Cuộc chiến chống cát tặc trên sông Đồng Nai

Thứ Ba, 12/01/2016, 08:35
Được sự đồng ý của lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh Đồng Nai, tôi được theo chân một tổ công tác đi truy xét cát tặc vào đêm một ngày đầu tháng 12-2015... Thông minh, nhanh nhẹn, nhiệt huyết, tấm lòng nhân ái và đặc biệt có một sức khỏe hơn người để có thể chống chọi với những cơn sóng liên tục hất tung ca nô khỏi mặt nước trong những chuyến tuần tra…, họ phải ngâm mình trong dòng nước giá lạnh nhiều giờ truy bắt cát tặc và đặc biệt có thể chịu đựng được những cú đánh chí mạng bằng sào hoặc bằng gậy của những đối tượng manh động sẵn sàng tấn công để thoát thân... 


Đó là những ghi nhận của tôi trong chuyến đi thực tế ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép (người dân gọi là cát tặc) trên dòng sông Đồng Nai, đoạn ngang qua huyện Nhơn Trạch.

Chuyến đi giông bão

Được sự đồng ý của lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh Đồng Nai, tôi được theo chân một tổ công tác đi truy xét cát tặc vào đêm một ngày đầu tháng 12-2015.

Sau khi hướng dẫn mặc áo phao, buộc dây máy ảnh, máy quay phim vào người cho thật chặt, Thiếu tá Hồ Thanh Trúc - Phó đội trưởng Đội phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, người trực tiếp chỉ huy tổ công tác (gọi tắt là chỉ huy đội) đưa tôi xuống bờ sông nằm gần chân cầu Đồng Nai, nơi chiếc ca nô đang nổ máy chờ sẵn.

Khẩu lệnh điểm danh của Thiếu tá Hồ Thanh Trúc vừa dứt, người điều khiển đã kéo mạnh tay ga đẩy mũi chiếc ca nô dựng ngược lên trời rồi từ từ rơi xuống mặt nước tạm biệt những ánh đèn cao áp phóng vun vút vào đêm tối đưa chúng tôi thẳng hướng huyện Nhơn Trạch.

Tổ chức tuyên truyền đến từng chủ ghe tàu.

Sau khoảng 5 phút xuất phát, trời bỗng trở gió khiến mặt nước sông vốn êm đềm trước đó dậy lên những cuộn sóng trắng xóa, hợp với những dềnh nước cao gần cả mét của các loại ghe tàu chạy ngược chiều liên tục vỗ ầm ầm vào hai bên mạn, thỉnh thoảng lại hất tung chiếc ca nô lên khỏi mặt nước, giống như chúng tôi đang ngồi trên chiếc tàu lượn cảm giác mạnh. Thỉnh thoảng người lái ca nô lại bấm còi hoặc lia ánh đèn pha khắp mặt sông để báo hiệu cho các loại ghe tàu đang lưu thông trên sông biết có phương tiện cao tốc đang lưu hành. Bất giác người điều khiển giảm ga cho ca nô chạy chậm lại, cặp vào mạn một chiếc tàu chở đầy hàng hóa để các chiến sỹ Cảnh sát nhảy qua trong chốc lát rồi lại trở về ca nô tiếp tục hành trình.

Thấy tôi ngỏ ý thắc mắc không biết mọi người qua đó làm gì, chỉ huy đội giải thích: "Mặc dù đang trên đường đi tuần tra chống cát tặc nhưng nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông đường thủy là đảm bảo an toàn cho các loại phương tiện trên khắp các tuyến sông rạch được giao quản lý nên trên chuyến đi, phát hiện tàu chở hàng đi sai luồng lạch không bảo đảm an toàn giao thông đường thủy thì anh em tranh thủ nán lại đôi chút để nhắc nhở trưởng tàu cùng tất cả các thủy thủ và hướng dẫn họ đi đúng luồng lạch. "

Dòng sông về đêm đang yên ả thì bỗng từ xa, tiếng máy nổ loại lớn gầm vang... Xác định đó là động cơ của máy bơm hút cát, chỉ huy đội tuần tra cho các chiến sỹ chuẩn bị sẵn sàng cho công việc. Chiếc ca nô đảo mấy vòng nhưng không thấy chiếc ghe nào đang hoạt động mà chỉ thấy vài chiếc máy nổ của ai đó được đặt bên vệ sông...

