Chủ động quản lý để không phải đi tìm người nhiễm COVID-19

Thứ Ba, 31/03/2020, 14:45
“Lựa chọn sẵn sàng cán bộ, chiến sỹ (CBCS) dự kiến trưng dụng làm nhiệm vụ tại các khu vực, vùng cách ly và tham gia thực hiện các nhiệm vụ khác có tiếp xúc với người nhiễm, nghi nhiễm bệnh; chọn CBCS trẻ chưa xây dựng gia đình, có điều kiện làm nhiệm vụ đơn tuyến, lâu dài.


Quán triệt số CBCS được chọn chuẩn bị sẵn sàng đồ dùng cá nhân ở cơ quan để thực hiện nhiệm vụ ngay khi có yêu cầu...”, 2h sáng, Zalo của các thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Công an tỉnh Hải Dương đồng loạt nhận tin nhắn của Đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an tỉnh.

Tương tác Zalo, xử lý nóng các vụ việc trong ngày

Từ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Zalo đã trở thành kênh liên lạc thường xuyên của Đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương và các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Công an tỉnh. Bất kể giờ giấc, các thông tin về tình hình dịch bệnh, những vấn đề cần triển khai trong ngày đều được Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo trực tiếp các đơn vị. Khi có Giám đốc sát sao, CBCS cũng cảm thấy hào hứng và thấy được sức nóng của công việc...

Đại tá Lê Ngọc Châu (thứ 5 từ trái qua) quán triệt CBCS làm nhiệm vụ tại khu cách ly.

Đại tá Lê Ngọc Châu cho biết vào thời điểm dịch bệnh bùng phát, việc phát hiện và cách ly kịp thời đang là giải pháp tốt nhất trong công tác phòng, chống dịch, đây là trách nhiệm của nhiều lực lượng, trong đó có Công an. Nếu người từ vùng dịch trở về được phát hiện càng nhanh thì nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng càng giảm.

Vậy làm thế nào để chủ động phòng, chống dịch; không phải chạy theo các chuyến bay để tìm diệt COVID-19 để chính quyền địa phương và và nhân dân vững tâm hơn trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19?  Để công tác chỉ đạo được nhanh nhất, một nhóm Zalo với sự kết nối các thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của Công an tỉnh Hải Dương gồm các đồng chí trong Ban Giám đốc Công tỉnh, các Trưởng phòng và trưởng Công an các huyện đã nhanh chóng được lập.

Như một cuộc giao ban trực tuyến, sự tương tác đã có ngay tức thời. Đơn vị, địa phương nào gặp khó khăn, vướng mắc trong chỉ đạo, ngay lập tức có ý kiến giải đáp từ cách thức triển khai. Sự vào cuộc nhiệt tình của người đứng đầu Công an tỉnh khiến các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cũng không thể đứng ở ngoài cuộc.

Công an tỉnh Hải Dương “rà từng ngõ, gõ từng nhà”.

Tại đây, những ý tưởng của các thành viên Ban phòng, chống dịch được chia sẻ công khai. Từ đó, chỉ ra những mặt đã làm được và các vấn đề còn tồn tại. Nhiều giải pháp tích cực trong việc chủ động nắm tình hình, nắm người, nắm hộ; ngăn chặn sự lây lan của cộng đồng đã được đưa ra kịp thời.

Sự đồng hành và sát sao của người đứng đầu đơn vị đã truyền nhiệt huyết xuống từng cán bộ, chiến sỹ. Trước đây, anh em tiếp nhận qua công văn, giấy tờ có thể trong vài ngày nhưng giờ chỉ trong vài giây. Trong tình huống cấp bách của dịch bệnh, mỗi phút chậm chễ có thể phải trả bằng một cái giá rất đắt.

Vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo tốt an ninh trật tự địa bàn

Một trong những điểm nhấn nổi bật của Công an tỉnh Hải Dương trong việc phòng, chống dịch COVID-19 là việc chủ động rà soát, quản lý chặt người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh vào địa bàn từ rất sớm.

Ngay khi có dịch COVID-19, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Công an tỉnh Hải Dương đã tham mưu với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, rà soát số người nước ngoài đến lao động và làm việc trên địa bàn; người Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài và khu vực có dịch trong nước; các tổ chức, doanh nghiệp, chuẩn bị có người từ nước ngoài về Việt Nam...

Vì thế, khi người nước ngoài về nước, Công an và chính quyền địa phương đã chủ động phát hiện, có kế hoạch đón tiếp và cách ly y tế theo đúng quy định, tránh sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Với số công dân trên địa bàn đang làm việc tại nước ngoài và các khu cách ly có dịch trong nước, Ban Chỉ đạo đã vận động họ không về địa phương trong giai đoạn này. Nếu bắt buộc về thì phải khai báo trước về lịch sử dịch tễ và địa chỉ nơi đến để quản lý, cách ly, theo dõi và phòng ngừa...

