Cuộc chiến bảo vệ "lá phổi xanh" Krông Trai

Thứ Hai, 18/07/2016, 09:30
Trên huyết mạch giao thông QL25 kết nối vùng đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ với Tây Nguyên có cung đoạn cắt ngang qua rừng đặc dụng Krông Trai thuộc địa phận huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Nơi ấy được ví như "lá phổi xanh" nguyên sinh với nhiều loại động – thực vật quý hiếm cần phải bảo vệ nghiêm ngặt.

Thế nhưng ít ai biết rằng để bảo tồn và tăng cường sinh khí cho "lá phổi xanh" đó, những người lính kiểm lâm đã ngày đêm phải đối mặt với cuộc chiến đấu tranh ngăn chặn nạn phá rừng, săn bắt động vật...

1. Dưới ánh trăng non mờ ảo trong đêm mùa hạ, tôi ngồi bên anh Trương Hiếu Hoàng – Trưởng Ban quản lý rừng đặc dụng (BQL RĐD) kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Trai bên thềm rừng, nghe tiếng gió lùa xao xác lá. 

Trong lúc chờ đồng nghiệp chuẩn bị phương tiện cho cuộc tuần tra, anh Hoàng chia sẻ: “Giờ này, buôn làng đã lắng chìm trong giấc ngủ, những tuyến đường ven RĐD Krông Trai vắng lặng đến mức nghe rõ tiếng chim lạc bầy từ phía đồi xa vọng lại, thế nhưng chúng tôi phải luân phiên tuần tra xuyên đêm, vì nhiều vụ việc phát sinh”. 

Ngừng một lát, anh Hoàng nói tiếp: “Đã thành duyên nghiệp rồi nên chúng tôi chấp nhận đối mặt với mọi hiểm nguy đến tính mạng để bảo vệ “lá phổi xanh” Krông Trai. Ngoài những cuộc tuần tra định kỳ, khi có nguồn tin liên quan vi phạm lâm luật, chúng tôi lên đường bất kể nửa đêm, mờ sáng hay tiết trời mưa gió, hanh khô. Không chỉ bảo vệ RĐD Krông Trai, chúng tôi còn truy bắt nhiều vụ vận chuyển gỗ lậu từ Tây Nguyên xuôi về đồng bằng”.

Một góc rừng đặc dụng Krông Trai.

Đã 32 năm theo nghề, trong đó có 14 năm gắn bó với RĐD Krông Trai, anh Hoàng thuộc rõ những đường ngang, ngõ dọc ở đây. Anh cho biết, RĐD Krông Trai rộng hơn 14.000ha, nối liền huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai ở phía Tây và 6 xã thuộc 2 huyện Sơn Hòa và Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Với 72% diện tích tự nhiên, RĐD Krông Trai có hệ động thực vật phong phú, đa dạng. 

Ngoài những loại gỗ quý như giáng hương, cẩm lai, trắc dây, cà te, gụ mật… còn có 262 loài động vật, trong đó có 6 loài chim ghi danh trong sách Đỏ Việt Nam cùng nhiều loài thú quý hiếm như  hươu vàng, cà tong… 

Rừng nhiều đường lắm cửa, nhưng BQL RĐD và Hạt Kiểm lâm Krông Trai vỏn vẹn 15 cán bộ - nhân viên, trong đó chỉ có 9 kiểm lâm viên trực tiếp bảo vệ rừng, bình quân mỗi người canh giữ hơn… 1.400 ha, đó là chưa tính đến diện tích vùng đệm. Rộng lớn và phức tạp, nhưng ngoài phương tiện, công cụ hỗ trợ là những khẩu súng bắn đạn cao su và mấy chiếc xe máy, đơn vị chỉ có một chiếc xe U oát đã quá già cỗi được coi là “cỗ máy uống xăng”. 

Khó khăn, thử thách ngổn ngang với nhiều thủ đoạn tinh ma, manh động của giới “lâm tặc”, nên cán bộ - nhân viên kiểm lâm ngày đêm vất vả bám rừng để thực thi hiệu quả nhiệm vụ với sự hỗ trợ tích cực của một số người dân địa phương.

