn chặn tín dụng đen tại Gia Lai;  Bộ Công an cũng đã vào cuộc đồng bộ trên toàn quốc với nhiều biện pháp ngăn chặn, trấn áp quyết liệt; ngân hàng cũng đã triển khai nhiều mô hình tín dụng, các gói sản phẩm phù để đưa vốn đến với người dân vùng sâu vùng xa, giúp bà con vay được vốn nhanh nhất. Nhu cầu vay chính đáng phục vụ cuộc sống là rất cần thiết, Đảng, Chính phủ và ngân hàng cũng xác định sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu chính đáng này. Tuy nhiên, khi có ý đinh vay vốn, mong người dân hãy đến ngân hàng hỏi thủ tục, cách thức, lãi suất… 

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành, đồng chí Đào Minh Tú trao quà cho UBND và Công an 2 huyện Kim Bôi, Lạc Thủy

Tức là người đi vay cần chủ động đến ngân hàng, vì thực tế, tín dụng đen đã làm việc này từ trước, khi chui vào từng lối xóm, ngõ ngách để chào mời. Phía ngân hàng, tín dụng chính thức cũng sẽ chủ động đến với bà con- điều này sẽ thành chỉ thị của ngành ngân hàng: tuyên truyền, tờ rơi để bà con nắm thông tin về các khoản vay. Thí điểm đầu tiên sẽ là ở Lạc Thủy”, ông Tú nhấn mạnh và cho biết ngành ngân hàng cam kết thủ tục đơn giản, thuận lợi, song với điều kiện thiện chí từ cả phía người vay: lần đầu thì phải chứng minh để quen biết, nhưng vay xong sẽ trả, sử dụng đúng mục đích, thì những lần sau, ngân hàng sẽ cho vay rất nhanh chóng. Ngoài ra, đại diện ngành ngân hàng cũng đề nghị các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở thôn xã nắm được cuộc sống của bà con, hỗ trợ giúp xác nhận thân nhân của bà con để xác nhận thông tin. Nếu tất cả cùng vào cuộc sẽ thành công trong việc tiếp cận tín dụng chính thức, đẩy lùi tín dụng đen.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành, đồng chí Đào Minh Tú và lãnh đạo tỉnh Hòa Bình trao các suất quà tặng hộ nghèo, gia đình chính sách các xã của 2 huyện Lạc Thủy, Kim Bôi

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh mục tiêu của Hội nghị cũng như xuyên suốt trong cả quá trình là ngăn chặn tín dụng đen và mở rộng tín dụng ngân hàng. Đánh giá 1 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen với cách làm đã rất đổi mới về nội dung cũng như cách tiếp cận, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành thông tin Interpol cũng đã có nhiều cuộc tập huấn về chống tín dụng đen, cho thấy vấn đề này là của nhiều nước, hết sức nguy cơ, nguy hại. 

“Ở Việt Nam, đặc trưng của tín dụng đen là tổ chức cho vay và nhóm tín dụng này không đủ tư cách pháp nhân, tự quy định các mức lãi trái pháp luật, với hình thức điều kiện cho vay trái quy định, tổ chức thu hồi nợ trái pháp luật: bạo lực cả về tinh thần, biện pháp cưỡng bức đòi nợ siết nợ, gây khó khăn cho TAND các cấp về xét xử vì khi vay thì không có hợp đồng, đối tượng cho vay lại không đủ tư cách pháp nhân, chui nhủi. Cùng với đó, trong thời đại công nghệ số, các đối tượng đã sử dụng các phần mềm công nghệ để mở rộng địa bàn hoạt động tín dụng đen, cũng một phần xuất phát từ nhu cầu không thế chấp điều kiện vay vốn, hai là 1 bộ phận thanh thiếu niên vay vốn sử dụng không chính đáng”, Thứ trưởng phân tích. 

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành, đồng chí Đào Minh Tú, Trung tướng Mai Văn Hà, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà và lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình cùng các đại biểu tại Hội nghị.

Qua thống kê, trong 1 năm, lực lượng công an đã quản lý 27.999 dịch vụ cơ sở, hơn 41 nghìn người làm nghề đòi nợ.  “Trên tinh thần như thế, trong thời gian tới, chúng ta cần nhận thức chủ động quyết liệt chống tín dụng đen, nếu không hệ lụy là vừa mất tiền, mất người, lại tốn kém cho xã hội, chưa kể gây mất an ninh tín dụng của cả nền kinh tế, ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước. Cho nên phải thực hiện triệt để, nghiêm túc

Chỉ thị số 12. Phải chủ động phòng chống trong đó phòng là chính”, Thứ trưởng chỉ đạo và nhắc nhở lực lượng công an công nghệ cao chủ động phòng chống, xử lý nghiêm các tội phạm sử dụng công nghệ để biến tướng hình thức tín dụng đen. Riêng với lĩnh vực tín dụng ngân hàng, Thứ trưởng nhắc đến những hộ gia đình làm kinh tế giỏi từ vốn tín dụng chỉ với mức vay 20-25 triệu đồng, yêu cầu khuyến khích nhân rộng và phát triển đối tượng phục vụ. Song, Thứ trưởng cũng yêu cầu tín dụng cần tập trung vào 3 giảm: giảm thời gian, chi phí và giấy tờ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đó là phải đảm bảo an toàn tín dụng; chính quyền, Công an cơ sở phải hỗ trợ để đảm bảo an ninh tín dụng, phát triển bền vững.

Cũng trong chương trình Hội nghị, bên cạnh nội dung tuyên truyền về những hậu quả của tín dụng đen, thủ đoạn, hình thức và giải pháp hạn chế tín dụng đen, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dành cho nông nghiệp nông thôn, vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số, người nghèo, đối tượng chính sách, qua đó hướng dẫn để người dân hiểu về sản phẩm, các chương trình tín dụng, thủ tục, cách thức tiếp cận vốn được thuận tiện và sử dụng vốn hiệu quả. Đồng thời, đại diện NHNN, Bộ Công an và Agribank, NHCSXH giải đáp những ý kiến, câu hỏi của người dân liên quan đến các gói vay, cách thức tiếp cận với nguồn tín dụng chính thức, cũng như các thủ đoạn tín dụng đen mới.... 

Nhân dịp này, Hội nghị đã trao tặng 300 suất quà cho 2 huyện Lạc Thủy và Kim Bôi, đồng thời chia sẻ những khó khăn, vất vả của lực lượng công an, Hội nghị cũng có những phần quà động viên.

Hà An- Minh Hiền
.
.
.