Cuối năm lại lo cháy nổ
- Không ít người dân, doanh nghiệp vẫn xem nhẹ công tác phòng ngừa cháy nổ
- Hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra
Liên tiếp xảy ra các vụ cháy trong mùa khô
Rạng sáng ngày 26-12, xưởng sản xuất ống nhựa rộng khoảng 700m2 trên đường liên ấp 3-4 xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM bất ngờ bốc cháy sau đó lan sang nhà xưởng rộng khoảng 500m2 của công ty bên cạnh.
Nhận tin báo, Cảnh sát PCCC Công an huyện Bình Chánh đã điều 10 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ tham gia dập lửa và khống chế đám cháy. Vụ cháy thiêu rụi hai nhà xưởng khoảng 180m2. Khoảng 6 tấn hạt nhựa bị cháy rụi.
Cũng tại địa bàn xã Vĩnh Lộc B, mới chỉ trước đó 2 ngày, sáng sớm ngày 24-12 đã xảy ra một vụ cháy lớn tại xưởng sắt và xưởng sản xuất bao bì rộng hàng trăm m2, khiến nhiều tài sản bên trong bị thiêu rụi.
Còn tại quận Phú Nhuận, khoảng 6h ngày 22-12, nhiều người dân sinh sống ở đường Nguyễn Trọng Tuyển (phường 15, quận Phú Nhuận) nghe tiếng nổ lớn phát ra từ một quán bún tại số 88 đường này, làm rung chuyển cả khu phố.
Nhiều người dân xung quanh hoảng loạn tháo chạy. Vụ nổ đã làm căn nhà số 88 bị đổ sập. Hai căn nhà bên cạnh bị nứt tường, hư hại nghiêm trọng và một căn nhà đối diện bị văng cửa sắt. May mắn, thời điểm xảy ra vụ nổ, trong nhà đóng cửa không có ai ở bên trong nên không có thương vong về người.
Qua điều tra, Công an quận Phú Nhuận xác định nguyên nhân vụ nổ xuất phát từ sự cố rò rỉ khí gas, hoàn toàn không có vật liệu nổ nguy hiểm. Vị trí phát nổ là khu vực bếp của quán…
Qua một số vụ việc mới nhất kể trên cho thấy thời điểm cuối năm, nhu cầu buôn bán, sản xuất, lưu thông hàng hóa của người dân, cơ sở sản xuất trên địa bàn TP HCM tăng cao khiến các nguy cơ về cháy, nổ cũng xảy ra nhiều hơn nếu công tác phòng, chống cháy, nổ không được chú trọng.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an TP HCM, từ đầu năm đến tháng 11-2020, TP HCM xảy ra 269 vụ cháy (giảm 13,5% so với cùng kỳ 2019), làm chết 11 người, bị thương 22 người, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 7,95 tỷ đồng.
Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, nhận định, dù tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố đã được kiềm chế và kéo giảm về số vụ, nhưng các nguy cơ vẫn tiềm ẩn rất phức tạp, nhất là trong các tháng cuối năm. Các nguyên nhân gây cháy chủ yếu vẫn do sự chủ quan, sơ suất trong sử dụng hệ thống, thiết bị điện; bất cẩn trong sinh hoạt, sản xuất của người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh để xảy ra các hậu quả đáng tiếc.
Vụ cháy xưởng sản xuất ống nhựa tại huyện Bình Chánh xảy ra sáng 26-12. |
Phòng cháy chữa cháy dựa vào cơ sở
Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an TP HCM, để phòng ngừa cháy, nổ xảy ra trong những ngày cuối năm, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đơn vị đang phối hợp Sở Công thương, Sở Xây dựng, Tổng Công ty Điện lực TP HCM, các quận, huyện tổ chức kiểm tra công tác PCCC theo từng chuyên đề, qua đó nhắc nhở, xử lý, ngăn chặn từ đầu các vi phạm.
Thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho thấy, trong số các vụ cháy được khống chế sớm, có đến khoảng 75% số vụ được lực lượng tại chỗ phát hiện và xử lý đúng phương pháp cho nên đã hạn chế được thiệt hại về người và tài sản.
Với hiệu quả đó, đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã thành lập đủ 1.991 đội dân phòng tại 1.991 khu phố, ấp với tổng số 21.461 đội viên gồm nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau để chung tay, hỗ trợ công tác PCCC hiệu quả hơn với phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ).
Các đơn vị trực thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ thường xuyên tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng và người dân; trong đó, chú trọng hướng dẫn các cơ sở, khu dân cư thực hiện việc tự kiểm tra về PCCC để kịp thời phát hiện và khắc phục các sơ hở, thiếu sót, các nguyên nhân, điều kiện phát sinh có thể dẫn đến cháy, nổ.
Để phòng ngừa cháy nổ, Cảnh sát PCCC sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm tập trung những nơi có nguy cơ cháy cao như chợ, trung tâm thương mại, các khu vui chơi, giải trí, nơi tập trung đông người.
Khi phát hiện vi phạm, đoàn kiểm tra sẽ xử lý, đồng thời yêu cầu chủ cơ sở khắc phục, và có cam kết cụ thể, lực lượng chức năng cơ sở có trách nhiệm theo dõi. Nếu người vi phạm không chấp hành, ngành chức năng sẽ có biện pháp mạnh, có thể phối hợp với chính quyền địa phương đình chỉ hoạt động...
Bên cạnh đó, người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa việc thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy như tự tổ chức kiểm tra an toàn PCCC nhằm phát hiện kịp thời các thiếu sót.
Qua đó chỉ đạo khắc phục ngay các thiếu sót không để bị động dẫn đến khả năng gây ra cháy, nổ đối với hệ thống điện, việc sử dụng nguồn nhiệt, ngọn lửa trần hay việc bố trí sắp xếp hàng hóa đảm bảo các khoảng cách an toàn về PCCC và ngăn cháy.
Để tăng cường công tác phòng chống cháy nổ dịp cuối năm, UBND TP HCM đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng về PCCC cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; duy trì hoạt động của lực lượng, phương tiện PCCC tại chỗ, tổ chức ứng trực và tuần tra, canh gác; xử lý, khắc phục những thiếu sót, vi phạm điều kiện an toàn về PCCC ở trụ sở cơ quan, đơn vị, nơi làm việc.Đặc biệt, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra công tác PCCC tại các chung cư, nhà cao tầng, nhất là những tòa nhà cao trên 30 tầng, để không xảy ra bị động, bất ngờ khi có cháy; hạn chế tối đa thiệt hại do cháy nổ gây ra...