Dấu hỏi lớn cho các công trình thể thao bị lãng phí ở Việt Nam

Thứ Tư, 24/05/2017, 21:40
Hình ảnh đường piste Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình bị tróc lở xuất hiện đầy rẫy trên các phương tiện truyền thông thời gian qua khiến những người hâm mộ thể thao Việt Nam phải đặt ra hàng loạt câu hỏi: Vì sao một sân vận động tầm cỡ quốc gia, một trong những điểm du lịch ở Thủ đô Hà Nội lại để xảy ra tình trạng xuống cấp đến mức này?


Và ngoài sân quốc gia, những công trình thể thao từng được đầu tư xây dựng cả trăm, cả ngàn tỷ đồng ở Việt Nam bây giờ có số phận như thế nào? Có được duy trì, bảo dưỡng và sử dụng một cách hiệu quả hay không?

Tại sao, sân  Mỹ Đình?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chương trình nâng cấp, cải tạo sửa chữa sân Mỹ Đình được khởi động từ quý 4 năm 2015, nhưng đến lúc này sau gần 2 năm, việc sửa chữa nâng cấp vẫn chưa hoàn tất. Và đó chính là lý do khiến đường piste sân rơi vào cảnh "bệnh tật" như hiện nay.

Cụ thể, gói đầu tư nâng cấp, cải tạo sân Mỹ Đình có tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng, được thực hiện qua 2 giai đoạn. Giai đoạn một có chi phí hơn 20 tỷ đồng đã thực hiện xong. Giai đoạn 2 khoảng 30 tỷ đồng hiện đang... chờ. Giai đoạn này có hạng mục nâng cấp và rải thảm cao su cho đường chạy điền kinh.

Trao đổi mới đây cùng Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục-Thể thao Vương Bích Thắng thì được biết: "Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình trực thuộc Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch quản lý. Do vậy, chúng tôi cũng không biết được kế hoạch thực hiện nâng cấp, sửa chữa như thế nào. Tuy nhiên, chúng tôi biết là nguồn tài chính chưa về nên giai đoạn 2 chưa thể thực hiện. Khi có tài chính, tôi nghĩ, mọi việc sẽ ổn thỏa cả thôi".

Đứng trước câu hỏi: "Khi thảm cao su của đường chạy điền kinh không được sửa chữa kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn tới các hoạt động thể thao, ông Thắng bảo: "Tôi được biết việc nâng cấp đường chạy điền kinh không tốn nhiều thời gian và chi phí. Bởi vì, mặt đường chạy không phải sửa chữa nhiều, chỉ rải thảm cao su mới là xong. Thảm cao su được rải là các hoạt động thi đấu điền kinh sẽ trở lại ở sân Mỹ Đình ngay tức khắc".

Thực tế, Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc 2018 đã được chuẩn bị và sẽ diễn ra tại Hà Nội. Trường hợp thảm cao su sân Mỹ Đình không kịp hoàn tất, môn điền kinh khó lòng diễn ra tại đây.

Một lãnh đạo bộ môn điền kinh (Tổng cục Thể dục-Thể thao) đã chia sẻ, trong trường hợp xấu nhất này, môn điền kinh của Đại hội sẽ được đưa về tổ chức ở một địa phương khác. Nếu xảy ra, đây là điều cực kỳ bất cập, bởi điền kinh là môn thu hút sự quan tâm lớn, và trong lịch sử các kỳ Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc, điền kinh luôn được diễn ra ở địa phương đăng cai vòng chung kết.

Đường chạy sân Mỹ Đình đã xuống cấp nghiêm trọng.

Cũng vì vấn đề đường piste sân Mỹ Đình mà năm ngoái, giải vô địch điền kinh quốc gia 2016 đã phải diễn ra ở sân Hàng Đẫy. Khốn nỗi, khuôn viên sân Hàng Đẫy quá chật hẹp, nhiều vận động viên đã phải thực hiện khởi động ngay bên ngoài sân, trên phố Trịnh Hoài Đức, tạo nên một hình ảnh không như mong muốn.

Tại cuộc làm việc hôm 28-4 với Ban giám đốc Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao-Du Lịch Lê Khánh Hải đã yêu cầu "Tổng cục Thể dục-Thể thao cùng phối hợp với Ban giám đốc Khu liên hợp, lên các kế hoạch cụ thể. Đặc biệt là sân điền kinh, yêu cầu các đơn vị liên quan có báo cáo chi tiết, khẩn trương hoàn thiện để tạo điều kiện cho vận động viên tập luyện và thi đấu".

Nếu sân Mỹ Đình chỉ  "gặp nạn" cái đường piste thì Cung Điền kinh trong nhà nằm cách đó không xa lại gặp phải những vấn đề trầm trọng hơn. Chẳng là, Đại hội Thể thao châu Á trong nhà - Asian Indoor Games năm 2009  do Việt Nam làm chủ nhà khiến ngành Thể thao phải xây Cung Điền kinh trong nhà với một đường chạy vô cùng hoành tráng.

Cung Điền kinh có tổng chi phí vào khoảng 400 tỷ đồng, nhưng khi Đại hội này kết thúc, các miếng thảm ghép để hình thành nên đường chạy điền kinh lập tức bị bỏ xó trong nhà kho.

Đến lúc này, các miếng thảm ghép trên chưa một lần được sử dụng lại, bởi Thể thao Việt Nam không đào tạo môn điền kinh trong nhà. Như thế, những miếng thảm ghép trên được mua về rất nhiều tiền nhưng chỉ được dùng một lần và chấm hết. Tính về công năng và chi phí đầu tư, việc dốc tiền chỉ cho 1 lần sử dụng như vậy đã không hiệu quả.

