Chuyện “hậu trường” tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV của các nhà báo Công an
Nhóm tác giả Báo CAND đoạt giải B Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV trao đổi đề tài. |
Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên CSTC đã ghi lại chia sẻ của các tác giả đoạt giải thưởng Báo chí Quốc gia năm 2019.
Nhóm tác giả Trần Hằng, Phương Thủy, Minh Hiền, Xuân Trường - Báo CAND
Vấn đề nồng độ cồn được đặt ra lâu nay, trong thời điểm năm 2018-2019 xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông do bia, rượu, gây hậu quả nghiêm trọng như vụ tai nạn ở hầm Kim Liên, tai nạn ở đường Láng làm chết chị lao công…Tại các diễn đàn của các kỳ họp Quốc hội cũng đặt ra vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia và cuối cùng, Nghị định 100 về phòng, chống tác hại của rượu, bia đã ra đời. Báo chí thời điểm đó vào cuộc khá nhiều, các bài phỏng vấn, các vệt phóng sự về tai nạn giao thông cũng được cày xới kỹ lưỡng. Đối với chúng tôi, đó là một vấn đề nóng cần vào cuộc nhưng chúng tôi chọn một góc nhìn mới hơn.
Loạt bài đoạt giải B giải Báo chí Quốc gia của Báo Công an nhân dân. |
Loạt phóng sự “Ngăn chặn ma men cầm lái - Góc nhìn từ thực tiễn đến pháp lý” gồm 5 kỳ thể hiện năm khía cạnh khác nhau của vấn đề. Kỳ 1 là cận cảnh những vụ tai nạn giao thông xảy ra do rượu, bia. Kỳ 2 là góc nhìn từ Bệnh viện Việt Đức- một bệnh viện cấp cứu hàng ngàn ca tai nạn giao thông mà nguyên nhân chủ yếu từ rượu, bia. Ở kỳ hai, chúng tôi triển khai ba vấn đề, phóng viên đến bệnh viện, quan sát tình hình cấp cứu các bệnh nhân bị tai nạn, tiếp cận các gia đình có thân nhân bị nạn, lấy ý kiến, chia sẻ của họ.
Sau đó, chúng tôi tiếp cận với các y, bác sĩ và lãnh đạo bệnh viện để có cái nhìn đầy đủ về toàn cảnh tai nạn giao thông do bia, rượu. Bài 3, chúng tôi phản ánh cận cảnh những quán nhậu, nơi các tài xế sử dụng ôtô, xe tải vẫn ngồi thường xuyên để cảnh báo về văn hóa tham gia giao thông, sự coi thường tính mạng và chủ quan của các tài xế.
Bài 4 rất độc đáo và có tác động không nhỏ đến nhận thức của xã hội, đó chính là những lời hối lỗi từ trại giam do chính các phạm nhân đang chấp hành án trong trại giam chia sẻ. Họ ân hận vì đã uống rượu và gây ra những cái chết thương tâm. Bài viết này gửi gắm những thông điệp về sự thức tỉnh những tài xế đang ngồi trên vô lăng, đừng “sai một ly đi một dặm”.
Bài 5 chính là góc nhìn pháp lý của vấn đề, ở Việt Nam và trên thế giới, từ đó chúng ta có cái nhìn chính xác hơn về việc Việt Nam đã thực sự nghiêm trọng việc xử lý các ma men cầm lái và kiến nghị các giải pháp hữu hiệu.
Để có được 5 kỳ báo, chúng tôi thường xuyên đi cùng với lực lượng Cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ: xử lý lái xe say rượu, sử dụng ma tuý; chở quá tải; đi thực tế gặp các nạn nhân bị tai nạn giao thông và thân nhân của họ để đưa đến cho bạn đọc bức tranh rõ nhất về sự mất mát, đau thương do tai nạn giao thông gây ra. Ngoài ra, chúng tôi còn gặp các phạm nhân gây tai nạn để chính họ nói lên sự ân hận của mình. Vì thế, loạt phóng sự đã có những hiệu ứng tốt trong xã hội, có tính cảnh báo mạnh mẽ đối với những người đã và đang tham gia giao thông.