Tôi vẫn không hiểu chuyện, chỉ huy đội ghé vào tai nói nhỏ: "Anh biết không, đó là chiêu trò của đám cát tặc đó. Biết có lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy đi kiểm tra, từ xa đã có người thông báo để họ cho nổ máy nhằm đánh lạc hướng chúng tôi cho đến khi lực lượng tuần tra rút khỏi thì họ ào ra hút cát.

Vài năm gần đây, chiêu đánh lạc hướng lực lượng tuần tra kiểm soát của đám cát tặc bị lộ tẩy, họ liền chuyển chiêu trò khác bằng việc sử dụng hoặc thuê các ghe nhỏ giả bộ thả lưới hoặc cào hến ở xung quanh khu vực đơn vị đóng quân, nhất là bến đậu ca nô để khi thấy lực lượng tuần tra xuất bến thì gọi điện thoại thông báo cho đám cát tặc tìm cách đưa ghe tàu đi trốn hoặc nhận chìm xuống sông chờ vài ngày sau sẽ đến trục vớt".

Để đối phó với những thủ đoạn của đám cát tặc, anh em trong đơn vị đã họp bàn phương thức ngăn chặn và đi đến thống nhất, cứ mỗi chuyến đi tuần, sẽ chia đội hình thành hai nhóm, một nhóm mật phục tại các điểm khai thác cát trái phép, nhóm khác sử dụng ca nô tạo thành gọng kìm khiến cho bọn cát tặc chỉ còn cách bỏ ghe thuyền chạy thoát thân.

Tưởng chừng chuyến đi thực tế này đã bị lộ, chỉ huy đội ra lệnh cho người lái ca nô tiếp tục xuất phát theo dòng sông Đồng Nai về hướng Vũng Tàu, nhưng chạy thêm chừng 10 phút thì phát hiện có hai tàu hút chất đầy cát đang được các công nhân thu dọn ống chuẩn bị tháo chạy. Khi lực lượng Cảnh sát chuẩn bị cho ca nô áp sát mạn tàu để nhảy qua kiểm tra thì bất ngờ hàng chục chiếc sào tre dài 7-8m tua tủa chĩa về hướng chiếc ca nô.

Mặc dù đã có sự chuẩn bị từ trước nhưng trước tình huống bất ngờ, một chiến sỹ đã bị sào đâm trúng mạng sườn ngã nhào xuống sông, chỉ đến khi chỉ huy đội móc súng ra định bắn chỉ thiên thì đám công nhân này mới chịu quăng sào nhảy hết xuống sông lặn mất tăm. Song trước đó chúng đã kịp giật tấm ván lót sàn cho nước tràn vào nhận chìm tàu xuống đáy sông.

Lời kể của những người trong cuộc

Chuyến tuần tra kết thúc, Thiếu tá Hồ Thanh Trúc yêu cầu đồng đội đánh dấu tọa độ tàu chìm để hôm sau tiến hành trục vớt. Tuy không bắt được đối tượng nào nhưng cũng đã giúp tôi hiểu được những khó khăn vất vả mà lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh Đồng Nai phải hứng chịu. Trên đường về, tôi được Thiếu tá Hồ Thanh Trúc kể cho nghe về những lần đi bắt cát tặc trước đây.

Theo anh, lúc trước đám cát tặc thường tập trung nhiều loại ghe tàu có gắn máy công suất cực lớn liên kết với nhau cùng hút cát mỗi đêm hoặc những lúc thủy triều xuống, gây sạt lở hai bên bờ sông và làm mất an toàn giao thông đường thủy. Đám cát tặc này rất hung tợn, trong lúc hút cát, chúng thường tấn công lực lượng chức năng và cả những ghe tàu khác vô tình gây cản trở.

Các đối tượng cát tặc luôn hoạt động mọi lúc, mọi nơi trên dọc tuyến sông Đồng Nai.

