Chưa thể hóa giải căng thẳng Mỹ - Trung

Thứ Tư, 12/08/2020, 08:36
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng trên nhiều mặt trận. Trong bối cảnh đó, cuộc họp kín mới đây giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Trợ lý của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Dương Khiết Trì, được cho là mang lại ít kết quả việc hóa giải căng thẳng giữa đôi bên.

Giai đoạn nguy hiểm

Dẫn ví dụ vụ không kích bất ngờ do Nhật Bản thực hiện nhằm vào Trân Châu Cảng ngày 7-12-1941, giáo sư chuyên ngành chính quyền tại Đại học Havard (Mỹ) Graham Allison cho rằng: “Thời gian còn lại của năm 2020 có thể là giai đoạn nguy hiểm đối với quan hệ Mỹ-Trung tương tự như 5 tháng cuối năm 1941 đối với quan hệ Mỹ-Nhật”. 

Trong khi đó, nhà phân tích cao cấp tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, ông Malcolm Davis nhận định: “Trung Quốc xem virus SARS-CoV-2 như một cơ hội để khai thác các điểm yếu của Mỹ, và Trung Quốc có thể không cầm lòng trước khả năng giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thông qua vũ lực. Tôi nghĩ rằng có khả năng thực sự là Bắc Kinh sẽ tính toán nhầm khi cho rằng Mỹ không thể và sẽ không phản ứng bằng biện pháp quân sự”. 

Bản thân Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng thừa nhận Mỹ và Trung Quốc đang đối mặt với thách thức tồi tệ nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1979. Về phần mình, ông Gal Luft, đồng giám đốc của Viện Phân tích An ninh Toàn cầu ở Washington, cho rằng, Mỹ đã ở trong chế độ kiềm chế đầy đủ đối với Trung Quốc khi quan hệ giữa hai bên đi qua điểm không thể quay đầu lại.

Trong nhiều thập niên, giới lãnh đạo chính trị và các nhà chiến lược Mỹ đã thường xuyên bị chia rẽ giữa việc tương tác với Trung Quốc để thúc đẩy sự thịnh vượng của nước này, với việc kiềm chế sự trỗi dậy của nó, khi Trung Quốc trở thành một đối thủ cạnh tranh ngang cơ thay thế Liên Xô trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. 

Chính sách của Mỹ về Trung Quốc trong các năm qua chủ yếu bị chi phối bởi nỗi sợ về sự trỗi dậy của một thế lực lớn mới ở khối lục địa Á-Âu và một trục liên kết giữa Bắc Kinh và Moscow. 

Trong một văn bản chính sách nói về cách tiếp cận chiến lược của Tổng thống Mỹ Trump đối với Trung Quốc, được Nhà Trắng công bố hồi tháng 5-2020, Washington đã chính thức thừa nhận sự thất bại của chính sách của họ đối với Trung Quốc trong 40 năm đầu tiên của quan hệ song phương. 

Khi đó Mỹ tìm cách thay đổi chế độ chính trị ở Trung Quốc thông qua hoạt động mở cửa thị trường. Các thế hệ lãnh đạo của Mỹ, bao gồm các đời tổng thống, đã liên tục tranh cãi về câu hỏi liệu Trung Quốc có trỗi dậy hòa bình được hay không? Chuyên gia đối ngoại hàng đầu (đã quá cố) của Mỹ, Zbigniew Brzezinski, cho biết giới lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc cũng bị ám ảnh về những câu hỏi tương tự.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger hồi năm 2019 từng báo rằng một cuộc xung đột quân sự “không giới hạn” giữa hai nước sẽ tệ hại hơn các cuộc thế chiến trước đây. Cách đây hai năm, cựu ông Henry Kissinger nhận định: “Từ góc nhìn lịch sử, Trung Quốc và Mỹ rất khó tránh được xung đột với nhau”. Trong khi đó, theo cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh, quân đội Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thiết lập được một cơ chế quản lý khủng hoảng hiệu quả.