Nhóm tác giả Nguyễn Thị Hồng, Bùi Anh Thơ, Nguyễn Xuân Đoài, Bùi Thị Diệu Thơm - Truyền hình CAND
“Thảm kịch miền đất hứa” giành giải C, giải Báo chí Quốc gia là niềm vui rất lớn và bất ngờ với cả ekip thực hiện chương trình. Bất ngờ vì chúng tôi nhận nhiệm vụ lên đường vào lúc 13h chiều và bắt đầu xuất phát từ Hà Nội lúc 3h sáng hôm sau. Thú thực là khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi chỉ mong hoàn thành tốt nhất và sớm nhất để trở về vì cả ekip lúc đó còn không mang đủ quần áo.
Để thực hiện tác phẩm “Thảm kịch miền đất hứa”, chúng tôi đã di chuyển vào Nghệ An, Hà Tĩnh ngay sau khi diễn ra sự kiện 39 người chết trong container tại Anh, lúc đó đoàn tác nghiệp của chúng tôi là một trong những cơ quan báo chí đầu tiên có mặt ở đây. Hành trình đi qua tất cả những nơi có người đi xuất khẩu lao động ở dọc Nghệ An, Hà Tĩnh.
Chúng tôi đi tìm những gia đình có người thân mất tích, lần theo những câu chuyện, chia sẻ của họ để tìm ra những đường dây cò mồi. Khó khăn nhất ở hành trình tác nghiệp chính là việc tiếp cận với các đường dây cò mồi, làm rõ những mánh khóe của chúng và ghi hình mà vẫn phải đảm bảo an toàn cho bản thân và những người đồng hành.
Nhóm PV ANTV tác nghiệp ở Hà Tĩnh. |
Một trong những khó khăn, trong lần tác nghiệp này chính là gặp và tiếp cận với những gia đình có người thân lúc đó đang “nghi ngờ là nạn nhân của thảm kịch 39 người''. Vì đa số họ đều đi qua các cầu, cò nên rất ngại chia sẻ câu chuyện của mình do sợ ảnh hưởng đến người thân.
Với những gia đình đã chắc chắn có người thân mất thì lại quá đau thương và không muốn chia sẻ thêm bất cứ một thông tin gì. Suốt gần một tháng trời ở Nghệ An và Hà Tĩnh, anh em trong ekip gần như ngủ rất ít. Trong đoàn còn có một bạn quay phim bị sốt xuất huyết vì điều kiện tác nghiệp khó khăn. Song tất cả mọi người đều đã vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Khi thực hiện loạt phóng sự này, điều khiến chúng tôi ám ảnh và xúc động nhất đó chính là câu chuyện của từng nạn nhân. Để ra đi theo con đường xuất khẩu lao động không chính thống, họ chấp nhận những cái giá quá đắt. Có người phải thế chấp nhà cửa vay ngân hàng, có người cả nhà đã đi xuất khẩu lao động và phải trải qua những hành trình “đau khổ” tương tự như hành trình 39 người kia nhưng vẫn sẵn sàng cho con cái đi vì giấc mơ đổi đời.
Thực ra không phải họ không biết những rủi ro khi chấp nhận đi theo con đường này. Song, vì cuộc sống và vì nhiều lý do, họ sẵn sàng chấp nhận. Hình ảnh những biệt thự khang trang, cứ cách vài nhà lại có 1 rạp đám tang không có quan tài được lập nên, trên bàn thờ đa số là hoa trắng (vì người chết đa số là người trẻ chưa lập gia đình) thực sự khiến chúng tôi ám ảnh mỗi khi nghĩ lại.
