Công khai, minh bạch để phát huy tiềm năng từ các dự án BOT
Hiện tại, có rất nhiều người chỉ nhìn vào những sai phạm từ những trạm thu phí nói trên mà đánh đồng cả một chủ trương đúng đắn, mang lại lợi ích lớn cho giao thông và nền kinh tế như BOT…
Xếp hạng 111/172 về giao thông
Tại buổi tọa đàm xung quanh vấn đề "Phòng ngừa tham nhũng trong dự án BOT" do Báo CAND tổ chức ngày 7-9 vừa qua, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: "Xếp hạng thứ bậc giao thông của Việt Nam trong bảng xếp hạng của các tổ chức Quốc tế nằm ở vị trí 111/172 nước, trong khi dân số Việt Nam nằm trong TOP 50 nước có số dân lớn nhất, GDP từ 2010 đã đạt 200 tỉ USD, ở mức trung bình trên thế giới".
Từ điều đó cho thấy, sự phát triển của cơ sở hạ tầng, nhất là ở mảng giao thông đường bộ ở nước ta vẫn còn kém. Nguyên do một phần là ngân sách đầu tư phát triển của Nhà nước hạn hẹp, không theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội ngày càng cao.
Do đó, hình thức BOT là một phương án hoàn toàn phù hợp với chủ trương phát triển của nền kinh tế thị trường. Cũng theo ông Nguyễn Đức Kiên, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý hơn nữa để mang tính bao trùm và xử lý được 12 vấn đề tồn tại để thực hiện công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
"Trong quy trình khai thác BOT giao thông hay các cơ sở hạ tầng khác, chúng tôi mong muốn nghe được thêm thông tin từ người dân để phản ánh với các cơ quan lập pháp, thể hiện vai trò lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển", ông Kiên cho biết.
Trả lời về vấn đề có nên có BOT hay không, ông Đoàn Huy Vinh - Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Chuyên ngành 2, Kiểm toán Nhà nước cho biết: "Nhờ thu hút được BOT mà chúng ta đã nâng cấp và cải tạo được hơn 2.500km, 500km đường được làm mới.
Giải pháp đưa ra là hoàn thiện chính sách, cơ chế BOT, cần trình Quốc hội các nghị định về đối tác công tư, để phát triển thành luật. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đặc biệt là công tác giám sát của người dân. Minh bạch hóa các công ty về BOT, tuyên truyền cho người dân hiểu được cái tích cực của BOT".
Như vậy, BOT là thật sự cần thiết cho sự phát triển của đất nước trong bối cảnh ngân sách thiếu thốn, không đủ tiền để nâng cấp giao thông phục vụ cho sự phát triển ngày càng nhanh. Hiện nay, nhu cầu phát triển hạ tầng của chúng ta đang rất lớn.
Trong khi đó, ngân sách Bộ GTVT đề xuất ngân khố Chính phủ chỉ cấp được gần 30% tổng số ngân sách. Nghị quyết đề ra đến năm 2020 chúng ta phải đạt được 2.000 đến 2.500km đường cao tốc, nhưng thực chất đến 2016 chúng ta mới đạt được 746km, như vậy so với Nghị quyết chúng ta phải phấn đấu thêm gần 1.200km nữa.
Toàn cảnh buổi tọa đàm. |
Vẫn còn nhiều bất cập
Việc BOT mang lại nhiều lợi ích quả thật không thể phủ nhận, tuy nhiên những bức xúc của nhiều người dân hiện nay nằm việc đấu thầu những dự án BOT thiếu sự minh bạch, không công khai thông tin. Hơn nữa, một số trạm thu phí BOT nằm sai vị trí, thời hạn thu phí dài, báo cáo về lợi nhuận còn chưa chính xác… Còn theo Kiểm toán Nhà nước, tại các dự án BOT vẫn còn có nhiều bất cập về chính sách.
Thứ nhất là quy định về thu phí, đa phần các dự án bị thu phí hở, tạo ra sự không công bằng. Ví dụ, một người dân đi đường ngắn phải trả phí bằng cả người đi hết đoạn đường BOT.
Thứ hai đó là vị trí đặt trạm không đúng phạm vi dự án, khoảng cách trạm không đảm bảo 70km. Tuy nhiên cũng có quy định là nếu khoảng cách dưới 70km thì phải có ý kiến địa phương và do nhu cầu kinh tế phát triển nhiều địa phương để dễ thống nhất về vị trí dẫn tới tình trạng nhiều trạm không đủ khoảng cách.
