Chiếc tủ lưu giữ “sự tử tế”

Chủ Nhật, 26/07/2020, 13:38
Hơn 10 năm qua, tại Bến xe Nước Ngầm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn tồn tại chiếc tủ lưu giữ “hành lý, tài sản của khách để quên”. Người ta vẫn hay quen gọi chiếc tủ đó là “Nơi lưu giữ sự tử tế”.

Chiếc tủ này hiện đang được tổ bảo vệ của Bến xe Nước Ngầm trông coi. Có những hành khách khi nhận lại được tài sản bỏ quên đã bật khóc vì xúc động. Cũng có những món đồ đã được lưu giữ trong chiếc tủ này cả thập kỷ nhưng vẫn chưa tìm lại được chủ nhân.

1. Chiếc tủ lưu giữ tài sản, tiền của những hành khách bỏ quên hoặc đánh rơi được đặt ngay lối ra vào dành cho người đi bộ tại khuôn viên Bến xe Nước Ngầm. Phía ngoài chiếc tủ dán dòng chữ to: “Nơi trưng bày hành lý, tài sản của khách để quên”. 

Bên trong đó là rất nhiều vật dụng như: máy ảnh, điện thoại, iPad, túi xách, tiền mặt… Mỗi món đồ đều được dán nhãn và ghi rõ ngày, tháng, năm bị thất lạc để hành khách dễ nhận ra đồ vật của mình. Những món đồ thất lạc được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp và rất khoa học. Cụ thể, chứng minh thư nhân dân sẽ được cột vào thành cọc và đặt ở một góc. Những chiếc hộ chiếu cũng được xếp gọn 1 chỗ hay những chiếc túi xách sẽ được xếp dồn vào một nơi…

Bến xe Nước Ngầm hàng ngày tiếp đón khoảng 500 - 800 lượt xe ra vào, trong đó, có hàng nghìn hành khách, rất nhiều người bỏ quên hay đánh rơi đồ. Nhân viên của bến hoặc hành khách nhặt được thì báo cho tổ bảo vệ của Bến xe. Ngay lập tức sẽ có người báo lên loa phát thanh để người mất đến nhận lại. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp hành khách đã ra khỏi bến nên tài sản sau đó sẽ được cất tại chiếc tủ lưu trữ.

Chiếc tủ lưu giữ tài sản bỏ quên của hành khách tại Bến xe Nước Ngầm.

Mở chiếc tủ để lau dọn những bụi bẩn bám trên thành kính, anh Nguyễn Hà Bắc, nhân viên bảo vệ an ninh trật tự tại Bến xe Nước Ngầm cẩn thận sắp xếp lại những món đồ thất lạc của khách. 

Anh Bắc cho biết, trong quá trình làm việc tại bến xe, hằng ngày có nhiều khách bỏ quên đồ khi vội lên xe hoặc ra về. Qua hệ thống camera an ninh hoặc do nhân viên bến xe, tài xế sau khi phát hiện, các hành lý, tài sản của hành khách bỏ quên tại bến hoặc trên các tuyến xe đều được đưa đưa về phòng bảo vệ. 

Tại đây, lực lượng bảo vệ sẽ lập biên bản đồng thời kiểm tra nếu có số điện thoại sẽ liên hệ với người đánh mất. Tuy nhiên, có nhiều hành lý, túi xách không có số điện thoại nên không thể liên lạc lại với người bị mất. Tất cả tài sản đó được để trong tủ lưu giữ.

Khi được hỏi ai là người đã sáng tạo ra ý tưởng tốt đẹp này thì anh Bắc cho biết: “Hơn 5 năm trước, tôi xin vào làm bảo vệ ở Bến xe Nước Ngầm thì lúc đó đã thấy có tủ đồ lưu giữ này rồi. Tôi nghe mọi người kể với nhau đó chính là ý tưởng của giám đốc”. 

Bản thân anh Bắc cũng không nhớ mình đã trực tiếp trao trả bao nhiêu món đồ cho hành khách bỏ quên. Có những người khi tìm lại tài sản của mình đã bật khóc vì xúc động. Nhiều người nói, trong suy nghĩ của họ, bến tàu, bến xe chính là nơi nhộm nhoạm nhất. Tại đây, nạn trộm cắp cũng diễn ra nhiều nhất. Vậy mà, không thể tin được chính tại nơi này lại có một tủ đồ “lưu giữ những điều tử tế”.

Những món đồ thất lạc được sắp xếp rất khoa học.

Là người được phân công trông coi chiếc tủ, anh Bắc nhiều lần chứng kiến những món đồ có giá trị tiền mặt lên hàng chục triệu đồng. Anh Bắc nhớ lại: 

“Cách đây 2 năm, chúng tôi đã trao trả 23 triệu đồng cho hành khách để quên. Kiểm tra bên trong có nhiều giấy tờ tuỳ thân. Bằng nhiều cách, chúng tôi đã liên lạc và gọi điện thoại được cho họ. Khi nhận lại túi hành lý, họ đã rất cảm kích. Họ nói số tiền đó là chuỗi ngày dài tích cóp khi đi làm thuê và tưởng rằng đã mất. Thế nên khi tìm lại được, họ như trúng số độc đắc vậy”.

Một lần khác, có một sĩ quan Công an đã để quên chiếc túi xách, bên trong có rất nhiều giấy tờ quan trọng, gồm cả thẻ ngành Công an. “Khi đồng chí đó quay lại bến xe để tìm đồ, tôi thấy khuôn mặt của đồng chí đó thất thần, nói giọng đầy tuyệt vọng. 

