Cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp: Cần thiết nhưng phải có giới hạn

Thứ Tư, 23/09/2020, 18:27
Bộ Giáo dục – Đào tạo vừa ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Đáng chú ý, một trong những điểm mới được quy định là cho phép học sinh dùng điện thoại trong giờ học nhưng chỉ phục vụ học tập đang thu hút được rất nhiều ý kiến của dư luận.


Phù hợp với thời đại 4.0

Chị Lê Thị Thi (một phụ huynh có con học cấp 2 tại quận Hà Đông) chia sẻ: “Thực tế thì đã có rất nhiều học sinh được bố mẹ trang bị điện thoại thông minh để liên lạc. Việc dạy và học vẫn không có gì ảnh hưởng cả. Cá biệt có học sinh dùng điện thoại trong giờ học, giáo viên nhắc nhở, nếu tiếp tục sử dụng giáo viên có thể tạm giữ. 

Theo tôi thì kết quả cuối cùng vẫn là thành tích học tập của các con. Trong Thông tư 32, Bộ Giáo dục và Đào tạ cho phép học sinh “sử dụng điện thoại di động”, kèm theo “phải được giáo viên đồng ý”. Như vậy, giáo viên và phụ huynh vẫn không có gì phải lo ngại. Bởi, trên lớp quyền vẫn thuộc về giáo viên”.

Anh Lê Văn Toàn, 42 tuổi (phường Phú La, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Bản thân tôi lại rất ủng hộ việc học sinh có thể dùng điện thoại thông minh khi đến trường. Thứ nhất là việc liên lạc, thay vì trước đó phải phấp phỏng khi thấy con về muộn mà không biết con đang đi đâu, làm gì, có chuyện gì xảy ra với con hay không thì sắp tới tôi đã có thể liên hệ với con ngay. 

Thứ 2, bây giờ là thời đại 4.0, chúng ta phải thừa nhận những phát triển vượt bậc về công nghệ, vậy thì tại sao lại không áp dụng những công nghệ ấy vào việc học tập của học sinh. Nếu như trước kia làm bài kiểm tra các em sẽ phải viết ra giấy, làm xong cô lại thu mang về chấm thì nay có thể áp dụng các ứng dụng công nghệ để làm luôn trên máy. Như vậy có phải tiện ích hơn rất nhiều. Thời gian chép đề hay thu bài sẽ bớt lại, điều đó đồng nghĩa với việc thời gian giảng bài sẽ nhiều hơn lên”.

“Theo tôi thì giáo viên cho phép học sinh sử dụng lúc cần thiết, còn thực tế nhiều năm nay điện thoại thông minh vẫn nằm trong cặp của học sinh nhưng chỉ có tác dụng liên lạc với người thân. Việc sử dụng nhiều phương tiện, nhiều kênh nghe nhìn đúng lúc, đúng chỗ, giờ dạy - học sẽ hấp dẫn hơn”, chị Nguyễn Bình (phụ huynh học sinh khu khu vực quận Cầu Giấy) cho hay.

Nhiều người lo ngại việc cho học sinh sử dụng điện thoại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Rõ ràng, với việc mỗi học sinh có trong tay một chiếc điện thoại smartphone, các em sẽ có thêm một phương tiện hiện đại cho việc dạy – học. Giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh cách đọc, cách tìm hiểu, sàng lọc kiến thức, đánh giá, phân tích lý giải mà học sinh tìm kiếm được. Nhiều ý kiến cho rằng, việc này sẽ kích thích khả năng sáng tạo của các em học sinh. Khi đó giáo viên sẽ trở thành người tổ chức và hướng dẫn học sinh, giải đáp thắc mắc của các em. 

Bên cạnh đó, nhiều người còn cho rằng khi học sinh có phương tiện hiện đại, được giáo viên hướng dẫn sẽ nắm được cách học: Nên đọc, học cái gì, ở đâu, cách tìm nguồn tin thật, giả thế nào. Không những vậy, khi học sinh có smartphone trong tay, thầy cô cũng có thể tự kiểm tra được mình giảng đúng hay sai.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, quy định này để hỗ trợ trong trường hợp học sinh cần truy cứu, tìm những nguồn học liệu để hỗ trợ cho bài học khi được sự cho phép của giáo viên. 

“Theo Thông tư 12 trước đây, hành vi học sinh không được làm là “sử dụng điện thoại di động trong giờ học”. Tức là cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại trong giờ học, đã vào lớp học là không được dùng điện thoại. Như vậy, thông tư mới sẽ áp dụng từ ngày 1/11 tới đây là chỉ cấm việc sử dụng mà không phục vụ cho việc học tập và việc sử dụng sẽ có sự quản lý của giáo viên”, ông Thành chia sẻ.