Các chuyên gia cho rằng, khó có thể tránh khỏi một cuộc Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung Quốc. Ảnh: Forexlive .

Và sự tác động tới chuỗi cung ứng năng lượng

Quan hệ ngoại giao ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc đang hướng sự chú ý vào vấn đề phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế của hai nước này trên phương diện chuỗi cung ứng toàn cầu năng lượng và công nghệ. 

Đối với các chuyên gia an ninh Mỹ và đồng minh, hiện có những lo ngại lớn hơn về các chuỗi cung ứng phụ thuộc vào các nhà sản xuất ở Trung Quốc, trong đó gồm máy tính, thiết bị viễn thông, thiết bị y tế, thép và đất hiếm. 

Trong khi đó, đối với các chuyên gia an ninh ở Trung Quốc là sự lo ngại ngày càng gia tăng về sự phụ thuộc vào các nguyên liêu thô nhập khẩu, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt, cũng như các hệ thống tiền tệ và thanh toán toàn cầu do Mỹ chi phối.

Trong bốn thập niên từ những năm 1970 đến những năm 2000, Mỹ đã trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và khả năng dễ bị tổn thương về kinh tế và an ninh mặc nhiên cũng trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách Mỹ. 

Đến cuối giai đoạn này, đã xuất hiện những lo ngại rằng nước Mỹ cũng sẽ trở nên phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên nhập khẩu, làm gia tăng mối quan ngại về nguy cơ an ninh do phụ thuộc vào năng lượng. Cuộc cách mạnh đá phiến ở Mỹ đã xoa dịu những nỗi lo đó bằng cách ồ ạt mở rộng sản xuất trong nước và biến Mỹ thành một nước xuất khẩu, đầu tiên là khí đốt và gần đây hơn là dầu mỏ.

Đối với Trung Quốc, sau khi trở thành nước xuất khẩu dầu vào đầu những năm 1970, Bắc Kinh đã trở thành nước nhập khẩu ròng một lần nữa vào giữa những năm 1990 và đến nay là nước nhập khẩu xăng dầu lớn nhất thế giới. 

Gần đây hơn, Trung Quốc đã nổi lên như một nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn khi nước này chuyển từ sử dụng than sang khí đốt trong các hệ thống sưởi và phát điện. Các chuyên gia an ninh Trung Quốc hiện phải vật lộn với những lo ngại tương tự về sự phụ thuộc nhập khẩu, vấn đề vốn chi phối tranh luận ở Mỹ trong suốt 40 năm qua.

Hiện nay, xuất hiện nhiều câu hỏi lớn về tính thực tiễn của việc chia tách chuỗi cung ứng giữa Mỹ và Trung Quốc trong cả hệ thống công nghệ/thông tin liên lạc hoặc năng lượng/thanh toán. 

Với tất cả nỗ lực của mình, Mỹ không bao giờ giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu từ giữa những năm 1970 đến giữa những năm 2000, cho đến khi công nghệ mới dưới dạng đá phiến cuối cùng thúc đẩy sản xuất trong nước. 

Tái tạo và chuyển hướng các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ dẫn đến chi phí khổng lồ đối với cả hai siêu cường, mất cả hàng thập kỷ, nhưng chưa chắc đã thành công. Quy mô của sự gián đoạn có thể khiến các nhà hoạch định chính sách tạm dừng và suy nghĩ lại về chiến lược chia tách hoặc ít nhất là kiềm chế tham vọng, trong nỗ lực cứu vãn ít nhất một số hợp tác thương mại, đầu tư và chính sách. 

Nhưng khi mối quan hệ giữa các siêu cường ngày càng xấu đi, tất cả những sự phụ thuộc lẫn nhau này, không chỉ là công nghệ, sẽ thúc đẩy chương trình nghị sự chính sách, và các dòng chảy năng lượng sẽ ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự này.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.