Tôi bảo: “Anh cứ bình tĩnh” rồi dẫn đến tủ đồ lưu giữ. Nhìn thấy chiếc túi xách của mình trong tủ, anh ấy gần như hét lên: “Ôi, đồ của tôi kia rồi”. Và khi làm thủ tục bàn giao cho chủ nhân anh ấy cứ liên tục nói lời cảm ơn tới chúng tôi. Quả thật mỗi lần chứng kiến hành khách nhận lại được đồ, chúng tôi cũng vui lây” – anh Bắc chia sẻ.

2. Có những món đồ đã nằm trong chiếc tủ này ngay từ những ngày đầu tiên, cho tới gần đây mới có người đến nhận. Cơ duyên để họ nhận được đồ cũng thật tình cờ. Có những người mất đồ nhiều năm nên cũng không còn hy vọng gì nữa. 

Vậy mà bỗng một ngày đẹp trời, họ nhận được điện thoại của bạn bè hoặc người thân thông báo là đã nhìn thấy tài sản của họ ở trong tủ lưu giữ ở Bến xe Nước Ngầm. Và khi đến tận nơi thì họ thực sự đã bị “sốc” vì không thể tin nổi tài sản của mình bỏ quên đã nhiều năm qua vẫn có những người tử tế khác giữ hộ.

Anh Bắc không nhớ mình đã trao trả tài sản thất lạc cho bao nhiêu người.

Kể lại câu chuyện một hành khách tìm lại được chiếc túi xách sau nhiều năm thất lạc, anh Bắc vẫn không giấu được vẻ xúc động. Đó là một người phụ nữ trung tuổi, 2 năm trước bà bỏ quên chiếc túi xách trên một chiếc xe khách, mãi đến khi về nhà, bà mới phát hiện việc mình bỏ quên. 

Tuy nhiên với tâm lý để quên ở bến xe thì coi như là mất rồi nên bà cũng không quay lại tìm. Hơn 1 tháng trước khi đến Bến xe Nước Ngầm bắt xe khách vào thăm người em ruột ở miền Trung, bà ngỡ ngàng khi phát hiện chiếc túi xách của mình đang nằm trong chiếc tủ lưu giữ tài sản của khách bỏ quên. 

“Khi nhận lại được chiếc túi mất hơn 2 năm, bà ấy đã bật khóc. Bà ấy bảo trong đó chả có tài sản gì giá trị, chỉ có một cuốn album lưu giữ những hình ảnh gia đình từ lúc các con bà còn bé. Hồi đó không có điện thoại chụp ảnh như bây giờ, ảnh chụp đều phải rửa ra nên nếu mất là không bao giờ lấy lại được” – anh Bắc kể lại.

Anh cũng cho biết, khi nhận lại đồ, có nhiều người đã cảm ơn bằng tiền mặt, hiện vật nhưng các anh đều từ chối. Anh bảo: “Trước giờ, có nhiều người nhận lại đồ của mình thì mừng rỡ lắm, tài sản lớn nên họ vô cùng cảm kích. 

Họ cảm ơn xong hậu tạ nhưng chúng tôi thống nhất với nhau là không nhận đồng nào cả. Chúng tôi chỉ muốn trả lại cho hành khách thôi, họ gọi điện cảm ơn một câu là được rồi. Mình cũng thấy vui khi giúp được những người không may mắn như vậy”.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thái (một tài xế chạy tuyến Hà Tĩnh) cho biết, việc chiếc tủ đựng đồ thất lạc của hành khách tại bến xe là một ý tưởng hay và cần thiết để phần nào đó chia sẻ rủi ro đối với hành khách. 

“Tài xế chúng tôi biết đến chiếc tủ thất lạc này ở Bến xe Nước Ngầm từ lâu. Ban đầu mình cũng tò mò không biết họ để đó để chờ người ta đến chuộc lại đồ hay sao. Tuy nhiên khi được biết những món đồ thất lạc bên trong chiếc tủ nếu chủ nhân chứng minh được đúng đồ của mình thì được nhận lại miễn phí. 

Tôi thấy ý tưởng đó rất hay và ý nghĩa. Đã không ít hành khách đi xe để quên đồ, chúng tôi liền bảo liên lạc với ban quản lý bến xe biết đâu tìm lại được. Đã rất nhiều người tìm thấy những tài sản bỏ quên của mình từ đây” - anh Thái chia sẻ.

Giấy biên nhận đồ của hành khách.

Chị Lan Phương, 25 tuổi, quê Hưng Yên lần đầu tiên nhìn thấy tủ đồ này liền chụp ảnh lại và đăng lên mạng xã hội. Chị bảo, trước kia do bất cẩn, chị cũng từng làm mất giấy tờ tùy thân khi đi xe khách và không tìm lại được. 

“Mình đi nhiều bến xe rồi nhưng lần đầu tiên thấy ý tưởng độc đáo này. Mình chụp lại đăng lên trang cá nhân, biết đâu người mất lại tình cờ thấy được. Mình nghĩ các bến xe nên triển khai rộng rãi việc làm ý nghĩa này” – chị Phương hào hứng bày tỏ.

Giá như, “chiếc tủ lưu giữ sự tử tế” ấy được nhân rộng ở nhiều bến xe, nhiều nơi công cộng thì chắc có lẽ nó sẽ đem đến niềm hạnh phúc vô bờ cho rất nhiều người. 
Phong Anh
.
.
.