"Cuộc chiến" giữ rừng vùng biên ải

Thứ Tư, 12/04/2017, 11:28
Thời gian qua, Quảng Trị là một trong 3 địa phương (Quảng Trị, Quảng Bình, Đắk Lắk) trở thành tâm điểm của dư luận về nạn phá rừng, được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, làm rõ. Chúng tôi đã có chuyến "mục sở thị" dài ngày cùng với những người tình nguyện dẫn đường để thấy rõ hơn về thảm cảnh rừng bị chặt phá, cũng như sự gian nan vất vả, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng của các lực lượng chức năng quản lý, bảo vệ rừng vùng biên ải nơi đây.


Từ TP Đông Hà ngược lên huyện rẻo cao Đakrông, đoạn đến km37- QL9 rẽ phải theo tuyến Khe Van - Hướng Linh chừng 5 cây số, là cánh rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông quản lý, bảo vệ.

Khu vực này, từ cuối năm 2016, Công ty Cổ phần Tân Hoàn Cầu (trụ sở tại Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới, TP Đồng Hới, Quảng Bình) đã được UBND tỉnh Quảng Trị cho phép mở mới đường từ QL9 đoạn km37 nói trên vào tới xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa dài 15km, nhằm vận chuyển thiết bị máy móc xây dựng công trình điện gió trên địa bàn xã trên.

Theo quan sát, dọc về bên trái mép đường và đi sâu vào bên trong, nhiều cây to của rừng phòng hộ đã bị cưa tận gốc. Mùn cưa và mủ cây rừng nhuốm lên mặt đất mặt rừng một lớp dày sền sệt, có màu đỏ thẫm như máu khô. Những lớp gỗ bìa, cùng với cành, ngọn cây bị cưa xẻ, chặt bỏ lại chất thành từng đống cao, số vương vãi đè lên những ngọn cây con, làm chúng bị gãy ngang thân, la liệt từng khoảnh lớn. Cũng trên mặt đất mặt rừng dày những dấu vết của gỗ súc được kéo đi, dấu chân trâu và có cả vết bánh xe tải nhỏ.

"Gỗ sau khi bị đốn hạ, được lâm tặc dùng cưa máy cầm tay, rựa, rìu sơ chế, vận chuyển ra khỏi rừng bằng nhiều loại phương tiện, rồi theo con đường mở mới Khe Van- Hướng Linh tỏa đi nhiều hướng, tập kết tại một số nhà dân trong bản, hoặc về xuôi tiêu thụ", những người dẫn đường cho biết.

Sau một ngày dài đạp rừng cùng với những người dẫn đường để ghi hình cảnh rừng núi nơi đây bị chặt, phá, chúng tôi trở ra QL9, tiếp tục ngược con đường này lên hướng Lao Bảo, đoạn đến km52 thì rẽ phải vào khu vực công trình thủy điện Khe Nghi, cũng do Công ty Cổ phần Tân Hoàn Cầu đang thi công từ nhiều năm nay.

Khu vực này, đường sá cũng được công ty trên nâng cấp, mở mới giữa rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng Hướng Hóa - Đakrông quản lý, bảo vệ. Cây cối hai bên con đường bạc phếch vì bụi đá.

Công an huyện Vĩnh Linh họp báo công bố kết quả điều tra vụ rừng phòng hộ trên địa bàn bị chặt phá.

Quan sát, tìm kiếm thật kỹ mới phát hiện những gốc cây bị cưa sát mặt đất ở hai bên vệ đường, nhưng không nhiều lắm. Tuy nhiên, khi sục sâu vào bên trong cánh rừng, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến một thảm cảnh cực kỳ xót thương. Những cây rừng to lâu năm đã bị đốn hạ tận gốc, sơ chế tại chỗ.

Những người dẫn đường trầm ngâm, nhận định: "Lâm tặc có ăn ở hàng tháng giữa rừng mới làm hết được những phần việc nặng nhọc này; từ chỗ cưa cây, chặt cành, đến việc xẻ bỏ những lớp gỗ bìa, rồi tổ chức vận chuyển gỗ súc ra bên ngoài". "Vậy mà đến khi người dân tố giác, báo chí phản ánh, lực lượng chức năng mới biết rừng bị chặt phá(!). Không biết hàng tuần, hàng tháng, các lực lượng bảo vệ rừng đi làm nhiệm vụ ở những đâu nhỉ?!", một người dẫn đường bỗng tự thắc mắc.

