Chức “hiệu trưởng danh dự” tai tiếng

Thứ Tư, 08/03/2017, 15:25
Bà Akie, phu nhân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phải từ chức “hiệu trưởng danh dự” của một trường tiểu học tư nhân, sau vụ tranh cãi về chuyện trường “Ðất Lúa” (Mizuho no Kuni) mua đất công với giá rẻ hơn giá thị trường.


Trường “Đất Lúa” ở tỉnh Osaka, có diện tích 8.770 m2 được mua hồi tháng 6- 2016 với giá 134 triệu yen (1,2 triệu USD). Lô đất này từng được định giá 956 triệu yen và một lô đất kế cận có diện tích tương đương được định giá 1,4 tỉ yen hồi năm 2010.

Dạy trẻ mầm non hận thù

Điều hành Trường “Đất Lúa” là Công ty giáo dục tư nhân Moritomo Gakuen. Công ty này mở nhà trẻ Tsukamoto với chương trình giảng dạy giống như thời quân phiệt Nhật trước Thế chiến 2. Học sinh mầm non từ 3 đến 5 tuổi được dạy  phải cúi đầu chào ảnh chân dung các thành viên Hoàng gia Nhật và tập hành quân đến các căn cứ quân sự.

Các em mỗi sáng đều hát Quốc ca, phải thuộc lòng huấn dụ hoàng gia về giáo dục (có từ năm 1890) vốn đòi hỏi học sinh phải trung thành với Nhật hoàng và được khuyến khích “hãy can đảm sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc”. Sau khi quân phiệt Nhật đầu hàng, chính quyền Mỹ chiếm đóng đã cấm sử dụng bản huấn dụ hoàng gia vì cho rằng nó kích động chủ nghĩa quân phiệt trước Thế chiến 2.

Công ty Morimoto cũng dự định mở chương trình giảng dạy tương tự ở Trường “Đất Lúa” dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 4 tới, nếu có sự cho phép của chính quyền tỉnh Osaka.

Theo tờ Guardian, Yasunori Kagoike là lãnh đạo nhánh Osaka của Nippon Kaigi, một tổ chức vận động hành lang siêu bảo thủ, trong đó Thủ tướng Abe cũng là thành viên, cùng nhiều thành viên trong chính phủ của ông. Nippon Kaigi muốn tái lập quân đội Nhật, đòi công nhận rằng Nhật đã “giải phóng” khu vực Đông Á khỏi tay các chính quyền đô hộ phương Tây trong Thế chiến 2, và nói rằng Hiến pháp yêu chuộng hòa bình hậu Thế chiến 2 của Nhật (do chính quyền Mỹ chiếm đóng soạn thảo) đã làm nhạt nhòa “bản sắc dân tộc đích thực” của xứ sở Phù Tang. 

Trường “Đất Lúa” và ông Kagoike bị chú ý, vì một thông điệp gởi đến phụ huynh các cháu mầm non, mang nội dung chỉ trích, kỳ thị người Hàn Quốc và Trung Quốc đang sống ở Nhật. Những thông điệp bài bác tương tự cũng được đưa lên trang web của nhà trẻ.

Vào tháng 1-2016, chính quyền Osaka đã phải yêu cầu trường giải trình vì có những tư tưởng kích động hận thù này, sau đó Ban giám hiệu đã xin lỗi.

Ngày 20-2 vừa qua, ông Kagoike trả lời phỏng vấn kênh radioTBS, nói ông chẳng làm gì sai phạm: “Tôi cho rằng giới truyền thông không bảo thủ và thế lực chính trị thù địch đang toan tính bóp nát kế hoạch của trường là đề cao sự tôn trọng truyền thống, lịch sử”.

