Công ty Alibaba có dấu hiệu lừa đảo khách hàng
- Xử phạt Giám đốc Công ty Alibaba 7,5 triệu đồng
- Cơ quan chức năng tiếp tục làm việc với Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba
Đáng nói, dư luận thắc mắc “không hiểu nổi” tại sao đây chỉ là một công ty bất động sản nhưng lại có một lực lượng “nhân viên an ninh” rất đông đảo và nhất là những người này có thái độ rất hung hăng, sẵn sàng có hành động quá khích, chống đối nhà chức trách cũng như côn đồ với khách hàng…?!
Từ chống đối, đập phá tài sản nhà nước đến gây thương tích khách hàng
Hình ảnh hàng chục “nhân viên an ninh” hùng hổ, hung hãn lao ra ngăn cản, đập phá phương tiện, dụng cụ của đoàn cưỡng chế dự án “ma” Alibaba Tân Thành Center City 5 ở xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và sau đó là 4-5 “nhân viên an ninh, tư vấn” của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba (viết tắt Công ty Alibaba, có trụ sở tại số 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM) đánh đập gây thương tích 20% cho một khách hàng đến trụ sở công ty này để đòi tiền. Cùng với đó là liên tiếp những động thái của chính quyền và cơ quan Công an ở nhiều địa phương như TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… cảnh báo và xử lý những sai phạm của các dự án liên quan đến Công ty Alibaba và những nhân viên của công ty này… Tất cả cho thấy công ty này đang có những hành xử bất chấp pháp luật và quyền lợi của khách hàng.
Mới nhất, ngày 30-8-2019, Công an quận Thủ Đức, TP HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Quang Khải (27 tuổi, là tổ phó an ninh Công ty Alibaba) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Tại cơ quan Công an, Khải thừa nhận hành vi phạm tội.
Theo đó, khoảng 15h10 ngày 2-7, anh T.T.P. (43 tuổi, ngụ quận 8) cùng vợ tới trụ sở Công ty Alibaba ở quận Thủ Đức thì gặp hai nhân viên tư vấn của công ty này là Nguyễn Hữu Trung (23 tuổi) và Nguyễn Minh Thành (23 tuổi).
Rất đông nhân viên “An ninh địa ốc Alibaba” có mặt ngăn cản, chống đối đoàn cưỡng chế. |
Vợ chồng anh P. yêu cầu công ty này trả lại số tiền hơn 450 triệu đồng đã đầu tư mua đất tại xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu, vì nghe tin khu vực này đã bị chính quyền địa phương cưỡng chế. Hai nhân viên kể trên không đồng ý và yêu cầu anh P. phải làm đơn gửi lãnh đạo công ty để được giải quyết.
Sau 2 giờ, vợ chồng anh P. cùng hai nhân viên không đi tới thống nhất. Lúc này, anh P. lớn tiếng yêu cầu Công ty Alibaba phải trả lại tiền cho gia đình mình. Khải là tổ phó an ninh Công ty Alibaba liền bước ra yêu cầu hai vợ chồng anh P. giữ trật tự và rời khỏi công ty.
Anh P. không chấp thuận và tiếp tục lớn tiếng thì bị Khải lao vào dùng tay kẹp cổ. Thấy thế, bốn nhân viên “an ninh địa ốc Alibaba” cũng xông tới cùng khống chế anh P. kéo ra phía trước công ty. Anh P. tìm cách chống trả thì Khải liền dùng tay đấm thẳng vào mặt anh P., khiến anh này bị thương tích 20%...
Khi được phóng viên hỏi về lý do dẫn đến hành động của mình, Khải cho biết đây là “lần đầu tiên và lần duy nhất” Khải đánh người. “Em đánh sau khi có kẹp cổ anh ta và bị anh ta phun nước miếng vào mặt em ba lần (?) khiến em quá tức giận…”, Khải nói ngắn gọn.
Liên quan đến các khách hàng của Công ty Alibaba, cuối tháng 8 vừa qua, cũng đã có một số khách hàng kéo đến trụ sở công ty này kéo băng rôn, yêu cầu giao đất hoặc trả lại tiền gốc, lãi như cam kết giữa hai bên sau khi đã nhiều lần đến đòi bất thành.
