Cho người lầm lỡ điểm tựa để làm lại cuộc đời
Để phạm nhân yên tâm cải tạo
Nhìn vẻ bề ngoài hiền khô, không ai nghĩ phạm nhân Nguyễn Thế Quảng (quê ở phường Quảng Yên - thị xã Quảng Yên - Quảng Ninh) lại từng có lúc cầm đầu hàng trăm đàn em làm bốc vác thuê, buôn lậu, cưỡng đoạt tài sản tại Móng Cái (Quảng Ninh).
Quảng không chỉ nổi tiếng "rắn mặt" ở bên ngoài, mà khi bị kết án hơn 5 năm tù, cải tạo tại Trại giam Quảng Ninh (đóng trên địa bàn xã Hồng Thái Đông, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh), anh ta cũng nóng nảy, cậy có võ nghệ khiến mấy trăm phạm nhân khác phải răm rắp nghe lời.
Chuyện là, năm 21 tuổi Quảng ra Móng Cái làm ăn. Để các nhóm khác đỡ bắt nạt, dành địa bàn làm ăn, Quảng đã kết hợp với hàng trăm người khác.
Quảng kể rằng, ngày đó thuyền nhỏ đi lại trên sông Ka Long, chảy qua thị xã Móng Cái khá đông nhưng không có quy định thu tiền đỗ, còn nhóm của Quảng đã ép thu 20 nghìn đồng/thuyền.
Nhóm của Quảng sẵn sàng đánh dằn mặt những ai không chịu nghe. Người chân yếu tay mềm thì răm rắp làm theo. Sau khi tổ chức cưỡng ép các tàu thuyền lấy tiền được mấy tháng, nhóm sáu người bị bắt tại trận, mỗi người chịu mức án 5 năm tù.
Những tưởng Quảng sẽ yên tâm cải tạo, bớt tính hung hăng, đánh đập người khác, nào ngờ, sau khi nhập trại được ít tháng, Quảng lại đánh một phạm nhân khác khiến anh này nhập viện mấy ngày thì tử vong. Quảng bị phạt thêm 14 năm tù.
Trung tá Nguyễn Như Ngọc, Phó giám thị Trại giam Quảng Ninh, tâm sự: "Sau khi chịu thêm mức án, phạm nhân Quảng rất ân hận. Được anh em chúng tôi tạo điều kiện, động viên về tư tưởng, anh Quảng đã an tâm cải tạo và đến nay phát huy rất tốt khả năng văn nghệ. Chúng tôi bầu anh ấy làm Đội trưởng Đội văn nghệ trại giam và thường tổ chức giao lưu, ca hát, tổ chức thi với các trại giam khác".
Tập văn nghệ trong Trại giam Quảng Ninh. |
Cũng là phạm nhân có nhiều tiền án, đang cải tạo tại Trại giam Quảng Ninh, phạm nhân Lê Minh Chiến (43 tuổi) được mệnh là người "bận đi tù" nên không có thời gian lấy vợ.
Năm 1996 Chiến ăn trộm mỏ neo tàu, bị phạt 3,5 năm tù, rồi lại đánh nhau, bị phạt thêm một năm nữa. Khi ra trại được một thời gian, năm 2001 Chiến đi làm than lại phạm tội đánh chết người và bị phạt 30 năm tù.
"Tôi vào trại, cứ nhấp nhổm chạy trốn. Tôi biết là không trốn được. Rồi tôi được các cán bộ động viên nên đã ăn năn và cải tạo tốt. Tôi được giảm án ba lần rồi. Còn 11 năm nữa thôi. Quãng thời gian ấy không dài lắm, anh nhỉ?", Chiến bộc bạch.
Một trường hợp khác là phạm nhân Phạm Minh Công (23 tuổi) đang chấp hành án tại Trại giam số 3 (đóng tại huyện Tân Kỳ - Nghệ An) đã nổi thói côn đồ, dùng vũ lực đòi chuyển trại giam.
Ngày 25-4-2017, khi Trung úy Nguyễn Thị Dung, công tác tại Bệnh xá Trại giam số 3 vừa đến phòng làm việc thì Công lao đến, dùng nửa chiếc dao lam gí vào cổ khống chế, sau đó di chuyển về trước cửa phòng nhà vệ sinh của bệnh xá cố thủ và đòi đổi trại giam.
