Thương chiến Mỹ - Trung: Đã phải là thời điểm để thỏa hiệp?

Thứ Hai, 31/08/2020, 10:45
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thực sự không thể vĩnh viễn cắt đứt mọi mối quan hệ thương mại với nhau, đặc biệt là trong thế giới đang ngày càng phẳng đi với xu hướng toàn cầu hóa tất yếu hiện tại. Bởi vậy, điều phải đến cuối cùng cũng đến. 


Thế giới bắt đầu chứng kiến những tia sáng lóe lên ở cuối đường hầm, những tín hiệu tích cực đích thực sau bóng đêm mịt mù mang tên "thương chiến Mỹ - Trung". Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều biến số có thể tác động đến việc cân bằng "phương trình lợi ích" giữa hai siêu cường ấy.

Sau một cuộc điện đàm

Đó không phải là một cuộc điện đàm bình thường. Đó là cuộc điện đàm giữa đại diện cấp cao của hai phái đoàn đàm phán thương mại giữa hai nước, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cùng Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Ngày 25-8, họ đã thảo luận về quá trình thực hiện thỏa thuận thương mại Giai đoạn I ký kết từ đầu năm. Để rồi, khi cuộc điện đàm ấy kết thúc, Chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố: "Hai bên đã có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng".

Tổng thống Donald Trump luôn đưa ra những quyết định bất ngờ với Trung Quốc.

Bắc Kinh nhấn mạnh đến những gợi ý về hợp tác kinh tế vĩ mô, cũng như việc thực hiện các thỏa thuận Giai đoạn I. Dè dặt hơn, Washington, thông qua phát ngôn chính thức của Phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), chỉ cho biết:  "Các bên đã chỉ ra các bước mà Trung Quốc thực hiện để thay đổi cấu trúc theo như thỏa thuận yêu cầu, nhằm đảm bảo sự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chấm dứt các quy định gây trở ngại đối với các công ty Mỹ chuyên lĩnh vực dịch vụ tài chính và nông nghiệp, loại bỏ quy định chuyển giao công nghệ bắt buộc…", đồng thời khẳng định: "Hai bên đều nhận thấy tiến triển và cam kết thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo thỏa thuận thành công".

Chỉ có vậy thôi, nhưng thực tế, ngay sau cuộc điện đàm ấy, thị trường vàng thế giới ngày 25-8 đã lập tức phản ứng mạnh mẽ. Khép lại phiên giao dịch hôm đó, giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.920,91 USD/ounce, còn giá vàng Mỹ giao kỳ hạn để mất 0,8% - xuống 1.923,1 USD/ounce.

Theo Giám đốc mảng giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, ông David Meger, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng về phương pháp điều trị đại dịch toàn cầu COVID-19, thị trường hiện cũng rất lạc quan về mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc, do đó nhu cầu đối với tài sản an toàn như vàng đã giảm bớt.

Một cuộc điện đàm thôi, nhưng có thể lập tức tác động đến toàn bộ nền kinh tế thế giới.

Từ lời nói đến hành động

Vấn đề là, nếu bỏ qua một bên sắc thái ngoại giao trong những phát ngôn chính thức được sử dụng bởi cả Bắc Kinh lẫn Washington, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc bóc trần những lớp vỏ hình thức, để thực sự tập trung vào các vấn đề cốt lõi của mối quan hệ vô cùng phức tạp này.

Thực tế, bất chấp những đánh giá tương đối tích cực dành cho nhau khi rà soát lại một quá trình ngắn ngủi mới chỉ bắt đầu từ đầu năm nay, giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn tồn đọng không ít những khúc mắc không dễ giải quyết.

Quan hệ Mỹ - Trung luôn là tâm điểm thu hút sự quan tâm của thế giới.

Chắc chắn, không có gì khó xử lý hơn "chuyện tiền nong", bởi đó chính là thứ lợi ích thiết thực nhất đối với mọi cá nhân, mọi doanh nghiệp, mọi nền kinh tế.

Theo thỏa thuận thương mại Giai đoạn I được hai bên nhất trí ngày 15-1-2020, Trung Quốc cam kết mua thêm hàng hóa của Mỹ, bao gồm 77 tỷ USD hàng hóa trong năm nay, với mục tiêu nâng giá trị mua hàng lên 200 tỷ USD so với năm 2017.

Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2020, số lượng hàng Trung Quốc mua kém xa so với cam kết khi tới tháng 6, nước này mới nhập khẩu khoảng 40,2 tỷ USD hàng hóa Mỹ, tức là mới đạt khoảng hơn một nửa cam kết. Trung Quốc chậm mua hàng hóa Mỹ ở cả trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp… Trong lĩnh vực nhập khẩu năng lượng Mỹ, Trung Quốc thực hiện "đuối" so với cam kết nhất. Tính tới tháng 6, Trung Quốc mới nhập khẩu 5% trong số sản phẩm năng lượng trị giá 25,3 tỷ USD mà nước này đồng ý mua của Mỹ năm 2020.

Lý do được đưa ra là bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và quan hệ ngày một căng thẳng giữa hai nước. Những lý do bất khả kháng, nên thực tế, nền kinh tế Mỹ vẫn đang phải "chịu thiệt thòi" với mức thâm hụt lớn, trong mối quan hệ thương mại song phương này.

