Cơ hội nâng tầm quan hệ Mỹ-ASEAN
- Ấn tượng với cuộc diễn tập hàng hải Mỹ - ASEAN đầu tiên
- Mỹ - ASEAN và tác động của cuộc chiến thương mại
- Việt Nam tham dự Diễn đàn quốc phòng Mỹ - ASEAN
Tổng thống Trump đã tham dự thượng đỉnh ASEAN năm 2017, nhưng các năm sau đó ông đã không xuất hiện. Phó Tổng thống Mike Pence đã tham dự thay mặt ông vào năm 2018 và năm 2019 chứng kiến phái đoàn cấp thấp nhất của Mỹ tới hội nghị thượng đỉnh châu Á kể từ khi Washington tham gia thượng đỉnh Đông Á.
Đổi lại, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đã hạ cấp tương ứng đại diện của họ tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tổ chức ở Bangkok, Thái Lan sau đó.
Cụ thể, chỉ có 3 nước ASEAN gửi lãnh đạo cấp cao của họ đến tham dự hội nghị ở Bangkok, gồm Thái Lan, Lào và Việt Nam. Trong đó, Thái Lan là nước đang nắm chức Chủ tịch ASEAN, Việt Nam là nước sẽ tiếp quản ngôi vị này vào năm 2020, còn Lào là điều phối viên hiện tại về quan hệ ASEAN-Mỹ.
Trong lá thư gửi ông O'Brien mang tới hội nghị, ông Trump đã mời các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tham gia cùng ông tại Mỹ trong một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào thời điểm thuận tiện cho các bên trong quý đầu năm 2020. Ông cũng nói thêm rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ mang lại "một cơ hội tuyệt vời" cho các nhà lãnh đạo "mở rộng và tăng cường hợp tác của chúng ta về các vấn đề có tầm quan trọng rất lớn".
Đối với Mỹ, hội nghị sẽ tạo cơ hội cho chính quyền Trump củng cố tầm ảnh hưởng của siêu cường này đối với Đông Á nói chung và các quốc gia Đông Nam Á nói riêng trong tầm nhìn rộng lớn hơn về tầm nhìn Tự do và Mở cửa Thái Bình Dương (FOIP) sau hoạt động hội nghị thượng đỉnh năm nay.
Hội nghị cũng cho công chúng Mỹ trong nước thấy được tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với chính sách của chính quyền hiện tại, trong bối cảnh khu vực này ít được người Mỹ chú ý hơn so với các cường quốc châu Á như Trung Quốc hay Nhật Bản.
Đối với các quốc gia Đông Nam Á, bất kể những lo ngại mà họ có về chính quyền Trump, đó sẽ là một minh chứng sống động cho cam kết của Mỹ đối với khu vực, nơi đang đối mặt với một Trung Quốc quyết đoán hơn trong bối cảnh không chắc chắn về vai trò của Washington, cũng như một lối thoát hữu ích để làm sâu sắc hơn quan hệ với các bên liên quan khác nhau của Mỹ - bao gồm các chủ thể phi chính phủ liên quan đến lợi ích của họ bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức giáo dục và cộng đồng người di cư Đông Nam Á.
Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh đặc biệt sẽ không thiếu những thách thức. Đưa tất cả 10 nhà lãnh đạo ASEAN đến Mỹ trong một năm bầu cử Tổng thống ở Mỹ hoàn toàn không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Tất nhiên sẽ có các vấn đề hành chính như điều phối lịch trình giữa các ưu tiên khác trên tất cả các mặt, nhưng cũng sẽ có những vấn đề thực sự được nêu ra bởi một số bên liên quan trong nội bộ nước Mỹ như Quốc hội Mỹ và các nhóm nhân quyền về sự hiện diện của một số nhà lãnh đạo ASEAN tại Mỹ trong bối cảnh các vấn đề quan hệ song phương, chẳng hạn việc Thủ tướng Campuchia Hun Sen trôi về phía Trung Quốc, cáo buộc vi phạm nhân quyền tại Philippines trong cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte, hay cách tiếp cận của nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi đối với người Rohingya.
Tổ chức hội nghị thượng đỉnh này trong một năm bầu cử ở Mỹ cũng có thể làm tăng yếu tố phức tạp: Một môi trường như vậy có thể gia tăng nguy cơ các khía cạnh của hội nghị thượng đỉnh bị chính trị hóa và xu hướng "nước Mỹ trên hết" trong chính quyền có thể định hình diễn tiến và kết quả của hội nghị thượng đỉnh.
Ngay cả khi những thách thức này được khắc phục thành công, vẫn có những giới hạn trong việc một hội nghị thượng đỉnh có thể giúp ích cho chính sách Đông Nam Á của chính quyền Trump.
Một hội nghị thượng đỉnh duy nhất không thể giải quyết đầy đủ các mối quan tâm chính sách quan trọng mà các quốc gia Đông Nam Á đang vướng mắc với Mỹ, trong đó có nhiều nút thắt vượt xa khả năng của một hội nghị thượng đỉnh và mở rộng sang các vấn đề khác như cán cân quyền lực đang thay đổi trong khu vực và xu hướng cá nhân của chính sách "nước Mỹ trên hết" về các vấn đề như thương mại và liên minh.