Đấu giá nghệ thuật - bao giờ chuyên nghiệp?

Chủ Nhật, 08/07/2018, 13:58
Tác phẩm nghệ thuật khi được xem như một loại hàng hóa, thì việc đưa tác phẩm nghệ thuật đến với người mua có nhiều hình thức khác nhau. Thị trường nghệ thuật ở ta bấy lâu vốn thiếu tính chuyên nghiệp.


Trong lĩnh vực hội họa, mấy năm gần đây xuất hiện một số nhà đấu giá. Những đơn vị này tổ chức nhiều phiên đấu giá công khai, thu hút một lượng lớn khách hàng là các nhà sưu tập, người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước tham gia được dư luận quan tâm, chú ý. Tuy nhiên, công việc bán tranh qua hình thức đấu giá này đã hé lộ nhiều vấn đề bất cập, thiếu tính chuyên nghiệp, dẫn đến nhiều rắc rối liên quan không đáng có.

Tranh đấu giá - thật giả lẫn lộn

Còn nhớ năm ngoái, bức tranh sơn dầu có tên "Phố cũ" được cho là của danh họa Bùi Xuân Phái được Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn (Chọn Auction House) đưa ra đấu giá. Thông tin từ Chọn, tác phẩm này đã từng được hai nhà đấu giá quốc tế là Sotheby's của Singapore và Christie's của Hồng Kông (Trung Quốc) đấu giá vào năm 2006 và 2014.

Bức tranh “Phố cũ” bị nghi là tranh giả nhưng vẫn được mua với giá 12.500 USD bởi một nhà sưu tập trẻ tuổi.

Tuy nhiên, khi bức tranh đươc niêm yết bán đấu giá, họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai danh họa Bùi Xuân Phái khẳng định đây không phải là tác phẩm của cha mình. "Phố cũ" vẫn được đấu giá thành công với 12.500 USD, cao hơn những lần đấu giá trước của hai nhà đấu giá quốc tế.

Cho đến giờ, câu hỏi bức tranh được đấu giá có thực sự là của danh họa Bùi Xuân Phái không vẫn còn bỏ ngỏ. Lý do, Nhà đấu giá Chọn Auction House không công bố danh tính chuyên gia giám định với lý do người giám định không muốn ra mặt.

Cho dù Chọn Auction House cam đoan bức tranh này là thật, trong thời gian 30 ngày kể từ sau phiên đấu giá, nếu người mua có thông tin hay chứng cứ chứng minh bức tranh là giả sẽ được hoàn lại 100% giá trị bức tranh và bồi thường thiệt hại về tinh thần, nhưng xem ra việc đi tìm chứng cứ chứng minh một bức tranh thật hay giả khó như đáy bể mò kim.

Nói thẳng ra, không ai có thể bỏ công sức đi làm việc đó. Ngay cả những người có liên quan, chẳng hạn như con trai cố danh họa cũng chỉ cảm nhận về bức tranh là nó giả, còn chứng minh nó giả như thế nào thì không biết phải làm sao.

Hiện nay, cả nước có khoảng chục nhà đấu giá nghệ thuật, nhưng tên tuổi được biết đến nhiều có thể kể ra như Nhà đấu giá mỹ thuật Lý Thị (Lythi Auction), Chọn Auction House, Vietnam Art Space (VAS), Viet Art Now (VAN) và một số tổ chức hoạt động bán đấu giá nghệ thuật vì mục đích từ thiện.

Việc xuất hiện và đi vào hoạt động của các sàn đấu giá tranh là một biểu hiện lành mạnh cho thấy thị trường nghệ thuật Việt đang đi theo trào lưu của thế giới, hòa mình vào dòng chảy của thế giới. Nó thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng, tạo ra một thị trường lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư cũng như giới mộ điệu không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

Hoạt động của các sàn giao dịch tranh còn tạo điều kiện cho các tác giả trẻ khẳng định giá trị và đóng góp vào sự nhộn nhịp, đa dạng của thị trường còn bỏ ngỏ, bấy lâu hoạt động chưa hiệu quả này.

Dù như vậy, một số nhà phê bình cho rằng, các sàn đấu giá mọc lên cũng không thể giải quyết được câu chuyện của nghệ thuật. Thực chất nó chỉ là một kiểu làm ăn mới trong lĩnh vực mỹ thuật mà nếu không có hành lang pháp lý tốt, không có những quy định ngặt nghèo cần thiết thì rất dễ tạo ra những hệ lụy, thậm chí làm xấu hình ảnh mỹ thuật trong nước.

Hình ảnh về một cuộc đấu giá tranh gây quỹ từ thiện của các nghệ sĩ Việt.

Trong khi đó, nạn tranh giả vẫn là câu chuyện nhức nhối nhiều năm trong giới mỹ thuật. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, trào lưu sao chép tác phẩm của những họa sĩ lớn như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Phan Chánh đã nở rộ. Không ít khách mua tranh là người nước ngoài đã tố mua phải tranh giả, có nhà đấu giá tên tuổi ở nước ngoài bị kiện vì bán tranh giả. Không chỉ tranh của các bậc thầy, mà ngay cả tranh của các họa sĩ trẻ mới nổi, ăn khách cũng nhanh chóng bị sao chép.

Vụ việc nổi đình nổi đám nhất là triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu" năm ngoái, một triển lãm của một nhà sưu tập Việt kiều đã bị họa sĩ Thành Chương lên tiếng tố cáo, rằng tranh của anh đã bị người bán thay đổi chữ ký thành tranh của họa sĩ Tạ Tỵ.