Đâu chỉ riêng những cây gỗ quý bên trong RĐD Krông Trai nằm trong tầm ngắm để “lâm tặc” lén lút đốn hạ, mà những năm gần đây giá cả nông sản tăng vọt khiến cho “cơn sốt đất” sản xuất bùng phát, nên nhiều người dân - chủ yếu vẫn là đồng bào dân tộc thiếu số vác dao, rựa xâm nhập RĐD Krông Trai phát dọn, đốt phá cây cối để làm nương rẫy. Khi lực lượng kiểm lâm đến hiện trường thì người phá rừng biến hóa thành người làm thuê không hề biết chủ tên gì, ở đâu, thậm chí họ xổ những tràng tiếng Chăm Hroi để... gây khó khăn.

2. Đề cập đến hoạt động của “lâm tặc”, anh Trương Hiếu Hoàng cho biết, những kẻ đốn hạ, vận chuyển và mua bán gỗ lậu có nhiều thủ đoạn tinh ma, manh động và liều lĩnh. Sau khi lén lút vào rừng đốn hạ cây gỗ, đối tượng cắt ra nhiều khúc rồi cất giấu. Trước khi vận chuyển, “lâm tặc” cử người “dọn đường” để kịp thời cảnh báo qua điện thoại khi phát hiện kiểm lâm. Phương tiện vận chuyển là những chiếc xe máy “khủng” không mang biển số và xe ôtô “quá đát”. 

Một kiểm lâm viên giải thích: “Gọi là xe “khủng” nhưng thực ra đó là những chiếc xe máy Win 100, Honda 67, DH88 già cỗi, được giới “lâm tặc” lùng mua với giá rẻ rồi đưa vào tiệm để xoáy nòng, đôn dên, hàn gắn thêm nhiều thanh sắt trên khung xe để nâng khả năng chịu tải, đặc biệt phía sau mỗi bên xe đều được thiết kế, lắp đặt thêm 3-4 ống nhún. Xe ôtô “quá đát” là những chiếc Toyota, Hyundai 12-16 chỗ ngồi đã quá niên hạn sử dụng, gắn biển số giả”. 

Điều khiển xe máy “khủng” và ôtô “quá đát” chở gỗ lậu là những tay lái cực... liều. Họ “đua” tốc độ bạt mạng kinh hoàng và “diễn xiếc” bằng những cú đánh võng, lạng lách, chặt cua hết sức táo bạo trên QL25 qua địa phận các xã Suối Bạc, Ea Chà Rang, Suối Trai, Krông Pa và QL19C ở các xã Sơn Phước, Sơn Hội, Sơn Định.

Gỗ lậu bị thu giữ đưa về Hạt Kiểm lâm Krông Trai.

Ngoài người “dọn đường”, phía sau phương tiện chở gỗ lậu là một số đối tượng đi xe máy bám theo để cản trở lực lượng kiểm lâm khi bị phát hiện, truy đuổi. Không ít cán bộ - nhân viên kiểm lâm, Cảnh sát giao thông suýt mất mạng khi ráo riết bám đuổi “lâm tặc” chở gỗ lậu “đua” tốc độ bằng xe máy, ôtô. Nguy hiểm nhất là khi “lâm tặc” bất ngờ cắt dây, thả gỗ xuống mặt đường tạo ra chướng ngại vật để cản trở các cuộc truy đuổi, thậm chí có lần “lâm tặc” lớn tiếng vu oan kiểm lâm nổ súng bắn người… 

Thực tế đã có người dân bị thương tật suốt đời sau vụ tai nạn do xe máy “khủng” gây ra, có kiểm lâm viên chấn thương do té ngã trên đường truy đuổi và bị lâm tặc tấn công. Khi biết không thể “đua” tiếp, những tay lái xe máy “khủng” và ôtô “quá đát” đều bỏ của thoát thân, nhưng các cơ quan chức trách luôn vấp phải không ít khó khăn khi xác minh chủ sở hữu vì phương tiện vứt bỏ ở hiện trường là xe máy  không có biển số, còn ôtô thì mang biển... giả.