Tôi liền nhỏ nhẹ hỏi lại anh này: "Nhưng nếu lực lượng bảo vệ rừng mỏng, khi họ gặp đông lâm tặc và bị chống trả, nhất là ở những nơi có địa hình hiểm trở, liệu những người có trách nhiệm đó có khả năng chống đỡ, khống chế, hay nguy hiểm tới tính mạng của chính họ?". Người dẫn đường không trả lời tôi mà khẽ bảo mọi người dừng lại để nghỉ ngơi. Rồi anh ta ngồi bệt xuống một gốc cây.

Sau khi uống một ngụm nước nhỏ, anh ta đốt một điếu thuốc lá, vẻ mặt đăm chiêu vào khoảng rừng đã bị chặt trọc trụi phía trước, dường như đang suy nghĩ rất nhiều về câu hỏi của tôi ban nãy.

Lát sau, anh ta cầm điếu thuốc đã cháy gần hết, dúi xuống đất cho tắt ngúm, rồi bỗng đứng bật dậy cho biết: "Có nhiều vụ lâm tặc chống trả quyết liệt lực lượng chức năng, những đối tượng này thậm chí còn tìm cách trả thù, rất manh động và gây chết người. Nhưng ở núi rừng Đakrông thì chưa tới mức đó, mặc dù việc chống đối, phớt lờ luật pháp là có. Nhưng thực tế mà nói, đối tượng nào trộm gỗ rừng ở đây đều sợ Kiểm lâm cả. Anh không tin, tôi cam đoan với anh rằng, chỉ cần bóng dáng họ vãng lai ở rừng, không cần tới mỗi ngày mà mỗi tuần, là rừng đã được hạn chế chặt phá tới mức tối đa rồi!". 

Tôi gật đầu, cảm thấy lời anh ta có lý, song việc kiểm lâm hay lực lượng khác bảo vệ rừng có mặt ở rừng mỗi tuần, lại là câu chuyện khác!

Còn nhớ vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), được báo chí phanh phui phản ánh vào cuối tháng 7 đầu tháng 8/2016, được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, làm rõ; chúng tôi cũng đã bằng nguồn tin của quần chúng nhân dân, điều tra vụ phá rừng nghiêm trọng này.

Ở đây chưa nói tới việc Kiểm lâm hay lực lượng chức năng khác quản lý, bảo vệ rừng có mặt hàng tuần ở rừng, câu hỏi đặt ra, tại sao nhân dân không báo tin rừng bị chặt phá cho các lực lượng này mà báo tin cho báo chí? Và, có một thực tế khi báo chí nhận được phản ánh thì cũng là lúc rừng đã bị chặt phá kiệt quệ, tình trạng vận chuyển gỗ rừng trái phép ồ ạt trên các tuyến đường, không còn có thể che giấu thêm được nữa. Vậy, các lực lượng chức năng quản lý, bảo vệ rừng đã ở đâu và làm gì vào những lúc này?

Gỗ rừng do lâm tặc khai thác trái phép trên địa bàn huyện Vĩnh Linh được các lực lượng chức năng vận chuyển về nơi xử lý.

Trở lại vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, Đại tá Lê Phương Nam, Trưởng Công an huyện Vĩnh Linh cho biết: 

Ngay sau khi có thông tin báo chí đề cập đến tình trạng phá rừng ở đây, cơ quan Công an đã khẩn trương lập 2 tổ kiểm tra với đầy đủ phương tiện, trang thiết bị tiến hành điều tra, khám nghiệm hiện trường. Kết quả kiểm tra tại 4 tọa độ ở xã Vĩnh Hà (Vĩnh Linh), thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn do Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải quản lý, bảo vệ, có 2 tọa độ rừng bị chặt phá trái phép và 2 điểm tập kết gỗ.

Kiểm tra rừng tại 2 tọa độ này trong diện tích 1,72 héc-ta, có 5 điểm bị chặt phá trái phép, với số cây bị chặt phá là 14 cây, với đường kính gốc từ 22- 36cm/gốc cây. Lực lượng chức năng đã thu giữ 27 hộp gỗ nhóm V, VI, với khối lượng 7,915 m³…

Cùng thời gian này, lực lượng Công an huyện Vĩnh Linh và các lực lượng chức năng khác, đã mật phục, bắt giữ, thu gom được hơn 80m³ gỗ khai thác trái phép tại các vùng rừng phòng hộ đầu nguồn kể trên, trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, với các loại gỗ chủ yếu từ nhóm 4 đến nhóm 7.

Theo đó, ngày 1-9-2016, cơ quan CSĐT Công an Vĩnh Linh đã ra 2 quyết định khởi tố 2 vụ án về tội "Hủy hoại rừng" xảy ra tại Tiểu khu 558 và 585 thuộc địa bàn xã Vĩnh Hà, được quy định tại Điều 189 Bộ luật Hình sự. Cũng sau vụ việc phá rừng này, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị và các đơn vị thuộc sở, đã tiến hành kỷ luật các cá nhân, tập thể để xảy ra phá rừng. Đồng thời, luân chuyển các cán bộ, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng có sai phạm đến các đơn vị khác và nghiêm túc rút kinh nghiệm toàn ngành.

