Cơ hội mới cho lao động Việt Nam sang châu Âu

Chủ Nhật, 16/06/2019, 21:40
Ngoài các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan..., Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã và đang đàm phán, ký kết để mở rộng các thị trường tiếp nhận lao động mới, nhất là thị trường các nước châu Âu.


Cộng hòa Séc cấp lại visa cho lao động Việt Nam

Không hề kém cạnh với các quốc gia phát triển như Mỹ, Canada,… thị trường xuất khẩu lao động sang Séc được đánh giá là thị trường "màu mỡ" cho các lao động nước ngoài. Từ mức lương cao đến chế độ phúc lợi hấp dẫn, môi trường điều kiện sống khiến nhiều người ao ước, tuy nhiên điều kiện khá khắt khe.

Từ những năm 1970 của thế kỷ trước, Cộng hòa Séc đã tiếp nhận học sinh Việt Nam sang đào tạo và sử dụng. Đặc biệt, tại Hiệp định hợp tác lao động giữa Việt Nam và Tiệp Khắc (cũ nay là cộng hòa Séc và Slovakia), từ năm 1980 đến năm 1989 đã có hơn 37.000 lao động Việt Nam được cử sang làm việc tại Tiệp Khắc, cùng với gần 10.000 học sinh học nghề chuyển sang hợp tác lao động. Năm 1994, Chính phủ hai nước tiếp tục ký hiệp định hợp tác song phương về lao động, nhưng số lượng lao động Việt Nam tại Séc ngày một giảm dần.

Với việc Séc cấp lại visa, lao động Việt Nam sẽ có cơ hội làm việc trong các nhà máy tại nước này.

Đến năm 2009, Chính phủ Séc tuyên bố tạm ngừng cấp visa dài hạn với mục đích lao động và kinh doanh tại Cộng hòa Séc cho công dân Việt Nam với lo lắng về tình trạng mất an ninh gia tăng. Lúc đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cũng đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp tạm dừng tuyển mới lao động đi Séc để giải quyết số tồn đọng và chấn chỉnh thị trường.

Sau 1 thập kỷ ở tình trạng đóng băng, ngày 6-6-2019, Cộng hòa Séc chính thức mở lại việc cấp visa dài hạn cho công dân Việt Nam. Đại sứ quán Séc tại Hà Nội trực tiếp tiếp nhận hồ sơ xét duyệt đợt đầu cho 200 công dân Việt Nam sẽ sang Séc làm việc từ tháng 8-2019. 

Đây là kết quả từ chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Séc vào trung tuần tháng 4- 2019 của Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu. Ngoài chính thức mở lại việc cấp visa dài hạn cho người lao động Việt Nam, Cộng hòa Séc dự kiến sẽ mở lại đường bay thẳng giữa Hà Nội và Praha vào tháng 10 tới.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, việc nối lại cấp thị thực cho lao động cũng như người dân đi du lịch là việc làm có ý nghĩa và là hoạt động hợp tác xuất phát từ lợi ích của hai quốc gia, qua đó sẽ phát huy được tiềm năng của cả hai bên. Ông Dung cho hay, Việt Nam là nước có kinh nghiệm trong việc tổ chức tuyển chọn, đào tạo và đưa công dân đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có đưa điều dưỡng viên, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản, Đức.

"Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Cộng hòa Séc trong việc tuyển chọn, đào tạo đưa người lao động Việt Nam đi làm điều dưỡng, hộ lý tại Cộng hòa Séc. Bên cạnh đó, từ thế mạnh của Séc như luyện kim, sản xuất máy móc, thiết bị điện tử, phương tiện giao thông, dệt may, chất hóa học, dược phẩm, chế biến lương thực thực phẩm...Việt Nam cũng mong muốn giữa hai nước sẽ sớm có hợp tác toàn diện trong việc giúp Việt Nam đào tạo nâng cao kỹ năng nghề", ông Dung nhấn mạnh.

Học nghề điều dưỡng tại Đức với lương 34 triệu đồng

Là quốc gia phát triển bậc nhất Châu Âu, Cộng hòa liên bang Đức là quốc gia có nền kinh tế phát triển, tập trung nhiều tập đoàn lớn nhưng là một điểm đến cho rất nhiều lao động xuất khẩu từ Việt Nam tới làm việc.

Trong nhiều năm qua, xuất khẩu lao động tại Đức luôn thu hút nhiều lao động tập trung chủ yếu thuộc ngành điều dưỡng.