Theo báo cáo của đoàn giám sát của Ủy ban Quốc hội đã chỉ ra, hiện nay mức độ của các văn bản pháp luật mới dừng lại ở mức Nghị định của Chính phủ, chưa lên tầm của Quốc hội, vì thế cho nên nó sẽ bị tác động của rất nhiều luật, như vậy trong quá trình triển khai, cũng có thể là vô tình hoặc cố ý bỏ đi một khâu nào đấy của luật, nó cũng là một điều có thể xảy ra và dẫn đến tình trạng xảy ra bất cập.
Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta lúc đầu triển khai dự án BOT vẫn còn yếu, không phù hợp ở cả hai khía cạnh: đảm bảo quản lí của cơ quan quản lí nhà nước đối với chương trình dự án BOT, nhưng nó cũng lại không phản ảnh được sự bình đẳng của cơ quan nhà nước khi tham gia vào dự án BOT với tư cách là một đối tác với một doanh nghiệp của các thành phần kinh tế tham gia vào trong phát triển kinh tế xã hội.
Nói về vấn đề minh bạch thông tin, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: "Nói các cơ quan chức năng không công khai thông tin là không đúng, đối với Bộ GTVT, mọi thông tin đều được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT.
Trước đây, do chỉ có Nghị định 108, bởi vậy, các dự án BOT trong thời gian qua đều được triển khai theo nghị định này và được thực hiện thông qua hình thức chỉ định thầu bởi chỉ có duy nhất một nhà đầu tư đăng ký thầu.
Liên quan đến lượng xe đi qua trạm thu phí, Tổng cục Đường bộ từ đầu năm 2016 đã và đang triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật đồng bộ để theo dõi lượng xe, loại xe và giá phí của mỗi trạm thu phí BOT để đưa ra con số chính xác. Các thông số này đều được truyền trực tiếp tới trụ sở của Tổng cục Đường bộ".
Các vị khách mời tại buổi tọa đàm. |
Cần công khai, minh bạch
Cách đây không lâu, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị xử lý tài chính hơn 1358 tỷ đồng đối với một số dự án BOT điều chỉnh tăng bất hợp lý, thời gian thu phí của 13 dự án với tổng thời gian thu phí gần 100 năm. Điều đó cho thấy sự nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc quản lý các dự án BOT, tạo niềm tin cho người dân đối với loại hình này.
Trong một vụ việc cụ thể đó là tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ. Tuyến này đã thi công xong giai đoạn 1 (chỉnh sửa mặt đường cũ), nhà đầu tư đang tiến hành giai đoạn 2 (mở rộng thêm 2 làn ở 2 bên).
Đây là trạm BOT đầu tiên có sự mâu thuẫn của các nhà đầu tư trong dự án. Cơ quan quản lý đã phát hiện sai phạm một số cơ quan, đơn vị của nhà đầu tư đã cố tình không thực hiện đúng quy định về việc báo cáo kết quả kiểm xe, doanh số đếm xe.
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, việc doanh nghiệp thu phí tại đây sau khi trải thảm mặt đường là đúng, nhưng việc thu phí mặt đường mới là không hợp lý, cần chỉnh sửa cho phù hợp, hài hòa. Đối với việc đếm xe của các DN cũng phải dựa vào quy định của Bộ GTVT về quản lý tập trung.
Ban Biên tập Báo CAND tặng hoa các đại biểu tại buổi tọa đàm. |
* Hiện tại số liệu về tất cả các trạm BOT đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kỹ và công bố. Đây là cơ sở để tính thời gian thu phí. Tóm lại, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng, Nhà nước nên nhượng quyền quản lý cho nhà đầu tư, nhà đầu tư cần dựa vào cả lợi nhuận và mặt bằng của các dự án khác để thu phí phù hợp với lợi ích của người dân. Các dự án BOT có những sai sót nhưng trong quá trình triển khai từ năm 2011 đến 2016 thì những sai sót đó đã từng bước được sửa sai, khắc phục. Ban đầu quản lý BOT bằng Nghị định 78, sau đó, chúng ta thay bằng NĐ 108 từ năm 2009-2012 nhưng mới thu hút được chưa tới 10 dự án BOT. Trong quá trình triển khai từ năm 2012-2014, chúng ta đã phát hiện nhiều vấn đề của NĐ 108 và tới năm 2015, chúng ta đã có NĐ 15 để khắc phục những yếu điểm của các dự án BOT. |