Cây đổ trong sân trường, trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ Sáu, 29/05/2020, 15:52
Vụ cây phượng vĩ trong sân Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP Hồ Chí Minh bật gốc khiến một học sinh tử vong và nhiều em khác bị thương nặng, xảy ra vào sáng 26-5-2020 đặt ra vấn đề đảm bảo an toàn trường học. Trong đó, đáng lưu tâm về vấn đề cây xanh trong khuôn viên trường khi vào mùa mưa…


Tại nạn bất ngờ

Hình ảnh người mẹ Lý Thị Lệ Hồng (ngụ quận 3) cứ đăm đắm nhìn về chiếc giường bệnh ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP Hồ Chí Minh, nơi con trai đang nằm sau cửa kính và thầm cầu mong cho con trai tai qua nạn khỏi khiến những người có mặt lúc đó không khỏi bùi ngùi.

Chị Hồng cho biết vợ chồng chị chỉ có cháu Minh (SN 2008) là con trai duy nhất. Khi nghe báo tin có vụ đổ cây ở trường và nhiều học sinh bị thương tích nặng khiến chị hốt hoảng và lo sợ chạy vào trường. Biết tình trạng của con trai bị kết luận gãy xương cẳng tay phải, chấn thương cột sống... vợ chồng chị xót xa, đau đớn vô cùng.

Theo BS.CKII Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP Hồ Chí Minh, nạn nhân bị tụ máu mô mềm dưới da vùng ngang thắt lưng kích thước 78x50mm, trật khớp cùng chậu trái, vỡ xương cánh chậu trái. Bốn bệnh nhi còn lại cũng đang được theo dõi tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 gồm N.N.T.T. (nữ, 12 tuổi), B.A.V. (nữ, 12 tuổi), T.T.M. (nam, 14 tuổi) và N.P.T. (nam, 14 tuổi) đã tỉnh táo, được khám và điều trị ngoại trú.

Hình ảnh cây phượng vĩ mục ruỗng trong thân và bật gốc đổ trong sân trường.

Riêng trường hợp cháu N.T.K tử vong do cây phượng đổ đè lên. Với tâm trạng đau xót, ông Nguyễn Di Trung, cha của em N.T.K., kể lại, mỗi sáng từ 6h đến 6h45, ông Trung chở con mình đi học. Hôm đó, nghe con nói thích ăn mì xào bò nên ông mua cho con một hộp để mang đến trường ăn. Nhưng chỉ ít lâu sau, ông Trung bỗng dưng nhận được cuộc điện thoại của cô giáo chủ nhiệm thông báo K. bị tai nạn… Nháo nhào chạy đến Bệnh viện An Sinh (quận Phú Nhuận), người cha như chết đứng khi biết con mình đã không qua khỏi. Ông Trung cố kìm nước mắt: "Vừa mới chở con đi học mà chỉ ít phút sau đã mất con, chẳng có nỗi đau nào hơn thế. Dù rất đau đớn, nhưng tôi vẫn phải cố bình tĩnh để lo mọi việc vì vợ tôi chỉ mới sinh con chưa được 3 ngày…".

Sau khi tiến hành các thủ tục theo quy định, K. được đưa về căn nhà nhỏ nằm cuối hẻm Trần Quang Diệu để lo hậu sự. Người mẹ của K. chỉ vừa sinh con được 3 ngày, vẫn đang nằm trong bệnh viện. Chị được đưa về nhà bằng băng ca, phải có bác sĩ, y tá đi theo chăm sóc và thường xuyên ngất xỉu trong đám tang của con mình.

Theo tìm hiểu thì hoàn cảnh gia đình em K. khá khó khăn. Ông Trung công việc không ổn định, mẹ em K. ở nhà nội trợ lại vừa sinh em bé, gia đình thuộc hộ cận nghèo…

Cần kiểm tra, phòng ngừa tai họa 

Chio tới lúc này, câu hỏi được dư luận đặt ra là ai phải trách nhiệm chính sau sự việc xảy ra? Đại diện Công an quận 3 cho biết đã phối hợp với các đơn vị khác của Công an TP Hồ Chí Minh để khám nghiệm hiện trường, đang điều tra xác minh nguyên nhân sự cố cây gãy đổ.

Ông Nguyễn Vạn Phúc, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng cho biết, cây phượng bị đổ sáng 26-5 được trồng từ năm 1996. Hàng năm, nhà trường thường xuyên thuê công ty cây xanh thực hiện công tác chăm sóc, thay đất, kiểm tra những cây không an toàn. Trong thời gian học sinh nghỉ học vì dịch COVID-19, trường cũng cho thực hiện việc cắt tỉa các cành cây để giảm nguy cơ khi dông lốc. Thế nhưng, sự việc xảy ra sáng 26-5 khiến cho trường bất ngờ.

Nói về trách nhiệm sau khi sự cố xảy ra, ông Phúc cho biết: Sự cố đáng tiếc xảy ra nhà trường không mong muốn, là hiệu trưởng ông chịu trách nhiệm chính.

Trong khi đó, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, hằng năm Sở đều có công văn yêu cầu các trường rà soát an toàn trong trường học bao gồm cả yếu tố cây xanh trước khi bắt đầu năm học mới và trước mùa mưa bão. Sau sự việc lần này, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại toàn bộ cây xanh, đặc biệt là cây cổ thụ trong khuôn viên của hơn 2.000 trường học trên địa bàn.

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, cây phượng là loại cây nằm trong danh mục hạn chế trong khu vực đô thị, nhất là những cây phượng có đường kính trên 30cm. Thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo Phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật kiểm tra toàn bộ hệ thống cây xanh tại tất cả các quận, huyện, cơ quan công sở, trường học. Tuy nhiên, đại diện Sở Xây dựng khẳng định cây xanh trong trường không thuộc trách nhiệm quản lý của đơn vị này.

Có thể thấy, qua vụ việc này, vấn đề quản lý cây xanh trong trường học là chưa rõ ràng. Khi được các phóng viên hỏi đến vấn đề trách nhiệm, thì Sở Giáo dục Đào tạo cho rằng trách nhiệm quản lý chuyên môn, thẩm định đánh giá chất lượng cây xanh thuộc về Công ty công viên cây xanh, Sở Xây dựng. Trong khi đó, Sở Xây dựng lại khẳng định cây trồng trong các công sở, trong đó có trường học, phải do các công sở quản lý. Và thực tế Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng dù đã nhận trách nhiệm, nhưng trên thực tế, hiệu trưởng các trường không dễ gì đánh giá vấn đề an toàn của cây xanh, nhất là cây xanh lâu năm và lại cũng không có thẩm quyền chặt bỏ cây trong khuôn viên…

Phú Lữ - Nam Phạm
.
.
.