Mới đây tại Hội nghị thông tin về Chương trình tuyển chọn đào tạo đưa điều dưỡng viên Việt Nam đi học tập và làm việc tại CHLB Đức khóa 1 (năm 2019-2020), ông Đặng Sỹ Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, chỉ tiêu việc tuyển chọn, đào tạo là 230 ứng viên.

Những học viên này  đi học tập tại Đức trong ngành điều dưỡng đa khoa, bao gồm chăm sóc người già, người bệnh, trẻ em…  "Sau khi kết thúc khóa học, nếu có nhu cầu, ứng viên sẽ được xét cho phép định cư lâu dài tại Đức. Mức lương hưởng như người Đức với khởi điểm khoảng 2.000 UER/tháng", ông Dũng chia sẻ.

Việc tuyển chọn điều dưỡng thực hiện theo Thỏa thuận hợp tác Dự án "Ba bên cùng có lợi-Tuyển chọn học viên Việt Nam trở thành điều dưỡng viên tương lai tại Đức" giai đoạn 2019-2022 giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Trung tâm giới thiệu việc làm và nhân lực nước ngoài (ZAV) thuộc Cơ quan Lao động Liên bang Đức. Mục tiêu của dự án là đào tạo cho ứng viên điều dưỡng Việt Nam có đủ điều kiện nhập cư lao động vào Đức làm việc trong lĩnh vực y tế một cách minh bạch, bền vững.

Trước khi sang Đức học tập, học viên được tham gia khóa đào tạo tiếng Đức 13 tháng, phong tục tập quán, văn hóa Đức; được Dự án chi trả lệ phi thi lần thứ nhất lấy chứng chỉ B1 và B2; được bố trí ăn ở nội trú,  miễn phí đồng thời còn được hỗ trợ 36 EUR/tháng (khoảng 928.000 đồng, tùy theo tỷ giá quy đổi vào thời điểm nhận); được hỗ trợ khám sức khỏe tổng thể trước khi xuất cảnh, lệ phí xin visa và vé máy bay sang Đức.

Ứng viên được lựa chọn sang Đức sẽ tham gia khóa đào tạo ba năm để trở thành điều dưỡng viên đa khoa. Trong thời gian học nghề tại các cơ sở đào tạo và tiếp nhận của Đức, học viên được hưởng lương học nghề tối thiểu: Năm thứ nhất là 1.050 euro/tháng (tương đương 27,5 triệu đồng), năm thứ hai là 1.200 euro/tháng (tương đương 31 triệu đồng) và năm thứ ba 1.300 euro/tháng (tương đương 34 triệu đồng). Sau khi tốt nghiệp và được cấp Chứng chỉ quốc gia của Đức, ứng viên được làm việc, hưởng mức lương như công dân Đức và các chế độ phúc lợi xã hội theo quy định của luật pháp Đức.

Theo ông Jasper Abramowski, Giám đốc quốc gia GIZ, học viên sẽ được hỗ trợ toàn diện trong tuần đầu tiên sau khi đến Đức, được tham gia hoạt động quan trọng liên quan đến cuộc sống và hoàn tất các thủ tục trước khi học tập tại Đức. Cơ sở đào tạo và tiếp nhận sẽ giới thiệu nơi ở cho học viên.

Nghề điều dưỡng ở Đức hiện có mức lương khoảng 2.000 UER/ tháng.

Học viên tự chi trả tối đa 300 EUR tiền thuê nhà mỗi tháng, nếu vượt quá thì sẽ do cơ sở đào tạo và tiếp nhận chi trả mức chênh còn lại. "GIZ chăm sóc, hỗ trợ học viên trong suốt năm đào tạo đầu tiên và tư vấn khi gặp vấn đề khó khăn và vướng mắc trong học tập, làm việc và cuộc sống thường ngày", ông Jasper Abramowski khẳng định.

Điều kiện đăng ký dự tuyển sang Đức làm việc là công dân Việt Nam tuổi từ 20 đến 26, đã tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học chuyên ngành điều dưỡng hoặc đã hoàn thành ít nhất hai năm chương trình cao đẳng, đại học chuyên ngành điều dưỡng tại Việt Nam.

Dự kiến từ nay đến năm 2020, Dự án sẽ tổ chức tuyển và đào tạo 3 khóa tiếng Đức cho các ứng viên Việt Nam. Khoá 1 sẽ khai giảng vào tháng 7- 2019, bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 9-5 đến ngày 20-6-2019 và khoảng tháng 8-2020 sẽ cấp chứng chỉ tiếng Đức.