Theo anh Nguyễn Phú Quý, cách đây 13 tháng, anh nộp tiền mua 4 nền đất tại dự án Tân Thành Center City 5 (xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ). Anh Quý đã đóng 95% (1,5 tỷ đồng mua 4 nền đất) cho phía Công ty Alibaba. Theo thỏa thuận giữa hai bên, trong vòng 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng, Công ty Alibaba phải giao đất hoặc trả lại tiền gốc, lãi. Tuy nhiên, đến nay đã quá hạn 7 tháng, Công ty Alibaba vẫn chưa thực hiện. Anh Quý đã 5 lần tới trụ sở công ty này ở đường Kha Vạn Cân nhưng không được giải quyết.
Tương tự, anh Phùng Tiến Tài cũng đã đóng 335 triệu đồng mua nền đất tại dự án Long Phước 5 từ tháng 2-2018 của Công ty Alibaba. Công ty Alibaba cam kết trong vòng 6 tháng sẽ giao đất hoặc trả lại tiền gốc, lãi. Nhưng đến nay đã 18 tháng (quá hạn 12 tháng), anh Tài rất nhiều lần đến Công ty Alibaba yêu cầu giải quyết nhưng không có kết quả…
Tiếp tục quá trình điều tra, xử lý một số nhân viên của Công ty Alibaba trong vụ việc cưỡng chế dự án “ma” Alibaba Tân Thành Center City 5 ở xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), ngày 27-8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Huỳnh Ngọc Thiện (23 tuổi, ngụ TP Pleiku, Gia Lai) để điều tra về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản, gây rối trật tự công cộng.
Đồng thời, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã tiến hành tạm giữ hình sự đối với Phan Quỳnh Long (22 tuổi, quê Gia Lai), là “nhân viên an ninh” của Công ty Alibaba.
Thiện và Long được xác định là hai đối tượng cùng một số nhân viên mang đồng phục có dòng chữ “An ninh địa ốc Alibaba” tham gia vào việc đập phá xe cuốc và kích động gây náo loạn khi đoàn công tác đang thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế dự án trái phép tại xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ ngày 13-6-2019 vừa qua.
Trước khi khởi tố, tạm giữ Thiện và Long, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã khởi tố hai bị can là nhân viên Công ty Alibaba gồm Nguyễn Huỳnh Tú Trinh và Trần Quốc Tĩnh.
Liên quan trực tiếp đến vụ việc này, chiều 30-8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mời ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Alibaba tới làm việc, đối chất với bị can Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (diễn ra trong nhà tạm giam) để làm rõ những nội dung có liên quan đến vụ án “Cố ý làm hư hỏng tài sản”, “Gây rối trật tự công cộng” mà cơ quan này đang thụ lý điều tra. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã mời ông Luyện tới làm việc…
Một biển cảnh báo dự án “ma” tại thị xã Phú Mỹ. |
Có cơ sở để xử lý hình sự
Riêng địa bàn tỉnh Đồng Nai, Công an tỉnh Đồng Nai đã có công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai (ngày 28-8) báo cáo về tình hình quảng cáo các dự án của Công ty Alibaba trên địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, tính từ năm 2016 đến tháng 7-2019, Công ty Alibaba đã quảng cáo trên website diaocalibaba.vn thành lập 29 dự án khu dân cư trên địa bàn các huyện Long Thành, Xuân Lộc và Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Trong đó, tại huyện Long Thành, công ty này có 27 dự án, chỉ riêng xã Long Phước có đến 21 dự án.
