Cầu Vàm Cống đi vào hoạt động: Tài xế bức xúc vì “mất tiền oan”

Thứ Sáu, 24/05/2019, 16:00
Những ngày qua, nhiều tài xế bức xúc với việc thu phí của Trạm T2 (dự án BOT 91) đối với các phương tiện từ Long Xuyên theo cung đường từ quốc lộ 91 đến ngã ba Lộ Tẻ ra quốc lộ 80 đi Kiên Giang hoặc rẽ lên cầu Vàm Cống sang Đồng Tháp hoặc đi TP HCM. Theo các tài xế, họ chỉ sử dụng đoạn đường rất ngắn trên quốc lộ 91, nhưng phải đóng tiền cho toàn tuyến nâng cấp là không hợp lý.


Trạm T2 "rào chắn" cửa ngõ Long Xuyên

Anh Ngô Hiếu (tài xế ngụ TP Long Xuyên, An Giang) cho rằng, vị trí đặt Trạm T2 hiện nay giống như “rào chắn” các phương tiện từ Long Xuyên đi Kiên Giang hoặc từ Long Xuyên đi Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh và ngược lại.

Hiện nay, phà Vàm Cống vẫn còn hoạt động. Nếu từ Long Xuyên qua phà sang Đồng Tháp trong điều kiện bình thường chỉ mất khoảng 30 phút, với giá vé ôtô loại 7 chỗ tốn phí 25.000 đồng. Tài xế chọn cung đường khác hiện nay là cầu Vàm Cống đã hoạt động, thuận lợi hơn vì không phải “luỵ phà” nhưng phải di chuyển xa hơn khoảng 10 km.

Tài xế “khoá làn thu phí” Trạm T2 và không mua vé để phản ứng vào ngày 21-5. 

“Dù chặng đường phải di chuyển xa nhưng tài xế rất vui, vì cầu khánh thành đưa vào hoạt động là điều mà người dân miền Tây mong muốn. Hiện nay muốn đi từ Long Xuyên lên cầu Vàm Cống sang Đồng Tháp, tài xế phải mua vé qua Trạm T2 mất 35.000 đồng cho ôtô 7 chỗ rất khó chấp nhận, trong khi cầu Vàm Cống được sử dụng hoàn toàn miễn phí”, anh Ngô Hiếu nói.

Ông Huỳnh Ngọc Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Thiên (TP Cần Thơ) cho biết: do tính chất công việc, anh thường xuyên di chuyển từ Cần Thơ đi Long Xuyên (An Giang). Trên tuyến quốc lộ có hai trạm thu phí là Trạm T1 thu phí cho tuyến đường nâng cấp quốc lộ 91 và Trạm T2 thu phí cho tuyến đường nâng cấp quốc lộ 91B. Phương tiện mua vé tại Trạm T1 và sử dụng chính vé này qua Trạm T2.

Còn vòng về, phương tiện mua vé tại Trạm T2 và cũng sử dụng qua Trạm T1. “Phương tiện đi từ Cần Thơ đến Long Xuyên và trả phí cho toàn tuyến là điều hợp lý, vì có Trạm T1 và Trạm T2 nhưng tài chỉ mua vé 1 lần và sử dụng cho cả hai trạm”, ông Huỳnh Ngọc Minh Tuấn nói. Còn phương tiện từ Long Xuyên chỉ sử dụng đoạn đường ngắn qua Trạm T2 đến ngã ba Lộ Tẻ để vào quốc lộ 80 đi Kiên Giang hoặc vòng lên cầu Vàm Cống mà phải mua vé cho toàn tuyến là điều bất hợp lý.

Tài xế phản ứng đòi quyền lợi chính đáng trong trường hợp này là đúng nhưng cần bình tĩnh, chờ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giải quyết, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động gây mất an ninh trật tự hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác.