Phó Chủ tịch Hạ viện Séc Vojtech Filip:

Thời gian tới, Cộng hòa Séc mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực điều dưỡng viên, y bác sĩ, đồng thời có 1 cơ sở đào tạo về lĩnh vực này tại Việt Nam.

Sau khi hoàn thành việc đào tạo chuyên môn và ngôn ngữ tại Việt Nam, phía Séc sẽ cấp visa để các công ty trực tiếp ký hợp đồng với các học viên điều dưỡng, đảm bảo cho các điều dưỡng khi sang Séc làm việc sẽ có cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn của mình để sau khi kết thúc hợp đồng có thể trở về phục vụ tại các cơ sở y tế tại Việt Nam. Cộng hòa Séc rất quan tâm tới vấn đề y tế, điều dưỡng viên. Về quy mô, dự kiến, Cộng hòa Séc có khả năng tiếp nhận khoảng 3.000 - 4.000 điều dưỡng viên Việt Nam sang học tập và làm việc…

Ông Jasper Abramowski, Giám đốc quốc gia GIZ:

"Điều dưỡng là nghề thường xuyên tiếp xúc với mọi người, những người dễ bị tổn thương, nhạy cảm hoặc già yếu. Vì vậy, nghề đòi hỏi người lao động phải có những kỹ năng nghề nghiệp nhất định. Vừa qua hai bên Việt Nam và Đức có phối hợp thực hiện thí điểm, kết hợp với  VIVANTES (một tập đoàn bệnh viện và viện dưỡng lão lớn nhất của Đức) triển khai tuyển chọn và đưa học viên sang học tập tại Đức, chúng tôi đánh giá rất cao năng lực của lao động Việt Nam. Nhu cầu lao động làm việc tại Đức rất lớn, đặc biệt là ngành điều dưỡng đa khoa. Theo ước tính của chúng tôi, hiện thiếu khoảng 35 ngàn lao động trong lĩnh vực này. Đến năm 2030, con số này lên tới 200 ngàn người".

Người lao động có nhu cầu tìm hiểu thông tin chính thức về hai thị trường này có thể trực tiếp liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước- ĐT: 024.38249517 số máy lẻ 311/ 512/ 513, email: dailoanaumy.dolab@gmail.com.

Phó Chủ tịch Hạ viện Séc Vojtech Filip:

Thời gian tới, Cộng hòa Séc mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực điều dưỡng viên, y bác sĩ, đồng thời có 1 cơ sở đào tạo về lĩnh vực này tại Việt Nam.

Sau khi hoàn thành việc đào tạo chuyên môn và ngôn ngữ tại Việt Nam, phía Séc sẽ cấp visa để các công ty trực tiếp ký hợp đồng với các học viên điều dưỡng, đảm bảo cho các điều dưỡng khi sang Séc làm việc sẽ có cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn của mình để sau khi kết thúc hợp đồng có thể trở về phục vụ tại các cơ sở y tế tại Việt Nam. Cộng hòa Séc rất quan tâm tới vấn đề y tế, điều dưỡng viên. Về quy mô, dự kiến, Cộng hòa Séc có khả năng tiếp nhận khoảng 3.000 - 4.000 điều dưỡng viên Việt Nam sang học tập và làm việc…

Ông Jasper Abramowski, Giám đốc quốc gia GIZ:

"Điều dưỡng là nghề thường xuyên tiếp xúc với mọi người, những người dễ bị tổn thương, nhạy cảm hoặc già yếu. Vì vậy, nghề đòi hỏi người lao động phải có những kỹ năng nghề nghiệp nhất định. Vừa qua hai bên Việt Nam và Đức có phối hợp thực hiện thí điểm, kết hợp với  VIVANTES (một tập đoàn bệnh viện và viện dưỡng lão lớn nhất của Đức) triển khai tuyển chọn và đưa học viên sang học tập tại Đức, chúng tôi đánh giá rất cao năng lực của lao động Việt Nam. Nhu cầu lao động làm việc tại Đức rất lớn, đặc biệt là ngành điều dưỡng đa khoa. Theo ước tính của chúng tôi, hiện thiếu khoảng 35 ngàn lao động trong lĩnh vực này. Đến năm 2030, con số này lên tới 200 ngàn người".

Người lao động có nhu cầu tìm hiểu thông tin chính thức về hai thị trường này có thể trực tiếp liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước- ĐT: 024.38249517 số máy lẻ 311/ 512/ 513, email: dailoanaumy.dolab@gmail.com.

Lý Hà
.
.
.