Một số dự án đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc cưỡng chế vi phạm như dự án Alibaba An Phước có diện tích 1,39 ha dự kiến phân chia thành 103 nền bị UBND huyện Long Thành xử phạt hành chính về hành vi chuyển mục đích sử dụng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép; Dự án Alibaba xã Phước Bình có tổng diện tích 11,7 ha, được Công ty Alibaba quảng cáo thành lập 3 dự án; dự kiến phân gần 600 nền, trong đó dự án Alibaba Central Park II bị UBND xã Phước Bình xử phạt hành chính hành vi không thông báo khởi công công trình, tháo dỡ bảng quảng cáo và bị đình chỉ hoạt động xây dựng trái phép; Dự án Ali Aqua Nhơn Trạch ở xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) bị UBND xã cưỡng chế xúc toàn bộ đá xây dựng ra khỏi khu vực...
Đối tượng Trần Quang Khải tại cơ quan điều tra. |
Công an tỉnh Đồng Nai khẳng định, toàn bộ các diện tích đất trên có phần rất nhỏ là đất ở nông thôn, còn lại là đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất. Hiện trạng các địa điểm “dự án” trên là đất trống, không có cơ sở hạ tầng.
Riêng tại ba vị trí ở xã Long Phước được UBND huyện Long Thành chấp thuận việc thi công đấu nối hạ tầng (làm đường đi) nhưng chưa được nghiệm thu và bàn giao cho địa phương quản lý, chưa lập thủ tục thu hồi diện tích làm đường đi và chưa đủ điều kiện tách thửa theo quy định. Toàn bộ diện tích đất trên đều đứng tên ông Nguyễn Thái Lĩnh và cá nhân khác (không phải của Công ty Alibaba).
Cho đến nay, UBND các huyện Long Thành, Xuân Lộc, Nhơn Trạch chưa giới thiệu, thỏa thuận địa điểm, chủ trương đầu tư cho bất kỳ dự án khu dân cư nào liên quan đến Công ty Alibaba và đối với ông Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh.
Hiện UBND huyện Long Thành đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng các giao dịch, giải quyết các thủ tục về đất đai liên quan đến các thửa đất mà Công ty Alibaba tự nhận là chủ đầu tư các dự án khu dân cư trên địa bàn. Các địa phương cũng đã đặt các bảng cảnh báo khu vực cấm phân lô bán nền, không có dự án khu dân cư tại các khu đất. Đồng thời, bố trí loa phóng thanh để thông báo người dân biết để tránh bị lừa đảo.
“Việc Công ty Alibaba tự nhận là chủ đầu tư, tự vẽ sơ đồ khu dân cư, phân lô bán nền không đúng hiện trạng thực tế (đất trống), cam kết ra sổ đỏ thổ cư 100% để bán cho khách hàng là sai quy định, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng, vi phạm quy định về sử dụng đất đai”, công văn do Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, ký nêu rõ…
Như vậy, có thể thấy về mặt pháp lý, ở hầu hết các địa phương, Công ty Alibaba không có dự án nào được cấp phép. Thay vào đó, công ty này đã dùng chiêu trò núp bóng, đứng phía sau một số chủ đất để thực hiện việc rao bán nền dưới tên nhiều dự án khác nhau. Bởi theo đúng quy định pháp luật, muốn thực hiện dự án, doanh nghiệp phải thực hiện rất nhiều thủ tục, khu đất phải phù hợp quy hoạch... Trong khi đó, Công ty Alibaba hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu này và thực tế doanh nghiệp hầu như không làm gì cả, chỉ đứng sau “vẽ” ra dự án…
Đáng nói, theo nhận định của các chuyên gia, cách thức kinh doanh của Công ty Alibaba chủ yếu là “nhận giữ chỗ cho khách hàng” bằng “biên nhận”, chứ không phải hợp đồng giao dịch, do đó gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng khi tìm cơ sở xử lý. Bởi trong trường hợp rủi ro, doanh nghiệp này hoàn toàn có thể chối bỏ trách nhiệm khi cho rằng khu đất đó không phải của công ty mà của cá nhân. Đây thực chất là cố ý lách luật, do thực tế chủ sở hữu của các khu đất “dự án” này là cá nhân, không phải của Công ty Alibaba.
Tuy nhiên, với những nhận định của Công an tỉnh Đồng Nai như kể trên, có cơ sở để xử lý hình sự doanh nghiệp này về hành vi lừa đảo khách hàng, vi phạm quy định về sử dụng đất đai.