Cũng theo ông Thành thì việc giáo viên cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh cho mục đích học tập cũng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, khi cần, sau đó phải dừng lại chứ không thể có chuyện sử dụng điện thoại xuyên suốt giờ học. Có thể hiểu rằng, Bộ GD&ĐT không cấm dùng điện thoại trong lớp nhưng cũng không có nghĩa là được dùng một cách thoải mái, không có sự kiểm soát. 

Nhiều ý kiến cho rằng, mạng internet là một kho tàng kiến thức rộng lớn của nhân loại. Để có được điều này chính là nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật – công nghệ mà nhân loại tốn rất nhiều thời gian, chất xám. Chính vì điều này, không nên cấm đoán học sinh khai thác nguồn tài nguyên tri thức của nhân loại. Việc cấm đoán chính là biểu hiện của sự bảo thủ, lạc hậu, đi ngược lại xu thế, tự đóng cửa tương lai của mình, tương lai của thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT).

Vẫn còn nhiều e ngại

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến hưởng ứng với Thông tư 32, thì không chỉ phụ huynh, các thầy cô giáo vẫn có những e ngại nhất định. Việc học sinh sử dụng điện thoại có thể sẽ khiến các em mất tập trung, phân tán tư tưởng. Nếu tính cả thời gian trên lớp và ở nhà, nhiều em có thể dùng đến hơn 10 tiếng. Điều này lại có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các em.

Mối lo ngại lớn nhất của các bậc phụ huynh chính là việc các em không tự chọn lọc được thông tin. Có thể các em vô tình tiếp cận với những thông tin không phù hợp. Thực tế trên mạng Internet có rất nhiều thông tin “thượng vàng hạ cám”, thậm chí các em còn dùng điện thoại để tiếp cận các hình ảnh khiêu dâm trong giờ học.

Nói về mối lo ngại này, chị Nguyễn Thị Dung (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng: “Việc mang điện thoại thông minh đến trường thực sự là mối nguy hại không lường trước được. Nhà trường và thầy cô có dám chắc chắn việc sử dụng điện thoại của các con là đúng mục đích không? Khi được công khai dùng điện thoại thông minh, nhiều học sinh sẽ dùng nó để chát chít, để xem youtube và thậm chí là xem những hình ảnh nhạy cảm. 

Một lớp thường rất đông học sinh, thầy cô sẽ không thể nào kiểm soát hết được. Rất có thể trên bục giảng thầy giảng là việc của thầy còn ở dưới học sinh đang còn bận tập trung vào smartphone. Như vậy thì chỉ nhìn thoáng qua thôi cũng đủ thấy việc cho học sinh mang điện thoại thông minh đến trường nó “lợi bất cấp hại” như thế nào”.

Cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp để đạt hiệu quả thì vai trò của thầy giáo là rất lớn.

Việc cho học sinh sử dụng điện thoại lại là một thử thách không hề nhỏ với chính giáo viên. Từ việc tổ chức cho đến giám sát, kiểm tra hoạt động của học sinh, thậm chí ngoài lớp. Là một giáo viên có gần 20 năm trong nghề, cô Nguyễn Thùy Linh (giáo viên dạy Văn, huyện Thanh Oai) cho rằng, nhiệm vụ của học sinh khi đến lớp là nghe giảng. Việc sử dụng điện thoại trong giờ có nhiều khả năng khiến học sinh chểnh mảng học tập, đồng thời gây ảnh hưởng đến các bạn xung quanh và thầy cô.  

“Theo tôi, không nên cho người học sử dụng điện thoại trong lớp. Đừng làm khó thêm cho thầy cô. Thầy cô không làm “thẩm phán” trong việc phán xét học sinh có sử dụng điện thoại vào mục đích học tập hay không. Họ đã có quá nhiều nhiệm vụ và áp lực rồi” - cô Linh bày tỏ quan điểm.

Nói về vấn đề này, ông Thành cho rằng: “Đây chính là phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực giáo viên, phải sử dụng để đáp ứng yêu cầu dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh mà Bộ GD & ĐT đã hướng dẫn nhiều năm qua. Căn cứ từng bài học cụ thể, nếu thấy không nhất thiết cần đến điện thoại, thầy cô không việc gì phải cho học sinh dùng cả. 

Tôi mong muốn thầy, cô giáo, học sinh, các bậc cha mẹ học sinh và toàn xã hội hiểu đúng về quy định của bộ: Học sinh không được sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Phong Anh
.
.
.