Để quản lý chặt địa bàn, phải kể đến vai trò quan trọng của lực lượng Công an chính quy tăng sau khi được tăng cường 100% về cơ sở và vai trò của các Cảnh sát khu vực trong các khu dân cư. Những cánh tay nối dài tại cơ sở đã phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc vận động người dân hiểu rõ, tham gia phòng, chống dịch; không đưa tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh, khu cách ly.

Vụ việc mới đây tại xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện (Hải Dương) đã chứng minh điều đó. Ngày 9/3, 5 người, trong đó có 1 công dân quốc tịch Việt Nam là Phạm Công V (SN 1982) và 4 công dân quốc tịch Anh từ Anh về thăm bố bị ốm ở thôn Tiêu Sơn, xã Thanh Giang. Ngay khi trường hợp anh V về nhà, Công an xã Thanh Giang phối hợp với đoàn thể đã yêu cầu công dân từ Anh về địa phương xuất trình giấy tờ cần thiết cho lực lượng chức năng gồm hộ chiếu, cuống vé máy bay, giấy chứng thực kiểm tra y tế tại sân bay.

Đoàn công tác sau đó đã lập biên bản, ký cam kết, lập danh sách những người đã tiếp xúc từ lúc nhập cảnh vào Việt Nam. Các công dân đã xuất trình giấy tờ theo yêu cầu và khai báo đầy đủ các nội dung đoàn công tác yêu cầu.

Công an tỉnh Hải Dương phát khẩu trang miễn phí cho người dân.

Ngày 13/3, Công an xã nhận được thông báo chuyến máy bay số hiệu VN 0054 bay từ Anh hạ cánh xuống sân bay Nội Bài ngày 9/3 có người trên chuyến bay bị nhiễm COVID-19. Lập tức Công an xã đã tham mưu với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của xã Thanh Giang báo cáo Ban Chỉ đạo huyện về việc trên và đề nghị đưa cách ly 5 công dân này và tiến hành điều tra số người đã tiếp xúc (F2, F3) với 5 công dân trên.

Tối 18/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của xã Thanh Giang nhận được thông báo cháu Phạm Việt So N dương tính với COVID-19 đã xin ý kiến Ban Chỉ đạo đưa đi cách ly... Ngay trong đêm, rạng sáng 19/3 đã nhanh chóng xác định và đưa đi cách ly 45 trường hợp là F0 và F1 tiếp xúc với Phạm Việt So N tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện...

Do nắm chắc địa bàn nên Công an tỉnh Hải Dương đã phát hiện sớm các đối tượng thuộc diện cách ly; quản lý chặt người nước ngoài vào Hải Dương, người ở lại Hải Dương trước Tết Nguyên đán với số lượng khoảng 700 người...

Người di chuyển khỏi Hải Dương dịp Tết Nguyên đán khoảng với 1.300 người, cũng được lập danh sách, tên, tuổi nơi đến, nơi đi kể cả thường trú trong khu công nghiệp và bên ngoài với phương châm đi từng ngõ, ngõ từng nhà. Trước thời điểm có lệnh cấm bay, thông tin chủ yếu cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an chuyển về.

Để chủ động phòng ngừa, đơn vị đã trực tiếp liên hệ lấy số liệu khi có thông tin, báo cáo liên quan đến người của tỉnh Hải Dương thì nhanh chóng vào cuộc, bất kể thời gian nào để săn máy bay, diệt COVID-19... Từ đó, đã chủ động trong việc rà soát, cách ly và tham mưu với Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Hải Dương nhiều giải pháp quan trọng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Cùng với công tác quản lý tốt người Việt Nam và người nước ngoài đến từ các nước và vùng có dịch đã đẩy mạnh đấu tranh với các đối tượng lợi dụng không gian mạng, gây tâm lý hoang mang, trong cộng đồng. Công an tỉnh Hải Dương đã xử lý  hành chính 14 trường hợp, trong đó 12 trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh COVID-19, công dụng của “thẻ chống virus Corona”; 2 trường hợp đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Xác minh, truy tìm 1 trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh COVID-19, đã yêu cầu gỡ bỏ bài viết (do hiện nay đang sống tại nước ngoài). Tính đến ngày 18/3 đã chia sẻ 163 bài viết tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19; viết 31 bài, trong đó 20 bài đăng trên trang Fanpage Góc nhìn Thành Đông, 5 bài đăng trên Fanpage Kim Thành Kết Nối.

Xuân Mai
.
.
.