Quyết định tổ chức ekip thực hiện chương trình tác nghiệp về sự kiện này do nhà báo Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo rất chóng vánh, ngay sau khi chị đọc được thông tin từ 1 tờ báo ở Anh. Khi các phóng viên gửi hình ảnh từ hiện trường về, chị cảm thấy những gì mình tưởng tượng vẫn còn chưa khủng khiếp bằng hiện thực. Cuối tháng 10, chị Hồng sang Pháp và Đức và tiếp xúc với những người Việt đi lao động chui.
Khi nghe câu chuyện của Yến - 1 nhân vật trong loạt phóng sự của chúng tôi, chị cho rằng những gì chúng ta nghe được về hành trình của họ vẫn còn rất nhẹ nhàng. Những chuyến đi không chính thức ấy thực sự là hành trình đầy thảm kịch. Và để tồn tại ở xứ người với danh xưng “người rơm” (người cư trú không hợp pháp), họ phải chấp nhận bị đối xử, mất hết quyền lợi và sống chui lủi.
Ê kíp của chúng tôi đã rất nỗ lực, dù khó khăn song chúng tôi đều rất quyết tâm, say sưa và dũng cảm vượt qua cả những lời đe dọa. Chúng tôi đã góp một góc nhìn chân thực nhất về thảm cảnh của những người đi xuất khẩu lao động chui, đó là điều ý nghĩa nhất.
Trung tá Đặng Việt Hưng - Báo CAND
Trong 6 tháng đầu năm 2019, hàng loạt âm mưu khủng bố, ám sát cán bộ, phá hoại các mục tiêu, công trình trọng điểm trong nước của các tổ chức mới chống phá Việt Nam của tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời", “Triều đại Việt” đã bị Cơ quan Công an phát hiện, đấu tranh ngăn chặn những mưu đồ phá hoại ngay từ trong trứng nước. Nhiều đối tượng thuộc các tổ chức khủng bố, phản động lưu vong này đã bị Cơ quan Công an, Cơ quan tố tụng nhanh chóng điều tra truy xét, bắt giữ và đưa ra xét xử. Qua theo dõi, làm việc với các đơn vị chức năng của Cơ quan An ninh, tôi đã dày công thu thập, điều tra, tiếp cận các tài liệu liên quan đến các tổ chức mới chống phá Việt Nam của tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời", “Triều đại Việt”.
Nhà báo Việt Hưng. |
Tôi đã thực hiện loạt bài viết 5 kỳ: “Chặn đứng, đập tan âm mưu các tổ chức mới chống phá Việt Nam” góp phần lật tẩy bản chất, âm mưu phản động, sự chống phá điên cuồng manh động của các tổ chức, các đối tượng khủng bố, đồng thời cảnh báo người dân thấy rõ những thủ đoạn, chiêu trò của các thế lực thù địch, phản động, không để bị lợi dụng tham gia tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân.
Với vai trò nòng cốt trong bảo vệ An ninh Quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội thì trách nhiệm của lực lượng CAND trên lĩnh vực đấu tranh với các tổ chức khủng bố, phản động, các thế lực thù địch; phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ngày càng nặng nề, khó khăn và thách thức. Các tác phẩm báo chí chống lại các thế lực thù địch cũng giữ một vị trí rất quan trọng. Để theo đuổi đề tài này đòi hỏi người làm báo thường xuyên trau dồi, nâng cao bản lĩnh chính trị.
Tôi vô cùng xúc động khi loạt bài viết 5 kỳ của mình được vinh danh tại Giải Báo chí Quốc gia năm 2019. Đối với một người làm báo thì đây là một kỷ niệm đẹp, vô cùng ý nghĩa trong hành trình làm báo của mình. Thời gian tới, tôi cùng các đồng chí, đồng đội của Báo CAND sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng, tiếp tục có nhiều bài viết tham gia đấu tranh với các tổ chức khủng bố, phản động, các thế lực thù địch; phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trong thời điểm đang diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.