Sự thâm hụt ấy cũng chính là điểm then chốt để chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định áp dụng những chính sách thực sự cứng rắn dành cho Bắc Kinh, được xác lập ngay từ cương lĩnh tranh cử tổng thống năm 2016. Nhưng, hiện tại, còn hơn thế, sự "rề rà" của Trung Quốc trong việc thực hiện những cam kết giảm thâm hụt đã và đang tác động tiêu cực tới quyền lợi của các doanh nghiệp Mỹ.

Chẳng ai có thể cảm thấy dễ chịu với sự "lần khân" đó, cho dù với bất cứ lý do nào, đặc biệt là nước Mỹ. Tình trạng này hiển nhiên là không thể tiếp tục được kéo dài. Nó chỉ đơn giản là được tạm tránh nhắc đến nhằm tránh làm gia tăng căng thẳng, khi Mỹ vẫn còn hy vọng bán được hàng hóa cho Trung Quốc, và khi thương mại cũng chính là một công cụ đắc lực phục vụ cho các toan tính địa chính trị.

Song, chắc chắn là đến thời điểm thích hợp, thực trạng này sẽ phải thay đổi. Washington, theo thói quen của cường quốc số 1 thế giới, "cực duy nhất" kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, sẽ bằng mọi cách ép Bắc Kinh thực hiện đầy đủ các cam kết về tiền bạc.

Thương trường và chính trường

Có một khía cạnh mà giới phân tích quốc tế đồng loạt chỉ ra: Mỹ và Trung Quốc cố gắng duy trì những kết nối về thương mại giữa hai nước, có lẽ cũng bởi vì thương mại là kênh liên lạc cuối cùng mà hai phía còn có thể nói chuyện một cách điềm đạm với nhau.

Trung Quốc cam kết mua thêm hàng hóa của Mỹ.

Nói như nhóm nghiên cứu kinh tế Trivium China: "Bắc Kinh muốn giữ thỏa thuận bằng mọi giá. Đây là tia sáng duy nhất trong mối quan hệ song phương đầy trắc trở. Chính quyền Donald Trump cũng không muốn thỏa thuận bị phá vỡ, bởi Trung Quốc thực sự đã mua nông sản Mỹ". Trong  khi đó, ở mọi khía cạnh khác, quan hệ Mỹ - Trung đều đã gần như bị đẩy sát đến một "lằn ranh đỏ". Những tranh cãi về lĩnh vực công nghệ, những xung đột quan điểm không thể dàn xếp về Biển Đông, Tân Cương hay Hong Kong…nối nhau phủ cái bóng u ám của mình lên mối quan hệ giữa hai gã khổng lồ.

 Nhưng thực ra, xung đột ấy là tất yếu, và đã được nhận diện từ cuối thiên niên kỷ trước - đầu thiên niên kỷ này, lúc Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Vào thời điểm đó, Bắc Kinh nhanh chóng vứt bỏ chiến lược "thao quang dưỡng hối" (ẩn mình chờ thời) thời Đặng Tiểu Bình mới bắt tay với Nixon, để tiến hành đường lối "chiến lang ngoại giao" (ngoại giao sói dữ) cho đến tận bây giờ, khi gây hấn trên mọi đường biên giới hữu hình và vô hình có thể gây hấn.

Vào thời điểm đó, rất nhiều chuyên gia đã nhận định: Thế kỷ XXI là thế kỷ của Trung Quốc, và tiên liệu một ngày Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành siêu cường số 1 thế giới. Cũng ngay ở thời điểm đó, dĩ nhiên, nước Mỹ đã nhận diện một kình địch mới, để bắt đầu hoạch định những chính sach kiềm chế, thí dụ "Xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương". Dù là đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa nắm quyền, việc bảo vệ vị trí số 1 cho nước Mỹ vẫn luôn được nhắc đến như ưu tiên số 1.

Cho nên, hiện tại, khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới đã chính thức bước vào chặng nước rút, sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu chính quyền của ông Donald Trump tiếp tục gia tăng áp lực về phía Trung Quốc, kể cả tạo sức ép trên lĩnh vực thương mại - sợi dây liên lạc hay "chiếc phao cứu sinh" cuối cùng của mối quan hệ song phương đó.

Mới tháng trước thôi, ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm còn công khai đăng đàn thể hiện sự quyết liệt rằng ông không có ý định thương thảo gì với Trung Quốc vào thời điểm này. Cũng mới chỉ vài ngày trước khi cuộc điện đàm diễn ra thôi, ông Donald Trump còn công kích đối thủ chính Joe Biden rằng: "Trung Quốc sẽ sở hữu nước Mỹ nếu ông ta (Joe Biden) đắc cử!". Cùng lúc đó, Washington vẫn thể hiện những lập trường đầy tính khiêu khích ở các vấn đề liên quan đến những vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc quản trị, như Hong Kong, hay siết chặt thêm các rào cản về công nghệ, như cấm ứng dụng TikTok của Trung Quốc (với lý do đe dọa an ninh quốc gia).

Song, cũng không nên quên rằng nếu ép được Trung Quốc đẩy nhanh việc thực hiện các cam kết mua hàng, tiến trình tranh cử của ông Trump cũng hoàn toàn có thể trở nên thuận lợi hơn, với sự hài lòng của những nhà cung cấp nông sản.

Cuộc điện đàm được cả thế giới theo dõi, thực chất, cũng chỉ là một công cụ chính trị. Và thế khó mà chắc chắn rằng Mỹ đã thực sự nhân nhượng với Trung Quốc hay chưa?

Thiên Thư
.
.
.