Đại dịch COVID-19: Một góc nhìn kinh tế
- Số ca nhiễm COVID-19 tăng 13 lần, Moscow chuẩn bị hai vạn giường bệnh
- ASEAN chú trọng giảm thiểu tác hại kinh tế vì COVID-19
- Số ca nhiễm COVID-19 liên tiếp phá rào, ông Putin lệnh quân đội ứng phó
Có gì liên quan giữa việc hết giấy vệ sinh ở Mỹ hay Úc với nạn khan hiếm khẩu trang ở Việt Nam trong những ngày qua? Đó là bởi những mặt hàng này phần lớn đều được sản xuất tại Trung Quốc - công xưởng của thế giới.
Ngày 23 tháng 1 năm 2020 là một ngày lịch sử đối với ngành dịch tễ học toàn cầu khi chính quyền Trung Quốc đưa ra quyết định cách ly, cô lập toàn bộ thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân. Toàn bộ hệ thống giao thông đến và đi đều bị tạm ngưng trừ những trường hợp được cấp phép của chính quyền để hỗ trợ phòng chống dịch. Tất cả người dân bắt buộc phải ở lại trong nhà không di chuyển trừ những trường hợp đặc biệt. Và chỉ ngày hôm sau, thêm nhiều thành phố lân cận cũng bị cô lập hoàn toàn. Hơn 50 triệu người bị nhốt lại trong nhà, các hoạt động kinh tế sản xuất đình trệ vô thời hạn.
Trung Quốc đang là trung tâm sản xuất lớn nhất toàn cầu. |
Có lẽ, tình thế sẽ bớt nghiêm trọng hơn nếu như Vũ Hán không phải là thành phố đông dân nhất ở miền Trung của Trung Quốc, là thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, nằm ở trung tâm của những con đường vận tải chiến lược chạy khắp đất nước. Khi Vũ Hán bị đóng cửa, hầu như toàn bộ hệ thống giao thông vận tải bị tê liệt, cả guồng máy sản xuất lớn nhất thế giới bị khựng lại, bởi một quyết định mà cho đến lúc này vẫn rất khó có thể đánh giá hết những tác động của nó.
Ở góc độ kinh tế, chuỗi sản xuất toàn cầu gần như bị đông cứng. Bất chấp những tập đoàn lớn ra sức đưa ra những phương án đối phó, những nhà kinh tế có đưa ra bao nhiêu lời trấn an dư luận thì không thể phủ nhận rằng, dịch Covid-19 đã tác động thẳng vào chuỗi sản xuất toàn cầu, khiến cho chúng ta phải đánh giá lại mô hình sản xuất của mình.
Một vài nhà máy tại Vũ Hán đóng cửa vài tuần lễ, có thể khiến rất nhiều nhân viên của Fiat ở Ý hay khắp thế giới phải nghỉ việc bất đắc dĩ, bởi nơi đây sản xuất tới hơn 60% linh kiện cho toàn bộ hãng xe toàn cầu này. Cũng như Tập đoàn toàn cầu Unilever sẽ phải điêu đứng vì nhiên liệu đầu vào không thể phân phối đến các nhà máy chiến lược tại Đông Nam Á do những con đường giao thông quan trọng nhất chạy qua Vũ Hãn đều đã bị chặn lại.
Một sự thật là chỉ cần 3 tháng, toàn bộ các nhà máy của Unilever sẽ phải đóng cửa bởi không lấy đâu ra nhiên liệu để sản xuất. Thay vì chạy hết công suất phục vụ cho những đơn hàng thuốc diệt khuẩn phục vụ chống dịch gia tăng không ngừng thì những nhà máy siêu hiện đại của Unilever tại Bắc Ninh và Củ Chi đi vào hoạt động nhỏ giọt để cầm chừng.
Còn các hãng dược phẩm hàng đầu của châu Âu và Mỹ thì thậm chí còn thiếu những hoạt chất để chế tạo những loại thuốc đơn giản nhất trong đời sống hằng ngày như thuốc cảm, thuốc hạ sốt hay thuốc an thần...
Hãy thử hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu 1-2 tháng tới những loại thuốc này vắng bóng trên các kệ hàng ở khắp thế giới. Sự ảnh hưởng đó còn lớn hơn cả vài cuộn giấy vệ sinh trong siêu thị tại Úc hay Mỹ những ngày này. Tất cả bởi vì những nhà bào chế châu Âu và Mỹ đã "khoán trắng" việc sản xuất các hoạt chất này cho các đối tác Trung Quốc để rồi bây giờ phải điêu đứng vì sự phụ thuộc mà họ có lẽ cũng chưa lường tới hậu quả của nó.
Cuối cùng thì một cơn bệnh không chỉ giết chết những con người, nó còn có thể phá hủy hết những gì chúng ta đã xây dựng nên trên thế giới trong suốt một thế kỷ qua. Điều gì khiến cho thế giới trở nên cởi mở và gần gũi hơn với nhau trong hơn 30 năm qua?
Đó chính là khi những bức tường ngăn cách đã bị phá bỏ. Với sự giúp sức của những sáng tạo công nghệ, công cuộc toàn cầu hóa đã kéo tất cả mọi người lại với nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế sản xuất. Các hoạt động giao thương được mở cửa tối đa kết nối những thị trường xa xôi hàng nghìn kilomet.
