Mối nguy từ khai thác cát tràn lan:

Bài cuối: Cách nào chặn “cát tặc” hữu hiệu?

Thứ Hai, 11/01/2016, 10:28
Trưng sổ đỏ làm bằng chứng, nhiều người dân ở phường Long Phước, quận 9 bức xúc phản ánh đã và đang tiếp tục rơi vào cảnh đất có sổ nhưng thực tế không còn, hoặc chỉ còn một phần diện tích do đất bị cuốn trôi theo vòi hút của “cát tặc”.

Bên phía bờ thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai, ông Bùi Thanh Trúc, đại diện chủ đầu tư dự án khu dân cư tái định cư của xã Long Hưng, huyện Long Thành cũng đã phải nhiều lần than trời vì dự án ở rìa bờ sông đã bị “cát tặc” thổi bay tới vài ngàn mét vuông.

Tại tỉnh Trà Vinh, thông tin từ Phòng PC49 cho thấy, hiện địa phương này đang có trên 800 hộ dân bị ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái, hoa màu, nhà cửa, tính mạng… do nạn khai thác cát trái phép gây sạt lở nghiêm trọng. Xót của, năm 2015, người dân ở Cồn Hô, huyện Càng Long đã dùng ghe máy vây xáng cạp đang khai thác cát của DNTN Ngọc Tuyết rồi ném đá, đập phá tài sản.

Giám sát về hoạt động khai thác cát sông thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đúc kết và chỉ ra những loại vi phạm liên quan, gồm các đối tượng, phương tiện khai thác cát ở nơi không được cấp phép; cát khai thác trái phép đem bán cho những bến bãi không được phép kinh doanh. Hậu thuẫn cho “cát tặc” và các vi phạm trong khai thác cát hợp pháp còn phải kể đến nhóm đối tượng là chủ bến cát không phép trên bờ.

Tại tỉnh Bắc Giang, kết quả rà soát của Sở TN&MT tỉnh này được ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Giám đốc Sở công bố cho thấy: Trong số 153 bến bãi tập kết cát sỏi, ven sông trên địa bàn, chỉ có 92 bến bãi nằm trong quy hoạch và cũng mới chỉ có 8 bãi được cấp phép. Tại Nghệ An, trên địa bàn này cũng còn đến 82 điểm tập kết cát sỏi trái phép với 400 thuyền, xà lan có khoang chứa từ 4 - 150m3 hoành hành…

Ngoài tiếp tay cho hoạt động khai thác trộm thông qua việc mua bán cát, sỏi không có nguồn gốc xuất xứ, việc tập kết cát, sỏi quá mức cho phép tại các bãi ven sông còn đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn hệ thống đê điều, khả năng thoát lũ của nhiều tuyến sông. Nhưng nghịch lý ở chỗ, việc cho thuê bến, bãi ven sông chủ yếu do cấp xã đứng ra làm để thu phí, nhiều nơi đã bị phát hiện cho thuê trái quy định, thì việc xử lý lại không nghiêm.

Phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Tiền bị tạm giữ.

“Cát tặc” lộng hành như vậy, nhưng đến thời điểm này việc xử phạt hành chính đối với hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển cát, sỏi không rõ xuất xứ hoặc không có nguồn gốc lại quá nhẹ. Chỉ có các phương tiện bị phát hiện đang tiến hành khai thác mới bị tạm giữ hoặc tịch thu.

Từ hành vi khai thác trái phép, nếu không được “bắt tận tay, day tận trán”, các đối tượng vi phạm dễ dàng đổi thành hành vi vận chuyển khoáng sản không rõ nguồn gốc, chỉ bị phạt hành chính ở mức 500 ngàn đến 2 triệu đồng đã khiến việc xử phạt càng không đủ sức răn đe. Ngay như việc tịch thu phương tiện, thiết bị không thuộc sở hữu của người vi phạm cũng gặp không ít khó khăn.

Rồi đến quy định thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trong hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên cũng chưa được hướng dẫn cụ thể càng khiến lực lượng thực thi việc bảo vệ tài nguyên thêm lúng túng. Đây cũng lý giải vì sao với hoạt động khai thác cát trái phép, các địa phương, lực lượng có trách nhiệm xử phạt rất nhiều nhưng  thu phạt không được bao nhiêu và số vụ việc có thể đưa ra khởi tố hình sự lại quá ít. 