Một số phạm nhân nghe tiếng chạy đến giải cứu an toàn cho Trung úy Dung. Trước đó, Công từng khống chế một nữ cán bộ để hạch sách, từng đánh một bạn tù và bị phạt thêm ba năm tù giam.
Đại tá Phan Đình Thành, Giám thị Trại giam số 3 cho biết: "Đặc thù của Trại giam số 3 là chỉ có phạm nhân nam, người mang nhiều tiền án, án từ 10 năm đến chung thân chiếm đa số nên thi thoảng một số phạm nhân có biểu hiện tiêu cực.
Trước đây một số phạm nhân đã phải chuyển đến ba trại giam, án chồng án nhưng vẫn chưa chịu yên tâm cải tạo. Tuy nhiên, ngày nay tâm tư của các phạm nhân đều được Ban Giám thị nắm bắt kịp thời, giúp đỡ họ an tâm cải tạo".
Chia sẻ về điều này, Trung tá Cao Văn Tâm, Giám thị Trại giam Quảng Ninh cho biết: "Tính đến nay trại có hơn 2.500 phạm nhân. Chúng tôi cũng căng mình, phát hiện, ngăn chặn các hành vi chống phá trốn trại. Chúng tôi nói với các phạm nhân là không trốn được đâu, trốn sẽ bị bắt lại và tội sẽ nặng hơn. Bởi vậy hãy yên tâm chấp hành.
Ngoài ra chúng tôi cũng phát động các cuộc thi đua trong chính các phạm nhân, giúp họ nhận thức về nghĩa vụ của mình. Ai chấp hành tốt thì xếp loại tốt. Đó cũng là "điểm" để họ được giảm án, chờ hưởng sự khoan hồng của pháp luật và mở ra cơ hội hòa nhập với cộng đồng sau này".
Cứu mình và giúp đời
Chứng kiến Hội thi "Tiếng hát tình đời" diễn ra vào đầu tháng 9-2016, tại Trại giam Hoàng Tiến, tôi cảm nhận rõ tiếng hát đang khơi dậy lòng thiện từ chính các phạm nhân. Những diễn viên đặc biệt này đã thật sự lột xác, với những bộ trang phục biểu diễn trên sân khấu. Họ đã diễn hết mình và khiến những người chứng kiến xúc động.
Tham gia Hội thi tại cụm, có gần 130 diễn viên không chuyên là các phạm nhân cùng sự hỗ trợ của cán bộ cụm trại giam số 2 gồm: Trại giam Hoàng Tiến, Trại giam Xuân Nguyên, Trại giam Nam Hà, Trại giam Quảng Ninh, Trại giam Ngọc Lý, Trại giam Thanh Xuân, Trại giam Suối Hai.
Chia sẻ nỗi niềm, Phạm nhân Phùng Trọng Tài (Trại giam Nam Hà), cho hay: Diễn viên được chở đến Hội diễn, ở đó các phạm nhân đã thể hiện được khát vọng và rất tự tin. Nếu sau nay ra đời cũng được tự tin và đón nhận, thì các phạm nhân có cơ hội làm lại cuộc đời".
Tham gia vở kịch "Vết trượt", phạm nhân Nguyễn Thị Hồng, 33 tuổi, trú tại Mạo Khê (Quảng Ninh), đang cải tạo tại Trại giam Hoàng Tiến từng là cán bộ của ngành than, phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, án 4 năm. Chị từng có thời gian học ba năm tại trường Cao đẳng Văn hóa - nghệ thuật Quảng Ninh nên có khả năng diễn xuất tốt.
Kết thúc, vở kịch của Hồng có đoạn thoại: "Đã có lúc, mẹ đã sợ trời mưa. Nhưng nếu chúng ta cứ sợ trời mưa thì làm sao thấy được những ngày nắng đẹp đúng không con?". Đó cũng là tâm sự nữ phạm nhân này gửi gắm với mọi người, nếu đã trượt ngã phải nỗ lực đứng lên.
Còn phạm nhân Trần Đình Trọng (quê gốc ở phường Bãi Cháy, Hạ Long), cải tạo tại Trại giam Quảng Ninh đã hóa thân rất tốt vào nhân vật đứa con trong vở kịch "Đứa con lầm lỗi" bởi đứa con đó chính là Trọng - một người từng học giỏi, ngoan ngoãn, là niềm tự hào của gia đình, thầy cô.
