Châu Âu đón Giáng sinh trong lo lắng

Chủ Nhật, 20/12/2020, 20:00
Ngày 16-12, Đức bắt đầu áp đặt phong tỏa toàn phần sau cuộc họp trực tuyến cùng ngày giữa Thủ tướng Angela Merkel và Thủ hiến 16 bang của Đức bàn biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19. Trong khi đó, nhiều nước châu Âu cũng đã siết phong tỏa và đang xúc tiến tiêm chủng đại trà vaccine COVID-19. Châu Âu đang đón một Giáng sinh trong lo âu vì dịch bệnh…

Nước Đức bắt đầu đợt "đóng cửa" khó khăn nhất trong lịch sử

Đức là một trong những quốc gia châu Âu được đánh giá là thành công trong việc khống chế sự lây lan của dịch bệnh trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất, song tình hình hiện đã xấu đi nhanh chóng. Vì vậy theo quyết định phong tỏa toàn phần của Chính phủ Đức, từ ngày 16-12, tất cả các cửa hàng, ngoại trừ các cửa hàng bán thực phẩm phục vụ nhu cầu tối thiểu hằng ngày, đều sẽ bị đóng cửa bắt đầu từ ngày 16-12 cho tới ít nhất ngày 10-1-2021.

Quy định áp dụng ngoại lệ với các phiên chợ hằng tuần, với người tiếp thị, giao và nhận hàng, cửa hàng thực phẩm chuyên về sức khỏe y tế và hiệu thuốc. Quyết định này được cho sẽ tác động nhiều tới cuộc sống của người dân, đặc biệt trong dịp lễ Giáng sinh truyền thống và đón năm mới.

Đức áp đặt lệnh phong tỏa toàn phần từ ngày 16-12.

Trong thời gian phong tỏa, các nhà trẻ và trường học cũng sẽ đóng cửa hoặc chuyển sang học trực tuyến; việc đốt pháo và tụ tập đông người ở nơi công cộng trong đêm Giao thừa cũng bị cấm. Ngoài ra, việc uống rượu bia nơi công cộng cũng sẽ bị cấm và sẽ phạt nặng các trường hợp vi phạm. Trong những ngày lễ Giáng sinh từ 24-26/12, ngoài 5 người từ hai gia đình họ hàng thân thích (không tính trẻ dưới 14 tuổi) thì còn cho thêm 4 người là họ hàng thân thích có thể gặp mặt.

Người sử dụng lao động được khuyến khích cho phép nhân viên làm việc tại nhà. Chính phủ liên bang và các bang cũng nhất trí sẽ áp dụng các biện pháp bảo vệ đặc biệt với các nhà dưỡng lão, trong khi các nhà thờ, giáo đường Do Thái, thánh đường Hồi giáo cũng như các sự kiện tôn giáo chỉ được phép thực hiện các nghi lễ nếu có thể duy trì khoảng cách tối thiểu 1,5 m và đeo khẩu trang. Cấm hát đồng ca trong các cơ sở tôn giáo này.

Việc tuân thủ các biện pháp này sẽ được giám sát bởi cảnh sát và các cơ quan thực thi pháp luật địa phương. Ngay từ đầu năm, ở Đức đã đưa ra các mức phạt tiền về vi phạm các quy định vệ sinh dịch tễ, cũng như các quy định liên quan đến việc tụ tập đông người. Những mức phạt này được quy định ở cấp bang và thành phố trực thuộc Trung ương. Ví dụ, đi trên phương tiện giao thông công cộng ở Berlin mà không đeo khẩu trang sẽ bị phạt 50 euro.

Trước đó, vào tháng 11, Đức đã đóng cửa các cơ sở giải trí và văn hóa, cấm ăn uống trong nhà tại các nhà hàng. Những biện pháp trên đã góp phần hạn chế đà tăng nhanh chóng các ca nhiễm sau kỳ nghỉ học mùa thu, tuy nhiên số người nhiễm COVID-19 vẫn tiếp tục giữ ở mức cao. Thủ tướng Merkel nhiều lần kêu gọi áp đặt các biện pháp hạn chế cứng rắn nhằm phá vỡ chuỗi lây lan, song việc thực hiện phụ thuộc vào từng bang và một số bang vẫn e ngại.