Một chiếc đùi gà KFC tại cửa hàng tại Việt Nam có thể được cắt ra từ con gà nuôi tại Mỹ cũng như cuộn giấy vệ sinh trong Nhà Trắng thực ra được sản xuất ở đâu đó gần Vũ Hán chứ không phải nước Mỹ.
Mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, thúc đẩy thương mại, tạo ra các dòng chảy tư bản mới đã khiến cho không ít những ông chủ lớn giàu lên nhanh chóng mà gần như chẳng phải sản xuất một thứ gì. Để rồi đến một ngày, cỗ máy trơn tru đó đột ngột dừng lại mà chính những ông chủ giàu có nhất tại Anh hay Mỹ cũng không biết phải giải quyết vấn đề như thế nào nữa.
40% hàng dệt may của thế giới sản xuất tại Trung Quốc đang xuất đi khắp thế giới. Hơn 1/4 đồ nội thất được sử dụng trên toàn cầu hiện cũng do Trung Quốc làm ra. Trong lĩnh vực viễn thông, 25% cáp quang sử dụng trên thế giới được sản xuất ngay tại thành phố Vũ Hán, 95% động cơ xe hơi điện sản xuất tại Trung Quốc, trên dưới 85% pin điện mặt trời đang được sử dụng cũng do Trung Quốc chế tạo.
Cho dù Pháp và Đức đều đã làm chủ công nghệ này từ lâu nhưng không thể cạnh tranh nổi với chi phí sản xuất cực rẻ tại đất nước đông dân nhất trên hành tinh này. Sự hoang tàn tại các trung tâm công nghiệp cũ ở Detroit (Mỹ) nay được thay thế bằng những trung tâm mới ở Vũ Hán hay Thâm Quyến đến như một lẽ tất nhiên.
Những kệ hàng trống rỗng tại một số nước Âu - Mỹ không dễ được lấp đầy. |
"Khoán trắng" sản xuất cho những công xưởng ở tận Trung Quốc, nơi giá nhân công, giá mặt bằng tối giản còn quy mô sản xuất được đẩy lên cao nhất có thể đem lại giá trị lợi nhuận lớn. Với quy mô sản xuất siêu lớn, hàng hóa từ Trung Quốc có thể được xuất đi khắp thế giới với giá rẻ nhất một cách cực kỳ đều đặn. Điều này càng thúc đẩy các tập đoàn dẹp bớt các kho bãi khổng lồ trước đây để đẩy mạnh lưu thông hàng hóa trực tiếp từ các cơ sở sản xuất đến thị trường cắt giảm được chi phí. Một dòng chảy thương mại thông suốt như thế đem lại lợi ích cho tất cả mọi người mà nhất là số ít ông chủ phương Tây giàu có lười sản xuất.
Nhưng đó cũng chính là điểm chết của nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại khi dòng chảy bị ngắt quãng. Cơn dịch COVID-19 bất chợt bùng phát đã làm lộ rõ nhược điểm của kinh tế thế giới lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, vào các nhà sản xuất ở phương xa mà quên mất rằng chuỗi cung ứng đó có thể bị nghẽn vì những yếu tố bất ngờ. Những yếu tố bất ngờ đó có thể là dịch bệnh như lần này, hay do một cuộc xung đột bất ngờ gây xáo trộn các hệ thống lưu thông hàng hóa.
Người ta đã từng chủ quan với suy nghĩ rằng một vài cuộc xung đột ở châu Phi hay Trung Đông trong suốt bao năm qua sẽ không đủ để tác động vào nền kinh tế thế giới. Nhưng lần này, khi Trung Quốc, công xưởng của thế giới xảy ra chuyện thì mọi việc là rất rõ ràng. Giờ thì không chỉ Mỹ mà kể cả khi Trung Quốc hắt hơi, toàn thế giới cũng sẽ bị sổ mũi.
Chính nguy cơ phụ thuộc vào nền sản xuất ở Trung Quốc này đã đưa ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ vào năm 2016 với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên" trong nỗ lực làm sống lại những vùng sản xuất công nghiệp của Mỹ. Cuộc chiến tranh thương mại nổ ra trong hai năm qua là lời cảnh báo đầu tiên với nguy cơ về một cuộc "đứt gánh giữa đường" của hai đầu cầu kinh tế lớn nhất thế giới để rồi bây giờ sự thật đã hiển hiện trước mắt.
Chắc chắn dịch COVID-19 rồi sẽ đi qua, nhưng những vết tích của nó sẽ còn lưu dấu lại rất lâu trong tính toán của những nhà kinh tế thế giới. Sự phụ thuộc vào Trung Quốc cần phải được giải quyết. Sự "ỷ lại" của phương Tây vào Trung Quốc cần phải được điều chỉnh.
Một nền sản xuất quy mô cực lớn cũng kèm theo không ít những tổn thương về môi trường để rồi có thể dẫn đến việc bị đục khoét bởi một con virus bé nhỏ. Và nếu như giới tư bản vẫn kiên quyết trên con đường đi tìm kiếm lợi nhuận của mình bằng việc tận dụng những thị trường giá rẻ thì nay cũng là lúc hợp lý để họ tìm kiếm những điểm đến mới cho hoạt động đầu tư của mình hoặc một cách bền vững hơn, họ nên cùng bắt tay nhau để tạo nên những nhà sản xuất của riêng mình.