Để chặn “cát tặc”, tỉnh Thanh Hóa đã có quy chế cho đấu giá quyền khai thác cát sỏi, đất đá làm vật liệu xây dựng để DN tự bảo vệ, giám sát khu vực được cấp phép. Địa phương này cũng đã cho lập chốt để ngăn chặn phương tiện vận chuyển cát không rõ nguồn gốc. Tỉnh Thanh Hóa cũng quy định chỉ những đơn vị nào trúng đấu giá mỏ cát mới được cho thuê bãi tập kết cát.

Thậm chí, để ngăn chủ bãi cát tiếp tay cho “cát tặc” thông qua việc mua cát trôi nổi không rõ nguồn gốc, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngành liên quan rà soát, kiểm tra chặt chẽ chứng từ hóa đơn mua vào bán ra của các chủ bãi cát. Các tỉnh Quảng Nam, Phú Thọ… chặn “cát tặc” bằng biện pháp chỉ cho phép hoạt động khai thác, vận chuyển cát sỏi từ 6 giờ sáng đến 5 - 6 giờ chiều hằng ngày.

Nhiều tỉnh, thành cũng đã buộc DN được cấp phép khai thác đăng ký phương tiện đưa hút, vận chuyển cát để Công an và địa phương dễ kiểm tra, xử lý hoặc cho lập đường dây nóng để trị “cát tặc”. Trước tính chất phức tạp trong hoạt động khai thác cát, TP Hà Nội đã xác định không cấp phép cho DN nào khai thác cát sông tại các khu vực giáp ranh, nhất là ở những đoạn sông chưa xác định rõ địa giới hành chính.

 Về giải pháp tăng cường quản lý để tránh thất thoát tài nguyên, ông Lương Văn Hùng, chuyên viên Vụ Vật liệu xây dựng cho rằng, ngoài lập quy hoạch thăm dò và cân đối nhu cầu chặt chẽ, các địa phương cần xây dựng quy chế phối hợp, ràng buộc trách nhiệm cụ thể giữa các địa phương có chung lòng sông, các ngành cũng quản lý trên tuyến sông. Bên cạnh là việc giám sát, xử phạt mạnh hơn đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi trái phép.

Chung quan điểm này, một đại diện Cục Đường thủy nội địa cũng đề nghị, ngoài những giải pháp đã áp dụng, cần có sự phối hợp trao đổi thông tin chặt chẽ giữa các lực lượng quản lý chuyên ngành; với cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực, đơn vị tư vấn, giám sát thi công…, cũng như ràng buộc trách nhiệm chặt hơn với người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng khai thác trộm cát.         

Đồng Tháp là địa phương được đánh giá rất quyết liệt, kiên quyết xử lý đối với hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Tiền. Năm 2013, hàng loạt lãnh đạo nguyên là Bí thư, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự và chủ các doanh nghiệp, cá nhân có hành vi “bảo kê”, khai thác cát trái phép đã bị khởi tố, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - ông Nguyễn Văn Dương cho biết: Đồng Tháp cũng như các tỉnh khác gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm. Để tháo gỡ vấn đề này, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát sông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và Quy định về hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển cát sông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, kèm theo các chỉ đạo, chỉ thị của UBND tỉnh.

Những văn bản này đã giúp cho việc quản lý về khai thác cát sông rất tốt, đặc biệt là sự phối hợp hiệu quả, kịp thời trong kiểm tra, giải quyết các trường hợp vi phạm giữa lực lượng Công an và cơ quan quản lý về tài nguyên và môi trường.

Riêng công tác phối hợp với các tỉnh giáp ranh thời gian qua còn chưa chặt chẽ, UBND tỉnh đang phối hợp với các tỉnh tiếp giáp xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý tài nguyên và môi trường để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Đối với các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác cát nhưng đã hết hạn thì quy trình cấp mới được thực hiện theo Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 9-3-2012 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.

Trường hợp đủ điều kiện gia hạn và cần thiết gia hạn lại cũng thực hiện theo quy định tại Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định số 15/2012/NĐ-CP của Chính phủ. (Văn Vĩnh)

Đ.Thắng - T.Ngọc
.
.
.