Tuy nhiên, tâm lý đã thay đổi vào đầu tháng 12. Thêm vào đó, cơ quan kiểm soát dịch bệnh Đức còn cảnh báo xu hướng lây nhiễm đã có một bước chuyển biến đáng lo ngại khi số lượng bệnh nhân mới vẫn luôn ở mức cao; các cơ sở chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện đã chật cứng bệnh nhân và ở một số vùng hệ thống chăm sóc sức khỏe đều quá tải.

"Hôm nay không phải ngày để chúng ta nhìn lại... Hôm nay là ngày chúng ta phải làm những điều cần thiết", Thủ tướng Merkel nói, kêu gọi cả nước cần có hành động khẩn cấp. "Tình hình dịch bệnh đang vượt khỏi tầm kiểm soát", Thủ hiến bang Bavaria Markus Soeder cho hay, đồng thời hoan nghênh các biện pháp hạn chế cứng rắn hơn mà ông cam kết sẽ thực hiện ở bang của mình.

Ngày 14-12, trong một thông điệp gửi đến người dân được phát trên truyền hình, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier gọi các biện pháp được áp dụng là "triệt để". Người đứng đầu nhà nước nói thêm rằng "đời sống công và tư sẽ bị hạn chế nghiêm trọng hơn bao giờ hết trong lịch sử nước Đức". Mục tiêu của các biện pháp này là "giảm số người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 càng nhanh càng tốt, và sau đó "giữ cho nó ở mức thấp", ông Steinmeier nói.

Nhiều nước châu Âu siết chặt phong tỏa

Nhưng không chỉ Đức, nhiều nước châu Âu cũng đã phải mạnh tay hơn trong việc phòng chống dịch.

Để ngăn dịch COVID-19 lây lan, từ ngày 15-12, chính quyền Pháp ban hành lệnh giới nghiêm kéo dài từ 20h đến 6h sáng. Trong giờ giới nghiêm, mọi người phải ở trong nhà. Giới nghiêm không áp dụng vào đêm Giáng sinh 24-12 nhưng vẫn duy trì trong đêm giao thừa 31-12. Việc đi lại giữa nhà và nơi làm việc trong giờ giới nghiêm đối với người làm việc ban đêm đều được phép. Người phải đi lại vì lý do sức khỏe như đi bệnh viện, đến hiệu thuốc mua thuốc hoặc vì lý do gia đình cấp bách như chăm sóc con cái, giúp đỡ người dễ tổn thương đều được phép đi lại.

Người Pháp phải xuất trình giấy phép đi lại nếu đi trong giờ giới nghiêm.

Tất cả những người đi lại trong giờ giới nghiêm đều phải xuất trình giấy chứng nhận đi lại và giấy tờ chứng minh như vé tàu, vé máy bay, giấy chứng nhận của chủ lao động hoặc của trường học. Những người có liên quan có thể tải mẫu giấy chứng nhận đi lại trên trang web của Bộ Nội vụ, khai báo trực tuyến, sử dụng ứng dụng điện thoại TousAntiCovid hoặc khai báo trên bản giấy thông thường. Người vi phạm giờ giới nghiêm lần đầu sẽ bị phạt 135 euro (3,8 triệu đồng). Tiền phạt tăng lên 375 euro (10,5 triệu đồng) nếu thanh toán không đúng hạn ghi trên giấy phạt. Nếu tái phạm trong vòng 15 ngày, tiền phạt tăng lên từ 200 euro (5,6 triệu đồng) đến 450 euro (12,6 triệu đồng). Nếu vi phạm 3 lần trong vòng 30 ngày, tiền phạt lên mức 3.750 euro (105,3 triệu đồng) và có thể bị phạt tù 6 tháng.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng quyết định nước này bước vào đợt phong tỏa thứ hai vì COVID-19 từ ngày 15-12. Theo quy định, tất cả trường học và cửa hàng phải đóng cửa trong ít nhất 5 tuần. Lệnh phong tỏa lần thứ hai của Hà Lan bao gồm lệnh cấm tụ tập không quá hai người và người dân phải tự cách ly tại nhà. Riêng ba ngày gần lễ Giáng sinh, mỗi nhà được phép đón tiếp ba khách mời một lúc. Người dân cũng được khuyến cáo nên ở nhà, không đi làm và tránh tiếp xúc với người khác càng nhiều càng tốt. Siêu thị, ngân hàng và hiệu thuốc sẽ được phép mở cửa.

