Chống tha hoá quyền lực từ những vụ án lớn

Thứ Bảy, 04/01/2020, 13:33
Sáng 2-1, Toà án nhân dân TP Hà Nội đã đưa vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí và Vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Đà Nẵng ra xét xử theo trình tự sơ thẩm.


21 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011; Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2011-2014; Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 và 17 người khác.

21 bị cáo trong vụ án này có liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra ở 21 bất động sản là công sản đã được Phan Văn Anh Vũ cấu kết với các bị cáo khác để mua giá rẻ. Hậu quả, số tiền nhà nước bị thiệt hại là hơn 22.000 tỉ đồng, riêng dự án 29ha Khu đô thị quốc tế Đa Phước, số tiền Nhà nước bị thiệt hại là trên 11.200 tỉ đồng.

Trước đó, cuối tháng 12-2019, Toà án nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã xét xử Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh), Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường) cùng 3 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Theo cáo trạng, ông Nguyễn Hữu Tín được phân công phụ trách lĩnh vực xây dựng, quản lý đất đai môi trường giai đoạn 2011-2016. Biết khu đất số 15 Thi Sách (quận 1, TP.Hồ Chí Minh) là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, việc tham mưu, sắp xếp thuộc Ban chỉ đạo 09 thuộc Sở Tài chính. Tuy nhiên, ông Tín vẫn giao 2.300 m2 khu đất này cho Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 của Vũ "Nhôm" thuê trong 50 năm để xây dựng khu phức hợp thương mại, dịch vụ, căn hộ.

Các ông Lê Văn Thanh, Nguyễn Thanh Chương, Trương Văn Út, Đào Anh Kiệt đã tham mưu cho ông Tín ký ban hành chủ trương, quyết định cho thuê đất, bán chỉ định nhà và khấu trừ tiền thuê đất đối với nhà đất số 15 Thi Sách trái quy định. Với sai phạm này, ông Tín tạo điều kiện cho công ty của Vũ "Nhôm" chiếm đoạt hơn 6,7 tỷ đồng được hỗ trợ sai quy định pháp luật và 802 tỷ đồng giá trị sử dụng đất (tính đến thời điểm khởi tố vụ án ngày 17-9-2018)...

Nhưng đây chỉ là hai trong số nhiều vụ án lớn gần đây đã và đang chuẩn bị đưa ra xét xử. Điểm chung trong các vụ án này là Nhà nước đều bị thiệt hại từ hàng trăm tỷ đồng tới hàng nghìn tỷ đồng do mối "liên kết ma quỷ" giữa các chủ doanh nghiệp và cán bộ.

Lâu nay, dư luận vẫn đặt câu hỏi vì sao một số doanh nghiệp lại luôn nhận được những mảnh “đất kim cương”, những dự án nghìn tỷ, đã có nhiều lời đồn đoán vì những chuyện đằng sau những thương vụ nghìn tỷ này. Chỉ tới khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, những nghi ngờ ấy mới có câu trả lời chính xác, đó đều bắt nguồn từ sự tha hoá của những cán bộ có chức quyền.

Khi vụ án Công ty Mobifone mua cổ phần Công ty AVG được đưa ra xét xử, người dân choáng váng khi cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thừa nhận đã nhận 3 triệu USD của Phạm Nhật Vũ sau khi quyết liệt chỉ đạo thương vụ này; cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận 200.000 USD của Vũ sau khi hạ bút ký. Dư luận choáng váng không chỉ về số tiền mà những cựu quan chức này nhận hối lộ mà còn là khi đương chức, những người này vẫn thường rao giảng đạo đức, thậm chí còn viết sách về đạo đức cán bộ.

Thực tế, những vụ án lớn thời gian qua cho thấy đều bắt nguồn từ sự tha hóa quyền lực của một bộ phận cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Hầu hết sai phạm đều có liên quan đến cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn trong việc quyết định chủ trương, chính sách, cấp phép, cấp vốn, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ…

Sự tha hóa quyền lực đã gây tác hại cho xã hội và ảnh hưởng xấu đến uy tín, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của đảng cầm quyền và sự quản lý của Nhà nước. Vì vậy chống tha hoá quyền lực trở thành mệnh lệnh từ cuộc sống

Nói về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đây là cuộc đấu tranh với chính đồng chí mình, rất gian khổ, lâu dài, phải kiên quyết và kiên trì; không chỉ kêu gọi suông, giáo dục tư tưởng suông. Phải bằng luật pháp.

"Quân pháp bất vị thân" là nguyên tắc luôn được các nhà nước pháp quyền đề cao. Vì thế những vụ án này sẽ là bài học cảnh tỉnh cho những người còn có tư tưởng "Vinh thân, phì gia".

Tân Lương
.
.
.