Thế nhưng, vì ham chơi, đua đòi, Trọng đã sa ngã. Hậu quả là Trọng phải trả giá 6 năm tù giam cho tội cướp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Vở kịch đã đem lại cho khán giả sự lay động, đã truyền lửa cho các phạm nhân khác trong hành trình vượt qua chính mình.
Các phạm nhân tại Trại giam Hoàng Tiến tích cực lao động. |
Tôi từng thắt lòng khi đến các trại giam và nhận thấy ở đó, hàng trăm bạn trẻ, thậm chí trẻ vị thành niên đang chấp hành án phạt. Ở tuổi này, đáng lẽ họ đang được học hành, lao động, cống hiến.
Nhưng cũng mừng là dù đang đang được cải tạo ở các trại giam thì họ cũng đều được học ở các lớp dạy nghề, hướng nghiệp, đồng thời nhận hàng từ các công ty bên ngoài để sản xuất. Lợi nhuận được lưu ký để sau này ra trại, có thể nhận lại làm vốn liếng.
Mỗi năm, có hàng nghìn phạm nhân chấp hành xong án phạt tù và được đặc xá, trở về đời sống tự do. Thế nhưng không ai thống kê được bao nhiêu người sẽ có việc làm, bao nhiêu phần trăm tái phạm tội.
Để tìm hiểu sâu hơn về công tác cải tạo, giáo dục, tôi đi tìm nhiều nhân vật từng "vào tù ra tội", hiện đã chấp hành xong án phạt, làm làm cuộc đời.
Một trong những điển hình là Nguyễn Văn Thành ở thị trấn Thứa (Lương Tài - Bắc Ninh), hiện đang tổ chức làm trang trại nấm, kết nối với các cơ sở tiêu thụ, giúp bà con trong khu vực thị trấn Thứa có thêm việc làm.
Qua tìm hiểu, năm 2001, Thành bị kết án 15 năm tù giam vì tội buôn bán chất ma túy và chấp hành án phạt tại Trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên). "Khi mới vào trại, tâm trạng tôi rất không tốt bởi mức án dài, không biết đến bao giờ được ra. Nhưng rồi tôi được động viên, tạo điều kiện giúp đỡ và hiểu ra nhiều điều.
Những năm tháng đó, vợ con tôi cũng quan tâm, luôn thăm hỏi, chờ tôi về cùng làm ăn lương thiện. Tôi yêu vợ con và ngày trước phạm tội cũng vì nghĩ là phải làm giàu nhanh chóng.
Năm 2012 tôi được đặc xá và trở về trong vòng tay của gia đình. Đó là một đặc ân lớn. Từ đó vợ chồng tôi thuê đất, cấy lúa, trồng nấm và dần cải thiện kinh tế gia đình", Nguyễn Văn Thành hồi tưởng.
Một tấm gương khác là anh Trần Ngọc Khánh, 42 tuổi, ở tiểu khu 2 - Hát Lót (Mai Sơn, Sơn La), hiện là chủ một trang trại lớn ở Mai Sơn. Khánh từng nghiện ngập, tàng trữ trái pháp chất ma túy và hai lần phải vào trại giam.
Điều đáng mừng là, chị Lô Thị Ngân vợ Khánh đã không bỏ rơi chồng. Ngược lại đã hết lòng thăm nom, vận động anh cải tạo tốt, tránh xa bạn xấu. Năm 2010 mãn hạn tù, Khánh quyết đứng lên bằng việc làm nông nghiệp trên chính quê hương mình.
Nói là làm, bằng sức khỏe bản thân, sự chịu khó của vợ và sự động viên của gia đình, khu dân cư cũng như chính quyền địa phương, Khánh được tạo điều kiện vay vốn làm ăn, được thuê đất mở trang trại và tạo điều kiện về nương rẫy để trồng ngô. Mỗi năm thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Để người chấp hành xong án phạt được tự tin tái hòa nhập cộng đồng, nhiều ý kiến cho rằng vòng tay gia đình và xã hội là vô cùng quan trọng. Chỉ có tình thương, sự sẻ chia, trao cho họ cơ hội thì người được tha tù mới có thể lạc quan lao động, làm người có ích.
Trung tá Nguyễn Như Ngọc, Phó giám thị Trại giam Quảng Ninh nhấn mạnh: "Cái khó là người bình thường còn khó xin việc. Vậy nên, bản thân chủ sử dụng người chấp hành xong án phạt và người hoàn lương phải vượt qua những áp lực lớn, để có thể tương hỗ lẫn nhau".