Những địa phương khác không ngoại lệ

Nhưng những sự không hiệu quả không chỉ diễn ra với những công trình thể thao phục vụ cho những Đại hội Thể thao mang tầm cỡ quốc tế, mà còn diễn ra với ngay cả những Đại hội Thể thao trong nước nữa.

Người ta chưa quên,  Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc năm 2014 là thời điểm nhiều địa phương tìm ngân sách và xã hội hóa để xây mới các công trình,  nhà thi đấu thể thao. 

Nhà thi đấu Hà Nam ngay khi hoàn thành đã được ví là nhà thi đấu lớn nhất Đông Nam Á. Với sức chứa 7.500 chỗ ngồi, đặt trên khu đất có diện tích rộng 120ha, đây là công trình phục vụ thi đấu Thể thao lớn thật sự.

Mức chi phí thực hiện công trình này lên tới 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong thời điểm Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc năm 2014 tranh tài, nhà thi đấu này cũng chỉ tổ chức duy nhất 1 môn  là... taekwondo và chấm hết.

Sau năm 2014, nhà thi đấu tiền tỷ trên đã 2 lần tổ chức giải Thể thao tầm quốc tế là cúp bóng chuyền vô địch các CLB nữ châu Á năm 2015, cúp bóng chuyền quốc tế VTV cúp 2016. Năm nay, nhà thi đấu Hà Nam đã được ban tổ chức giải bóng bàn toàn quốc  2017 tìm hiểu để đưa vào xem xét chọn đăng cai. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, Ban tổ chức giải đấu bỏ ý định trên.

Lý do quan trọng là địa điểm xa 2km so với trung tâm thành phố. Diện tích nhà thi đấu quá rộng nên sẽ bị "loãng" do khán giả ngồi trên khán đài cách quá xa với bàn đấu đặt dưới sân.

Nhà thi đấu tỉnh Hà Nam từng tổ chức môn taekwondo tại Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc 2014.

Cách đây 3 năm, trong báo cáo của Tổng cục Thể dục-Thể thao về chuẩn bị cho Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc năm 2014, đại diện chủ nhà Nam Định cho biết địa phương xây nhà thi đấu đa năng mới, tổng kinh phí 845 tỷ đồng (nguồn ngân sách Trung ương).

Nhà thi đấu Nam Định có 4.000 chỗ ngồi, diện tích sàn gần 16.000 m². Nam Định cũng xây mới bể bơi hiện đại có chi phí ngân sách địa phương là 120 tỷ đồng.

Sau 3 năm kể từ Đại hội Thể dục-Thể thao toàn quốc 2014, thực tế cho thấy, không nhiều giải đấu Thể thao thành tích cao ở cấp độ quốc gia chọn địa phương này tổ chức. Bể bơi của Nam Định mới, nhưng chưa được Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam chọn tổ chức giải quốc gia nào.

Nhà thi đấu tỉnh Thái Bình có tổng chi phí đầu tư xây mới 647 tỷ đồng, bắt đầu đưa vào sử dụng từ tháng 7 năm 2014 cho kịp phục vụ Đại hội Thể dục -Thể thao toàn quốc 2014. Năm 2016, do ảnh hưởng của bão số 2, nhà thi đấu này đã bị hỏng một số hạng mục và được sửa chữa tốn kinh phí.

Chưa nói về chất lượng xây dựng cơ sở vật chất, xét về công năng sử dụng từ sau năm 2014, nơi đây hiếm hoi tổ chức giải quốc gia của một môn thể thao. Chủ yếu, nhà thi đấu Thái Bình nhận đăng cai một vòng của giải bóng chuyền toàn quốc.

Tháng 9 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1752/QĐ-TTg về "Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục, thể thao quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030".

Trong quy hoạch đã ghi rất rõ giới hạn diện tích xây dựng cơ sở vật chất thể thao tại các địa phương trọng điểm,  và nếu căn cứ vào những quy định này, có thể thấy những nhà thi đấu nêu  trên đều có sự đầu tư... vượt quy hoạch.

"Trong dòng chảy phát triển xã hội, nhà thi đấu thể thao là công trình không thể thiếu tại mỗi địa phương. Chúng tôi cũng có xem xét về hoạt động nhà thi đấu của các nơi sau Đại hội Thể dục-Thể thao toàn quốc 2014. Tuy nhiên, công việc quản lý sử dụng nhà thi đấu là của địa phương chứ không phải của Tổng cục Thể dục-Thể thao.

Ngoài các hoạt động thể thao thành tích cao, nhà thi đấu thường là nơi để địa phương đó tổ chức mọi hoạt động văn hóa, thể thao của các ngành, đơn vị trên địa bàn", Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục-Thể thao Vương Bích Thắng đã trả lời chúng tôi như thế. Khi được hỏi về công trình nhà thi đấu Hà Nam, ông Thắng nhìn nhận đúng là công trình xây dựng quá lớn.

Năm nay, nhà thi đấu Thái Bình và Nam Định là nơi tổ chức vòng 1 giải bóng chuyền toàn quốc năm 2017 (thi đấu tháng 4). Hai nhà thi đấu có sức chứa từ 4.000 đến 5.000 chỗ ngồi nhưng khán đài vắng vẻ.

Huấn luyện viên Trần Đăng Thành của đội nữ Hà Nội chia sẻ với báo giới: "Nhà thi đấu Nam Định có sức chứa lớn, khoảng cách từ khán đài xuống sân hơi xa nên khán giả vào cổ vũ rất ít. Nhìn từ trên cao là thấy, cầu thủ dưới sân gần như lọt thỏm...".

Phương Anh
.
.
.