Anh Phạm Khánh (ngụ TP Long Xuyên) cũng kiến nghị, tuyến quốc lộ 91 được nâng cấp khoảng 50km và mục đích Trạm T1 và T2 là thu phí cho đoạn đường đã được nâng cấp. Tuy nhiên, các phương tiện từ Long Xuyên đi Kiên Giang và qua cầu Vàm Cống chỉ sử dụng chưa đến 300m nhưng làm sao họ phải trả luôn phí cho toàn tuyến.

“Nếu được, tài xế sử dụng 300m đường nâng cấp quốc lộ 91, cứ cho là 1km cũng được. Với giá vé ôtô 7 chỗ hiện nay là 35.000 đồng/lượt thì tài xế có thể trả số tiền phí tương ứng với chặng đường mình sử dụng được không?”, anh Khánh nói dí dỏm.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải An Giang cho biết: Ngày 22-5, Hiệp hội đã gửi văn bản kiến nghị đến Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng, đối với việc thu phí của Trạm T2 nằm trên quốc lộ 91 thuộc quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ).

Các phương tiện qua quốc lộ 91 tại khu vực Trạm T2 ùn ứ vì tài xế phản ứng.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân cho biết, ngay từ khi Trạm T2 chuẩn bị xây dựng cho đến nay, Hiệp hội hơn 15 lần gửi văn bản kiến nghị vì vị trí đặt trạm bất hợp lý nhưng không được giải quyết. Bộ GTVT chỉ yêu cầu miễn, giảm nên thời điểm đó Hiệp hội cho rằng đây là giải pháp tình thế, vì lượng phương tiện của An Giang lưu thông cung đường này chưa nhiều nên tạm chấp nhận.

Còn nay cầu Vàm Cống đã khánh thành và đưa vào hoạt động, mang lại lợi ích phát triển kinh tế cho các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, phương tiện của tỉnh An Giang bị ảnh hưởng hầu như toàn diện vì lượng phương tiện qua cầu Vàm Cống đi TP Hồ Chí Minh rất lớn, gây thiệt hại tài chính cho doanh nghiệp vì phải mua vé qua Trạm T2, trong khi cầu Vàm Cống hoàn toàn miễn phí.

Theo Hiệp hội Vận tải An Giang, có 7.556 phương tiện được giải quyết miễn giảm, trong đó 434 phương tiện miễn phí 100% là tuyến cố định, xe buýt đóng trên địa bàn Lộ Tẻ và ven khu vực trạm. Còn lại 7122 phương tiện phải đóng phí 50% và rất nhiều phương tiện khác chưa được giải quyết vì Trạm T2 nằm trên tuyến đường độc đạo từ Long Xuyên vòng qua quốc lộ 80 đi Kiên Giang và nay là lên xuống cầu Vàm Cống.

Phương án nào cho Trạm T2?

Theo lãnh đạo Sở GTVT tỉnh An Giang, việc đặt trạm BOT T2 hiện tại “ai cũng thấy bất hợp lý”. Tỉnh ủy, UBND An Giang đã làm việc với Bộ GTVT nhiều lần nhưng chưa có kết quả.

Theo văn bản truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hồi đầu năm 2018 về việc di dời Trạm Thu giá sử dụng đường bộ T2 nằm trên quốc lộ 91: Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương có liên quan kiểm tra, đánh giá để có phương án đặt trạm phù hợp nhất trước khi khánh thành cầu Vàm Cống.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải An Giang nêu bức xúc rằng, cầu Vàm Cống được xây mới từ nguồn vốn ODA và hoàn toàn miễn phí, còn Trạm T2 chỉ nâng cấp và mở rộng quốc lộ 91 nhưng thu 50% phí đối với các phương tiện chỉ sử dụng đoạn đường rất ngắn là bất hợp lý. Ngoài trực tiếp gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chủ phương tiện và người lái xe, Trạm T2 như “nút thắt” gây cản trở kinh tế An Giang về vấn đề thu hút đầu tư.

Ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng bởi cầu Vàm Cống đã thông xe, du khách về An Giang thuận lợi nhưng doanh nghiệp lữ hành tốn phí qua Trạm T2. “Vị trí đặt Trạm T2 hiện nay, chủ đầu tư không chỉ thu tiền của phương tiện lưu thông tuyến Long Xuyên – Cần Thơ, mà có thể nói là thu toàn bộ phương tiện của An Giang đi Kiên Giang hoặc TP Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Ngọc Xuân bức xúc.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải An Giang nêu kiến nghị và đưa ra 3 phương án. Thứ nhất, Trạm T2 là thu phí theo tỷ lệ cự ly tham gia 1/40 theo mức phí Tổng cục đường bộ quy định. Thứ hai, dành hẳn 2 làn miễn phí cho phương tiện đi và về Long Xuyên - Kiên Giang. Còn phương án thứ 3, di dời Trạm T2 vì đặt sai vị trí, thời gian di dời phải được xác định cụ thể và có đề án đặt lại trạm phù hợp.

Vị trí đặt Trạm T2, trên quốc lộ 91. Đồ hoạ: Thanh Huyền.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết: Vấn đề Trạm T2, Bộ đã nắm và lường trước được từ trước khi thông xe cầu Vàm Cống. Bộ GTVT đang xem xét các giải pháp giải quyết rốt ráo.

Tại buổi khánh thành cầu Vàm Cống ngày ngày 19-5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, nhấn mạnh cầu Vàm Cống có vai trò đấu nối các tỉnh miền Tây với TP Hồ Chí Minh. Việc lưu thông hàng hóa sẽ được rút ngắn lại, đồng thời giảm tải cho tuyến quốc lộ 1 thường xuyên quá tải vào các dịp lễ, tết. “Kể từ nay, người dân không còn phải mua vé qua phà Vàm Cống như trước đây, mà thay vào đó qua cầu miễn phí và tiết kiệm rất nhiều thời gian.

Cầu Vàm Cống đi vào hoạt động sẽ giúp đời sống kinh tế của người dân các địa phương được nâng lên đáng kể”, Bộ trưởng Bộ GTVT nói. Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ triển khai các dự án để khai thác hiệu quả cầu Vàm Cống, điển hình là làm tuyến tránh TP Long Xuyên và nhiều dự án khác.

Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 và 91B theo hình thức BOT với vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng.Dự án có hai trạm thu phí gồm Trạm T1 đặt tại quận Ô Môn và Trạm T2 tại quận Thốt Nốt - giáp ranh tỉnh An Giang, với thời gian thu phí hơn 23 năm. Tài xế sử dụng tuyến đường quốc lộ 91 và 91B, từ Cần Thơ đi An Giang, nếu mua vé tại Trạm T1 thì sử dụng chính vé này qua Trạm T2 và ngược lại, mua vé Trạm T2 và sử dụng luôn cho Trạm T1. Hai trạm này hoạt động vào năm 2016, với mức thu phí từ 35.000 đồng đến 200.000 đồng/lượt phương tiện. Ngay sau khi hoạt động, Trạm T2 liên tục bị tài xế phản ứng vì cho rằng vị trí đặt trạm không phù hợp. Bởi, tài xế chỉ sử dụng đoạn đường ngắn trên quốc lộ 91 ra quốc lộ 30 nhưng phải trả tiền cho toàn tuyến.

Trạm T2 nằm ở cuối quốc lộ 91 ngay sát nút giao của quốc lộ 80 (ngã ba Lộ Tẻ) từ Kiên Giang lên. Phương tiện từ quốc lộ 80 đi vào Long Xuyên (An Giang) bắt buộc phải qua Trạm T2 và mua vé dù chỉ sử dụng một đoạn ngắn. Ở chiều ngược lại, phương tiện từ TP Hồ Chí Minh qua phà Vàm Cống (bây giờ qua cầu Vàm Cống) hoặc phương tiện ở An Giang muốn ra quốc lộ 80 đến Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), Rạch Giá (Kiên Giang) cũng phải mua vé cho toàn tuyến đường nâng cấp. 

Như Anh
.
.
.