Những năm gần đây, ngoài Cảnh sát giao thông đường thủy còn có sự phối hợp của Cảnh sát môi trường và Cục Cảnh sát giao thông liên tục thực hiện các đợt cao điểm truy quét nên đám cát tặc đã sử dụng nhiều mánh khóe hòng đánh lạc hướng lực lượng chức năng. Chúng chia nhỏ đội ghe hoạt động độc lập tại nhiều khúc sông khác nhau nhưng thường xuyên liên lạc thông báo cho nhau nếu phát hiện bị kiểm tra thì tìm cách trốn thoát. Những ghe tàu nào do chở đầy cát không kịp trốn thì những người làm thuê sẵn sàng sử dụng các loại sào bằng tre, ống sắt, thậm chí là vũ khí nóng tấn công gây thương vong cho lực lượng Cảnh sát.

Chống đối không được, chúng ngậm ống thở rồi nhảy xuống sông trốn thoát theo nhiều hướng khác nhau. Trong những tình huống này, lực lượng Cảnh sát buộc phải cho tắt máy ca nô, không tiến hành rượt đuổi bởi nếu nổ máy truy tìm có thể chân vịt ca nô chém vào những người này thì khả năng bị thương là rất cao.

Có những trường hợp khi Cảnh sát đã vượt qua được sự chống trả của cát tặc để leo lên ghe hút cát kiểm tra thì những người này liền rút tấm ván gắn ở lỗ thủng được họ chế từ trước để xả cát xuống sông. Trong trường hợp này cát bị hút rất mạnh tạo thành xoáy nước mà nếu lực lượng Cảnh sát không kịp né tránh chắc chắn sẽ bị hút theo xuống dưới đáy sông và như vậy, tính mạng cũng khó bảo toàn được.

Cho đến nay đã từng có một số anh em trong đội bị cuốn theo dòng nước xoáy này nhưng cũng may là tất cả đều đã thực tập các tình huống bất ngờ từ trước nên đã kịp thời cứu hộ cho đồng đội qua khỏi cơn hiểm nguy.

Trước khi chia tay đội tuần tra, Thượng tá Nguyễn Văn Quang - Phó trưởng Phòng PC68 Công an tỉnh Đồng Nai đã kéo tôi ra bờ sông, anh khoá tay chỉ vào hàng trăm ghe tàu nằm chất đống lên nhau kéo dài cả một khúc sông rồi bảo: "Từ đầu năm đến giờ, vụ được phát hiện lên đến con số hàng trăm, nhưng hầu hết không bắt được chủ ghe tàu mà toàn là những công nhân làm thuê nên chỉ có thể xử lý vi phạm hành chính rồi cho về. Mấy trăm phương tiện là tang vật được trục vớt kéo về đây nhưng chưa thể xử lý được, bởi hầu hết các chủ phương tiện đều bỏ ghe tàu mỗi khi bị bắt giữ.

Trước đây cát tặc thường sử dụng các loại ghe tàu mới nên họ thường đi theo mỗi chuyến khai thác. Gần đây do bị truy bắt nhiều nên họ thường mua lại những vỏ ghe tàu cũ, gắn máy hút công suất lớn rồi giao cho những công nhân làm thuê toàn quyền điều khiển. Những công nhân này tỏ ra rất liều lĩnh và manh động, họ sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng bất cứ lúc nào bằng nhiều loại hung khí và luôn tìm cách nhấn chìm ghe tàu một khi bị kiểm tra rồi nhảy xuống sông trốn thoát.

Mỗi lần như vậy, anh em trong đơn vị lại cắt cử nhau ra địa điểm ghe tàu chìm lặn xuống đáy sông trục vớt bằng phương pháp thủ công đưa về đơn vị làm tang chứng; có khi hàng chục cán bộ chiến sỹ lặn ngụp hàng chục ngày mới trục vớt lên được.

Ngoài công tác thường trực đấu tranh trực diện, đơn vị cũng đã xây dựng phương án tuyên truyền để vận động những chủ ghe, tàu tự nguyện nói không với khai thác cát trái phép để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy và bảo vệ chính bản thân mình.

Đức Cương
.
.
.