Khó khăn vất vả và gian nguy, thế nhưng những người bảo vệ RĐD Krông Trai luôn kiên dũng trước cuộc chiến bảo vệ rừng nguyên sinh. Nhiều cuộc tuần tra từ nửa đêm hôm trước đến xế chiều hôm sau với vài chục cây số đường rừng, áo quần lấm lem bụi đất, đôi khi bị xây xước da thịt do chui qua những bụi rậm đầy gai góc theo lối đi tắt để mai phục “lâm tặc”, trong khi đó, ngoài tiền lương họ chỉ có thêm một khoản phụ cấp rất khiêm tốn so với thời gian, khối lượng công việc và tính chất phức tạp công việc họ phải thực thi mỗi ngày. 

Chỉ riêng năm ngoái và 6 tháng đầu năm nay, Ban quản lý RĐD và Hạt Kiểm lâm Krông Trai đã xử lý 73 vụ vi phạm lâm luật. Trong đó có 41 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản, 7 vụ khai thác rừng trái phép, 1 vụ phá rừng, thu giữ hơn 83m3 gỗ các loại, 4 xe ôtô, 7 xe máy, 2 cộ bò, 49 máy cưa gỗ cầm tay. Ngoài việc xử phạt hơn 226 triệu đồng, còn có 2 vụ chuyển giao cho Công an huyện Sơn Hòa xử lý hình sự...

Nói đến cuộc chiến bảo vệ RĐD Krông Trai, một kiểm lâm viên nhớ lại: “Từ nguồn tin báo của người dân, chiều 17-6-2015, tôi cùng 3 đồng nghiệp kiểm tra thu giữ 13 khúc gỗ do “lâm tặc” cất giấu tại khu vực Bầu Lươm ở thôn Độc Lập C, xã Ea Chà Rang. Khi lô gỗ lậu nêu trên đang được bốc xếp lên xe ôtô để vận chuyển về Hạt Kiểm lâm Krông Trai thì bất ngờ từ phía cửa rừng có tiếng máy cưa gỗ dội vang, khi chúng tôi đến nơi mới phát hiện 6 cây rừng vừa bị đốn hạ để chắn lối ra. 

Sau gần một giờ mở được lối đi thì xe ôtô dính phải “bẫy đinh” khiến cho 3 lốp bị xẹp. Mãi đến 20h30 hôm đó xe ôtô vận chuyển tang vật mới về đến Hạt Kiểm lâm Krông Trai thì một nhóm gần 10 đối tượng lạ mặt bất ngờ ập đến dùng đá, vỏ chai thủy tinh, dao, rựa tấn công kiểm lâm đang đưa lô gỗ từ trên xe xuống sân. Trong tình huống đó, chúng tôi phải nổ súng chỉ thiên khống chế mới ngăn chặn cuộc gây rối”. 

Gần đây nhất vào ngày 17-3-2016, tổ công tác của BQL RĐD và Hạt Kiểm lâm Krông Trai vượt chặng đường dài đến bến sông Buôn Khăm, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa để bắt giữ 22 khúc gỗ bằng lăng với hơn 2,8m3 đang được bốc xếp lên xe ôtô mang biển số giả 54L-4444, bất ngờ một nhóm “lâm tặc” cầm cây tấn công kiểm lâm. 5 phát súng K54 bắn chỉ thiên không đủ sức chặn đứng hành vi phạm pháp nên tổ công tác tiếp tục bắn 5 phát súng AK mới khống chế, thu giữ lô gỗ...      

3. Trong cuộc tuần tra xuyên rừng vất vả, đến nửa đêm mới nghe tiếng động bất thường trên con đường mòn qua địa phận xã Suối Trai nên tổ kiểm lâm triển khai phương án truy chặn. Phát hiện hai chiếc xe máy “khủng” chở 4 súc gỗ lậu lao nhanh, tổ tuần tra bám đuổi ráo riết hơn cây số, thì đối tượng “lâm tặc” cắt dây thả gỗ xuống mặt đường để cản trở rồi tăng tốc tẩu thoát. Gần sáng, chiếc xe U oát của Hạt Kiểm lâm Krông Trai mới đến hiện trường vận chuyển tang vật. 

Nhìn những người lính kiểm lâm ướt đẫm mồ hôi trên lưng áo, tôi cảm nhận tình yêu nghề, yêu rừng như yêu đời người đã khiến cho họ gắn bó nơi này hàng chục năm qua để bảo vệ “lá phổi xanh” Krông Trai ngày một thêm xanh.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.