Tuy nhiên, không lâu sau khi rừng phòng hộ đầu nguồn trên địa bàn huyện Vĩnh Linh bị chặt phá, các khu rừng phòng hộ đầu nguồn trên địa bàn 2 huyện biên giới Hướng Hóa, Đakrông cũng đã bị chặt phá không thương tiếc.

Theo số liệu kiểm tra, kiểm đếm của Sở NN-PTNT Quảng Trị, có 65 cây gỗ có đường kính từ 10- 70cm ở hai bên đường Khe Van- Hướng Linh bị đốn hạ; có 78 cây gỗ khác quanh khu vực công trình thủy điện Khe Nghi bị chặt trong một thời gian khá dài. Bằng chứng, các tấm ván bìa được cưa xẻ, bỏ lại khu vực rừng này đã mủn mục, một số gốc cây ở đây đã bắt đầu đâm chồi trở lại. Chúng tôi đem câu chuyện rừng ở đây bị chặt phá, trao đổi với ông Trần Văn Tý, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông.

Ông Tý ngậm ngùi cho biết: "Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ hơn 26 nghìn héc-ta rừng và đất rừng phòng hộ, trong đó rừng tự nhiên hơn 12,5 nghìn héc-ta, rừng trồng hơn 4,7 nghìn héc-ta. Địa bàn quản lý, bảo vệ trên 15 xã, thị trấn, trải dài từ xã Hướng Hiệp (Đakrông), giáp ranh huyện Cam Lộ đến xã Hướng Phùng (Hướng Hóa) tiếp giáp Lào.

Rừng phòng hộ ở khu vực Khe Nghi bị lâm tặc chặt phá.

Trong khi đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là hợp đồng Nhà nước trả lương chỉ có 16 người; đúng quy định theo Quyết định 17 của Thủ tướng Chính phủ, tối thiểu là 38 người. Như vậy, đúng ra mỗi người bảo vệ khoảng hơn 680 héc-ta rừng và đất rừng phòng hộ, thì thực tế hiện nay, mỗi người đã phải bảo vệ tới hơn 1.620 héc-ta rừng và đất rừng phòng hộ. 

Điều đáng nói, chúng tôi ngoài bộ quần áo lao động không hề được trang bị sắc phục, hay công cụ hỗ trợ, cũng như không có chức năng xử phạt những đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng. Do đó, khi chúng tôi vào rừng tuần tra mà không có các lực lượng chức năng khác phối hợp, lúc gặp lâm tặc chỉ biết xưng tên đơn vị, chức năng nhiệm vụ của mình, nhằm mục đích đẩy đuổi họ ra khỏi rừng. Trường hợp phát hiện các đối tượng đang phá rừng thì báo với các đơn vị chức năng, xin họ lực lượng phối hợp. Tuy nhiên, trên thực tế, khi các lực lượng này đến nơi thì lâm tặc đã trốn thoát".

Cũng theo ông Tý, việc giữ những cánh rừng nơi vùng biên ải của lực lượng đơn vị, từ nhiều năm qua, đã diễn ra như một "cuộc chiến". Đó là một "cuộc chiến" không cân sức giữa những người bảo vệ tay không với những kẻ phá hoại có đầy đủ điều kiện, dụng cụ, phương tiện phá hoại, khai thác rừng trái phép!

Được biết, trong "cuộc chiến" giữ rừng của lực lượng đơn vị ông Tý, vào sáng 20-2 vừa qua, anh Trịnh Xuân Khấm, cán bộ của đơn vị này, trên đường tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng tại một khu vực rừng thuộc xã Hướng Phùng, đã bị một ôtô mang BKS Lào đâm chết. Thế nhưng, điều ngậm ngùi hơn, cũng theo ông Tý, là nếu lực lượng chức năng khác như Kiểm lâm, Công an, thì người hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ sẽ được hưởng chế độ liệt sĩ, còn đằng này, gia đình anh Khấm cũng chỉ được nhận tiền tuất theo quy định.

Chia tay ông Tý, tôi nghĩ quả đúng như lời ông nói, công tác bảo vệ rừng, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho người dân; trong quản lý hành chính Nhà nước và trên thực tế tuần tra, kiểm soát, cần có sự phối hợp cụ thể, đồng bộ, nhuần nhuyễn, với trách nhiệm rõ ràng giữa các lực lượng chức năng có liên quan. Có làm được như, thì rừng mới được hạn chế chặt phá tới mức tối đa! 

Phan Thanh Bình
.
.
.