Chính phủ Cộng hòa Séc cũng thông báo tái lập giới nghiêm, và đóng cửa các nhà hàng, quán bar trong dịp Noel, cấm tụ tập quá 6 người cả ở trong nhà lẫn ngoài trời. Trong khi đó, Chính phủ Tây Ban Nha cũng đã ra quy định toàn quốc để ngăn chặn các kịch bản có thể khiến người dân tụ tập đông người. Tây Ban Nha cũng có quy định đóng cửa biên giới giữa các khu vực từ 23-12 tới 6-1-2021 để ngăn đi lại giữa các cộng đồng tự trị.

Tại Đan Mạch, lệnh phong tỏa một phần lúc đầu được áp dụng theo khu vực nay đã mở rộng toàn quốc từ ngày 15-12. Na Uy cũng đã thắt chặt quy định hiện hành trên toàn quốc để hạn chế tụ họp tại nhà riêng. Na Uy cho phép các gia đình mời không quá 5 khách tới nhà và sẽ được nâng lên không quá 10 người trong hai ngày dịp Giáng sinh. Các gia đình được tự do chọn hai ngày họ có thể đón tiếp 10 khách. Hướng dẫn phòng dịch cho Giáng sinh có hiệu lực từ 23-12 tới 1-1-2021. Những quy định này sẽ không được áp dụng ở thủ đô Oslo, nơi bị hạn chế nghiêm ngặt hơn do tỷ lệ lây nhiễm tăng so với cả nước. Thủ đô Oslo tiếp tục cấm tụ tập hơn 10 người suốt Giáng sinh.

Ngay cả Thụy Điển, quốc gia nổi tiếng với cách chống dịch COVID-19 “không giống ai” khi trong đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ nhất ở châu Âu, mặc dù các nước đều áp dụng giãn cách, phong tỏa thì Thụy Điển vẫn mở cửa nhà hàng, quán bar, trường học… thì giờ đây cũng đã siết chặt một số biện pháp chống dịch như hạn chế tụ tập và đóng cửa một số trường học.

Cho tới thời điểm này, để kiểm soát dịch bệnh, cùng với siết phong tỏa thì tiêm chủng vaccine cũng là giải pháp được nước châu Âu xúc tiến. Ngày 16-12, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch bắt đầu chương trình tiêm vaccine COVID-19 trong cùng một ngày. Phát biểu trong phiên họp của Nghị viện châu Âu (EP), bà Ursula von der Leyen cho rằng để khống chế được đại dịch, cần tới 70% dân số được tiêm phòng. Theo bà, đây là một nhiệm vụ lớn lao, do đó 27 nước thành cần khởi động chiến dịch tiêm phòng cùng nhau, bắt đầu vào cùng 1 ngày.

Hiện dư luận đang gây sức ép để EU phê chuẩn việc lưu hành vaccine phòng COVID-19, để bắt kịp Mỹ và Anh, đã tiến hành chiến dịch tiêm chủng cho người dân loại vaccine do hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) bào chế. Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) lên kế hoạch nhóm họp để thảo luận việc cấp phép cho vaccine của Pfizer/BioNTech vào ngày 21-12 tới, nhanh hơn 1 tuần so với dự kiến ban đầu.

Theo quy định, các nước EU có thể tự tiến hành chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân, song EC muốn các nước phối hợp cùng nhau để đảm bảo không nước nào bị bỏ lại phía sau. Bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh vaccine của Pfizer/BioNTech chỉ là 1 trong 6 loại vaccine tiềm năng mà EU đã ký hợp đồng. Theo bà, trong vòng 1 tuần tới, giới chức EU sẽ phê chuẩn việc lưu hành vaccine. EU đã mua lượng vaccine nhiều hơn số lượng người dân, và có thể hỗ trợ các nước láng giềng, cũng như các đối tác trên khắp thế giới, thông qua Cơ chế Tiếp cận vaccine phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX), để không ai bị bỏ lại phía sau.

Minh Trang (Tổng hợp)
.
.
.