Trước những chứng cứ thuyết phục của họa sĩ Thành Chương, triển lãm cuối cùng phải đóng cửa, Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh tạm giữ tất cả 17 bức tranh trong triển lãm. Nói như vậy để thấy, việc đấu giá tranh trên các sàn đấu giá cũng không tránh khỏi hiện trạng "rửa tranh", nghĩa là biến giả thành thật, nhất là khi người chơi tranh chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa có nhiều hiểu hiết về việc mua bán, thẩm định tranh...

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn thẳng thắn: "Chúng ta cần phải dọn sạch thị trường tranh giả Việt Nam, xây dựng lại từ đầu thị trường tranh nội địa sạch sẽ và chuyên nghiệp. Các nhà sưu tập thế hệ mới, các chuyên gia có tiềm lực kinh tế cần vào cuộc để hình thành nên những bộ sưu tập mới của các họa sĩ đương thời Việt Nam. Từ đó, tôi tin với sự tiếp cận đời sống mỹ thuật đương đại, phát hiện những tác giả mới, chắc chắn một thời đại thị trường mỹ thuật Việt Nam mới sẽ hình thành".

Thẩm định tranh còn mập mờ

Quay trở lại câu chuyện bức tranh "Phố cũ" được đấu giá tại Nhà đấu giá Chọn. Dù những người có trách nhiệm ở đây đã cam đoan bức tranh là thật, nhưng họ lại từ chối việc công khai người giám tuyển vì lý do người này không muốn ra mặt.

Điều này tạo ra băn khoăn, hoang mang cho người mua tranh. Bởi việc công khai danh tính các nhà thẩm định là vô cùng quan trọng. Sự tin tưởng của người mua với một tác phẩm nghệ thuật có thể phụ thuộc rất lớn vào thông tin, ai là người thẩm định giá trị những bức tranh đó.

Trên thế giới, uy tín của những nhà đấu giá, uy tín của những người thẩm định tranh (thường là những chuyên gia ngành hội họa, những họa sĩ lớn, những nhà phê bình danh giá) đóng góp điểm cộng rất nhiều vào niềm tin của khách hàng. Cho nên người sưu tập tranh, người chơi tranh chỉ cần hỏi, bức tranh được mua từ nhà đấu giá nào là có thể đảm bảo giá trị thật của bức tranh.

Việc thẩm định tranh còn mập mờ, thiếu tính minh bạch sẽ tạo ra những hoài nghi trong khách hàng. Hơn nữa, nó cũng là kẽ hở cho tranh giả len lỏi vào các sàn đấu giá, tạo ra một sự nhiễu loạn trên thị trường vốn còn rất non bấy hiện nay.

"Luật Đấu giá tài sản" có hiệu lực từ 1/7/2017 mới chỉ quy định về tiền đặt trước vào tài khoản của đơn vị đấu giá với các khách hàng đấu giá chứ chưa nhắc nhiều đến việc thẩm định giá trị tác phẩm. Bởi vậy, đây là một lỗ hổng rất lớn tạo ra sự nhập nhằng trong việc bán mua.

Một cuộc đấu giá tranh của một nhà đấu giá quốc tế.

Thực tế đã có không ít chuyện dở khóc dở cười xảy ra xung quanh việc trúng đấu giá mua tác phẩm rồi là... bỏ của không mua nữa. Tệ hơn, có khách hàng kiện nhà đấu giá vì cho rằng bức tranh của họ mua không phải là tranh thật. Bởi vậy, thiết nghĩ cần có những quy định rõ ràng hơn nữa về việc thẩm định tác phẩm để các nhà đấu giá lấy đó làm căn cứ.

Nếu không, rất có thể có những sàn đấu giá sẽ tiếp tay cho "cò mồi" đưa tranh giả vào bán, hay có những hình thức gian lận khác trong kinh doanh. Một họa sĩ giấu tên từng cho hay, bức tranh nổi tiếng của anh được gửi bán trên một sàn đấu giá. Nhưng thực tế, người ta đã bán một bức tranh chép của anh, còn phiên bản gốc giá trị thì vẫn được giữ lại.

Trong các cuộc trà dư tửu hậu, một số họa sĩ vẫn tỏ ra bức xúc việc nhà đấu giá nọ, nhà đấu giá kia "treo đầu dê bán thịt chó". Họ quảng cáo tranh thật nhưng vẫn bán tranh giả, hoặc tranh nghi là giả. Cho nên muốn lành mạnh, phải có chế tài pháp lý cần thiết rằng buộc các nhà đấu giá. Đơn vị nào vi phạm bắt buộc phải đóng cửa, như vậy mới thực sự làm lành mạnh, chuyên nghiệp thị trường tranh pháo.

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triền lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, đang nghiên cứu, xem xét để xây dựng và sớm ban hành một quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của người giám định tác phẩm. Không thể nào tùy tiện cho phép bất cứ một cá nhân, tổ chức nào cũng có thể được làm công việc này.

Muốn có một thị trường nghệ thuật lành mạnh, minh bạch, chuyên nghiệp, thì các quy định về mặt pháp lý phải rõ ràng, chặt chẽ. Hiện nay, cơ quan chức năng vẫn đang đứng ngoài cuộc, để cho các tổ chức đấu giá mạnh ai nấy làm, sai sót không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Điều này là hết sức vô lý, đi ngược với mong muốn về một trị trường mỹ thuật phát triển trong tương lai.

Hội Vũ
.
.
.