Bà Abe đồng ý trở thành “hiệu trưởng danh dự” của Trường “Đất Lúa” sau một chuyến thăm nhà trẻ Tsukamoto được truyền hình trực tiếp hồi tháng 5-2015.  Bà Abe cũng đã phát biểu trước phụ huynh: “Chồng tôi cũng nghĩ chủ trương giáo dục ở đây tuyệt vời”. Trong một thông điệp viết trên trang web của trường, bà Abe khẳng định bà rất ấn tượng với “đam mê giáo dục” của ông Kagoike, và tinh thần giáo dục của trường nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc và rèn luyện tính kỷ luật mạnh mẽ cho trẻ em, thông qua môn đạo đức.

Thông điệp này cùng hình ảnh của bà đã được rút xuống hôm 23-2.

Ðệ nhất phu nhân thành “biển quảng cáo”

Theo báo Guardian, Thủ tướng Abe đã báo cáo Quốc hội Nhật hôm 24-2 rằng vợ ông đã rút khỏi chức danh trên. Và cho biết vợ chồng ông đã nói chuyện với nhau “sau những diễn biến xung quanh vụ việc”, và vợ ông không thể làm gì khác hơn là chấp nhận chức danh “hiệu trưởng danh dự” sau khi việc chọn bà giữ vai trò này đã được thông báo trước mặt phụ huynh học sinh.

Ông Abe nói: “Dù vậy, vợ tôi quyết định sẽ là sự thiệt thòi cho học sinh và phụ huynh nếu vợ tôi tiếp tục giữ vai trò đó, và vợ tôi đã nói với họ rằng bà ấy sẽ từ chức. Sự thực là trên trang web của trường có ghi chức danh của vợ tôi là hiệu trưởng danh dự, nhưng theo yêu cầu của bà ấy, nó đã được rút đi”. 

Ông Abe cũng gởi lời phản đối việc trường sử dụng tên của ông, khi Công ty Moritomo đi xin tiền để xây Trường tiểu học Tôn vinh Abe Shinzo. Sau đó, trường đổi  tên thành Trường tiểu học “Đất Lúa”.

Ông Abe nói vợ chồng ông không hề tác động đến vụ mua đất công giá rẻ.  Ông báo cáo với Quốc hội Nhật rằng ông sẵn sàng từ chức Thủ tướng và chức nghị sĩ, nếu như có chứng cứ rằng vợ chồng ông có liên quan đến vụ việc trên.

Vụ tai tiếng mua đất giá rẻ  bùng nổ ở kỳ họp Quốc hội Nhật, các nghị sĩ phe đối lập đã triệu tập các quan chức Bộ Giáo dục và Bộ Tài chính để yêu cầu họ giải trình vì sao trường được mua đất giá rẻ.

Nghị sĩ Masato Imai (đảng Dân chủ, đối lập) nói với các nhà báo rằng  vụ mua bán đất này đã và đang được điều tra làm rõ. Bà Masato nói: “Với chức danh hiệu trưởng danh dự, bà Abe là “biển quảng cáo” cho một ngôi trường có nhiều vấn đề. Chúng tôi nghĩ bà ấy lẽ ra phải gánh một phần trách nhiệm gián tiếp, nếu không là trực tiếp”.  

Nobutaka Sagawa, một quan chức Bộ Tài chính phụ trách giám sát mua bán đất công, báo cáo trước Quốc hội Nhật rằng đã phát hiện rác thải công nghiệp trên khu đất, sau khi định giá bán và đã khấu trừ chi phí làm sạch. Ông này nói không hề có sự can thiệp chính trị vào trong tiến trình mua - bán.

Các quan chức nói việc dọn dẹp rác thải không phải là bắt buộc, và họ không thể xác định trường đã tiến hành dọn dẹp rác thải hay chưa. 

Trong một tuyên bố, Ban giám hiệu trường nói họ không hề hưởng một sự ưu ái nào, và họ đã phải chi hàng triệu yen để dọn dẹp rác rưởi khỏi lô đất.

Chờ xem thái độ của

người dân

Dù vụ này không đe dọa chính phủ Abe, nhưng một hợp đồng mua bán đất công có vẻ ưu đãi Công ty giáo dục Morimoto Gagkuen (nơi bị chỉ trích theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan) có thể làm ông Abe mất uy tín. 

Ông Abe từng đột ngột từ chức Thủ tướng Nhật (2006-2007) với lý do bị bệnh, nhưng cũng vì chính phủ của ông vướng nhiều tai tiếng. Trong lần thứ hai làm Thủ tướng Nhật, ông Abe đã giảm bớt sự thể hiện tinh thần dân tộc chủ nghĩa, nỗ lực hướng sự chú ý vào kinh tế.

Nhà phân tích chính trị Matatoshi Honda và là giáo sư Đại học Kinjo, nói: “Đấy là tai tiếng đầu tiên chạm đến cá nhân ông Abe trong 4 năm qua. Đây sẽ là một thách thức lớn. Do ông ấy có liên quan với trường, có khả năng ai đó muốn được hưởng ơn mưa móc. Vấn đề chính là người dân sẽ cảm nhận thế nào về vụ này”.

Ông Abe hiện có tỉ lệ được tín nhiệm cao (58%) trong các cuộc thăm dò dư luận, điều cực hiếm xảy ra với một lãnh đạo Nhật sau 4 năm giữ chức. Một điều giúp ông Abe được tín nhiệm cao, là ông tránh có những tuyên bố thể hiện dân tộc chủ nghĩa vốn từng gây rắc rối cho ông trước đây.Ví dụ từ năm 2013, ông Abe tránh viếng Đền Yasukuni, nơi tưởng niệm các tội phạm chiến tranh.

Ðệ nhất phu nhân không ngại chất vấn Thủ tướng

Vụ bà Abe làm “hiệu trưởng danh dự” không làm bà bị mất uy tín nhiều, vì bà tỏ ra là người ủng hộ những tư tưởng tự do. Như năm 2014, bà tham dự một sự kiện dành cho cộng đồng đồng tính giới. Bà rất ngưỡng mộ văn hóa Hàn Quốc. Và bà cũng muốn có mối quan hệ tốt với nhân dân Trung Quốc, bất chấp việc Nhật - Trung đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Bà Abe đã không ngần ngại chất vấn chính phủ của chồng bà, về quyết định xây hàng trăm dặm tường đê chắn biển, nhằm bảo vệ vùng duyên hải nước Nhật khỏi những cơn sóng thần. Năm 2013,  bà Abe đã từng phản đối điện hạt nhân, và bà muốn chính phủ của chồng bà không nên xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân ra nước ngoài. Bà Abe nói: “Tôi cảm thấy tồi tệ khi Nhật bán công nghệ này cho nước ngoài và tôi phản đối điện hạt nhân. Tôi thừa nhận công nghệ này quan trọng đối với Nhật. Nhưng tôi nghĩ Nhật nên sử dụng một phần ngân sách dành cho điện hạt nhân để phát triển các loại năng lượng sạch và xuất khẩu công nghệ năng lượng sạch của Nhật”.

Điện hạt nhân là một vấn đề nhạy cảm tại Nhật, kể từ sau trận động đất - sóng thần ngày 11-3-2011 đã khiến Nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị thiệt hại nghiêm trọng, dẫn đến rò rỉ phóng xạ, được giới truyền thông quốc tế gọi là “thảm họa hạt nhân” trong vòng 25 năm qua. Nhật hiện có 50 lò phản ứng để sản xuất điện hạt nhân.

Chính phủ Nhật đã lên kế hoạch tăng gấp 3 lần xuất khẩu công nghệ xây dựng hạ tầng, lên đến 300 tỉ USD/năm, gồm xuất khẩu công nghệ lò phản ứng hạt nhân nhằm tăng cường phát triển kinh tế.

Phúc Hy (theo Guardian)
.
.
.